Bún chả Hàng Mành

     Câu chuyện thứ 5

     BÚN CHẢ HÀNG MÀNH
    
     Ngày 10 hàng tháng Hội Nhà Văn Hà Nội tổ chức ra mắt sách mới của các nhà văn, nhà thơ hội viên. Đây như một Diễn Đàn về trao đổi học thuật sáng tác, nghiên cứu và phê bình văn học.
     Ngày 10 tháng 1 năm 2019 này cũng vậy. Ban chấp hành Hội tổ chức ra mắt tiểu thuyết MÙA KHÁT của nhà thơ, nhà báo Nguyễn Việt Chiến, Phó Chủ Tịch Hội Nhà văn Hà Nội. Nhiều nhà nghiên cứu và thẩm bình văn chương đã đóng góp những ý kiến hay, cả phần thành công và phần còn hạn chế của tác phẩm.
     Kết thúc buổi ra mắt, bạn bè từng nhóm thường rủ nhau đi ăn trưa nhẹ nhàng hoặc sang trọng tùy theo túi tiền của người đứng ra tài trợ. Từng nhóm một, tùy theo thân thiết mức độ nào mà mời người đó. Tôi được nhà thơ, nhà báo Nguyễn Đức Trọng mời cùng với nhà thơ Chử Thu Hằng, Nhà thơ Minh Hiền đi ăn bún chả Hàng Mành, một quán ăn ngon ở số nhà… X
     Phải nói bún chả số nhà…X Hàng Mành ngon nổi tiếng đất Hà Thành. Chẳng thế mà người ra người vào rất đông. Khách du lịch quốc tế cũng vào ăn ngon lành. Cửa hàng chật hẹp nên kê bàn cả trên tầng hai và ba. Muốn lên tầng phải len theo cầu thang, người lên người xuống nghiêng người tránh nhau. Mấy cô gái trẻ phục vụ bưng bê đứng ngay chiếu nghỉ để đón tiếp khách và thực hiện những điều khách yêu cầu.
     Bước vào cửa hàng đã thấy mùi chả thơm ngào ngạt. Từng chậu thịt thái ướp gia vị  đầy đủ, từng rổ rau sống xanh non hấp dẫn, khay thịt nướng nóng hổi, tỏa mùi thơm trong không gian chật chội làm cô đặc không khí nơi đây. Xếp tôi quảng cáo: cửa hàng này ngon nhất phố này. Tôi đã ăn ở đây mấy lần, rất hấp dẫn.
     Trên vách cầu tang tầng hai có biển ghi chú: Nhà hàng bên cạnh không phải số nhà này…. Chắc chủ nhà nhắc nhở khách đừng nhầm lẫn địa chỉ, gây nên nghi ngờ chất lượng sản phẩm chính gốc, một việc làm vẫn thường xẩy ra đâu đó.
     Ngồi vào bàn, chúng tôi được các nhân viên phục vụ tận tình bê cho mỗi người một bát chả nướng đã chan nước, dậy mùi thơm ngon, một đĩa nhỏ bún trắng, rau sống sạch sẽ. Mỗi người hai cái nem rán và một nửa chai bia loại cực nhỏ. Phải thừa nhận bữa bún chả hôm đó thỏa mãn mọi điều vì chúng tôi quá bữa đã thấy cồn cào nên ăn uống nhiệt tình.
     Ăn xong xếp gọi nhân viên thanh toán tiền hết 440 ngàn đồng. Một lúc sau xếp hỏi chúng tôi: họ tính thế nào mà nhiều tiền thế nhỉ? Tôi đáp rành mạch đơn giá cho một người: Bún chả 60 ngàn, hai cái nem 40 ngàn, nửa chai bia nhỏ 10 ngàn. Vậy mỗi người hết 110 ngàn. Bốn người 440 ngàn, thế là đúng rồi. Ngẫm nghĩ một lúc xếp nói bâng quơ: Nước chan ở đây không ngon bằng nhà hàng trong ngõ Khâm Thiên gần nhà tôi, mà dưới đó chỉ có 25 ngàn một suất.
     Nhân viên nhà hàng nghe lời phàn nàn của khách vâng dạ rất nhẹ nhàng và tỏ ý tiếp thu những ý kiến trên.
     Tôi nhắc xếp cứ nói thẳng ra là: nước chan ở đây hơi chát…

     Cả tốp cười ồ vui vẻ…

Gặp gỡ Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo

Mới 1h 30 đêm mồng 4 tháng 11 -  2018 đang trong giấc ngủ sâu, tôi nghe mang máng tín hiệu điện thoại có tin nhắn. Định thần xem ai chát vào lúc này, hay có tin gì khẩn cấp của người nhà. Thật bất ngờ xuất hiện Nguyễn Trọng Tạo và hình đại diện của anh. Anh gửi cho tôi video trong đó một thầy thuốc cổ truyền dân tộc đang chữa bệnh cho một bệnh nhân nữ khoảng trên ba mươi tuổi bằng phương pháp  bấm huyệt. Tuy còn lâu mới sáng, tôi vẫn xem hết và nghĩ rằng đây là quà tặng của Nguyễn Trọng Tạo đối với những người bạn. Tôi là bạn anh đã mấy chục năm nay, ngoài tình đồng hương Diễn Châu, còn là sự đam mê văn học. Tuy tôi hơn anh sáu tuổi nhưng khoảng cách về tuổi tác không làm chúng tôi tách bạch anh em mà vẫn là bạn bè thân thiết. Ngay sau đó tôi gửi lời cám ơn và anh cũng đáp lại bằng hình ảnh bàn  tay xanh nắm chặt với ngón cái quay lên trời, tỏ ý hài lòng. Tôi biết rằng anh rất tỉnh táo và minh mẫn tuyệt vời. Chắc bị cơn đau không ngủ được nên tranh thủ gửi bạn bè những cách thức chữa bệnh hữu ích, không tốn tiền, chỉ mất nửa giờ đến một giờ mỗi ngày là đạt  hiệu quả. Người về hưu là đại gia về thời gian, chẳng bận bịu gì đáng kể. Đầu tư và thực hiện các cách chữa bệnh  theo phương pháp cổ truyền đều có lợi cho những người cao tuổi. Anh cũng mong muốn như vậy. Gần đây anh thường đưa lên mạng các bài viết tâm đắc như: Cảm tạ làng quê bằng “Tiếng hát sông quê”, hoặc “Ba biến khúc Văn Cao” v/v... Thế mới biết để có được một ca khúc hay, người nhạc sĩ tìm tòi ý tưởng sâu rộng từ lời đến nhạc, từ nhạc đến lời sao cho khúc triết hấp dẫn, mượt mà chứ không phải đơn thuần nhạc hóa theo lời thơ của các nhà thơ, nhà văn khác….
Tôi hẹn anh: từ 8 đến 9h tôi sẽ đến thăm. Anh trả lời:  ngoài chín giờ tôi đi Vĩnh Tuy. Tôi đành hẹn buổi chiều sẽ đến thăm anh…
Khu chung cư HH 2A Linh Đàm chiều nay thưa thớt người. Có lẽ đang trong giờ  làm việc nên dưới sân nhà còn vắng vẻ. Thấy bóng người bảo vệ tôi hỏi thăm nhà anh ấy. Người bảo vệ chân tình hướng dẫn: Bác lên tầng ba, vào phòng 318. Có lẽ chung quanh đây ai cũng biết nơi anh ở. Là người của công chúng, với tác phong gần gũi cởi mở, thân thiện với mọi người nên nhiều người quan tâm. Những ca khúc nổi tiếng của anh đã găm vào tâm trí họ, làm sao họ không quan tâm đến anh được.
Gõ nhẹ cửa bước vào phòng tôi đã thấy nữ cử nhân luật Cẩm Nga đến thăm anh từ trước đó. Trông thấy tôi anh giới thiệu với Cẩm Nga:
-         Đây là anh Huệ, đồng hương Diễn Châu, kĩ sư Xây Dựng. Nhà anh ấy cách nhà tôi hơn cây số, ở xã bên cạnh. Trước đây khi còn trẻ, đương chức rất đẹp trai và thông minh, giỏi thơ văn, nhất là thơ thiếu nhi.
-         Tôi hỏi anh có mệt không? Trong tiếng trả lời ngắt quãng:
-         Tôi bị ung thư, đã xạ trị nên tóc rụng hết ! buổi sáng các cháu đưa tôi đi Vĩnh Tuy, ( là nơi anh có căn nhà sàn bên kia Sông Hồng )
Nhiều câu anh nói còn vấp từ, có lúc phải chọn từ để trả lời. Anh nói chuyện chậm chạp rõ ràng, đầy đủ ý tứ câu chuyện, anh kể:
-         Lúc ốm đau hoạn nạn mới hiểu lòng nhau. Nghe tôi bệnh tật có bạn tình nguyện cấp kinh phí cho tôi đi nước ngoài chữa trị, có những bạn giúp hai trăm triệu, một trăm triệu, năm mươi triệu. Còn bạn bè đến thăm thì nhiều lắm.
Tất nhiên một người tài năng đức độ như anh, thơ hay, văn giỏi, Nhạc có những ca khúc để đời ai mà không ngưỡng mộ.
Nhớ lại năm 2013 anh và nhà thơ Đỗ Hàn ( lúc đó là chánh văn phòng Hội Nhà văn Việt Nam ) đã giới thiệu tôi vào Hội nhà văn VN. Nhưng tôi chưa quen ai ở đó nên chưa có kết quả cụ thể nào. Tôi đã nói với anh việc đó và thông báo tôi đã viết đơn và nộp hồ sơ vào Hội Nhà văn Hà Nội. Năm nay hội Hà Nội đang xét, kết quả thế nào chưa biết.
Anh quay sang đưa điện thoại cho Cẩm Nga nhờ tìm số điện thoại của nhà thơ Trần Quang Quý, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội.
-         Quý à, mình có anh bạn đồng hương, tên anh là Nguyễn Quang Huệ
-          Anh Huệ thì em có biết,  anh Quý trả lời.
-         Năm nay anh Huệ đã nộp hồ sơ vào Hội Nhà văn Hà Nội, Quý chú ý cho trường hợp này nhé.
-         Cũng còn chờ kết quả hội đồng thơ đã anh à.
-         Tôi biết, nhưng Quý nhắc anh em hộ nhé. Đây là người có tài thực sự nhất là thơ viết cho thiếu nhi. Anh Huệ hoàn toàn xứng đáng chứ không phải ưu tiên hay ưu đãi gì đâu.
-         Vâng ạ. Để em xem đã.
Cuộc trao đổi ngắn gọn đầy tình anh em bạn bè cùng hội nhà văn VN với nhau.
Câu chuyện đã dài, anh ngồi tiếp chuyện hơn một tiếng đồng hồ sợ anh mệt. Nhân thể có cháu lớn của anh đang ở nhà, tôi nhờ cháu chụp cho một kiểu ảnh. Anh đồng ý và bảo Cẩm Nga vào phòng lấy hộ anh cái mũ phớt, đội vào đầu vì tóc anh đã rụng hết sau mấy đợt xạ trị.
Anh chỉ chỗ Cẩm Nga ngồi sang một bên và tôi một bên. Anh ngồi giữa, tay phải anh giơ lên và bảo tôi cùng giơ tay với anh. Bức ảnh thật đẹp thân tình vì anh đã chủ động đạo diễn chụp ảnh này.
Tôi đưa cho anh xem bức ảnh vừa chụp trong máy điện thoại của tôi. Anh khen ảnh đẹp. Một lúc sau tôi nháy Cẩm Nga xin phép ra về để anh nghỉ ngơi.
Bắt tay anh, lòng tôi thắt lại. Ra khỏi hành lang, mang theo nỗi buồn man mác khó tả…
Nghĩ đến tổng thống Veneduela ngài Hugo Chavez, Chủ tịch nước Trần Đại Quang, và Nguyễn Bá Thanh… tôi nghĩ đến  anh! Vượt qua được căn bệnh hiểm nghèo thật mong manh, vô vọng. Gia đình tôi mất 3 người trong thời gian ngắn đã chứng minh rằng bệnh ung thư thật nguy hiểm. Ai vướng phải bệnh này như nhận bản án tử, chỉ chờ ngày định đoạt số phận. Tôi nói với Cẩm Nga: Có khi anh em mình gặp anh ấy lần này là lần cuối cùng.
Thật đau lòng khi một nhân tài đang sung sức, lại sắp ra đi mãi mãi.



Hà Nội ngày 16 tháng 11 năm 2018
Nguyễn Quang Huệ


lăng mộ đá toyota thanh hóa