Bài viết của Nhà văn Thái Sơn
Tình quê nồng thắm trong " CHỢ QUÊ "
của Nguyễn Quang Huệ.
( Trích trong tập CHÂN DUNG TÁC GIẢ VÀ TÁC PHẨM VĂN HỌC )
NXB Hội Nhà Văn năm 2015
"Chợ quê họp ở cuối làng/ Bên dòng sông nhỏ, bên đàng liên thôn/ Rổ rau mẹt cá mớ tôm/ Đôi ba hàng thịt, dăm con lợn gà/ Vài ba chục trứng bày ra/ Trước là gặp bạn sau là đổi trao..." ( Trích "CHỢ QUÊ" ).
Đó là những câu thơ được viết lên bởi một hồn thơ mộc mạc, dung dị mà sâu sắc, tinh tế của nhà thơ xứ Nghệ - Nguyễn Quang Huệ. Có lẽ bất kỳ ai xa xứ khi đọc những câu thơ trên cũng thấy nhớ quê đến nao lòng. Chợ quê là bức tranh đời sống văn hóa của một vùng đất, chợ họp thường đem lại không khí đông vui làm nao nức lòng người trong cảm giác gần gũi, thân quen. Tôi đã được đọc một số tập thơ của Nguyễn Quang Huệ nhưng để lại trong tôi nhiều xúc cảm nhất, nhiều dư vị nhất chính là tập "CHỢ QUÊ" (NXB Văn học năm 2014).
CHỢ QUÊ ngời sáng tình yêu quê hương đất nước, khơi dậy tinh thần dân tộc, ý thức bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Nhà thơ đã viết nên những vần thơ tràn đầy hào khí, thể hiện truyền thống yêu nước của người dân nước Việt: Hồn sông núi qua bao đời chốt giữ/ Đến hôm nay vẫn đau đáu lời thề/ Canh đảo xa giữ yên cả bốn bề/ Quyết chiến đấu vì vẹn toàn đất nước" (Hòn đá ở chân cột cờ Lũng Cú).Theo suốt chiều dài lịch sử, đất nước ta luôn phải đối mặt với họa xâm lăng. Và ngay lúc này đây, trước tình hình phức tạp ở Biển Đông, đứng trước sự bành trướng của một số nước lớn, chúng ta quyết không lùi bước. Quang Huệ đã viết những câu thơ mang tính thời sự nóng bỏng: ..."Giọt nước kia khi làm cốc đã tràn/ Dân Việt này sẽ không lùi bước/ Theo ngọn cờ tung bay phía trước/ Quyết một lòng vì Tổ quốc thiêng liêng..." ( Biển Đông dậy sóng ). Cũng như bao người con của đất Việt, Nguyễn Quang Huệ yêu thiết tha giải đất cong cong hình chữ S mà bao đời nay cha ông ta dựng xây, gìn giữ. Nhà thơ coi mình như là một hạt mưa , ước mong góp chút công lao bé nhỏ cho "hoa lá xanh tươi" , mang lại niềm vui đến cho mọi người, làm cho Tổ quốc sáng ngời: "Luôn giữ gìn nhân cách/ Góp hạt mưa cho đời/ Cho hoa lá xanh tươi/ Cho cờ thêm thắm đỏ/ Công lao dù bé nhỏ/ Cùng chung vào niềm vui/ Cho hạnh phúc mọi người/ Cho sáng ngời Tổ quốc..." (Chỉ là hạt mưa rơi)...
"Chợ quê" có những bài thơ viết rất cảm động về tình cảm gia đình. Trong bài "Giỗ mẹ" chúng ta thấy tâm trạng ngậm ngùi nhớ thương người mẹ của mình dù mẹ đã đi xa mấy chục năm. Bên cạnh đó sự xót xa, tiếc thương người em trai đã mất vì tai nạn giao thông: "Giỗ mẹ đã mấy chục lần/ Hôm nay con nhớ đến tuần thắp hương/.../Chung nhau cùng khúc ruột mềm/ Vắng em thiếu mẹ nỗi niềm đắng cay/ Suối vàng mẹ đấy có hay/ Mẹ đón em để bõ ngày xa con". Viết về mẹ Nguyễn Quang Huệ nhớ lại kỷ niệm tuổi thơ bên mái nhà xưa: "Nay con về thăm lại mái nhà xưa/ Nơi cất giữ bao nhiêu kỷ niệm/ Viên gạch nứt ngoài thềm bên xó bếp/ Cây cột xoan gian giữa cạnh ban thờ/ Một cái đinh nghịch ngợm tuổi ngây thơ/ Đóng vào cột vẫn còn nguyên chỗ cũ"... Và hình ảnh người mẹ tảo tần lại hiện lên: "Hình bóng xưa vai mẹ bồng bềnh/ Quảy gánh thóc nặng vai thêm sầu tủi/ Gặt lúa về chia ba phần người đợi/ gánh một phần nộp chủ ruộng cho thuê..." ( Trở lại mái nhà xưa ).
Ai được sinh ra từ làng quê khi xa mới thấm thía nỗi nhớ quê hương mình tha thiết, mới luôn khao khát được trở về sống trong tình làng nghĩa xóm. Hãy xem Nguyễn Quang Huệ nói lên ý nghĩa to lớn của phiên chợ quê: "Tiền nhiều mặc những đâu đâu/ Chợ quê góp nhặt lá trầu quả cau/ Cảnh quê nghèo túng có nhau/ Không đi nhớ bạn nhớ bầu lại đi.../ Quà quê bánh đúc bánh đa/ Tuy đơn giản, vẫn đậm đà tình quê" ( Chợ quê ).
Nhà thơ có cách tâm tình về một cái chợ nhỏ quê mình với dáng vẻ riêng, thấp thoáng chút hoang sơ, quê kiểng của một vùng đất còn nghèo. Bài thơ làm toát lên nét văn hóa cộng đồng đoàn kết, gắn bó, đậm đà tình cảm của người dân quê thật thà, chất phác, chịu thương chịu khó.
Đọc thơ Nguyễn Quang Huệ, độc giả không thể bỏ qua mảng đề tài viết về tình yêu đôi lứa. Thơ tình Nguyễn Quang Huệ dịu dàng, ngọt ngào như dòng suối mát trong, không ngừng tuôn chảy. Đó là những kỷ niệm về mối tình đầu mộng mơ, dẫu qua bao năm tháng vẫn lưu giữ trong một góc con tim: "Tình riêng giữ trước gìn sau/ Thủy chung nhất bậc chẳng cầu cho ai/ Riêng mình một mảnh trăng cài/ Cõi riêng mình giữ khó ai tỏ tường" ( Tình riêng ). Viết về những giây phút ngọt ngào trong tình yêu, nhà thơ có cách thể hiện rất tinh tế, ý tứ: "Tóc em vương cổ áo anh/ Làm sao giấu được chúng mình yêu nhau/ Tóc thơm đã bắc nhịp cầu/ Đó là kỷ niệm lần đầu em ơi " ( Tóc vương cổ áo ).
Nhà thơ may mắn có được một người vợ hiền đã yêu ông bằng cả trái tim chân thành: "Nhà nghèo nhưng đũa có đôi/ Còn hơn giàu có mà đời khổ đau/ Cưới năm trước , bỏ năm sau/ Chẳng cần suy nghĩ con đầu mới sinh!" ( Thiệt ...).
Tôi muốn viết nữa, viết thật nhiều về thơ Nguyễn Quang Huệ, song khuôn khổ một bài giới thiệu không cho phép. Càng đi sâu vào thế giới thơ của ông tôi càng khâm phục người kỹ sư có tâm hồn thi sĩ và một trái tim luôn biết yêu thương.