Sau NOEL của Chúa
Đến ngày mình ra đời
Cháu con dù bận rộn
Không quên ngày sinh tôi.
Hạt nảy mầm tách vỏ
Lớn dần theo mùa trăng
Ra hoa và kết hạt
Theo nhịp dài tháng - năm.
Cứ mỗi lần sinh nhật
Con cháu lại nhắc nhau
Đứa lo cho bữa nhậu
Đứa chọn quà thật lâu.
Các cháu cứ tíu tít
Tranh thổi nến hộ ông
Niềm vui như trẻ lại
Tình người càng mênh mông...
Sau NOEL
Người lãng du trên đường đời vô định
15:38
|
Nhãn:
Bài viết mới của bạn bè
Thưa bạn đọc.
Tôi xin phép tác giả Lê Thành Nghị và nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo đưa bài viết này lên trang cá nhân của tôi. Mục đích là muốn có tài liệu để đọc lại lúc cần và để bạn bè tôi có dịp xem, nhớ lại giải đất Miền Trung kiên cường dũng cảm như thế nào trong chiến tranh chống xâm lược. Tôi mong hai bạn và bạn đọc lượng thứ nếu có điều gì sơ suất mà tôi chưa nghĩ tới...
NGƯỜI LÃNG DU TRÊN CON ĐƯỜNG VÔ ĐỊNH
LÊ THÀNH NGHỊTrong làng thơ Việt hiện đại, những nhà thơ lãng du thứ thiệt, lãng du như một triết lý sống, lãng du theo đúng nghĩa của từ này không có nhiều, vì phần nhiều bị những ràng buộc, không phải cứ muốn là được. Nguyễn Trọng Tạo là nhà thơ dám làm một cuộc lãng du trong văn chương, trong cuộc đời, muốn tạo cho riêng mình một cách sống theo ý mình. Hiển nhiên, với xã hội Việt Nam nửa cuối thế kỷ XX, những năm đầu thế kỷ XXI, chưa chuẩn bị mọi điều kiện cho những việc làm cứ muốn là được. Nhưng như một người giàu bản lĩnh, Nguyễn Trọng Tạo biết vượt lên những rắc rối và tự khẳng định mình trong sáng tạo nghệ thuật.
Nguyễn Trọng Tạo là cây bút tài hoa, ngẫu hứng viết văn, viết phê bình
văn chương, làm thơ, làm nhạc, thiết kế mỹ thuật… Lĩnh vực nào Nguyễn
Trọng Tạo cũng để lại những ấn tượng. Thơ là niềm say mê của Nguyễn
Trọng Tạo: Trên con đường vô định, tôi đã đi tìm thơ gần trọn cuộc đời*.
Là
một anh lính của Quân khu Bốn những ngày chiến tranh, Nguyễn Trọng Tạo
thấm thía thế nào là sự hủy diệt của bom đạn trong chiến dịch Sấm rền (Operation Rolling Thunder) của không quân Hoa kỳ trên một vùng cán soong
tiếp viện cho chiến trường cuối những năm sáu mươi của thế kỷ XX. Một
dải đất hẹp miền Trung mà vô vàn những địa danh Cầu Bùng, Truông Bồn,
Phà Vinh, Đồng Lộc, Tùng Cốc, Long Đại… trở thành tên gọi của đau
thương, chết chóc và anh hùng. Người Mỹ gọi vùng cán soong (Panhandles)
là dải đất hẹp chuyển đạn và chuyển gạo, chuyển quân của Bắc Việt Nam
vào chiến trường. Người dân quê tôi gọi cán soong là nơi chuyển những gì
có thể nuôi được những đoàn quân chiến đấu phía trước, còn bản thân cán
soong, thì đúng nghĩa cán soong, nghĩa là có những khi sạch bách không
còn thứ gì có thể nuôi sống con người. Ai từng ở Khu Bốn thời kỳ kẻ thù
tập trung hủy diệt kia hẳn chưa quên những năm tháng, đêm đêm hàng vạn
chuyến xe đi như nước cuốn ra mặt trận, chở đầy lương thực, vậy mà những
người sống và chiến đấu trên mảnh đất ấy, vì an toàn của những chuyến
xe ấy, vẫn thường thiếu cơm ăn, áo mặc. Số phận của dân tộc là số phận
những con đường. Sự nghiệp của thế hệ trẻ lúc ấy, trên mảnh đất ấy là sự
nghiệp mở đường. Kẻ thù tập trung bom đạn tiêu diệt những con đường,
dân tộc không quản chết chóc bảo vệ những con đường. Một cuộc đối đầu
giữa sắt thép và lòng dũng cảm. Vì những con đường, người dân nơi đây
không quản hy sinh, không tiếc bất cứ điều gì, kể cả tháo dỡ nhà xuống
lát đường cho xe đi. Tất cả vì những con đường, vì miền Nam phía trước.
Nguyễn Trọng Tạo chứng kiến sự hy sinh to lớn ấy của tuổi trẻ:
Nhớ một thời kháng chiến
Con đường trên tay em
Con đường trên tay em
(Đồng Lộc thông ru)
Hình
tượng thơ gợi lên cái đẹp kỳ vĩ của những tháng ngày gian nan mà quả
cảm kia; câu thơ nói lên rằng, mọi con đường ở đây đều một tay em mở
mang; rằng, với em con đường đang được nâng niu trên tay như nâng niu
những gì quý giá nhất; rằng vóc dáng của em quá đỗi phi thường, như Nữ
Oa ngày trước… Một câu thơ đủ gói ghém sắc thái của cả một thời.
Nói về những ngày tháng ấy, ngòi bút của Nguyễn Trọng Tạo rất rắn rỏi:
Sẽ chẳng thành người lính bao giờ
Nếu từ nan cái chết
Đất nước những người sợ chết
Chẳng bao giờ đất nước sống bình an!
(Con đường của những vì sao)
Nếu từ nan cái chết
Đất nước những người sợ chết
Chẳng bao giờ đất nước sống bình an!
(Con đường của những vì sao)
Không
ai nói chiến tranh chỉ là những điều tốt đẹp. Nhưng quả là có những
điều tốt đẹp chỉ có trong chiến tranh, không thể tìm lại trong bất cứ
hoàn cảnh nào của cuộc sống, ngoài chiến tranh. Chẳng hạn, người ta có
thể ăn, ngủ, sống chết bất cứ ngày hay đêm trên mặt đường, có thể chịu
đựng mưa bom, bão đạn để mở đường, lấp hố bom, canh gác bom, tháo gỡ
bom, cắm tiêu bom chưa nổ cho xe tránh những cua đường xấu, thu hút hỏa
lực của kẻ thù về phía mình để tránh tổn thương cho những con đường… và
lại cũng có thể hái hoa sim, trồng phong lan, lại cũng có thể hẹn hò,
yêu nhau rất lãng mạn ngay cả trên con đường mưa bom bão đạn.
Trường ca Con đường của những vì sao của Nguyễn Trọng Tạo nói về những con người như vậy trên một trọng điểm ác liệt: Ngã ba Đồng Lộc
Nơi ngã ba trụi trần đất đỏ
Ngã ba nắng, ngã ba gió
Ngã ba đất, ngã ba trời
Ngã ba xe, ngã ba người
Ngã ba bom đạn
Ngã ba nắng, ngã ba gió
Ngã ba đất, ngã ba trời
Ngã ba xe, ngã ba người
Ngã ba bom đạn
Đấy là những tháng năm đau thương và hy sinh vô bờ bến:
máu miền Bắc đã nhuộm bầm đất Bắc
vẫn âm thầm dành dụm
vẫn âm thầm dồn máu xuống phương Nam
…Ở đây lòng người đo bằng máu đỏvẫn âm thầm dành dụm
vẫn âm thầm dồn máu xuống phương Nam
ở đây lòng người đo bằng cấp số
những chuyến xe qua
đo bằng lưỡi mai mòn vẹt đá gan gà
…ấy là năm
dải đất hẹp miền Trung
như quãng hẹp một dòng sông chảy xiết
bom kẻ thù vung vãi nơi đây
ba giờ chiều: bom cắt đường số Một
ba giờ mười lăm phút: thông xe
bốn giờ chiều: bom cắt đường số Một
bốn giờ mười hai phút: thông xe
năm giờ chiều
rồi tám, chín giờ đêm
cuộc hành quân san sang đường chiến lược
những con đường đi cứu nước
đích gặp nhau ở phía có quân thù
dải đất hẹp miền Trung
như quãng hẹp một dòng sông chảy xiết
bom kẻ thù vung vãi nơi đây
ba giờ chiều: bom cắt đường số Một
ba giờ mười lăm phút: thông xe
bốn giờ chiều: bom cắt đường số Một
bốn giờ mười hai phút: thông xe
năm giờ chiều
rồi tám, chín giờ đêm
cuộc hành quân san sang đường chiến lược
những con đường đi cứu nước
đích gặp nhau ở phía có quân thù
Con đường của những vì sao
viết cuối những năm bảy mươi của thế kỷ trước, thời điểm các nhà thơ,
trong đó đa phần là những nhà thơ từng trực tiếp tham gia cuộc chiến đấu
trở về, đều viết trường ca như một nhu cầu tổng kết chiến tranh, như
một nhu cầu thể nghiệm sáng tạo ở một thể loại đòi hỏi nhiều khả năng
của người viết. Với mười chương liên tục trong một cảm hứng liền mạch tự
sự xen lẫn trữ tình, nương theo một cốt truyện như chỉ là cái cớ để
chuyển tải tư tưởng và tình cảm của mình, Nguyễn Trọng Tạo đã có những
cố gắng đáng kể làm nổi bật hình ảnh của những con người quả cảm tại ngã ba bom, sa mạc chết Đồng Lộc: Ôi giấc ngủ trong đêm cảnh giác/ bàn chân lấm cứ mang nguyên giày dép/ hai bên người xẻng súng để song song.
Hình ảnh ẩn dụ mỗi con người như một vì sao dẫn dắt ý niệm nghệ thuật
của Nguyễn Trọng Tạo, đưa người đọc đến trước cái đẹp thuần khiết, không
tì vết với một cảm hứng mang tính sử thi, tạo một khoảng cách giữa chủ
thể trữ tình và hiện thực đời sống. Điều đó, như nhiều trường ca khác
của các tác giả khác, trường ca của Nguyễn Trọng Tạo nặng chất tự sự (sử
thi trong tự sự) với tả người, kể việc. Chất trữ tình với những biểu
hiện tâm trạng thường bị thu hẹp, chỉ còn trong hình thức những bình
luận mang đậm cảm thức chủ quan của tác giả.
Ở những trường ca khác như Tình ca người lính viết từ năm 1983 đến năm 1997, và Biển mặn
viết năm 2015, Nguyễn Trọng Tạo vẫn giữ được mạch cảm xúc trữ tình lúc
thì dâng tràn, lúc thì ngầm chảy len lỏi giữa những vỉa tự sự, làm thành
một hợp âm của ngôn từ và chất liệu đặc trưng của thể loại thơ, với
những biến tấu đầy ngẫu hứng của sáng tạo. Tình ca người lính là những bài thơ tình chiến tranh xếp cạnh nhau trong một liên kết của cảm xúc. Biển mặn gồm sáu chương, lại trở về với quan niệm trữ tình trong tự sự mà Nguyễn Trọng Tạo thể nghiệm từ Con đường của những vì sao
trước kia. Điều này cho thấy anh vẫn không ngừng thể nghiệm nghệ thuật
biểu hiện của mình trong thể loại trường ca, một thể loại giàu tiềm năng
nhưng cũng rất nhiều thử thách. Nhưng nghệ thuật suy cho cùng là khả
năng vượt qua thử thách. Chẳng phải Nguyễn Trọng Tạo đã từng trăn trở: Xin bạn đừng buồn/ Ấy là lúc tôi đang tìm cách kể/ Cho bạn nghe cảm động dễ dàng hơn (Con
đường của những vì sao). Viết sao cho vừa làm xúc động người khác, vừa
không quên vai trò miêu tả hiện thực, yếu tố không thể bỏ qua của trường
ca, là một đòi hỏi cao năng lực của người viết.
Nhưng ngoài trường ca Con đường của những vì sao
khá ấn tượng trên kia, mảng viết về chiến tranh của Nguyễn Trọng Tạo
không nhiều, và chưa có gì thật đặc biệt, nhất là những sáng tác trong
thời kỳ chiến tranh. Chẳng hạn, những câu thơ này hình ảnh đẹp, nhưng
sao cứ thấy chưa ra khỏi khái niệm: Đường ra trận đêm trăng vui nhất thôi/ Trăng trên cao vẫy người lên dốc/ Người lên rồi thấy trăng dưới thấp (Đường ra trận đêm trăng). Đây cũng là khái niệm: Những năm giặc giã cuối trời/ Tôi của những bài thơ đổi bằng máu đỏ tươi/ Đổi bằng máu – thơ viết về Tổ quốc (Hà Nội của tôi). Chẳng những thế, Nguyễn Trọng Tạo cũng không vượt khỏi tình trạng liệt kê, một đặc điểm của thơ chống Mỹ:
Những thiết giáp, xe tăng còn lấm đất chiến hào
Những cỗ pháo nòng còn vương khói đạn
Những tên lửa tầm xa, tầm gần, tầm thấp, tầm cao
Những hạm tàu ngực hằn từng ngấn sóng
Những đoàn xe từng lao bỏng đường dài…
Đi lên pháo binh
Đi lên công binh
Đi lên những đội quân đặc biệt
Đi lên những đội quân du kích…
Những cỗ pháo nòng còn vương khói đạn
Những tên lửa tầm xa, tầm gần, tầm thấp, tầm cao
Những hạm tàu ngực hằn từng ngấn sóng
Những đoàn xe từng lao bỏng đường dài…
Đi lên pháo binh
Đi lên công binh
Đi lên những đội quân đặc biệt
Đi lên những đội quân du kích…
Quả là chân thật và hùng hồn.
Tôi nhớ hồi nhỏ có lần bà tôi dặn nếu đi đêm hay sợ thì cháu cứ hát to
lên cho đỡ sợ. Nguyễn Trọng Tạo không sợ, nhưng quán tính của giọng thơ
một thời đã cuốn anh vào từ trường của nó. Thơ Nguyễn Trọng Tạo thời kỳ
này đúng là một cuộc diễu binh của ngôn từ trùng điệp, nhưng
nếu liệt kê như vậy thì bao giờ mới đủ? và dù có liệt kê nhiều hơn thế,
vẫn không thấy những điều thiết yếu, hệ trọng của thơ: tâm hồn và tâm
trạng của người viết? Thơ có thể không phải là cuộc đi xa, không ưa
những gì tải nặng, thơ cần bay cao thì phải? Tất nhiên đó là câu hỏi, là
đòi hỏi sau này, còn tại thời điểm Nguyễn Trọng Tạo viết những dòng thơ
trên, mấy ai vượt khỏi trí khôn của thời đoạn?
Tuy vậy, thơ viết về chiến tranh của Nguyễn Trọng Tạo không phải không có những câu thơ gợi cảm vượt ra khỏi khái niệm: Tiếng
đàn ta lư chạm giọt sương rừng/ Tiếng hát Đam San rì rầm gió núi/ Tiếng
chiêng trống và tiếng gầm đại bác/ Vọng âm thầm qua mỗi bước chân tôi
(Tổ quốc ở biên giới). Chiến tranh đang được cảm nhận qua một tâm hồn
âm nhạc. Cái thực đang bị chìm xuống dưới cảm nhận về cái đẹp. Hoặc có
khi cái đẹp đến sau: Từ một vài câu thông thường, bỗng nhiên có được một
câu thơ rất gợi cảm: Nói về súng dẫu nhiều-chưa nhàm cũ/ Nói mất mát, hy sinh dẫu cạn lời chưa đủ/ Núi lặng thầm khóc bạn dưới sao khuya (Những người lính đi qua thành phố). Núi lặng thầm khóc bạn dưới sao khuya
là câu thơ bắt được không phải vô tình. Ở đó tác giả không còn chú tâm
vào cái thực nữa, mà chú tâm vào tâm trạng, vào cái đẹp. Ở đó, không còn
phải bận tâm nói điều gì nữa, mà là cách nói. Trên con thuyền thực của
thơ là cánh buồm ảo cùng với ngọn gió ảo của tâm hồn hướng tới chân trời
của cái đẹp. Những câu thơ này cũng vậy, những liên tưởng bất ngờ mở
rộng biên độ của hiện thực, đưa người đọc tới những vẻ đẹp khác của cái không nhìn thấy:
Con bìm bịp kêu Nam
Con đa đa kêu Bắc
Câu thơ đi tiền trạm những hồn người.
Con đa đa kêu Bắc
Câu thơ đi tiền trạm những hồn người.
(Những nhà thơ lính)
Chiến
tranh giải phóng dân tộc kết thúc, Nguyễn Trọng Tạo chưa đến ba mươi
tuổi, lứa tuổi đang sung sức sáng tạo. Trong khi nhiều cây bút đang theo
quán tính cũ của thơ chống Mỹ, Nguyễn Trọng Tạo như một trường hợp khá
hiếm hoi tự văng ra khỏi quán tính ấy và tìm một lối đi khác. Thơ Nguyễn Trọng Tạo bỗng nhiên đổi giọng, (hay là vỡ giọng) gay gắt hẳn lên: Rồi một ngày người yêu ta đổi dạ/ Rồi một ngày thần tượng ta tan vỡ/ bạn bè thân thọc súng ở bên sườn, bỗng nhiên xông xáo hẳn lên trong cảm hứng gây sự, lý lẽ nồng nhiệt trong tranh biện, căn vặn trong tự vấn mang ý nghĩa xã hội: thời tôi sống có bao nhiêu câu hỏi/ câu trả lời thật không dễ dàng chi (Tản
mạn thời tôi sống). Bài thơ viết năm 1981, năm đất nước vô vàn khó
khăn, ăn hạt bo bo thay cơm, trằn lưng trên điểm tựa chống xâm lăng, hẳn
nhiên những câu hỏi nhức nhối trong thơ Nguyễn Trọng Tạo được vọng tới
từ những nhức nhối trong đời sống, bắt nhịp với những vấn đề xã hội,
chuyển sang thơ tâm trạng, có thể nghe được cái bên trong thật sâu nhịp
đập lo âu của trái tim người viết. Thơ ấy đang đến đúng nơi cần đến: một
sự thông cảm, chia sẻ với người đọc: có bao người ước cuộc sống
bình thường/ như một thuở xa xôi mình đã có/ thuở miếng ăn không phải
bàn đến nữa/ thuở chiến tranh chưa chạm ngõ nhà mình. Một cuộc sống
bình thường như vậy vẫn là điều xa vời. Đất nước đã bị vắt kiệt sau
chiến tranh giải phóng, thiếu đến từng miếng ăn, con người không dám mơ
về mai sau tốt đẹp, chỉ mơ về một thuở xa xôi xưa kia từng có nhưng đã
bị tước đoạt: thời tôi sống thêm một lần súng nổ/ trái tim đau rỏ máu dọc biên thùy! Những câu thơ như lời an ủi: Những bông hoa vẫn cứ nở đúng mùa/ như thời đã đi qua, như thời rồi sẽ đến (Tản
mạn thời tôi sống). Những năm tháng ấy, đói cơm, rách áo chưa phải là
cái đáng sợ nhất. Cái đáng sợ nhất là đói niềm tin. Thu Bồn từng viết: Tôi chẳng sợ cuộc chiến tranh trong hòa bình/ Nhưng lòng tin, tôi có lúc đói lòng tin. Võ Văn Trực cũng chung một tâm trạng như vậy: Tôi
đã đi quá nửa cuộc đời/ Qua những thập kỷ hát ca, những thế kỷ anh
hùng/ Say mê quá, chợt bây giờ nhìn lại/ Chứa bao điều bão tố ở bên
trong. Nguyễn Trọng Tạo da diết hơn. Bài thơ Tin thì tin không tin thì thôi, sau cái giọng điệu tưng tửng là nhức buốt những điều không thể lý giải: Bốn lăm bậc thời gian dốc ngược, giữa cái qua được và cái không qua được, tác giả nói về sứ mệnh của người sáng tạo: nhưng tôi người cầm bút, than ôi/ Không thể không tin gì mà viết (Tin
thì tin không tin thì thôi). Những câu thơ như vậy, đọc lên lúc này
thấy cũng “thường thôi”, nhưng hồi đó được xem như gõ vào cánh cửa thâm
nghiêm của những giáo điều. Thơ Nguyễn Trọng Tạo thời gian này đang có ý
thức vượt qua thành trì vây bủa, rào cản của những giáo điều trong nhận
thức, tháo gỡ và tự vượt lên những tiết chế trong cảm xúc, loại dần
những khuôn sáo trong ngôn ngữ, những yếu tố đã từng bó buộc thơ ca một
thời. Cái mới của Nguyễn Trọng Tạo không phải là cái chưa từng hiện diện
trong thơ trước đó, mà là cái đang có thể bị nghi ngại trong hiện tại.
Nguyễn Trọng Tạo cũng đã phải trả giá. Nhưng cầm bút hơn nhau ở chỗ có
khi chỉ cần đi trước một bước, cho dù chỉ nhích được một chút nhỏ về
phía trước. Với ý nghĩa đó, có thể xem ý thức tự thoát khỏi những ràng
buộc của tác giả, để đưa con người cá nhân của mình tiến về phía cần
được giải phóng, cần được tự do, qua đó bộc lộ một cách tự nhiên, trung
thực, không quan ngại những suy diễn và trả giá có thể có, không quan
ngại bị “dòm qua lỗ khóa” vào riêng tư của mình là một sự dấn
thân của cái tôi đáng ghi nhận. Sự dấn thân ấy như là một bước tiến về
phía trước của sáng tạo, nếu quan niệm sáng tạo là tự biểu hiện con
người cá nhân của mình, là bộc lộ cái tôi và “quyền được nói về cái tôi”
của mình. Đó là một bước tiến trong văn chương, vượt qua những e ngại
như một điều hết sức cần tránh, trước đó.
Trước hết là cái tôi đa cảm: Hoa đã tặng. Người đã không còn nữa/ Em đã yêu. Em đã bỏ tôi đi (Đêm cổ điển), Cầm lòng sao cứ vân vi/ Mây thì nặng trĩu, núi thì nhẹ tênh
(Cầm lòng). Nếu thi sỹ là kẻ vô tình thì thế gian sẽ khỏe re, sẽ không
có những nhà thơ buồn, thế gian sẽ không có cái trái khoáy mây thì nặng,
núi thì nhẹ. Cái nặng nhẹ này đang được bắc lên chiếc bàn cân có tên
gọi là đa cảm. Và vì thế, mọi điều trên thế gian qua cách nhìn của nhà
thơ, trở nên sống động hẳn lên. Và không phải điều gì cũng giải thích
được đối với thơ.
Cái tôi của kẻ lãng mạn, đa tình. Nhà thơ nào mà không lãng mạn, đa tình? Như một người thấy đẹp là mê (Tự họa), hoặc nhìn đời qua con mắt của em (Luis Aragon), thế gian hiện lên trong thơ Nguyễn Trọng Tạo qua những bóng giai nhân: Đến Tuyên Quang: Da trắng chân dài đèo cao váy bay (Qua miền gái đẹp), rồi: trở lại dòng sông bờ Cỏ Thi xanh mướt/ xưa em đánh mất trâm giờ lặng lẽ tôi tìm (Tái diễn), khi khao khát: sao anh bỗng thèm chết đuối cùng trăng (Nghiền ngẫm), khi lang thang bất định: mình anh khoác cả nỗi đau/ ngày xuân mưa rắc lên đầu muối tiêu (Cảm thông), khi mê đắm: cứ tưởng một lần cho đỡ khát/ nào ngờ bùa ngải lú trời xanh (Thiên thần)… Và cả những khi trong niềm hoan lạc mà vẫn không vui: Anh
ngỡ chết trong hoa những đường cong mỹ mãn/ Anh nhắm mắt hồi sinh nghe
hoa thở nồng nàn…/Anh ôm ngủ một đóa hoa màu nhớ/ Một đóa hoa biết nói
tiếng dịu dàng (Đà Lạt và hoa), Thời gian rụng úa vai người/ Ước chi mua được nụ cười còn nguyên (Cuối năm ngẫu hứng chợ chiều), Tiếng yêu tôi gửi lên trời/ Hóa cơn mưa ướt cả người lẫn tôi (Ngã sáu chiều mưa).
Cái
lãng mạn trên kia của Nguyễn Trọng Tạo là lãng mạn nơi trần thế, của
cái tôi muốn được dâng hiến, muốn được riêng tư. Thơ Nguyễn Trọng Tạo
đôi khi mon men đến bờ siêu thực, đến bờ của một thực tại khác trong
biển mờ vô thức. Thực tại ấy như đang choàng lên chiếc voan mỏng của ham
muốn: thân thể em mây trắng dệt nghìn năm lụa trời non nõn trắng…/Ru cô đơn chìm vào thịt da đêm trắng muốt (Ru trắng). Nguyễn Trọng Tạo nhìn mọi việc qua con mắt của một họa sỹ vẽ nuy: Bóc đi làn sương mỏng/ Núi khỏa thân mơ màng (Bóc đi nỗi nhớ mùa), Chỉ còn lại dấu nằm lõa thể/ Anh áp mặt vào mùi sữa thơm và gọi tên nàng
(Ngày chủ nhật rỗng). Có gì đó tựa như Bích Khê, Vũ Hoàng Chương xa,
Hoàng Cầm gần, như ẩn ức, hưng phấn lẫn khuất trong thơ Nguyễn Trọng Tạo
những ham muốn nhục dục, không hề có ý che đậy, ngược lại như đang muốn
nói to lên: Anh muốn viết một bài thơ sex/ Bên những bài thơ sex em đã viết (Em đàn bà), Đêm nay anh ném nỗi nhớ khỏa thân ra khỏi tóc/ thấy bên đời/ chuyện cũ đã tân trang (Anh ném em lên trời). Anh muốn đem tặng: Em cỏ khát. Ta mưa rào đầu hạ (Cỏ và mưa). Anh nhìn mọi vật trong cảm thức của người ham muốn, người chinh phục, của người mê đắm: có lúc cuồng si, tôi đã ôm em lăn vào cỏ/ ngỡ thiên nhiên mãi mãi tuổi dậy thì (Triết lý cỏ), Em nguyên thủy duỗi dài trên mây xốp/ trắng trong ơi chìm tận đáy Tây Hồ/ Anh ngụp lặn đáy sâu vớt mùa thu chết đuối (Mây
trắng)…Vượt qua những rào cản tâm lý trong một đề tài nhạy cảm, mà
những người cùng lứa tuổi Nguyễn Trọng Tạo ngại ngùng, đắn đo, nhất là
trong lĩnh vực thơ (vì nhiều lí do chứ không phải chỉ do đạo đức giả)
cho thấy sự dấn thân quả quyết của Nguyễn Trọng Tạo. Một sự dấn thân
chấp nhận được, không gây nổi cộm cho người đọc, có gì đâu mà giấu giếm lòng nhau/ ta hát niềm vui và hát cả nỗi đau
(Những gì tôi có thật )… Hóa ra nếu nói một cách thành thực, điều tưởng
khó cũng thành dễ, và hơn nữa, nói ra được như vậy, hình như cũng cảm
thấy nhẹ nhõm hơn.
Cái tôi của người muốn được tự do. Hoàng Phủ Ngọc Tường gọi Nguyễn Trọng Tạo là kẻ ham chơi.
Không có từ nào đúng hơn mấy từ này. Vừa Hà Nội đã lại có thể về Vinh,
vào Huế, vừa Sài Gòn hôm trước, hôm sau đã lại Vũng Tầu, Côn Đảo…Cuộc
nhậu nào cũng thường nghe một ai đó nói vừa gặp Tạo hôm qua, vậy mà hôm
nay Tạo đã ở rất xa rồi! Nguyễn Trọng Tạo là kẻ lang bạt kỳ hồ đáng yêu,
một kẻ lãng du chân trời góc bể, không ở lâu tại một địa chỉ nào: Một ngày Hà Nội nôn nao/ Nhà mình mà cứ hết vào lại ra/ Nghe còi tầu vẳng ngoài ga/ Bồn chồn ngỡ tiếng trời xa gọi mình (Một ngày Hà Nội của anh). Còi tầu luôn vang lên trong tâm tưởng Nguyễn Trọng Tạo: Tôi có thể quay về, mà cũng có thể không (Trong đêm thị xã). Cũng đôi khi tiếng còi tầu như một ám ảnh: Xin thứ lỗi, lần đầu anh biết sợ/ tiếng còi tầu thảng thốt phía ngoài ga (Em).
Nguyễn Trọng Tạo cũng là người mặn chuyện, với âm điệu nhã nhặn, ngôn
từ hồn hậu, ít khi anh làm mất lòng người khác. Nếu không khen được thì
im lặng, còn đâu, một lời động viên luôn luôn không thiếu trong anh. Vì
vậy, góc sân nào, cuộc chơi nào hình như anh cũng nhập vai được, khi thì
một mình, nhưng lắm khi cũng đa mang, đèo bòng lỉnh kỉnh.
Cái
tôi của thú vui trần thế. Không khó khăn lắm để nhận ra Nguyễn Trọng
Tạo trong thơ, là một tửu đồ có hạng, môn đệ sủng ái của Lưu Linh, của
Lý Bạch. Chẳng có lỗi gì cả nếu mọi chuyện đều ở chừng mực cho phép, và
hơn thế, một chút men làm thăng hoa trong sáng tạo, biết đâu lại vớt
được vài câu thơ lạ nào đó, như Bùi Giáng chẳng hạn.
Huế
với Nguyễn Trọng Tạo là ký ức những ngày vui tràn cung mây cùng bè bạn.
Huế qua cảm quan của Nguyễn Trọng Tạo, một người mang nhiều khát vọng: Sông Hương hóa rượu ta đến uống/ Ta tỉnh đền đài ngả nghiêng say (Huế
1). Vâng, chỉ có đền đài ngả nghiêng thôi. Chỉ tại bụi tre mọc giữa
đường không tránh ra thôi. Đã mượn đến ly chén vào buổi ngoài phố mưa bay xuân bốc rượu
thì không ai muốn tự nhận mình kém, mình đuối, không ai muốn bạn mình
bớt vui trong cuộc nhậu. Hơi men làm thật hơn trong lời nói, đáng yêu
hơn trong cử chỉ, lung linh hơn khi nhìn cuộc đời. Nhưng cũng có lúc
Nguyễn Trọng Tạo không thể chối mình đang lao đao: Đất trời lướt khướt dìu nhau bước (Bạn bè ở Huế). Hoặc: vẫn còn chếnh choáng chai mưa/ tôi tin là “rượu” em mua của trời (Làm đền). Ruxun Gamzatov từng viết: Hãy tránh cho tôi khỏi sự tỉnh táo quá mức, vì khi đó con người nhìn mọi cái xấu đi trăm lần **. Đúng vậy, rất nhiều cung bậc của thiên nhiên, của lòng người và cuộc đời đã đẹp hơn lên từ cái nhìn thị cảm lắng qua tâm cảm của Nguyễn Trọng Tạo: cây thả xuống ta lá vàng/ gió thả xuống ta mù sương (Mộng du), Có khi nắng chết trong màu lá/ Mẹ nhặt về nhen ngọn lửa chiều (Có khi), Rượu ngon nhắm với nói cười/ Nghe thời gian tím một thời Phù Dung (Chiều rơi), Thế mà sau lớp bụi mờ/ cứ tin có một câu thơ đợi mình (Hình như), nhớ nhau cười nói vang đêm vắng/ trái đất như là giọt rượu bay (Đà Nẵng không đề)… Không hẳn là siêu thực, nhưng có một thực tại khác biêng biêng so với cái thực như là cõi huyễn
ẩn hiện trong những câu thơ của một người nhìn mọi cái không quá mức
tỉnh táo như Raxun nói. Ở đây nên gọi là sự say đắm, là chất men của
sáng tạo, của thơ.
Nhưng, với một nhà thơ, một nhạc sỹ chén rượu cũng không ngăn được cô đơn: Tôi còn cái xác không hồn/ cái chai không rượu, tôi còn vỏ chai (Chia). Và không chỉ cô đơn mà là nỗi đau: Vẽ tôi mực rượu giấy trời/ Nửa say nửa tỉnh nửa cười nửa đau (Tự họa), Có một ngày rượu mặn hơn nước mắt (Gửi Ngô Minh). Đã trót mang lấy nghiệp: ta là cây ghi ta mang hình bầu rượu/ hát tiết tấu men em (Gửi Nguyễn Thụy Kha), đã trót đa tình: Chia cho em một đời say/ một cây si với một cây bồ đề (Chia), đã trót quá đà thì:… Là khi tỉnh giấc trong đêm/ Một mình ta thấy ngồi bên nỗi buồn/ Là khi cạn một ly tràn/ Đáy ly ta lại thấy làn mi xanh (Sonne buồn). Tâm trạng Nguyễn Trọng Tạo có gì đó giống tâm trạng cô đơn của nhạc sỹ Thanh Tùng: vắng em đời còn ai với ai/ Ngất ngây men rượu say
(Một mình). Quả tình, men rượu thường đến đúng vào lúc nghệ sỹ cần đến
nó nhất, trở thành một người bạn đồng hành xoa dịu nỗi đau nhân thế.
Và
lãng du nào rồi cũng có lúc nhớ nhà. Cái nhà trên tầng sáu khu tập thể
Phương Mai ở một ngày cũng thành thân thuộc, đi xa đến đâu rồi cũng muốn
quay về, cho dù:
Đời phiêu dạt sáu tầng mây
Từ trên chót đỉnh nhìn ngây phố nhà
Nào ngờ cỏ đã đơm hoa
Găm vào ta vết xót xa tận lòng
Từ trên chót đỉnh nhìn ngây phố nhà
Nào ngờ cỏ đã đơm hoa
Găm vào ta vết xót xa tận lòng
(Cỏ may trên sân thượng)
Cuộc
chơi nào hình như cũng mang trong mình mầm mống cô đơn. Cái cô đơn của
Nguyễn Trọng Tạo không có gì lạ. Nó là một kết thúc buồn: Thời gian, tiếng nhạc không lời/ Đầu năm là sóng cuối đời là mưa
(Không đề năm mới). Nguyễn Trọng Tạo có những ngày hạnh phúc và sau đó
là những ngày buồn đau ở Huế. Từ xa đến như một kẻ xa lạ, từ đó ra đi
như một kẻ bị thương, và từ nơi khác trở về như một kẻ cô đơn: Trở lại Huế mưa vẫn mưa như cũ/ Màu trời buồn như thuở ra đi. Thành phố có nhiều bạn bè, nhưng thành phố cũng vắng vẻ trong tâm trạng tĩnh lặng: Tiếng lá rơi ngõ vắng cũng giật mình (Trở lại Huế), Con đường, con đường cũ/ Người về lạ bước chân (Ta của thời đang xuân). Thành phố của những ấn tượng ban đầu đầy cảm giác thanh xuân: Mãi bí mật những vườn trong phố/ rụng trái đào tiên xuống đất trần (Ấn tượng Huế). Thành phố nơi những kỷ niệm đã lâu không ai nhắc/ Bỗng hiện về ngồi chật cả không gian. Và cũng chính tại đó: một con thú bị thương về hang ổ/ liếm vết thương bằng âm nhạc sương mù
(Một mình). Nhưng không thể cứ triền miên trong cô đơn, Nguyễn Trọng
Tạo là một cá tính mạnh, không tư lự nhiều, không buồn lâu, hoặc không
buồn ra mặt, có thể quên sông Hương gió vơi đầy sau vai (Cây hoa phượng tình cờ) để đến với công việc và thú vui khác…
Nhìn
chung, Nguyễn Trọng Tạo là một nhà thơ rất có ý thức tự làm mới thơ
mình. Thơ anh được viết bởi những cảm xúc chân thành của một tâm hồn cởi
mở, dám nói lên những khát vọng, những nỗi đau riêng tư của mình, dám
nói lên những nhức nhối của xã hội, của cuộc sống, tạo ra những đồng cảm
của người đọc.
Nguyễn Trọng Tạo không chỉ làm thơ, anh còn viết truyện: Miền quê thơ ấu, Ca sỹ mùa hè, Khoảnh khắc thời bình, viết tiểu luận phê bình: Văn chương, cảm và luận.
Văn xuôi của Nguyễn Trọng Tạo trong tiểu luận phê bình được viết mềm
mại, trực cảm và tinh tế khi tiếp cận với tác phẩm. Anh cũng là nhà thơ
thường rất ưu ái nâng đỡ những cây bút trẻ. Hẳn nhiên, cũng có những cây
bút trẻ được anh cổ xúy ngày nào, giờ không còn viết được nữa. Vấn đề
có phải, có những phá cách của vài cây bút trẻ làm mất đi sự lịch lãm
của thơ Việt, mà anh không chỉ cho họ cần tránh, cách tránh ?
Nguyễn Trọng Tạo còn là nhạc sỹ có những ca khúc được thế hệ trẻ ghi nhớ: Làng quan họ quê tôi (phổ thơ Nguyễn Phan Hách), Khúc hát sông quê
(phổ thơ của Lê Huy Mậu)… Nhưng hình như Nguyễn Trọng Tạo chỉ thích phổ
thơ người khác, cho dù anh rất cố gắng và cố ý tạo nhạc điệu trong ngôn
ngữ thơ mình. Những cố gắng đó dường như cũng chỉ đủ làm câu thơ trở
nên tưng tửng, còn thiếu sức ngân, còn chưa thành những ca từ chứa nhạc.
Chẳng hạn, đây là một cách tạo nhịp, tạo nhạc vần nối, vần gánh theo kiểu dân ca: cây bưởi đơm hoa cây cà đậu quả (Cổ tích thơ tình), Đen lúng liếng dân ca đen ngân nga lễ hội (Ký ức mắt đen), Phương ấy phương nào lao xao cuộc chiến/ Rồi một mùa đào rụng vào im lặng (Chim én), Tranh treo mồng tư ngất ngư mồng bảy (Bức tranh giêng)…, đây là lối tạo nhạc, tạo nhịp dựa vào sự cộng hưởng của những thanh bằng gợi sự châng lâng, mênh mang: Một
chiều chia ly chảy đi sông ơi/ Một đời dân ca cuồng si đôi môi/ Hoang
mạc biển xanh cháy đêm lân tinh/ Còn mảnh mai em vạm vỡ âm thanh
(Lâm Phương hát)… Nhưng cũng nhiều lúc tác giả hơi lạm dụng kiểu làm
này. Không phải toàn bộ, nhưng khá nhiều bài thơ hình như Nguyễn Trọng
Tạo viết trong hơi men, không hẳn say nhưng cũng đã la đà, xộc xệch. Bởi
vì thơ anh có cái men từ đâu đó chuyển qua ngòi bút, có cái dài lời của
những người khó tự chủ như kiểu cứ sợ người khác chưa hiểu hết ý mình,
lại có cả cái hơi dễ dãi trong ngữ điệu và ngôn từ. Chẳng hạn, những câu
thơ bị lạm dụng âm điệu: hồn chẳng còn thơ, hồn khóc lơ ngơ/ ngày buồn ú ớ đêm vui lờ nhờ (Giọng điệu); có những kiểu dùng từ gây sốc: Người ta làm thơ khi cười khi khóc/ Riêng anh làm thơ phọt từng miếng óc (Thi nhân). Thơ phần nhiều cốt để nói đẹp chứ không phải cốt để nói sợ!…
Có lần Nguyễn Trọng Tạo viết về mình: Hoa ly vàng mùa hạ- chính là tôi
(Hoa ly vàng). Câu thơ đẹp nhưng chưa thật đúng với Nguyễn Trọng Tạo.
Nếu là hoa ly vàng mùa hạ, hoa ấy phải bầm dập, phải lăn lóc, phải quăng
quật cùng gió bụi của thời gian, chứ không phải an nhiên, tĩnh tại như
vậy. Có một câu thơ khác, cũng của anh, đứng cuối bài Chia, một
bài lục bát da diết, đượm buồn, theo tôi là bài hay nhất của Nguyễn
Trọng Tạo, nói đúng nhất về phận người của anh sau những năm tháng lãng
du: chỉ còn cỏ mọc bên trời/ một bông hoa nhỏ lặng rơi mưa dầm (Chia).
Có phải vì trong câu thơ này ẩn chứa sự khiêm nhường của một con người
nhiều trải nghiệm, khi đã thức ngộ mọi điều, lại ẩn chứa những nỗi đau
nhân thế, nỗi buồn trần gian mà những ai đã trót làm phận thi nhân, ít
nhiều đều phải vay trả, không sao tránh được?
Tháng 8 năm 2016
Mừng sinh nhật
Hoa mừng sinh nhật của bạn Đỗ Phúc |
Hoa mừng sinh nhật toàn loại đẹp
Lời chúc sang xuân quá tuyệt vời
Bao bạn ân tình dù xa ngái
Vẫn nhớ hôm nay sinh nhật tôi.
Có phải duyên xe nên nồng thắm
Tri âm tri kỷ ở trên đời
Kết nối vòng tay nhờ F B
Vương tơ bền chặt thắm tình người
Cảm ơn bạn hiền trên khắp nước
Ta hứa xây tình mãi thắm tươi...
Mát mẻ quá
Trong xe đã có điều hòa
Sao em hở cả thân ra thế này
Nhỡ mà gặp một thằng say
Đời em lúc đó chẳng hay ho gì!...
Nên chăng mặc áo váy đi
Về nhà hãy đợi đến khi không cần...
Đăng ký:
Bài đăng
(
Atom
)