Đọc bài bình của Huỳnh Xuân Sơn

Thưa bạn đọc.
Huỳnh Xuân Sơn là tác giả của nhiều bài cảm nhận về thơ. Chị là người rất quen biết trên Thi Đàn VN và bây giờ là trên Facebook. Ngòi bút sắc sảo, có chiều sâu này đã làm bao bài thơ trở nên hấp dẫn, đó chính là công lao của chị.
   Tôi xin trích đăng một trong nhiều bài như vậy "Cảm nhận về MẢNH ĐỜI THỪA" của nhà thơ Phạm Hoàng Tuyên mà chị đã viết gần đây. Tôi xin phép tác giả về việc đăng tải này. Bài viết như sau:


MẢNH ĐỜI THỪA
Ba nó mất khi nó vừa lên sáu
Mẹ nó ngầm thương tiếc tuổi xuân trôi
Sợ nhạt màu má thắm với son môi
Nên lặng lẽ bên đời - thêm bước nữa
Nó ngây thơ nào có đâu chọn lựa
Khi đắng cay người lớn đã ban dành
Ngày qua ngày trong chiếc áo mong manh
Về với Nội cả hai cùng nương tựa
Nó phụ bà đi hái rau mót lúa
Nhặt ve chai tìm manh áo chén cơm
Đời âm thầm rồi cho đến một hôm
Bà thấy Nó dắt về thêm đứa bé
Đến bên bà nó buông lời thỏ thẻ
- Cháu còn có bà, chứ nó chẳng còn ai!
    
                     (Phạm Hoàng Tuyên)

Mười bốn câu thơ tự do, với những ngôn từ đơn giản, được trau chuốt kỹ lưỡng, trước khi sắp xếp.Nhằm chuyển tải những ý thơ như những gam màu xám, được tác giả vẽ đậy trên nền bức hoạ màu xanh ngăn ngắt tình người.Níu kéo tâm tư người đọc chùng xuống theo sức nặng của hồn thơ.
Người vẽ - tác giả Phạm Hoàng Tuyên- đã cố tình để lộ một phần phông nền màu xanh hy vọng, không thể phai mờ theo năm tháng ấy. Nếu ai để ý sẽ bắt gặp và người viết đã là một người trong số ấy...
Mảnh Đời Thừa! với câu thơ mở đầu đã giật phăng bức mành chắn cho bạn đọc nhìn trực diện vào Nó:
Ba nó mất khi nó vừa lên sáu
Ca dao ông bà ta để lại có câu:
Mồ côi Cha ăn cơm với cá,
Mồ côi Mẹ lót lá mà nằm! (Ca dao)
Với hai câu này thì người mẹ lại là người quan trọng chứ chưa phải là người cha ...Nó không may mất cha nhưng còn mẹ.Hy vọng vừa kịp loé sáng khi câu ca dao ấy xuất hiện, Lại vụt tắt trong tích tắc vì
Mẹ nó ngầm thương tiếc tuổi xuân trôi
Sợ nhạt màu má thắm với son môi
Nên lặng lẽ bên đời - thêm bước nữa!
Nó ngây thơ nào có đâu chọn lựa
Khi đắng cay người lớn đã ban dành
Ngày qua ngày trong chiếc áo mong manh
Về với Nội cả hai cùng nương tựa
Bảy câu thơ không có một từ nào khó hiểu, như chính những nét vẽ mà tác giả Phạm Hoàng Tuyên phác hoạ. Nó lên sáu tuổi, cha nó mất, Có lẽ chưa kịp có em chứ Nó không có anh chị, Vậy suy ra mẹ nó còn trẻ. Phụ nữ Á Đông vẫn được răn dạy theo "tam tòng tứ đức" nhưng thời hiện đại hôm nay mà đòi hỏi một thiếu phụ trẻ phải "ở vậy" thờ chồng nuôi con thì thật khó. Có lẽ vì mẹ Nó còn "má thắm" và đang thì "Xuân trôi" nên: Mẹ Nó đi "Thêm bước nữa"! Nó có lẽ chưa biết hát, hoặc giả mẹ nó chưa kịp ru nó ngủ hay dạy nó hát câu:
Trời mưa bong bóng phập phồng
Mẹ đi lấy chồng con ở với ai? (ca dao)
Nên Nó "nào có đâu chọn lựa" khi mà "người lớn đã ban dành". Hai chữ ban và dành mới chua xót làm sao? Ban tặng, hay dành tặng cho cuộc đời của Nó "Những cay đắng"! Hoặc giả ông trời đã định đoạt rồi ban tặng, dành tặng cho Nó phải sống cảnh "ngày qua ngày trong chiếc áo mong manh".Thiếu thốn về vật chất, lại thêm "mồ côi cha" mà chẳng được "ăn cơm cá". Không biết trong sáu năm may mắn cuộc đời nó còn đủ cha mẹ ấy, Nó có được ngày nào "Còn Cha gót đỏ như son..."(ca dao) hay không?Nhưng giờ thì sau khi "Cha mất" thì ".. gót con đen sì!(Ca dao) đã thấp thoáng trên dấu chân non nớt của nó rồi.
Tới đây dẫu tác giả không! hoặc giả không nỡ để mình là người đàn ông và để một đứa trẻ mới sáu tuổi lên án người mẹ. Nhưng người viết là mẹ của hai đứa con đã chớm trưởng thành thì bức xúc vô cùng và muốn gửi cho người mẹ ấy mấy câu ca dao sau
Mẹ ơi, mẹ bạc hơn gà
Con chưa lẻ mẹ, mẹ đà lẻ con!
Mẹ ơi, trái bí còn non
Cầm dao mẹ cắt ruột con sao đành!(Ca dao)
Xin bạn đọc cùng lắng lòng để trở lại và đi tiếp cùng với tác giả Phạm Hoàng Tuyên
Nó phụ bà đi hái rau mót lúa
Nhặt ve chai tìm manh áo chén cơm
Có câu "Sểnh cha còn chú, Sểnh mẹ bú dì" Nó không được may mắn như thế Nó về ở với Bà Nội. Hai câu thơ đã vẽ xong cảnh nhà đơn chiếc và khó khăn, hai bà cháu rau cháo qua ngày nhờ vào sức lao động của một đứa bé sáu tuổi, cùng bà nội của Nó có lẽ đã không còn nhiều sức khoẻ nữa, nên mới phải "hái rau, mót lúa, nhặt ve chai.."
Tới đây người viết bỗng phảng phất nỗi lo "Con hư tại mẹ cháu hư tại bà" bởi Cha của Nó cũng là con trai của bà nội nó đã không còn...Mọi yêu thương hoặc giả nuông chiều ( nếu có) bà sẽ giành hết cho đứa cháu côi cút là Nó.
Nhưng điều gì và chuyện gì cũng đều có ngoại lệ.
Điều ngoại lệ ấy khiến cho người đọc vỡ oà niềm vui, niềm hạnh phúc, không chỉ cho Nó, cho bà nội Nó, cho tác giả và có lẽ là cho cả người mẹ sinh ra nó, cũng như vong linh bố Nó...
Bài thơ đã lan toả niềm vui ấy sang người viết và có lẽ không ít bạn đọc nữa:
Đời âm thầm rồi cho đến một hôm
Bà thấy nó dắt về thêm đứa bé
Đến bên bà nó buông lời thỏ thẻ
- Cháu còn có bà, chứ nó chẳng còn ai!
Bôn câu thơ cuối là niềm tin ở thê hệ trẻ ngày mai, là hy vọng vào lòng nhân ái của con người. "Lá lành đùm lá rách". Nó còn quá nhỏ để hiểu về nhân tình thế thái, để hiểu về tình đời nhiều lúc "bạc trắng như vôi", Nó có lẽ cũng chưa thể lường trước về việc nuôi thêm một đứa trẻ cùng với Nó, dẫu chỉ "rau cháo" có là quá sức với bà nội của Nó hay không? Nó chỉ biết "thỏ thẻ" với bà rằng "Cháu còn có bà nó chẳng có ai". Có nghĩa tự đáy lòng nó đã biết nhận thức Nó mất cha, mẹ đi bước nữa, nhưng may mắn còn có bà. Một mảnh đời thừa khác mà nó gọi là Nó xuất hiện,còn kém may mắn hơn, vì "chẳng còn ai" Hai chữ còn trong một câu thơ cũng là câu nói xuất phát từ bản tính thiện của Nó khiến cho ngưọc đọc có quyến hy vọng vào một ngày mai tươi sáng của nó.
Trong xã hội hôm nay, nhìn quanh không thiếu những cô bé, cậu bé có đủ cha, đủ mẹ, lại được sống trong thừa thãi vật chất nhưng có một tâm hồn méo mó...Để rồi lớn lên ăn chơi lêu lổng không chịu học hành, thậm chí đua đòi hút chích...
Từ xa xưa đã có rất nhiều những đứa trẻ mồ côi cha như Nó nhưng lớn lên lại công thành danh toại.
Như Vua Đinh Tiên Hoàng mà theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư chép:"Vua mồ côi cha từ bé, mẹ họ Đàm đưa gia thuộc vào ở cạnh đền sơn thần trong động. Vào tuổi nhi đồng, vua thường cùng bọn trẻ con chăn trâu ngoài đồng. Bọn trẻ tự hiểu kiến thức không bằng vua, cùng nhau suy tôn ông làm trưởng."
Gần đây hơn nữa là ngài Bill Clinton Tổng thống thứ 42 của Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ! Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia thì: Ông mồ côi cha từ trong bụng mẹ và "Billy được nuôi dưỡng bởi mẹ và cha kế.... Cậu bé lớn lên trong một gia đình truyền thống, nhưng cha kế của cậu, nghiện cả rượu và cờ bạc, thường ngược đãi mẹ cậu, và đôi khi, cả người em cùng mẹ khác cha với ông"
Một cậu bé chăn trâu mồ côi cha về ở với chú ..Lớn lên thành vị Vua được tôn kính của nước Việt, Một Cậu bé môi côi cha phải sống với người cha dượng nghiện rượu,nghiện cờ bạc ...Vẫn trở thành Tổng Thống của nước Mỹ hùng mạnh đứng đầu cả thế giới....
Điều đó cho người viết nuôi dưỡng niềm hy vọng Nó với bản tính thiện và được nuôi dưỡng dạy dỗ từ Bà Nội. Một ngày kia cậu sẽ trưởng thành cùng với rất nhiều chữ thành đi theo đúng nghĩa, để cuối cùng Nó một đứa trẻ mồ côi cha lúc sáu tuổi lại thiếu bàn tay săn sóc của mẹ Thành Nhân.. Và có lẽ để hy vọng ấy thành sự thực không thể thiếu sự đùm bọc yêu thương chở che của những người tốt xung quanh Nó trên đường đời vốn không bằng phẳng...
Cám ơn tác giả Nguyễn Hoàng Tuyên đã viết tác phẩm Mảnh Đời Thừa để người viết có dịp đồng hành với những câu thơ viết về cuộc sống, cũng như nhân tình thế thái quanh mình. Rất may mắn người viết chưa từng trải qua bất kỳ một tâm trạng nào của tất cả những chủ thể trong Mảnh Đời Thừa. Nên mọi cảm xúc khi trải lòng vào câu chữ trong bài viết này đều mang tính chủ quan với góc nhìn một chiều. Rất mong nhận được sự bao dung của tác giả cũng như bạn đọc nếu như có điều gì sai sót.

Sài Gòn 14/4/2015
Huỳnh Xuân Sơn

Vô đề


Bồng bềnh một mảnh tình si
Gặp người con gái đang thì xuân xanh
Gót sen tha thướt bên thành
Tỏ tình nên thả tơ mành giăng giăng.

Hương xuân thơm cả cung hằng
Ước sao ta được cùng nàng chung đôi.
Bên này bên ấy gần thôi
Én nghiêng trao gửi mấy lời mộng mơ...

Nói chuyện phê bình thơ

Thưa bạn đọc.
Tôi xin phép đăng bài của nhà văn Lê Hiếu về nghệ thuật và phương pháp phê bình thơ để chúng ta tham khảo. Mong rằng tác giả bài viết ủng hộ. Đây là tài liệu bổ ích cho những người sáng tác cũng như bình thơ nói riêng và văn học nói chung.


      Phê bình nghệ thuật nói chung, thơ ca nói riêng không chỉ dựa vào kiến thức vào lý luận mang tính chuyên môn mà khẳng định giá trị một tác phẩm, như thế sẽ không làm cho bài phê bình toàn diện được.
     Phê bình cần thêm năng khiếu vốn có và những kỹ năng qua quá trình đào luyện mà hình thành.Người phê bình cần có một trực giác nhạy bén khi quan sát một tác phẩm, mà nhận ngay ra những mới lạ làm nền cho ấn tượng được khơi gợi tận thẳm sâu tâm hồn. Mà rung động, mà đắm đuối, mà nhận thức trách nhiệm của cảm xúc thẩm mĩ đối với tác phẩm ấy.
     Sự thẩm thấu vẻ đẹp một bài thơ. người phê bình không quan sát hiện thực của những gì nhà thơ đã biểu cảm.Mà phải chiêm nghiệm ngay trên thành quả đã được tạo ra. Điều đó giúp cho phê bình tập trung hơn, cụ thể hơn.
     Phê bình cần thiết nhất là tránh lối viết rườm rà, lời dẫn lê thê. Đặc biệt là rào đón tung tẩy, làm cho văn phong trở thành xu nịnh, sáo rỗng rẻ tiền.
    Đừng quá tỉ mỉ chăm sóc từng câu từng chữ. Dù bài thơ hay đến nhường nào cũng không thể không có lỗi. Nếu cứ lạm dụng để khoe mình lắm chữ nhiều ý sẽ vô tình "Lạy ông tôi ở bụi này" .
     Để người đọc tranh luận mà tìm ra tì vết của bài thơ mình đang phê bình.
     Người phê bình cần đào bới cái lạ, cái mới trong một tổng thể của thy phẩm. diễn phơi những chi tiết đắt giá. Sẽ vinh danh được ý đồ của bài viết, và vẻ đẹp sẽ làm lu mờ những tì vết nhỏ nhặt. Và như thế tất nhiên là đánh thức được người đọc bằng một cách không theo một thông lệ chung nào.
     " Thức một giấc mơ không phải làm cho người đang mơ tỉnh dậy, mà là dẫn người ta đi trong một thế giới ảo với những gì đáng chiêm ngưỡng của giấc mơ kia"
       Vẻ đẹp của một bài thơ chính là đức tính của tác giả trong khoảng thời gian sáng tạo ra nó. Người phê bình không cần đi quá sâu vào đời tư của tác giả. Rồi gán cho họ những mĩ từ vô thực.
       Mặt khác chính tác giả không muốn ta buồn thay, vui thay quan sát thay. Cái kiểu" cầm đèn chạy trước ô tô " sẽ làm cho văn phong của mình ăn bám vào tác phẩm.
       Đối với phê bình tuyệt nhiên lời văn phải tao nhã, tư tưởng phải thanh cao, ý đồ phải sâu rộng.Kể cả khi phê phán những điều mình không thích. Tránh dùng lời cọc cằn thô lỗ, mỉa mai bóng gió. Nói thẳng và nói thật có biện dẫn để minh chứng điều dở của thơ.
      Không bao giờ quên kiến thức cơ bản của ngữ pháp khi hành văn để câu văn sáng sủa, ngắn gọn xúc tích mà vẫn giữ được sự bay bướm hoa mĩ.
     Vài điều mang tính cá nhân rút ra từ cách đọc sách riêng những mong nhận được đồng cảm./.
                                                                                                                                                                                                                               LÊ HIỂU

lăng mộ đá toyota thanh hóa