THẾ NÀO LÀ MỘT BÀI THƠ HAY :
Tác Giả VŨXUÂN TRẦN ĐÌNH NGỌC
Cùng bạn đọc và cùng thi hữu chia sẻ
1. Thử Tìm Hiểu Thế Nào Là Một Bài Thơ Hay
Người
ta đã bàn luận nhiều về đề tài:”Thế nào là một bài Thơ hay?”. Người
thích bài này, kẻ ưa bài kia, thật khó mà định nghĩa thế nào là một bài
Thơ hay, nhưng hầu như tất cả mọi người đều đồng ý Thơ là tuyệt đỉnh của
Văn chương, Thơ ít chữ nhưng nói nhiều hơn văn xuôi và vì vậy không
phải ai cũng làm được một bài thơ hay, dù có nhiều kẻ suốt đời nặng lòng
với Thơ.
Người viết bài này hoan nghênh tất cả các bài Thơ do nhiều tác giả khổ công sáng tác,
TÓM TẮT
Một bài Thơ hay phải hội đủ ba yếu tố: Lời hay, Ý đẹp, và Truyền cảm.
Có cả ba yếu tố thiết yếu này, người ta gọi tắt là một bài thơ hay, một
bài thơ có hồn. Khi thi sĩ cảm hứng, tứ thơ tuôn tràn, hồn thơ lai láng.
Chính kẻ viết bài này, có nhiều lần bút không kịp ghi tứ thơ trên giấy,
phải dùng những chữ viết tắt mà chính tác giả mới đọc được, ghi vội ra
vì nếu để giây phút đó qua đi, sẽ không thể hoặc khó có thể làm được bài
đã định. Sau giây phút “xuất thần” đó, bây giờ mới thong thả coi lại
bài thơ từ đầu tới cuối và chỉnh những từ không vừa ý. Thường chỉ chỉnh
sơ sài, dăm ba từ bị thay thế cho thích hợp, nhưng cái cốt lõi đầu tiên,
cái khung, cái hồn của bài thơ thì không bao giờ thay đổi, bởi nó đã
hay hoặc vừa ý (với chính nhà thơ.)
Thi sĩ phải có hứng sáng tác, thơ mới hay. Hứng là cái sáo diều hoặc
sợi dây đàn treo trong không gian, một làn gió nhẹ thổi qua đủ làm nó
phát ra thanh âm. Tâm hồn thi sĩ cũng ví như cái sáo hoặc sợi dây đàn
đó, một ý tưởng mới, một cảm nghĩ mới, một sự việc mới xảy ra trước mắt
khiến nhà thơ muốn dùng bút ghi lại sự việc hoặc những cảm nghỉ của mình
trong khi người không có tâm hồn thi sĩ, không để ý tới sự việc xảy ra,
cũng không có những cảm nghĩ mà nhà thơ có. Ðó chính là “Cái sáo hoặc
sợi dây đàn” của thi sĩ. Nó vô cùng bén nhạy nên thi sĩ mới có hứng thơ.
Với nhà văn, hứng viết văn cũng tương tự thế. Do đó, chúng ta phân biệt
hai loại, nếu ghi thường: văn xuôi; nếu ghi có vần điệu tiết tấu: Thơ.
Cả hai đều là văn chương, tuy co những nét đặc thù khác hẳn nhau.Từ
đó ta thấy, thơ hay là thơ có thể học thuộc lòng một cách dễ dàng. Một
học sinh có trí nhớ trung bình chỉ cần ngâm nga hai bài thơ của cụ
Nguyễn Khuyến và bà huyện Thanh Quan nói ở trên vài lần là thuộc lòng.
Thơ đọc trúc trắc, khó hiểu, vô nghĩa, không dễ dàng học thuộc, chắc
chắn không phải thơ hay. Cũng nên lưu ý, thơ đọc trúc trắc chính vì tác
giả của nó không am tường luật bằng trắc hoặc không sử dụng đúng qui
luật bằng, trắc và vần.
Thơ
là văn xuôi đã gạn lọc, cô đọng lấy phần tinh tuý sâu sắc của văn
chương nên Thơ phải súc tích và truyền cảm nghĩa là gây được sự xúc
động, xao xuyến từ tác giả sang người đọc.
Người đọc phải có được sự rung động của tác giả , dù cường độ kém hơn,
mới được gọi là thơ hay. Thơ đọc lên trơ trơ trích trích, không chuyển
động được một “thớ thịt đường gân” nào của người đọc, đó là Thơ kém giá
trị. Ngưòi ta đọc Chinh phụ ngâm mà tưởng rằng mình là người chinh phụ,
có chồng sắp ra ngoài quan ải đánh giặc, giữ nước. Người ta đọc Cung Oán
mà cứ ngỡ mình là người cung phi bị thất sủng, nhà vua không đoái hoài
tới.
Ðó là sự thành công của tác giả.
Ai cũng có thể sáng tác và trở thành thi sĩ, nếu:
Yêu thơ, đọc nhiều thơ, học thuộc thơ kiểu mẫu, thơ hay, chất Thơ ngấm
vào trí óc giống như chất bổ ngấm vào thân thể, chúng giúp cho nhà thơ
rất nhiều. Tuy vậy xưa kia đã có những người thuộc lòng cả cuốn truyện
Kiều, cả cuốn Nhị độ Mai hay Bích câu kỳ ngộ nhưng vẫn không thể sáng
tác Thơ.
Có thiên khiếu về Thơ. Có sự rung cảm, xúc động sâu xa như sợi dây đàn hoặc cái sáo trong không gian như đã nói ở trên.
Có vốn liếng nhiều về từ ngữ để sử dụng khi cần diễn dịch một ý tưởng
thành lời nói, chữ viết, nhất là thành Thơ. Thơ tiếng Việt rất cần danh
từ Hán - Việt.
Nắm vững các niêm, luật (bằng, trắc, vần) và các thể Thơ. Dùng chúng như những cái chìa khóa dẫn đường vào việc sáng tác Thơ.
Tuân theo các niêm, luật đó ngoại trừ Thơ tự do. Tuy nhiên, dù là Thơ
tự do, nó vẫn không phải văn xuôi, vẫn cần một sự sắp xếp ý, lời và vẫn
cần vần khi có thể cho câu thơ nhịp nhàng, cân đối.
Ðể bạn đọc hiểu thêm, xin nói như thế này. Có những nhà văn viết văn
khá hay, nổi tiếng nhưng chính những nhà văn đó nói họ không thể sáng
tác Thơ mặc dù chữ nghĩa đầy đầu.
Ngược lại, có những thi sĩ không thể viết truyện, viết bình luận, nghĩa là văn xuôi.
Bởi như đã nói, tuy cùng là văn chương nhưng chúng hoàn toàn khác biệt
về phương diện sáng tác. Lại cũng khác biệt về phương diện thưởng thức.
Cũng cần nói thêm, khi đã không có trình độ thưởng thức thì bài nào cũng
như bài nào, vàng thau lẫn lộn, bị đánh giá như nhau. Trình độ thưởng
thức chính là những kiến thức thu thập được trong lãnh vực Thơ, nó chính
là những bước căn bản đầu tiên đưa đến sự sáng tác Thơ nếu có hứng sáng
tác.
Luận bàn về Thơ, chục pho sách cũng không đủ nói hết. Ðể kết thúc bài
mạn đàm thiếu sót về Thơ này, xin mời quí bạn đọc một bài Thơ lục bát
của tác giả bài này, bài “Chiều Ba Mươi”, thơ vui Tết và bài “Nói với
Bút” cả hai đã đăng trên nhiều báo từ năm 1978 và 1992. Bài sau tác giả
mượn cây bút để nói lên nỗi lòng của mình.
CHIỀU BA MƯƠI
Vòng tay nhật nguyệt luân hồi
Đem Xuân trở lại nét môi diễm kiều
Lược gương từ giã cô liêu
Nâng niu mái tóc đây chiều ba mươi
Trẻ thơ tươi tắn nụ cười
Ðầu xanh, đầu bạc người người vui lây
Gió ngoài song, lạnh hiên tây
Chiều Xuân thi hứng lúc đầy, lúc vơi
Trong bình đào thắm, mai tươi
Nhìn em muốn hỏi Xuân cười lúc nao?
Giang tay bồng nhẹ Xuân vào
Môi son má phấn: Mai, Ðào hay em?
NÓI VỚI BÚT
Bút ơi ! Yêu bút thiết tha
Bút theo ta chạy ta bà khắp nơi
Mùa Xuân rừng núi rong chơi
Miền quê, thành thị khắp nơi ra vào
Hạ về bút lắm xôn xao
Biển giông bão nổi ào ào chớm Thu
Mùa Ðông bút có sương mù
Có đôi chim gáy gật gù sớm mai
Ðường đời lắm nẻo chông gai
Bút cùng ta luận một vài điều hay
Cường quyền bút chẳng run tay
Bút mong Dân tộc những ngày sáng tươi
Chán đời vẫn hé môi cười
Ta cùng với bút một đời bên nhau
Vì ta bút trải tình sâu
Vì ta nên bút giãi dầu nắng mưa
Lòng ta bút hiểu hay chưa ?
Thơ
là tuyệt đỉnh, tuyệt đích của văn chương. Sáng tác Thơ khó khăn hơn
chơi Lan, chơi Bonsai, đánh cờ tướng, uống trà v.v... vì nghề Thơ cũng
lắm công phu, không phải chỉ thích Thơ rồi nhảy vào làm Thơ mà Thơ hay
được. Tuy nhiên, nếu đã có hồn Thơ tức dễ xúc động trước những biến đổi,
nghịch cảnh của cuộc đời, rồi trau dồi kĩ năng về Thơ, làm nhiều bài
Thơ, nghe ý kiến trung thực của bạn đọc và thân hữu, nhất là những người
sành Thơ thì việc sáng tác Thơ cũng tiến bộ vậy
VŨXUÂN TRẦN ĐÌNH NGỌC