Tắm tiên

Thả mình vào chốn bồng lai
tưởng đâu tiên giới ở ngoài hành tinh
nào ngờ ngay ở xứ mình
tắm tiên tiên tắm hữu tình mênh mang .

Một chiều giữa vụ hè sang
mấy cô thôn nữ xốn xang trong lòng
mang khăn đội áo ra đồng
lội ùm xuống khúc sông trong đang chờ .

Xiêm y để cả trên bờ
tấm thân bì bạch ngẩn ngơ bao người
hoa thơm bướm lượn giữa trời
tao nhân mặc khách quên vời ngựa xe .

Dùng dằng thôi chẳng muốn về
giam đôi mắt ngọc bên lề thiên nhiên
mấy nàng đẹp khác gì tiên
giữ hồn ai lại ở miền quê xa...

Giỗ Bố

Thắp hương đã mấy chục lần
nhớ ngày giỗ Bố tần ngần trong con
ảnh thờ vẫn nét vàng son
tiếng Người đã khuất nay còn nữa đâu !

Thấy con dao sắc bên rào
giật mình: lại nhớ năm nao Bố dùng !
chặt cây bổ củi vót cung
đun nồi bánh tét nấu chung giao thừa .

Khói hương quấn quýt xa đưa
như hình ảnh Bố sớm trưa vào nhà
chập chùng từ lúc ê a
đến nay con đã bảy ba tuổi tròn .

Lời thề giữ trọn lòng son
quý thương Bố Mẹ trong con tháng ngày
Bố đi từ bấy đến rày
con nuôi dạy cháu đến nay trưởng thành .

Nhớ ơn Tiên Tổ của mình
như dòng suối nhỏ, mát dành đời sau
trọn đời ghi tạc ơn sâu
hôm nay uống nước giữ câu nhớ nguồn...





Lần đầu đến Hội Nhà Văn


                        ( Ghi chép của Nguyễn Quang Huệ)

      
       Tôi đứng ngắm cái cổng chính vào trụ sở Hội một hồi lâu mới mạnh dạn dắt xe qua thường trực. Chẳng phải tôi e ngại điều gì mà đơn giản chỉ để kiểm chứng lại những gì tôi tưởng tượng trước đó. Từ ngày tôi bắt đầu ti toe viết lách, đã nghĩ có ngày mình sẽ đến đây, nhưng đến để làm gì thì chưa rõ.     
       Cổng chính rộng mở như mời gọi ai có việc cứ vào tự nhiên.
      
       Bác thường trực tận tình chỉ dẫn vị trí phòng tôi cần tìm và cũng chẳng khó khăn gì, qua một tầng thang, tôi đã đứng trước cửa. Gõ nhẹ ba tiếng, tôi chẳng thấy động tĩnh gì, đến lần gõ thứ hai mạnh tay hơn tý chút, đã nghe  bước chân nhẹ nhàng mỗi lúc cứ lớn dần. Cửa bật mở, một cán bộ người tầm thước, khoảng trên năm mươi, mắt đen to, sáng long lanh, mái tóc  phủ kín tai và gáy, da không đen, không trắng. Tôi chưa bao giờ gặp ông. Nhưng tôi đã đoán ra ông vì thường xuyên đọc tác phẩm và xem hình ảnh ông trên TV và các ảnh minh họa của các bài viết liên quan tới ông. Ông là nhà văn, nhà thơ  Nguyễn Quang Thiều, Phó Chủ Tịch Hội Nhà Văn Việt Nam.
Sau khi mời tôi ngồi vào ghế, ông nhẹ nhàng hỏi :
-         Bác có việc gì phải không ạ ? 
-         Vâng, tôi có chút việc, ít thôi, là đến nộp tác phẩm dự thi ấy mà.
Vẫn giọng nói thân tình và ấm áp: Mời bác đợi tý chút, có chị Hoàng Tuyên về sẽ nhận cho bác, mời bác uống nước đã. Nói rồi ông cầm ấm, pha chè, rót nước mời tôi. Bác cứ ngồi đợi nhé, rồi đi vào phòng trong tiếp tục làm viêc. Sau quãng vài phút, nghe chừng chủ nhà sốt ruột hơn khách, ông lại ra và nói: tôi sẽ tìm chị ấy về gặp bác. May mắn chị Hoàng Tuyên về, ông chào tôi, bắt tay tạm biệt .
       Tôi thầm nghĩ cán bộ nào cũng lịch sự và tận tâm với dân như vậy thì hay biết mấy. Tiếc thay số ngược lại không phải ít !
       Tôi chào chị Hoàng Tuyên và nói về việc đến nộp tác phẩn. Cầm trên tay hai cuốn sách, chị khen in đẹp, chắc tốn tiền lắm đây. Chị cho biết thơ  về mảng thiếu nhi những năm qua có ít tác giả quan tâm . Bây giờ được anh sáng tác là quý lắm. Như kiểm chứng lại những gì in trong bìa trang hai và ba chị hỏi tên tuổi, quê quán, chỗ ở hiện nay của tôi. Mọi sự trả lời đều chuẩn. Sở dĩ chị hỏi kỹ thế vì có tác phẩm dự thi năm ngoái, khi được giải bằng khen, chắc tác giả nghĩ không xứng tầm nên không nhận và trả lại. Sau đó chỉ trích ban giám khảo  và Hội, nói rằng bản thân không nộp và do ai đó đưa tới. Câu chuyện lình xình, gay gắt một thời gian. Cuối cùng không những Hội mất điểm và tác giả cũng mất nhiều điểm trong mắt người đọc. Thật đáng tiếc! Tôi cũng nghĩ các nhà văn, nhà thơ đã thành danh, chẳng cần tham gia các cuộc thi này làm gì. Làm phận học trò cho thầy chấm bài thì còn  thú vị gì nữa ! Càng không nên cố sưu tầm số lượng giải thưởng vì đã thành nhà văn tên tuổi là giải lớn nhất của mình còn gi?
        Năm nay Hội quy định tác giả phải tự tay đưa tác phẩm đến hoặc gửi qua bưu điện tới mới coi là hợp lệ. Đúng, mỗi ngày quy định một chặt chẽ vậy, cũng không thừa.
        Phòng lại có khách, một nữ nhà văn đến cũng có việc như tôi. Chúng tôi trao đổi với nhau về tình hình sáng tác hiện nay và việc phát hành sách xuất bản. Nói chung là khó khăn vì hiện nay báo mạng nhiều, chỉ cần vài cái nhấp chuột muốn đọc gì cũng có thì báo giấy, sách in tiêu thụ ít là đúng rồi. Tác phẩm sáng tác của tôi cũng đưa lên mạng, vừa nhanh chóng vừa có thể sửa chữa, bổ sung cho hoàn hảo hơn. Đúng là một trăm cái tiện.
       Tôi ký tặng hai chị tập thơ của mình. Cả hai đều mừng và yêu cầu tôi viết đích danh tên các cháu nội ở nhà. Cháu Đậu Đậu và cháu Lê Hoàng Anh, ghi rõ tên tác giả, địa điểm và ngày tặng sách. Các cháu rất thích những dòng ghi này, chị Hoàng Tuyên tâm sự.
      Chào tạm biệt các chị và gửi lời cám ơn nhà văn Nguyễn Quang Thiều, tôi ra về trong niềm vui khó tả.


Địa chỉ liên hệ:
Nguyễn Quang Huệ
ĐT :  01255745587
Email : quanghueatk@gmail.com

Ôi chim tu hú

( Thơ thiếu nhi )

Tháng tư trời nóng giao mùa
nghe tu hú gọi ai đưa vải về ?
len vào ngõ thị làng quê
đem về ngon ngọt say mê bao người .

Vải thơm đổi lấy nụ cười
quả tròn óng đỏ cho môi thêm hồng
qua cơn gió bấc lạnh lùng
nắng oi giặt áo cho ông cho bà
cho khô rơm rạ quê nhà
trâu bò bận rộn giúp ta cày bừa .

Vải làm chín cả nắng trưa
rủ ve đánh nhịp gọi mùa hè sang...

Tết nghèo

Tết này đã đến ngoài hiên
Phải lo trăm thứ, hỏi tiền ở đâu?
Người ta mua sắm tranh nhau
Còn mình ngó trước nhìn sau mà buồn !
Lần tìm đáy túi trống trơn ?
Sao mình chẳng có nhẫn con một lần*

Lương còm chưa đủ lo thân
Con mong, chồng đợi mỗi lần nhắn tin  :
- Mẹ gửi con mấy chục nghìn
Nộp cho cô giáo học tin tháng này...

Bữa cơm chưa hẳn đủ đầy
Nhưng còn chịu được ngày ngày cũng qua
Mấy ngày nữa đến tết ta
Tiền đâu mừng tuổi ông bà nữa đây ?
Áo quần con đã đến ngày
Phải mua bộ mới hôm nay đây mà...

Ôi chao bao thứ nghĩ ra
Việc gì cũng hỏi tiền à : ở đâu ?...   

* Nhẫn vàng

lăng mộ đá toyota thanh hóa