Thăm cô giáo cũ

( Kính tặng cô Lê Thị Kim Ninh )

Ảnh minh họa internet
Lâu rồi thăm cô tại nhà
Học trò nay đã thành bà thành ông
Đã thành quan chánh quan phòng
Đã thành ông giám ông đồng mà ra
Học trò nay tuổi đã già
Ngoài bảy mươi đợi dịp là "Xuất dương".

Thăm cô là chuyện lẽ thường
Tình riêng anh chị, nghĩa trường thầy cô
Vui vì cô chỉ khác xưa
Tóc xanh nay đã hương đưa đổi màu
Học trò có khác gì đâu
Pha sương nhuộm bạc mái đầu cựu sinh...

Bao lần đi họp phụ huynh
Cho con cho cháu nhớ tình thầy cô
Vẫn nguyên là phận học trò
U70 vẫn nhớ cô từng lời...

Chúc cho cô giáo yêu đời
Xuân này sức khỏe như mười xuân qua...

Lời bình bài thơ "Con hãy về với má"

Lê Hữu Trọng



Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình dạt dào
Tình mẹ tha thiết như dòng suối hiền ngọt ngào

Chắc ai trong chúng ta cũng từng đắm chìm vào giai điệu và ca từ của bài LÒNG MẸ. Quả thật tình cảm của người mẹ đối với con không thể tả thành lời. Bởi thế đã có biết bao tác giả đã ca ngợi tình mẹ trong tác phẩm của mình nhưng xem ra việc đó chỉ như những giọt nước đổ vào lòng đại dương bao la tình mẹ. Và hôm nay tôi có dịp chiêm ngưỡng một giọt nước trong những giọt nước đó.

CON HÃY VỀ VỚI MÁ
(Tác giả Nguyễn Quang Huệ )


Đã bao mùa lá rụng
Sao con lại không về?
Lòng má còn tái tê
Ngóng chờ con từng phút!

Tuổi xanh con xếp bút
Theo con đường ba đi
Từ đất nước chia ly
Nay đã thành một dải.

Má mong chờ con mãi
Sao con lại không về
Ba đã trọn lời thề
Chỉ còn con hy vọng.

Hay con về báo mộng
Cho má một lần thôi
Con đang ở trên đồi
Hay chơi vơi bờ suối?

Ở cây cao bóng núi
Ở ngay giữa đồng bằng?
Giữa thành phố huy hoàng
Hay làng quê cuối hạ?

Nếu con về với má
Hãy đi thẳng vào nhà
Đừng dừng bước nữa mà
Đừng đứng nhìn ngoài ngõ.

Nhà của ta ở đó
Má chỉ mong con về
Bằng không má sẽ đi
Tìm con về với má...



Bài thơ năm chữ, bảy khổ bốn câu với góc nhìn ngôi thứ nhất bày tỏ nỗi niềm của người mẹ khi con chẳng thể trở về.
Người con chính là cả cuộc đời của người mẹ nên không có gì xót xa hơn khi "người đầu bạc khóc kẻ đàu xanh"

Đã bao mùa lá rụng
Sao con lại không về?
Lòng má còn tái tê
Ngóng chờ con từng phút!
Giọng thơ thiết tha vói câu hỏi nhấn mạnh ý, khiến ta cảm thấy hình ảnh mẹ già ngồi ngóng chờ con từng phút, đã trải qua đằng đẳng bao năm khiến cả cơ thể và tấm lòng mẹ tê buốt. Thời gian đằng đẳng ngóng chờ đã quá dư dả để mẹ hồi tưởng lại bao kỷ niệm khi vẫn còn ở bên con.

Tuổi xanh con xếp bút
Theo con đường ba đi
Từ đất nước chia ly
Nay đã thành một dải.
Giọng thơ vẫn tha thiết, nhẹ nhàng cho ta biết lý do người con phải xa lìa vòng tay của mẹ. Không có người mẹ nào muốn xa con, nhất là còn "tuổi xanh" và dang dở việc học hành, lại đi vào nơi nguy hiểm. Nhưng vì "đất nước chia ly" nên mẹ mới để con ra đi. Đó ắt hẳn là bà mẹ vĩ đại. Nhung cuối cùng người vẫn là một phụ nữ, một bà mẹ nên:

Má mong chờ con mãi
Sao con lại không về
Ba đã trọn lời thề
Chỉ còn con hy vọng.
"Ba đã trọn lời thề" cho ta biết người chồng thân yêu của mẹ đã vì nước vĩnh viễn không trở về . Và việc "Chỉ con còn hy vọng" nói lên việc người con của mẹ chính là người con duy nhất, là vạch nối sự sống duy nhất của mẹ ở cỏi đời nay. Hơn nữa câu thơ trên cũng chỉ việc người con bị mất tích. Việc bị mất tích là niềm hy vọng nhỏ nhoi nhưng lại là nỗi đau gấp bội phần và dai dẳng. Vì người Việt ai cũng muốn người thân khi mất đi được "mồ yên mả đẹp" để sớm hôm nhang khói. Chính vì thế:

Hay con về báo mộng
Cho má một lần thôi
Con đang ở trên đồi
Hay chơi vơi bờ suối?
Ở cây cao bóng núi
Ở ngay giữa đồng bằng?
Giữa thành phố huy hoàng
Hay làng quê cuối hạ?
Tác giả đã dành cả hai khổ thơ để bày tỏ niềm ưu tư khắc khoải, niềm hy vọng mong manh của bà mẹ. Với chặng thời gian dài 40 năm, hy vọng người con vẫn sống đã không còn: " hay con về báo mộng". Điều duy nhất mẹ hy vọng là biết được con mình ở chân trời góc biển nào:
đồi- suối
núi - đồng bằng
thành phố- làng quê
Nhưng xem ra vẫn khó có thể thực hiện được nên mẹ chỉ ước được "báo mộng".
Con người ta dù có tuyệt vọng đến đâu thì đâu đó trong lòng vẫn le lói tia hy vọng. Hy vọng nhỏ nhoi được người mẹ thể hiện bằng việc giả dụ người con quay về (dù có trong mơ)

Nếu con về với má
Hãy đi thẳng vào nhà
Đừng dừng bước nữa mà
Đừng đứng nhìn ngoài ngõ.
Ắt hẳn từ lúc con đi cửa nhà mẹ chẳng bao giờ đóng, chỉ sợ con về không vào được sẽ "bước nữa mà" hay "nhìn ngoài ngỏ"
Liên tiếp hai câu đừng: đừng dừng - đừng đứng tác giả đưa ra đã nhấn mạnh niềm khắc khoải - lo nghĩ trong lòng mẹ.
Khổ thơ cuối kết dòng suy tưởng của mẹ chính là việc người quay lại với thực tại. Mẹ khẳng định lại lần nữa với người con là sau bao năm cửa nhà vẫn mở và

Nhà của ta ở đó
Má chỉ mong con về
Bằng không má sẽ đi
Tìm con về với má
Chiến tranh đã trôi qua 40 năm rồi. Ắt hẳn tin về người con mất tích đã còn lâu hơn thế nữa. Vậy nên mẹ giờ này đã gần đát xa trời, lưng đau gối mỏi. Việc đi lại đối với mẹ hết sức khó khăn. Nhưng không vì thế mà làm nản lòng mẹ.

Bằng không má sẽ đi
Tìm con về với má
Mẹ khẳng định là sẽ đi tìm con. Hai câu kết này khiến tôi hết sức phân vân. Tại sao bao nhiêu năm chờ đợi đến khi sức tàn mẹ mới quyết định đi tìm con. Chắc là có một tổ chức nào đó giúp mẹ tìm con hay là... Và vỡ òa ra rằng mẹ chuẩn bị cho chuyến đi một chiều và chắc chắn gặp con ở cõi vĩnh hằng.
Hai câu cuối đã khẳng định chắc chắn, niềm hy vọng chưa bao giờ tắt trong lòng mẹ dù thời gian có bao lâu đi nữa. Và đến phút cuối cuộc đời, mẹ vẫn hướng về con. Xin nghiêng mình kính phục tấm lòng của tất cả các bà mẹ trên cõi đời này.
Bài thơ thể hiện rõ tâm tư của người mẹ cũng như ẩn hiện nỗi ray rứt của người con, cùng với việc đề ngày 30/4 tôi có cảm giác tác giả đã từng trải qua cuộc chiến. Tác giả hẳn rất ray rứt về các đồng đội đã ngã xuống khi xưa nhung đến giờ xác vẫn chưa tập kết được. Bài thơ như là lời "trả nợ ân tình" với người đã khuất.
Bài thơ rất hay, gây xúc động cho người đọc. Cám ơn tác giả Nguyễn Quang Huệ cho tôi cảm giác ấm áp với tấm lòng người mẹ. Chúc tác giả vui khỏe và có thêm nhiều tác phẩm hay hơn nữa.


* Kính gửi nhà thơ Nguyễn Quang Huệ

Cám ơn anh đã cho em đọc bài thơ của anh. Một câu chuyện đau thương và xúc động được dựng lên với một thể thơ truyền thống rất phù hợp. Câu chữ xúc tích nhưng rung cảm và sâu sắc.

Kính chúc anh mạnh khỏe, sáng tác nhiều thơ hay.
Nguyễn Quang Thiều

lăng mộ đá toyota thanh hóa