Nguyễn Quang Huệ:

Những công trình và những vần thơ

 

          Nhà thơ vốn không phải danh xưng dành cho tất cả những người cầm bút. Mà bởi những đam mê, cống hiến và tác phẩm suy tôn nên họ. Và với nhà thơ thì dù họ có ẩn mình kín đáo, thơ ca vẫn làm họ bừng sáng, lan tỏa đến những tâm hồn đồng điệu khác. Đó là sức mạnh của thơ ca.

Chúng tôi cảm nhận được những rung cảm ấy từ Kỹ sư, nhà thơ Nguyễn Quang Huệ, người con của mảnh đất Diễn Châu – Nghệ An. Người đã sống xa quê bao nhiêu năm mà tâm hồn, cốt cách vẫn sâu đậm tình quê.

 

 XA LŨY TRE LÀNG

Ra đi từ lũy tre làng                                                          

trai quê lên phố đa mang cuốc cày                                          

từ ngày xa ruộng đến nay

tay chai đã lặn để thay bút cầm.

 

Sáo diều xa vắng bao năm?

bờ xôi ruộng mật đã nằm vào tranh

tưởng quê là mảnh đất lành

nào ngờ lên phố ẩn danh cả đời...

 

Thôi rồi từ thuở nằm nôi

Chờ cho đến hẹn đáo hồi về quê...

 

Trong bài thơ QUÊ HƯƠNG dưới đây đã nói lên nỗi nhớ nhung của ông về quê hương mình từ thuở thiếu thời:

 

Diễn Hạnh ơi mắm mặn tự thuở nào

Vào mâm cơm thêm đậm đà cà muối

Rau ngoài vườn xanh non tơ mời gọi

Luộc hay xào có từ buổi hồng hoang.


Vị ngọt bùi mắm cáy chấm rau lang

Cơm độn khoai nuôi anh hùng, thi sĩ

Rẻo cát pha ươm mầm nên mùi vị

Của quê nhà không lẫn được nơi đâu.


Chim sẻ về làm tổ mấy hàng cau

Mẹ chăm chút dàn trầu xanh biếc

Đất quê ta qua một thời oanh liệt

Đã xây nên bao sự tích anh hùng.


Đường làng giờ xe chạy rộng ung dung

Trường trung học phổ thông ngay đầu xã

Con em ta như một vườn hoa nở

So thị thành không khác biệt là bao.

 

Chuông nhà thờ dìu dặt nhả từng câu

Báo tin vui mỗi ban mai thức dậy

Tiếng nguyện cầu rộn ràng từ nơi ấy

Nhắc nhở lòng hãy giữ lấy quê hương…              

 

        Đó là những vần thơ ông đề tặng quê hương mình, nhưng chúng tôi hiểu trên hết đó cũng là nỗi lòng của ông. Bởi chính cốt cách của ông, những gì nhà thơ tâm huyết và trăn trở đều được gửi gắm vào những vần thơ nhiều suy tưởng về quê hương như thế.

        Nhà thơ Nguyễn Quang Huệ sinh  ngày 26 tháng 12 năm 1941 tại xã Diễn Hạnh, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An, VIỆT NAM. Từ nhỏ mong muốn góp phần làm giàu đẹp cho quê hương đất nước. Lớn lên, tốt nghiệp đại học với tấm bằng kỹ sư Xây Dựng  loại giỏi ông đã chạm đến ước mơ của mình. Ông từng tham gia thiết kế và xây dựng nhiều công trình quan trọng của Nhà nước như: Lăng Chủ Tịch Hồ Chí Minh, Nhà khách Chính phủ, Trung tâm báo chí Quốc tế, Học Viện Hành chính Quốc gia, Nhà máy điện Phả Lại và một số công trình ở nước ngoài (Cộng hòa I Raq).  Ông từng nắm giữ Chủ trì thiết kế một số công trình và trưởng chỉ huy công trường xây dựng của Bộ xây dựng, Giám đốc Trung tâm kinh tế kỹ thuật xây dựng ... Cũng trong những năm tháng gắn bó với nghề nghiệp ấy, ông bắt đầu làm thơ, trở thành người kỹ sư tâm hồn qua những vần thơ trữ tình: 

 

MỘT LÒNG BÊN ANH 

Em muốn làm dòng sông

Cho thuyền anh xuôi ngược

Nâng niu trên mỗi bước

Những bến bờ anh qua.

 

Em muốn là nhành hoa

Tỏa hương thơm dìu dịu

Khi mặt trời soi chiếu

Vào những buổi oi nồng.

 

Em muốn là thinh không

Cho lòng anh tĩnh lặng

Vượt qua bao cay đắng

Những bước chân xa vời.

 

Nhưng không được anh ơi

Bởi em đâu là gió

Đâu dòng sông ngọn cỏ

Là hoa là thinh không?

 

Nhưng thương anh mặn nồng

Như lòng em vẫn ước

Dù anh không nhận được

Vẫn một lòng bên anh...               

 

        Có phải càng gắn bó với công việc thì tâm hồn người nghệ sĩ càng trở nên thăng hoa bay bổng để viết nên những vần thơ giàu cảm xúc đến thế. Tình yêu đã góp phần làm nên một đề tài thành công trong thơ Nguyễn Quang Huệ, cho dù bên cạnh những yêu thương trọn vẹn ta vẫn gặp những dở dang, tiếc nuối từ thuở ban đầu:

 

        CHUM NẾP

 ...Mấy năm chum nếp vẫn đầy

Chỉ chờ cánh thiếp tung bay gọi mời

Nhà gần tình vẫn chơi vơi

Có duyên không phận - nhận lời chia tay

Công chum chờ đợi bao ngày

Xin đừng trách mối tình này làm chi…

 

Hay là bài RƯỢU TÌNH sau đây:

Mời anh về tận Ba Vì

Nhâm nha chén rượu, rượu gì hỡi em?

Giữa lòng Hà Nội thân quen

Sao em không ngỏ chút men mơ màng.

 

Nhờ thơ anh biết thêm nàng

Xinh xinh lại có những hàng thơ hay

Cao cao dáng ngọc thon đầy

Mắt nhìn thu hết trời mây vào mình.

 

Trúc xinh trúc đứng bên đình

Vầng trăng soi tỏ lung linh giữa trời

Em xinh là của mọi người

Ba Vì có rượu em mời những ai?

 

Rượu tình chưa uống đã say

Rượu lòng chỉ một chén này ngả nghiêng…

 

          Là một người thành công trong sự nghiệp khi dành được sự tin cậy của Bộ Xây Dựng trong suốt những năm tháng làm việc. Là một nhà thơ gây ấn tượng với độc giả qua các tác phẩm đã được in ấn, xuất bản, các chương trình truyền hình của TW và Hà Nội, có thể nói Nguyễn Quang Huệ là người thành đạt tại đất kinh kỳ. Nhưng ông vẫn giữ được cho mình tình yêu, hồn cốt của quê hương. Luôn tâm huyết và sẵn sàng đóng góp công sức, trí tuệ của mình cho quê hương giàu đẹp. Và ông cũng nhận được không ít sự trân trọng, quý mến từ chính những người dân quê mình và lãnh đạo các cấp ở địa phương.

        Với người thi sĩ những gì họ đi qua là những trải nghiệm quý giá, là nguồn thi liệu làm nên những tác phẩm để đời, và “Chum nếp”, “Rượu tình, Ba bậc thềm nhà v.v… chính là những bài thơ như thế của nhà thơ Nguyễn Quang Huệ.

 

BA BẬC THỀM NHÀ

Thân thương ba bậc thềm nhà

Đi vào bao lượt đi ra bao lần

Mỗi ngày mấy chục bước chân

Hết lên lại xuống ngay sân nhà mình.

 

Ung dung như chốn cung đình

Nhà mình mình ở thềm mình mình đi

Đậu nghè bái tổ vinh quy

Cũng từ chập chững cô dì đỡ nâng.

 

Từ sĩ tốt đến quân vương

Nào ai quên lúc náu nương thềm nhà

Ngàn đời từ thuở ông cha

Lớn khôn, khờ dại từ ba bậc thềm…

 

        Những lần về thăm quê ông luôn nhắc các con mình nhớ về truyền thống của gia đình, dòng tộc để các con ông biết rõ nguồn gốc Tổ tiên. Trong ngôi nhà, mảnh vườn còn lưu giữ nhiều kỷ vật mà ông bà, cha mẹ để lại, nhà thơ Nguyễn Quang Huệ rưng rưng như đang chạm vào quá vãng xa xôi. Đằng sau sự thành đạt của ông chính là bóng dáng của người vợ hiền. Bà đã luôn ở bên ông, khuyến khích, ủng hộ ông cả trong công việc và trong thi ca. Hai người đã cùng nhau vun đắp nên một gia đình hạnh phúc. Cuộc đời này họ đã yêu thương, trân trọng nhau để làm nên những gì trọn vẹn nhất. Sự thủy chung với cuộc tình sâu nặng qua năm mươi năm đã được nhà thơ  để lại “Bài thơ tặng vợ” đầy tính nhạc:

 

  Bài thơ tặng vợ

Năm mươi năm bên nhau

Ta nhớ lại tình xưa

Thời gian như thoi đưa

Bao ký ức chẳng phai mờ.

 

Tình như một bài thơ

Ngọt bùi hoa thơm muôn thuở

Bao sóng cồn xôn xao

Vẫn giữ trọn đời có nhau…

 

         Không thể không nhắc đến thơ Nguyễn Quang Huệ viết dành cho thiếu nhi. Với sáu tập thơ: Gà mẹ – gà con, Dê trắng – Dê đen, Công chúa ếch, Chuyện gấu và mèo, Bắc cầu vồng, Cậu ông trời đã đánh dấu sự thành công của ông ở mảng thơ này.(

 Đặc biệt năm 2015 Trung tâm văn hóa Hội Người cao tuổi Việt Nam đã bình chọn tập thơ “Công chúa ếch" đạt tác phẩm thơ xuất sắc của năm. Ở lĩnh vực thơ tưởng dễ mà rất khó này, Nguyễn Quang Huệ đã thực sự mang lại cho các em thiếu nhi một thế giới trong trẻo, hồn nhiên và những bài học vô cùng giá trị, bởi mỗi bài thơ là một câu chuyện về những con vật đã được nhân hóa hấp dẫn, mang tính giáo dục nhẹ nhàng...

        Bài thơ Công Chúa ếch là một câu chuyện bằng thơ tiêu biểu về giáo dục cho các em về bảo vệ môi trường, bảo vệ thiên nhiên hoang dã như cả thế giới quan tâm và đang kêu gọi.

 

CÔNG CHÚA ẾCH

Một hôm Nhà Vua ban

Hoàng Tử dẫn một đoàn

Mang kiếm sắc, cung vàng

Cùng quản gia săn thú.

 

Đến một khu rừng nọ

Thấy một đàn nai tơ

Đang ngơ ngác gần bờ

Xuống suối sâu uống nước.

 

Hoàng tử vung kiếm trước

Mải ngắm chú nai đầu

Nai chạy ngài đuổi theo

Không ngờ gieo xuống suối.

 

Đang loay hoay chới với

Chắc chết đuối mất thôi!

Công Chúa ếch xanh ơi

Mau cứu tôi gấp gấp!...

 

Đang ngắm bầu trời đẹp

Nghe tiếng gọi đến ngay

Nàng nhanh chóng đỡ tay

Ngồi lên lưng tôi cõng.

 

Chàng bùi ngùi xúc động

Công cứu mạng của nàng

Ta trả ơn đàng hoàng

Về Hoàng cung mới hiểu…

 

Phụ Hoàng nghe tâu báo

Công Chúa Ếch rất xinh

Có công cứu con mình

Thoát khỏi roi thần chết.

 

Phụ Hoàng ban mở tiệc

Đãi Công Chúa một ngày

Lập thiếp cưới vợ ngay

Nhập Hoàng Cung dâu mới.

 

Ếch xanh  cười phấn khởi

Xin tạ ơn Phụ Hoàng

Nhưng Ếch sống ở hang

Không quen lầu gác tía.

 

Nếu trả tình đáp nghĩa

Xin đừng săn nai rừng

Ếch ngắm cảnh chiều buông

Cùng chim muông hoang thú.

 

Phụ Hoàng nghe đã rõ

Sai Hoàng Tử Ngựa Trời

Tiễn nàng về tận nơi

Không được săn nai ngọc…

 

Nhà thơ không quên viết về đề tài quê hương gần gũi của các em, nơi các em ở và gắn bó hành ngày, chứng kiến bao thay đổi trong thời gian  đầu đời đầy thơ mộng:

 

QUÊ HƯƠNG

Quê hương là chiếc cầu ao

Hoa thơm, khóm mía ngọt ngào

Nương dâu xanh mầu vườn trước

Rặng dừa ngọt nước vườn sau.

 

Quê hương gốc bưởi dàn bầu

Khế ngọt ổi thơm táo chin

Tắm sông trưa hè mát lịm

Chiều nghe vang tiếng sáo diều.

 

Quê hương những rơm cùng rạ

Phơi khô mẹ gánh về nhà

Đàn gà bới tìm hạt sót

Kiến vàng khiêng xác sâu ma.

 

Quê hương vàng mùa hoa cải

Tết về thơm mãi hương trầm

Xóm thôn đón mùa xuân mới

Ngọt ngào giọng hát thơ ngâm.

 

Quê hương đánh chuyền đánh chắt

Nhảy dây, đá bóng sân đình

Trẻ em áo hoa xinh đẹp

Ngày rằm trăng sáng lung linh.

 

Yêu quê em chăm học hành

Mai này trở thành nhà giáo

Dìu dắt đàn em yêu dấu

Quê mình rộn tiếng chim ca…

 

Ông miêu tả thế giới loài vật chung quanh môi trường sống hàng ngày của các em qua tác phẩm Ao nhà như sau:

 

AO NHÀ

Chú ếch ngồi ở lá sen

Thảnh thơi ngắm chú dế mèn vuốt râu

Bờ ao hai chú chim sâu

Lích ta lích tích rủ nhau tìm mồi

Nhái bén quan sát một hồi

Nhớ lời cô dặn tìm nơi học bài

Chẫu chuộc có đôi chân dài

Hễ nghe tiếng động là nhoai xuống hồ

Giật mình mấy chú cá rô

Nháo nha nháo nhác nép bờ ngó nghiêng

Chuồn chuồn cánh mỏng như tiên

Đậu cành tre nhỏ làm duyên soi mình…

 

Từ làng quê đến thị thành

Không ao nào đẹp chỉ mình ao em…

 

TIỄN BIỆT BÁC SÂU

Bác sâu ngừng thở một ngày

Sao không thấy vợ, con hay họ hàng?

Chia buồn nhà kiến mới sang

Phân công lo giúp đám tang đau lòng.

 

Kiến càng to nhất đám đông

Chịu trách nhiệm chính đánh cồng lúc đưa

Kiến thợ hàm khỏe dư thừa

Người kéo người đẩy cho vừa chuyến đi.

 

Kiến hôi người bé tý ti

Phun mùi sát khuẩn trước khi xuống giường

Làm sao giữ sạch môi trường

Mọi người dễ chịu trên đường đưa tang.

 

Đến nơi thôi khỏi phải bàn

Đưa vào hỏa táng là an tâm rồi

Kiến đen yếu ớt được mời

Tiếp khách, gọi điện báo nơi quê nhà

Mọi việc như thế diễn ra

Làm sao tiết kiệm tối đa tang này.

 

Bác sâu dưới đấy có hay

Nếu biết tin này chắc rất cám ơn…

 

          Sau những thành công đã có, nhà thơ Nguyễn Quang Huệ dự định thời gian tới sẽ xuất bản một tuyển tập thơ cho thiếu nhi, một tuyển tập về tình yêu và nỗi nhớ, một tập tiểu thuyết, một tập hồi ký và một tập truyện ngắn. Ông cho biết tư liệu và bản thảo đã có, chỉ còn tập hợp lại, xin cấp phép xuất bản nữa là xong.

          Với tài năng và đam mê ấy của ông, chúng tôi tin rằng nhà thơ Nguyễn Quang Huệ sẽ thành công những dự kiến ấy. Hy vọng ông sẽ bước tiếp và gặt hái những đóa hoa thơm ngát,  đi thêm những bước dài hơn nữa trên con đường sáng tác văn học, nghệ thuật, thi ca của mình...

 

*( Phóng sự của VOV (kênh truyền hình của Đài Tiếng nòi Việt Nam)

 

 

 

lăng mộ đá toyota thanh hóa