Văn hóa cúi chào của người Nhật

       ( Ghi chép của Nguyễn Quang Huệ )

 
    Diễn Đàn Văn hóa Nghệ thuật Đường sắt và Xây Dựng Việt Nam tuy mới thành lập được gần một năm, nhưng đã ra mắt được ấn phẩm “ Tiếng còi tàu ”. Hội viên Diễn Đàn gồm những người có năng khiếu sáng tác về văn thơ, hội họa, kiến trúc, âm nhạc, nhiếp ảnh và sân khấu. Ấn phẩm dày 168 trang, khổ 19 x 27 có đầy đủ các ngành nghệ thuật tham gia. Bài viết có nội dung cổ vũ, động viên cán bộ, nhân viên một ngành vận tải đặc chủng của bộ Giao thông Vận tải, đó là Đường sắt VN.
    Ngày ra mắt ấn phẩm được tổ chức hoành tráng và rất công phu tại một hội trường sang trọng. Âm li, loa đài đầy đủ. Các tiết mục văn nghệ được tập dượt thành thục dưới sự hướng dẫn của nhạc sĩ có tay nghề, có dàn âm thanh hòa tấu cùng các ca khúc đó.

    Riêng các loại hoa, nhiều như một đám cưới quý tộc. Các chị mua hoa tươi tận chợ đầu mối Nghi Tàm về tự cắt tỉa và cắm từ 14 h đến 20 h mới xong. Hoa bày từ ngoài hành lang đến sân khấu hội trường, đủ các loại: bó to, nhỏ, cao, thấp. Tính sơ bộ mất hai triệu tám trăm ngàn đồng. Ăn chơi không sợ tốn kém, dĩ nhiên rồi, nhưng tiền hoa và công sức các chị bỏ ra hơi lãng phí, nên cần rút kinh nghiệm cho lần sau. Lễ ra mắt ấn phẩm “ Tiếng còi tàu ” diễn ra trang trọng và thành công ngoài mong đợi. Có ba tham luận được đọc trước hội nghị, trong đó có hai tham luận là của người nhà, ca ngợi cái hay cái đẹp của ấn phẩm. 
   Riêng tham luận của khách, một nữ Giáo sư Tiến sĩ văn học, ngoài ca ngợi cái đẹp của những bài được đăng, còn góp ý thêm những điều chưa thành công như ấn phẩm quá dày, một vài bài chất lượng thơ kém. Một số bài văn quá dài dòng đến 36 trang và nội dung cũng chưa thiết thực. Nên thêm những mẩu chuyện vui cười, như vậy mới hấp dẫn người đọc.

    Sau đó mấy hôm, ban chấp hành Diễn Đàn mời họp rút kinh nghiệm, nêu ra những góp ý của nữ giáo sư. Một vài người tỏ ra không hài lòng với cách góp ý như thế và thề lần sau không nhờ nữa. Nhưng có mấy người lại cho rằng đó là những ý kiến góp ý chân thành để lần sau hoàn chỉnh hơn. Không nên để người khác có ý nghĩ văn mình, vợ người, bảo thủ, mẹ hát con khen hay…
    Anh Đặng Tiến Dũng, một nhà báo, cựu phó tổng biên tập tờ báo ngành trước đây ngồi nghe từ đầu không phát biểu gì, chỉ xin kể câu chuyện: CÂY LÚA VÀ VĂN HÓA CÚI CHÀO CỦA NGƯỜI NHẬT. Anh kể: Ở nước Nhật người ta lấy hình tượng cây lúa để xây dựng nền văn hóa chào hỏi của họ. Cây lúa tốt nhiều hạt, hạt mẩy, phẩm chất tốt thì tự nó cúi xuống, còn những cây lúa hạt lép phẩm chất kém, cứ đứng thẳng trơ trơ, mà loại này ít hơn loại bông nặng hạt. Loại đứng thẳng có rất ít trong một thửa ruộng.
    Con người ta cũng vậy, khiêm tốn, tôn trọng người khác, đó là người tốt. Do đó người Nhật khi bắt tay chào hỏi một ai đều cúi đầu rất trân trọng. Một vài lãnh đạo các nước trong đó có lãnh đạo nước ta sang thăm Nhật khi bắt tay chào Nhà Vua nước sở tại cứ đứng ngay lưng, trong khi Nhà Vua tuy thấp hơn vẫn cúi chào một cách mến khách. Có việc như vậy vì lãnh đạo đó không hiểu phong tục người Nhật mà thành thất lễ. Nhà báo chỉ kể đến đó và dừng lại. Mỗi người tự suy nghĩ cho riêng mình ….        
     Cuối cùng cố vấn và lãnh đạo Diễn Đàn quyết định: số tới sẽ ít trang hơn, mỗi tác giả chỉ được đăng một đến hai trang, chọn lọc bài kỹ hơn, không đăng những bài quá dài mà nội dung không thiết thực cho đối tượng mình phục vụ. Đi vào thực tế cuộc sống và công tác của cán bộ, nhân viên để bài viết có nội dung sống động. Đồng thời sưu tầm thêm một số mẩu chuyện vui, hài hước hấp dẫn độc giả hơn. Mở những chuyên đề mới lạ sẽ thu hút được nhiều bạn đọc hơn. 

    Cả hội nghị phấn khởi đón nhận những quyết định đúng của lãnh đạo Diễn Đàn, bắt đầu biên tập những bài đầu tiên của tập san “Văn hóa Việt” theo gợi ý của nữ Giáo sư Tiến sĩ chuyên ngành sáng tác và thẩm bình văn chương đang giảng dạy ở Học viện Báo chí và tuyên truyền của nhà nước…

lăng mộ đá toyota thanh hóa