Giếng Đông - Một thời để nhớ

         Làng tôi xưa có một Giếng Đông. Đây là giếng cổ của Làng Hiệu Thượng. Tên gọi này phù hợp với vị trí địa lý của nó vì nằm ở phía Đông của làng. Giếng Đông cách trung tâm bìa làng khoảng trên 70 mét.
     Đó là một giếng đất. Đường kính trên 20 mét. Sâu khoảng 5 mét. Chung quanh bờ giếng đắp một giải đất cao hơn mặt đường hơn nửa mét, rộng 1,5 m. Các cụ xưa trồng cây dứa ngô, lá lúc trưởng thành gần bằng bàn tay, dài khoảng non 1 mét, cứng cáp. Có gai chung quanh tàu lá. Ở đầu của lá có một gai to, màu nâu rất cứng và nhọn. Trâu bò không dám ăn lá hoặc ngọn của loại dứa này vì sợ gai đâm. Lá dứa già và bánh tẻ cắt đem ngâm nước khoảng 15 đến 20 ngày sẽ bị thối rữa, người ta chỉ việc rũ rửa sạch phần thịt của lá, chỉ còn lại một nắm sợi tơ, đem phơi khô làm sợi dệt võng hoặc bện thành dây thừng rất bền chắc. Cũng có thể xe thành giải rút hoặc dây xâu tiền đồng. Các bà các chị đi chợ buộc quanh người để tiền khỏi rơi ra ngoài. Xen kẽ cây dứa ngô là các loại cây thấp tầng như cây gai sòng sọng, một số cây lá nhỏ có gai, quây thành một vành đai xanh chung quanh bờ. Bên ngoài vành đai xanh là đường đi dân sinh quanh giếng.
     Phía trước giếng là một khu đất rộng, bằng phẳng, thảm cỏ dày và xanh mượt mà. Mỗi lần đi học ở trường huyện về qua đây, tôi thường ngồi lại ngay trên bờ giếng, ngắm mặt nước tĩnh lặng, trong xanh và huyền bí. Tôi có cảm giác các vị thần linh ẩn náu nơi đây nên khi vắng người, ngồi lâu một mình rất ngại.
     Các cụ xưa xếp bậc xuống giếng từ miệng giếng xuống đáy nghiêng theo bậc cầu thang bằng những viên gạch sò thiên tạo, đã đục đẽo định hình dày khoảng 20 cm, rộng 30 cm, dài 40 cm. Bề mặt mỗi bậc xếp 2 viên là 80 cm. Người gánh bước chân vào những viên sò này sẽ không bị trơn trượt, không làm cho nước đục bởi không dẵm chân vào bùn đất. Cứ tuần tự từng người một, người này lên người khác xuống.
     Giếng Đông là nơi tụ hội của cả làng. Mỗi chiều hè ra giếng gánh nước được hưởng không khí trong lành, mát rượi do gió nồm từ biển thổi vào. Nghe tiếng sáo diều vi vu từ làng Đông Phái, làng Tú Mỹ thả những con diều to, có sải cánh trên 2 mét, mang theo sáo đồng thả lên trời, cả đêm cả ngày rất vui tai và thanh bình. Bao trai thanh, gái lịch nên vợ nên chồng cũng từ những buổi đi gánh nước Giếng Đông. Đây cũng là nơi hò hẹn, tình tứ của lớp lớp trai gái nhiều thế hệ trước đây.
     Giếng Đông là một địa danh thiêng liêng. Một di tích văn hóa và đời sống của Làng Hiệu Thượng. Đây là địa chỉ quan trọng trong tâm linh của làng tôi. Nguồn nước giếng lúc nào cũng trong mát có lẽ trong lòng giếng có lớp rong tóc tiên. Loại rong này đã thanh lọc những vẩn đục trong đất, những tạp chất trong nước và trên bờ mỗi khi mưa xuống. Nước trong giếng không bao giờ cạn. Chính Giếng Đông đã nuôi sống cả làng và những làng xã lân cận hàng trăm năm có lẻ. Năm 1948 làng tôi đào và xây 3 giếng khơi  ở 3 xóm Bắc Thượng, Trung Thượng và Nam Thượng. Nhưng nước ở các giếng này chỉ dùng tắm giặt, sinh hoạt vì chất lượng nước không được tốt: cái thì mùi bùn, cái thì nhiễm mặn của muối biển. Những năm hạn hán cả 3 giếng này đều cạn kiệt. Nước đun nấu vẫn dùng nước Giếng Đông vì có chất lượng nước tốt nhất. Đặc biệt dùng nước này nấu  chè xanh Đô Lương ( chè Gay ) thì thật tuyệt vì nước có màu xanh quyến rũ, uống mát, thơm và đậm đà. Nhiều người nghiện chè xanh nấu nước Giếng Đông. Chị dâu tôi ở TP Vinh mỗi lần về quê đều sai các cháu gánh nước Giếng Đông về đun sôi hãm với chè xanh để uống. Chị tôi khen nước Giếng Đông nấu chè xanh có vị thơm ngon đặc biệt.
     Dân làng tôi có câu ca truyền miệng từ lâu, ai ai cũng nhớ:
            Nước Giếng Đông vừa trong vừa mát
            Đường Hiệu Thượng đất cát dễ đi…
     Những năm đại hạn do yếu tố thời tiết khắc nghiệt, nhất là sau đợt ném bom của thực dân Pháp phá hủy Ba ra Đô Lương, cắt nguồn nước thủy nông không về được 2 vùng lúa Yên Thành, Diễn Châu, các ao hồ, đồng ruộng quanh vùng cạn kiệt, đồng khô cỏ cháy. Các cánh đồng lúa nứt nẻ phải chuyển sang trồng màu như ngô khoai, bông, thuốc lào nhưng thiếu nước nên năng xuất thấp. Dân làng tôi cơ cực vì thiếu lúa gạo. Nhưng Giếng Đông không bao giờ cạn nước. Hình như có một mạch ngầm ở đâu đưa tới nguồn nước mát lạnh trong lành để cứu khát đồng bào quê tôi.
     Cụ Phạm Thâm năm nay đã 84 tuổi kể: ngày trước lúc cụ còn nhỏ, có một năm hạn hán, dân trong làng và các làng xã quanh vùng đi gánh nước Giếng Đông như trẩy hội. Dân làng tôi sợ hết nguồn nước nên bàn nhau làm một con thuyền dán bằng giấy trắng, giấy màu, chặt các thân cây chuối kết thành bè nổi, đặt thuyền lên đó. Chung quah  thuyền cắm cờ xí và các hình ma quỷ, thần linh, kèm theo lễ vật hương hoa, bánh trái, nhờ thầy phù thủy cúng suốt một ngày để cầu Trời, khấn Phật, Long Mạch, Thổ Thần… đừng bao giờ để dân tôi chết khát. Mấy hôm sau trời đổ một trận mưa to, nhờ đó nước lại dâng lên, dân làng kháo nhau: Đúng là có thờ có thiêng…Trời đất thiên địa bao giờ cũng che chở cho dân làng được bình an.
     Khi hòa bình lập lại 1954, nhất là những năm 60 đến70 của thế kỷ trước, đời sống bà con được nâng lên do tổ chức lại sản xuất, hệ thống thủy nông được củng cố, đồng ruộng có đủ nước để gieo trồng, nhà nhà đua nhau đào giếng khơi và xây bể dự trữ nước mưa thì vai trò của Giếng Đông không còn quan trọng. Thế là để giếng hoang phế, thậm chí đã lấp đi và để lại một vũng nước sâu, hoang hóa, cỏ mọc lút đầu người…
     Ngày nay, khi ôn lại những năm tháng khó khăn trước đây, người dân nhắc nhiều đến Giếng Đông và 3 cây gạo cổ trong làng. Muốn khôi phục lại Giếng Đông, làm nơi vui chơi giải trí. Con cháu ôn lại một thời mà cha ông đã gắn bó và trân trọng di tích này. Tuy vậy tôi nghĩ chức năng bây giờ không phải để lấy nước uống mà nên làm nông hơn để trồng sen lấy hoa, lá và quả, làm đep, tạo bầu không khí mát dịu cả khu vực địa danh.
     Dự án đã có. Kinh phí vận động những nhà hảo tâm và sự đóng góp của bà con. Nói chung dân làng đều đồng thuận. Chắc cuối năm nay hoặc đầu năm sau thực hiện.
    
     Bà con hy vọng một khu lưu niệm và vui chơi sẽ hình thành, mang ý nghĩa tâm linh và sinh hoạt lành mạnh của mọi người sớm trở thành hiện thực…

 NQH
 Hà Nội ngày 8 tháng 9 năm 2017

                                   

Về quê rằm tháng bảy

Rằm tháng bảy về thăm quê
Trưởng tộc điện chú về gấp gấp
Các họ trong làng người về tấp nập
Họ ta còn thiếu chú mà thôi.

-Có việc chi quan trọng rứa cháu ơi?
-Họ thiếu chú thì thiệt thòi lắm đấy
Năm nay chú tròn bảy mươi bảy tuổi
Chú nên về để con cháu đỡ mong.

Có cần thiết như vậy không?
Bởi chú vừa đi cấp cứu!
Ừ nếu cần thì cố
Về được quê giỗ họ
Rằm tháng bảy cũng là điều hay
Chú sẽ về ngay trong sáng nay...



lăng mộ đá toyota thanh hóa