Món nộm Việt Nam

 Bài viết của Nhà văn Nguyễn Đắc Trung

Món nộm
VIỆT NAM
ĐẮC TRUNG
Đài truyền hình Quốc gia Tuốc-mê Ni-xtan mời trả lời phỏng vấn. Tôi nhận lời. Không nêu yêu cầu nội dung trước, không biết họ hỏi gì. Vừa bước chân vào phòng, đèn bật sáng choang, Camera quay liền. Ken-bi, phiên dịch, cô gái có đôi mắt biết nói rót trà mời, nhìn tôi, vào chuyện ngay :
- Người Tuốc-mê Ni-xtan chúng tôi tiếp khách quý trước hết bằng trà ngon.
Tôi đỡ chén trà, nhìn Ken-bi đáp:
- Còn người Việt Nam chúng tôi tiếp khách quý trước hết bằng nụ cười.
Ken-bi nhìn lại tôi khẽ gật đầu đầy ý nghĩa.
Lê-vin, biên tập viên, chàng trai da nâu, tóc đen cứng, hơi xoăn tự nhiên, mũi rất nhọn ngồi đối diện tôi, hỏi :
- Người Việt Nam các bạn có bao nhiêu món ăn?
Biết tôi là nhà văn, sao họ lại phỏng vấn về món ăn? Chắc muốn tìm hiểu về văn hóa ẩm thực của Việt Nam? - Tôi nghĩ thế rồi chậm rãi hỏi lại:
- Các bạn muốn hiểu dân tộc chúng tôi qua món ăn ư? (Lê-vin cười)... Chúng tôi có khoảng hơn 500 món ăn, không đủ thời gian kể hết được, tôi chỉ giới thiệu một món, là "món nộm". "Món nộm" rất phổ biến, các tầng lớp xã hội từ thượng lưu đến thường dân hầu như người nào cũng ưa thích. Trên bàn tiệc hay mâm cơm gia đình đếu có "món nộm". "Món nộm" rất dễ làm. Nguyên liệu để chê biến "món nộm" là xu hào, cà- rốt, lạc, vừng, chanh, ớt, đường, nước mắm các loại rau và gia vị... Chúng đều là sản phẩm được đánh bắt, gieo trồng tạo ra từ biển cả, từ đất liền đã tồn tại gần năm nghìn năm của Tổ quốc chúng tôi. "Món nộm" mang đủ hương vị: ngọt, bùi, chua, chát, đắng, cay... Khi ăn "món nộm" người Việt Nam chúng tôi ngầm nhắc nhở nhau rằng, để có được đất đai, biển cả thiêng liêng này, các thế hệ tổ tiên, ông cha chúng tôi đã phải đổ biết bao mồ hôi, xương máu, phải chịu đựng không biết bao thử thách hy sinh chống chọi với thiên nhiên khắc nghiệt, với kẻ thù xâm lược tàn bạo mới bảo vệ được. Công ơn ấy không bao giờ được phép quên theo đạo lý "Uống nước nhớ nguồn" và trách nhiệm của các thế hệ con cháu phải kế thừa truyền thống của các bậc tiền bối, phải giữ gìn, phải làm cho đất đai, biển cả mà tổ tiên để lại ngày càng trù phú hơn, giầu đẹp hơn.
Ý nghĩa sâu xa của "Món nộm" là: luôn nhắc nhở, giáo dục chúng tôi lòng yêu nước và nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc.
Người Việt Nam có câu ca dao: "Rủ nhau xuống bể mò cua/ Đem về nấu quả mơ chua trên rừng/ Em ơi chua ngọt đã từng/ Non xanh nước biếc ta đừng quên nhau". Một cặp vợ chồng đã từng chia ngọt, sẻ bùi, đắng cay, chua chát của cuộc đời cùng nhau chịu đựng thì thương yêu nhau gấp bội và có thể vượt qua mọi thử thách để gắn bó với nhau không bao giờ phụ bạc nhau.
Ý nghĩa sâu xa của "Món nộm" là: luôn nhắc nhở giáo dục chúng tôi làm người phải coi trọng "Đạo nghĩa" (Đạo vợ chồng đối xử với nhau).
Cả Lê-vin và Ken-bi đều trầm ngâm rồi khẽ gật đầu. Lê-vin hỏi tiếp:
- Bạn có thể cho biết về cách ăn của người Việt Nam?
- Theo tôi, hiện chúng ta có ba cách ăn chính: dùng tay bốc là mô phỏng cách ăn của người nguyên thuỷ. Dùng dao dĩa như các bạn là mô phỏng cách ăn của động vật ăn thịt. Người Việt Nam chúng tôi ăn bằng đũa là mô phỏng cách ăn của loài chim. Mà loài chim thì các bạn biết đấy, bầu trời tự do luôn là khát vọng của chúng.
Ý nghĩa sâu xa việc mô phỏng cách ăn của loài chim là: luôn nhắc nhở giáo dục người Việt Nam chúng tôi về lý tưởng Khát vọng tự do.
(Bác Hồ của chúng tôi nói: "Không có gì quý hơn Độc Lập - Tự Do" cũng từ đạo lý ấy).
Ăn bằng đũa, ngồi cùng mâm, trước hết chúng tôi gắp món ngon mời ông, bà, bố mẹ là giáo dục "Đạo hiếu". Gắp mời anh, mời chị, cho em là giáo dục "Đạo đễ". Gắp mời chồng hoặc vợ là giáo dục "Đạo nghĩa". Gắp cho con, cho cháu là giáo dục "Đạo từ". Gắp mời thầy cô giáo là giáo dục "Đạo sư phụ". Gắp mời bạn là giáo dục "Đạo hữu". Cuối cùng mới gắp cho mình là giáo dục "Đạo nhân", hy sinh nhịn nhường người khác.
Ý nghĩa sâu xa cách ăn bằng đũa là: luôn nhắc nhở, giáo dục chúng tôi phải lấy Đạo lý làm lẽ sống.
Qua đấy các bạn biết người Việt Nam giáo dục "Đạo làm người" từ món ăn và cách ăn. Bất kể ngày nào, lúc nào, ở đâu cũng diễn ra liên tục và lặp đi lặp lại như thế hết thế hệ này đến thế hệ khác.
Vì vậy người Việt Nam thấm nhuần sâu sắc "Đạo làm người" và "Đạo làm người" luôn là phương châm sống của người Việt Nam chúng tôi.
Cả Lê-vin và Ken-bi đều thấm thía gật đầu.
Cuộc phỏng vấn kết thúc một cách thú vị.
Có thể là hình ảnh về thực phẩm
Bạn, Phạm Đức Nhị, Hà Quang và 91 người khác
54 bình luận
8 lượt chia sẻ
Thích
Bình luận
Chia sẻ

lăng mộ đá toyota thanh hóa