Xe ôm và những người khách

( Tản văn của Nguyễn Quang Huệ ) 


    
     Trên đường đi từ cổng chùa Trấn Quốc ( đường Thanh Niên ) đến Bảo tàng Văn học Việt Nam (đường Lạc Long Quân ) là một quãng khá dài. Tôi phải đi xe ôm qua đường Yên Phụ men theo Hồ Tây. Ông xe ôm chừng gần bảy mươi tuổi. Trông ông phúc hậu thật thà, tôi bắt chuyện: 
 - Bác năm nay bao nhiêu tuổi rồi? Tôi hỏi.
 - Dạ, em sáu tám ạ. Ông trả lời. Tôi hỏi tiếp:
 - Sao bác không nghỉ ngơi, để con cháu đỡ đần cho bác?
 - Một số người đi xe em cũng có câu hỏi như ông. Ông lái kể: Chả là trước đây em làm bên đường sắt, khi giảm biên chế họ cho em nghỉ một cục. Về theo chế độ 176 của nhà nước, tưởng có vốn làm ăn nhưng hóa ra không có hậu ông ạ. Sau khi nghỉ buôn bán không được, vốn hụt dần. Cơ duyên thương trường mình không có kinh nghiệm nên thất bại. Bây giờ các cháu lớn cả rồi. Gia thất tạm ổn, chưa được đầy đủ, nhưng chúng nó nhờ bên ngoại là chính nên các cháu nội ngoại đứa nào cũng xinh đẹp, giỏi dang cả. Cũng do các con tự lập cả thôi. Bố mẹ giúp đỡ chẳng được bao nhiêu.
 - Mừng cho bác có những đứa con biết tự lập sớm.
   Ông giải thích thêm: 
 -Cũng do hoàn cảnh cả thôi ông ạ. 
 Tôi hỏi luôn: Thế trong khi đi phục vụ khách hàng có câu chuyện nào vui hay buồn không?
 - Vui có, buồn cũng có. Như khách đi xe nhiều người thương cảm hoàn cảnh của em họ cứ nài nỉ trả thêm tiền. Có người mười ngàn, cũng có người hai mươi, năm mươi, thậm chí cả trăm. Em nói chỉ lấy đúng giá nhưng họ không nghe, bảo rằng giúp bác mấy đồng có đáng là bao. Em nhận để người ta vui lòng ông ạ.
 - Hoàn cảnh như bác ai cũng muốn giúp đỡ. Chứ như người chở khách khác họ cứ tăng thu vô tội vạ, nhất là với người nước ngoài và người tỉnh xa về Hà Nội. Ông hưởng ứng luôn: 
 - Quả cũng có người như thế.

 -Thế còn chuyện buồn? tôi hỏi? bác trả lời: Có một lần em đón xe ở dốc An Dương đường Thanh Niên, một cô gái nhờ em lai về tận trong Hà Đông. Cô ấy quãng hai bốn hay hai lăm gì đó. Trông người rất tươi trẻ, vóc dáng đài các lắm. Em nghĩ bắt được cuốc xe này hên rồi vì đường xa nên tiền công cũng được thỏa thuận trước 150 ngàn đồng. Đi được hơn nửa đoạn đường thấy khoảng cách hai người cứ ngắn dần và ép vào nhau. Vòng một cô ấy cứ đụng cọ vào lưng em. Hai tay cô ta ôm chặt ngang hông. Em thực sự cũng thấy buồn buồn và hồi hộp. Suy nghĩ mãi chả nhẽ con bé này nó định cưa mình. Một già một trẻ có thể nào xẩy ra được. Với lại mình là xe ôm thì hy vọng cái nỗi gì mà bám. 

   Đến khi xe qua thị xã Hà Đông, cô gái bấm bấm vào hông và nói anh cho em xuống đây. Đứng bên cạnh tôi, nhìn quanh một lượt không có ai cô ta nói: 
  - Bây giờ em không có tiền, hay là anh và em cùng vào nhà nghỉ cạnh đây, anh muốn làm gì em thì làm. Nói rồi cô ấy mở túi ra đưa trước mặt, quả là không có tiền thật. Cô ta nói thêm: Đêm qua thằng chó nó quỵt tiền nên không có đồng nào cả. Anh giúp em nhé. Em chửi luôn: Đồ khốn nạn. Người khác quỵt tiền mày, mày lại quỵt tiền tao à? Mày có biết sáng sớm tao đi mở hàng bao nhiêu hy vọng ở mày không?
 - Anh ơi, nói nhỏ thôi. Anh thông cảm cho em, để xe ở ngoài khóa lại vào đây uống nước đã.
 - Ăn uống gì? Tao không có tiền. Mày không biết tao cũng như mày à. Đồ giẻ rách, cút ngay. Con bé vừa sợ người ngoài túm tụm hóng chuyện, vừa lý nhí em cám ơn anh và đi thẳng. Tôi thẫn thờ một lúc rồi quay xe lại. Một mình lẩm bẩm với mình: Mẹ kiếp, sao hôm nay mình đen thế! …. Em dịu giọng ông ạ. Nghĩ cho cùng chúng nó cũng cơ cực mới phải đi bán thân như vậy. Thật là “Ngựa người- Người ngựa” như tác phẩm của Lưu Quang Vũ ông nhỉ !… 

….. Thấy đề tài còn hấp dẫn, tôi hỏi thêm:
 - Còn chuyện gì nữa không bác? Ông ta kể: Một lần đang đợi xe, có khách ăn mặc rất lịch sự, dày đen bóng, quần áo vét tông, sơ mi màu rất hợp, xách một cặp da đen không lớn không nhỏ như cặp tài liệu, nhờ tôi chở đến tòa soạn một tờ báo. Tôi đoán anh ta là phóng viên hoặc quản lý báo chí cơ quan này. Đến nơi anh ta xuống xe, rút trong túi ra tờ 100 đô la nói rằng: Tôi không có tiền việt, nhờ bác đi đổi hộ, trừ tiền công của bác, số còn lại trả tôi. Một trăm đô tôi chỉ đổi 1,8 triệu thôi.
 - Nhưng tôi làm gì có tiền triệu để đổi cho anh.
 - Vậy Thế này nhé, bác đợi ở đây mười phút, tôi vào cơ quan mượn tiền anh em, ra trả cho bác. Em đang lưỡng lự thì hắn đã đi vào khỏi cổng. Đứng đợi nửa tiếng không thấy hắn ra em đành vào hỏi mấy ông bảo vệ. Người ta bảo không biết ông khách này, chúng tôi không giám hỏi vì nom ông ấy rất đàng hoàng.
 - Vậy phía sau cơ quan có cổng phụ không? Bác xe hỏi.
 - Không có cổng phụ, chỉ có nhà mấy hộ gia đình phía sau có một lối nhỏ đi vừa một xe cải tiến để người ta đi ra ngoài. Ông bảo vệ trả lời. Thế là lại gặp một thằng lừa đảo! mà có khi tờ 100 đô la kia là tờ tiền âm phủ cũng nên. Em chỉ trách mình không cảnh giác, giá như cứ cầm, phát hiện tiền giả thì hắn đã no đòn với em rồi…

 … Mà hình như ông là nhà văn à? Không nhà văn, nhà báo cũng là nhà thơ vì em thấy ông chú ý những câu chuyện em kể. Em ở khu vực này lâu em biết, ai đến Bảo tàng Văn Học đều như vậy cả.
 - Tôi cám ơn bác về những câu chuyện vừa rồi.
 - Không có gì. Mấy khi gặp được khách quý như ông đâu, giãi bày tâm sự với nhau hiếm có lắm ông ạ. Em mong mấy ngày lại gặp ông một lần, em còn nhiều chuyện lắm.
 - Vâng, xin cám ơn bác.
   Tôi gửi bác 50 ngàn. Bác nói: em chỉ lấy ông 30 ngàn như thỏa thuận ban đầu. Thôi, bác cứ nhận đi, không phải trả lại và tôi xin bác một kiểu ảnh làm quen bác nhé. Tôi đưa máy lên chụp. Khuôn mặt ông tươi rói, rạng rỡ. Chắc ông ấy vui lắm… 
          
     Hà Nội ngày 19 tháng 8 năm 2018

lăng mộ đá toyota thanh hóa