Kính gửi Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo.
Tôi xin phép anh đăng lại bài viết này của anh lên trang cá nhân để bạn bè tôi cùng tham khảo. Anh vui lòng nhé.
THƠ VÀ THƠ... (2) Tiếp theo
Xem phần 1 ở đây: https://www.facebook.com/nguyentrongtao/posts/10205891929291950
3. Ai đó nói rằng, cá tính sáng tạo bị triệt tiêu thì văn học có chung
một gương mặt, đấy là cái mặt nạ của thần chết. Sự tôn trọng cá tính,
phong cách, trường phái bao giờ cũng làm cho văn học phong phú và đa
phức. Có thơ đọc để hiểu và có thơ đọc để cảm. Từ lâu, Cao Bá Quát đã
chạm tới cái thăm thẳm của thơ khi ông cho rằng “Cố tình hiểu nghĩa chỉ
dại thôi” (tức tâm liễu nghĩa chân như si). Hoài Thanh trở thành một nhà
phê bình thơ quán quân của thế kỷ khi ông đọc nó bằng con mắt trực
giác, cùng với sự quan tâm đến đời sống riêng biệt của từng thi sĩ. “Một
nền phê bình hay, thường ra đời từ sự thân quen (với tác giả) và từ sự
tiếp xúc thường xuyên lâu dài với tác phẩm được đánh giá”- Nhận xét này
của Octavio Paz có vẻ trái ngược với những “nhà phê bình khách quan”,
nhưng thực ra đây là một gợi ý đáng để giới phê bình lưu ý, đặc biệt khi
họ phải tiếp cận những giá trị mới có tính khai mở trên hệ thống ngôn
ngữ mới phức tạp và đa nghĩa. Khi thơ ca trong tình hình “trăm hoa đua
nở, trăm nhà đua tiếng” thì sẽ xuất hiện vô số niềm vui tầm tầm, nỗi
buồn tầm tầm, yêu ghét tầm tầm, có nghĩa là vô số những tác phẩm tầm
tầm, cỏ dại lấn át những mầm cây. Cái tài của nhà phê bình không phải là
đốt cỏ (hẳn sẽ làm thui chột các mầm cây) mà phải phát hiện ra các mầm
cây để nâng niu chăm sóc nó. Có như thế mới giúp cho người đọc phân biệt
được CÂY với cỏ. Đừng sợ cỏ, cỏ mãi mãi vẫn chỉ là cỏ mà thôi. Vấn đề
đáng lưu ý đối với phê bình thơ của ta gần đây là: Khi thì nhầm cỏ là
CÂY, khi lại nhầm CÂY là cỏ.
4. Một nữ tiến sỹ Nhật bản - chị
Mori - thạo nhiều ngoại ngữ (khá sành tiếng Việt) và đang tìm hiểu văn
học Việt nam, sau khi nghe nhà thơ Hoàng Cầm và mấy nhà thơ ta đọc thơ
đã không kìm được xúc động, liền nhận xét: “Tôi thấy thơ Việt Nam hay
không kém thơ thế giới mà tôi đã được đọc!” Đấy không phải là một nhận
xét “ngoại giao”, mà là một sự khám phá về ngôn ngữ thơ Việt. Nghệ thuật
thơ Việt với những cuộc cách mạng và thành tựu của nó đã tôn vinh tiếng
Việt lên tới những đỉnh cao rực rỡ qua nhiều tác phẩm của Nguyễn Trãi,
Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Cao Bá Quát, Nguyễn Công
Trứ, Tản Đà hay Hàn Mặc Tử, Huy Cận, Xuân Diệu, Bích Khê, Nguyễn Bính,
Hoàng Cầm, Quang Dũng, ... Thế hệ thơ xuất hiện trong thời kỳ kháng
chiến chống Mỹ cũng tạo nên một cuộc đi dài với những đóng góp đáng kể ở
giai đoạn “sau chống Mỹ”. Trong những năm gần đây, có người quan niệm
rằng thơ ta cần tước bỏ những rườm rà ngôn ngữ mà chỉ cần hướng tới các ý
tưởng hay “thông điệp” để dễ được dịch ra tiếng Anh, (hay các ngoại ngữ
khác) mới mong truyền bá ra thế giới; ngược lại có người lại cho rằng
cần “phôn-clo hóa cho thơ” mới dễ dàng phổ cập thơ trong đời sống thị
trường đầy xáo trộn ở nước ta. Cả hai quan niệm ấy đều sai lầm khi chối
từ chức phận của ngôn ngữ đa nghĩa tạo ra tính hấp dẫn đặc thù của thơ
nói chung và thơ Việt nói riêng. Chính các nhà thơ phải biết mang tới
cho dân tộc mình một ngôn ngữ thơ sinh động và mới mẻ. Nói như Hêghen:
“Nhà thơ là người đầu tiên đã làm cho dân tộc mình mở miệng và thiết lập
mối quan hệ giữa biểu tượng và ngôn ngữ”. Tôi đọc lại thơ Việt qua các
kiệt tác, các tuyển tập và những tập thơ đương đại, thiển nghĩ rằng cũng
chẳng có gì đáng hổ thẹn trước thơ của các dân tộc khác. Chúng ta cần
khiêm tốn học hỏi, nhưng cũng không nên quá tự ti khi thơ ta ít được
truyền bá trên thế giới. Việc chuyển ngữ từ tiếng Việt ra tiếng nước
ngoài là cả một vấn đề lớn, như có lần (1994) tôi đã viết trên báo Văn
Nghệ và trả lời đài RFI rằng, quá hiếm những nhà thơ nước ngoài thông
thạo ngôn ngữ và văn hoá Việt Nam. Dịch thơ là tái tạo bài thơ trên một
ngôn ngữ khác, không phải ai thạo tiếng nước ngoài là cũng dịch thơ hay
được. Phải có những nhà thơ nước ngoài dịch thơ Việt như nhiều nhà thơ
Việt đã dịch thơ nước ngoài. Muốn có được điều đó, nhà nước cần phải có
một chiến lược đào tạo mới hòng mở mày mở mặt cho thơ Việt ra cùng thế
giới đúng như nó vốn có, chứ không phải là nó mang bộ mặt méo mó dị dạng
như hiện tại. Có thể nói, đây là một “thiệt thòi” lớn cho thơ Việt cần
được khắc phục trong tương lai.
(Còn tiếp)Xem phần 1 ở đây: https://www.facebook.com/nguyentrongtao/posts/10205891929291950
THƠ VÀ THƠ (3) Tiếp theo và hết.
5. Thời nào cũng xuất hiện những nhà thơ trẻ. Họ trẻ cả về tuổi đời và
trẻ trung trong cảm xúc, tư duy và ngôn từ. Họ tạo ra hình thức như
chính họ không an bài trong những “kiểu mốt” thời trang quen thuộc ngoài
đời. Sự “đập phá” những khuôn thước cũ để đưa ra những hình mẫu mới là
bản chất, hay nói cách khác là tâm lý chung của tuổi trẻ khao khát sáng
tạo nhằm khẳng định chính mình. Trong thơ, sự xuất hiện những gương mặt
trẻ có cá tính thường dễ gây “sốc” cho những người vốn đã quen chiêm
ngưỡng những giá trị ổn định. Vấn đề “đạp đổ thần tượng” là một vấn đề
khó được chấp nhận, vì chưa có thần tượng mới thay thế, vì tâm lý sụp đổ
thần tượng hình như chưa được chuẩn bị một cách đầy đủ. Vậy nên, những
cú “sốc” của đối tượng tiếp nhận thơ “khác chuẩn” là không thể tránh
khỏi.
Nhưng không chỉ có thế. Vẫn có những người đọc thơ chán
ghét sự nhàm chán, cũ kỹ, sáo mòn đến vô cảm của thơ, và họ khao khát
cái mới, khao khát sự đổi thay, làm phong phú thi đàn, cũng có nghĩa là
làm phong phú hơn tâm hồn của con người thời đại. Bởi chính thời đại
luôn vận động, và nhiều quan niệm về thẩm mỹ, lối sống, đạo đức, kinh
tế, chính trị… cũng dần đổi thay cùng thời đại của nó. Sự xuất hiện
những giọng điệu mới lạ, những tên tuổi chưa quen (không chỉ của thế hệ
trẻ) như một nhu cầu khẩn thiết đối với họ. Và sự bắt gặp này lại mang
tới cho họ niềm vui, nỗi buồn, thất vọng và hy vọng.
Gần đây
(mươi lăm năm qua), vấn đề tình dục trong văn học ở ta luôn được “soi
kính lúp”. Nhiều nhà thơ nhà văn động bút vào tình dục luôn được coi là
những đối tượng “cần xem xét”, bởi họ đã động vào hàng rào “cấm kỵ”
không văn bản của xã hội cộng đồng. Chính vì thế mà tác phẩm của những
người thực sự trẻ cả tuổi đời lẫn quan niệm văn chương được đưa ra mổ xẻ
không thương tiếc, và đã trở thành những cuộc tranh luận, bút chiến
không phân thắng bại giữa các nhà phê bình không cùng quan niệm, còn các
tác giả thì ngậm ngùi đau đớn mang trong mình “nỗi oan Thị Kính” mà
không sao giải toả.
6. gần hai chục năm qua, có thể nói đấy là
thời xuất hiện và khẳng định của nhiều nhà thơ trẻ. Tôi muốn nhắc đến
những người mà ngay từ khi họ mới xuất hiện đã gây cho tôi sự chú ý và
hào hứng viết bài cổ suý, đề cao hoặc lưu ý đến họ. Hiện tượng Văn Cầm
Hải ở Huế với tập thơ "Người đi chăn sóng biển" phải đưa qua 3 nhà xuất
bản mới được cho phép in, không phải vì phạm luật cấm mà chỉ vì “thơ lạ
quá, đọc không hiểu”. Tám năm sau, tập thơ thứ hai của Hải cũng bị nhận
xét đúng như thế, và khác với tập trước là không đâu cấp phép cho in.
Nhưng thơ Hải lại được dịch ra tiếng Anh khá nhiều, và xuất hiện trong
một số tuyển tập quan trọng trong nước và nước ngoài. Và Hải đã phải trở
thành hội viên Hội Nhà Văn Việt Nam bằng 2 tập bút ký độc đáo, và “khó
đọc” không kém gì thơ Hải. Hiện tượng Vi Thuỳ Linh, Phan Huyền Thư, Ly
Hoàng Ly, Nguyễn Hữu Hồng Minh, Lê Vĩnh Tài, Nguyễn Vĩnh Tiến, Đặng Hà My, Thy Nguyên, Trương Quế Chi, Nguyễn Thị Quế Mai, Du Nguyên, Lữ Thị Mai, Trần Mai Hường,
Nguyễn Phong Việt, Nồng Nàn Phố, Thái Thuận Minh, Lương Đình Khoa...
cũng đều là những nhà thơ trẻ sắc sảo, gai góc và sành điệu ngôn từ. Qua
thời gian, người đi lên, kẻ đi lùi hoặc dừng lại, âu cũng là lẽ thường
của sáng tạo.
Vâng, thời gian trôi qua, và những gì đáng còn lại
thì cứ còn lại. Thơ trẻ dần dần khẳng định vị trí của họ. Thực tế tâm
hồn họ không có chiến tranh đẫm máu như thế hệ cha anh. Họ có thực tế
của thời bình mở cửa và hội nhập cũng đầy ba động, thách thức mỗi thân
phận con người. Thơ họ đang tiếp cận với xu hướng đó.
7. Thơ ta
vẫn đang hay, nhưng cái hay có vẻ êm ái, mơn man, rả rích trong mỗi ngõ
nhỏ của đời sống tình cảm, mà nó thiếu một “cú hích” mạnh, một tư tưởng
lớn tạo ra sự đột biến kinh ngạc trong đời sống văn học. Không ít các
nhà thơ thoả hiệp với tiếng vỗ tay trong trò chơi giải trí của đám đông
kiểu “vui chơi có thưởng” xuất hiện nhan nhản gần đây. Thơ không phải là
khẩu hiệu chữ to để có thể phơi phóng trên các ngã ba ngã tư hay tầm
gửi vào các phương tiện quảng cáo tiếp thị dung thô mà không ít người
ngộ nhận. Cái mà thơ ta cần hướng tới là một cuộc cách mạng tư duy và
ngôn ngữ nghệ thuật. Đấy không phải là cuộc cách mạng chối bỏ di sản
thơ, mà tạo ra những di sản mới vừa khác biệt lại vừa mang tính kế thừa.
Trong sáng tạo, các cá nhân có quyền chối bỏ và phủ nhận kẻ khác để làm
nên chính mình, tất nhiên điều đó không đồng nghĩa với sự cắt đứt văn
hóa hay văn minh mà các cá nhân cùng tiếp nhận. Nếu một nhà thơ nào đó
tuyên bố “tôi không thích Nguyễn Du” thì cũng chẳng can hại gì đến uy
tín lớn lao của nhà đại thi hào. Vấn đề là anh có dám từ giã cái cũ để
làm nên cái mới hay không mà thôi. Ý tôi muốn nói là Thơ ta không thể an
bài với thành tựu đã có, mà cần can đảm, táo bạo hơn để bước qua chính
mình. Hoặc nói như Eptusenco là: “Hãy đấm vào bức tường, có thể vỡ tay
đấy, nhưng cũng có thể làm vỡ bức tường”.
THƠ VÀ THƠ... (2): https://www.facebook.com/nguyentrongtao/posts/10205894263750310
THƠ VÀ THƠ... (1):
https://www.facebook.com/nguyentrongtao/posts/10205891929291950
https://www.facebook.com/nguyentrongtao/posts/10205891929291950
ThíchHiển thị thêm cảm xúc
Bình luậnChia sẻ