Nhân văn trong CỬA KHÉP HỜ

         ( Bài viết của Nhà thơ, Nhà báo Nguyễn Đức Trọng )

     Cửa khép hờ là tập thơ thứ mười của KS - Nhà thơ Nguyễn Quang Huệ.

     Tôi thực sự bị cuốn hút, ám ảnh khi đọc tập thơ Cửa khép hờ. Có bài tôi đọc đi đọc lại hai ba lần. Vừa đọc vừa suy nghĩ ý tưởng của tiêu đề từng bài nghe là lạ mà rất thăng hoa, từng cụm từ như biết nói, từng lời thơ như có nhạc…
     Mấy trăm năm về trước, tổng kết sự nhọc nhằn của những người làm thơ, Nguyễn Công Trứ đã viết:

            Mười bài được một câu hay
            Nghìn bài được một đã may lắm rồi.

     Nhưng đọc Cửa khép hờ của Nguyễn Quang Huệ thì ngay bài đầu tiên đã có câu thơ hay, bài thứ hai có câu thơ hay, bài thứ ba cũng có câu thơ hay…đến bài cuối sách những câu thơ lại càng hay. Như vậy có thể nói hiện tượng thơ Nguyễn Quang Huệ đã “Phá cách”.
    Ta hãy xem tiêu đề tập thơ Cửa khép hờ đã có cái gì đó là lạ của thế thái nhân tình, đã bắt người đọc phải dừng hình, phải suy luận sự trải nghiệm của một độc giả.
    Bằng lối thơ lục bát hiền lành mà tươi ròng. Tác giả dựng lên một hoàn cảnh rất thực của một cô gái trẻ (vợ lính) mới cưới chồng, ở nhà một mình trong ngôi nhà lá ở bìa làng,  trong đêm thanh vắng:

           Nhà tre nằm cạnh bìa làng
           Vắng người qua lại trời đang tối dần
           Đêm về chỉ có hai thân
           Chủ nhà là vợ quân nhân xa nhà
           Bên kia khách trọ hào hoa
           Vừa sơ tán đến tháng qua mấy ngày…

     Nguyễn Quang Huệ đã dùng hình ảnh ví von đúng tâm trạng háo hức, hừng hực của người con gái ấy qua khổ thơ tài hoa:
             
              Chủ nhà như ruộng mới cày
              Đêm đêm khó ngủ thở dài chờ trông
              Cửa buồng để ngỏ bên hông
              Ngoài này khách cũng khó lòng ngủ ngon
              Bên trong rạo rực bồn chồn
              Thắp đèn vỗ muỗi mở luôn cửa buồng.
                                                    ( Cửa khép hờ )

     Thật là logic và tài tình. Nguyễn Quang Huệ đã vẽ lên một bức tranh rất thực có hai cảnh đối trọng nhau. Như muốn hòa tan một phập phồng, muốn òa lên tiếng lòng…Nhãn tiền trước cảnh éo le trên. Cánh đàn ông trẻ đang sung sức ai cũng muốn chiếm đoạt và hưởng thụ ngay:

              Hay liều một chút tang bồng
              Chủ nhà đỡ phải nằm không chờ tình.

      Nhưng lý trí và tấm lòng nhân văn cuả khách trọ đã thắng bản năng:

              Thôi nào đành phải lặng thinh
              Tự nhủ rằng mình chớ có lơ mơ
              Vợ người là gái còn tơ
              Nhưng là vợ lính xô bồ được chăng?
              Thôi thôi xin tạ chi Hằng 
              Tôi trai chưa vợ xin đừng trêu ngươi
              Dấn vô sợ mọi người cười
              Gây nên tai họa suốt đời ăn năn…

      Ở đây ta thấy tác giả dùng từ rất dân dã mà quá hay: ( Tang bồng – chớ có lơ mơtrêu ngươi ) để nhìn thấy rõ ( Gây nên tai họa suốt đời ăn năn )

      Từ Cửa khép hờ là tư tưởng chủ đạo của tính nhân văn trong toàn tập thơ 77 bài của ông, để từ đó ông nhìn đời, nhìn người, nhìn thiên nhiên với bút pháp nhân ái.
     Ngay từ bài đầu tiên của tập thơ, tác giả đã tả một cơn mưa độc đáo, với những ngôn từ rất mạnh, cứ bay vun vút, rất đắt (Vù vù, cơn say, cuồn cuộn, mịt mù ). Cơn say của gió, của mưa thật khủng khiếp.
 
              Vù vù gió nổi cơn say
              Mây đen cuồn cuộn bao vây bầu trời
              Mịt mù bụi cuốn khắp nơi…

      Để rồi Nguyễn Quang Huệ chốt lại một thi ảnh rất thơ:
                  
              Hàng cây ven lộ nghiêng trôi một chiều.

      Quả thực ông đã dùng cụm từ thăng hoa ( Nghiêng trôi một chiều ) làm nổi bật lên một cơn mưa to gió lớn như là phong ba bão táp. Đó là sự thành công thi pháp của Nguyễn Quang Huệ.
      Với lối thơ quan sát chi li, ngôn ngữ độc đáo, ông đã diễn tả cảnh vượt đèo thật gan dạ, thật lý thú:

              Một bên dốc đá cao vời
              Một bên vực thẳm in trời Sông Gâm
              Lưng chừng đá đổ ầm ầm
              Đương gập lại tiếp chồng mâm trên đèo.

      Cụm từ in trời Sông Gâm thật là đẹp. Chồng mâm rất hài hước.
      Còn đây với cách vừa hỏi vừa trả lời trong bài  “Lối ấy” tác giả đã cảm tác được những tình cảm thuận mà còn dang dở của cái ngày xưa:

              Lối ấy ngày xưa anh vẫn đi
              Quen từng góc phố đến hàng si
              Xuống dốc Ngọc Hà rồi rẽ phải
              Gõ cửa chạm tay tuổi dậy thì.

      Chao ôi cụm từ chạm tay tuổi dậy thì đẹp biết bao nhiêu. Là thi ảnh bắt người đọc phải dừng hình.
      Còn đây câu hỏi cứ dùng dằng giữa đối thoại mà chờ cái kết của người đọc:
 
              Ý mẹ vun vào em biết không?
              Anh vui như được sưởi ấm lòng
              Riêng em cũng vậy sao khác được
              Đố biết?...Anh ?...Ai muốn lấy chồng?...

     Và đây người lính của đội quân dũng mãnh trước kẻ thù, nhưng cũng rất thơ mộng với lời hẹn bạn gái làng. Ta hãy xem nhà thơ thể hiện trong bài “Mùa cốm mới”:

              Nắng chiều đã nhuộm vàng trên lá
              Gió đưa lay động cả thân cành
              Trời thu trong mắt ai xanh ngắt
              Cho lòng em gái mãi thương anh…

 Ra đi anh gửi bao kỷ niệm
Hẹn đến mùa sau lúc nắng vàng
Anh sẽ về quê làm cỗ cưới
Đúng mùa cốm mới đón em sang.

     Với những thi ảnh đẹp ( Nhuộm vàng trên lá – Trời thu trong mắt ai xanh ngắt ) Nguyễn Quang Huệ đã mang đến niềm tin chiến thắng trở về ( Anh sẽ về quê làm cỗ cưới )

    Đọc kỹ hiểu sâu với Cửa khép hờ mới thấy rõ Nhà thơ thiên về thế sự, mạnh ở câu chữ, có nhiều đột biến hấp dẫn ở chất lãng mạn và tinh tế níu giữ người đọc bằng tình cảm chân thật, đắm đuối. Cốt lõi của thơ ông  là tình cảm chân thành và sự chia sẻ mộc mạc. Chất hoài niệm được chuyển tải bằng thơ có nhạc, nhịp điệu uyển chuyển qua thi ảnh lộng lẫy, có khi là trừu tượng, đơn giản nhưng triết lí:
     
              Muốn vui yên ấm trọn đời
              Mỗi người phải sống chẳng vì tôi
              Vì cha vì mẹ vì con cái
              Vì lẽ nhân sinh ở cuộc đời…

     Còn đây trong bài “Vô tình” tác giả lại lý lẽ một trạng thái rất rõ ràng:

              Vô tình nhặt được tứ thơ
              Chỗ ương chỗ chín bây giờ làm sao?
              Nhớ khi đã có được nhau
              Đừng xem thơ nhặt là câu vô tình.

       Và đây Nguyễn Quang Huệ nhớ người xưa sâu nặng qua cụm từ rất hay:
Hết cả chiều mây bay”:

              Bóng hình em sâu nặng
              Hết cả chiều mây bay

      Mở rộng biên độ thơ của Nguyễn Quang Huệ để đến lúc bạn thơ giật mình khi đọc chiều sâu suy tưởng trước cuộc sống trải nghiệm của liên tưởng và tri ân. Để rồi Nguyễn Quang Huệ gặt hái được bài thơ rất thơ:  “Mùa gặt mới”

Nắng vàng
Đã trải khắp đồng
Cuối ngày tất bật
Thu bông lúa về.

Đường quê
Cuối vụ xuân hè
Thơm mùi cốm mới
Mà nghe mát lòng

Trên vai
Hai bó nếp rồng
Của cô em gái
Lưng ong dậy thì

Mồ hôi
Mặn chát bờ mi
Trả người mùa gặt
Mỗi khi gặp người…

      Tôi trân trọng chúc mừng những thành tựu thơ của Nguyễn Quang Huệ đã thành công trong Cửa khép hờ.
      Nói đến thành công của nhà thơ không thể không nhắc đến người vợ thân yêu của ông. Bà là người phụ nữ hiền thục, đảm đang mọi công việc gia đình, tạo điều kiện cho ông sáng tạo nghệ thuật, sống hết mình cho sự nghiệp của chồng của con.

     Chúc mừng thi sĩ của miền “Gió Lào, Nắng cháy”, của tiếng chuông chiều ngân vang nơi Diễn Hạnh, Diễn Châu, Nghệ An tiếp tục khám phá và tỏa sáng trên cánh đồng thơ ngào ngạt đưa hương.

Hà Nội ngày 7 – 5 – 2017

Nhà thơ - Nhà báo Nguyễn Đức Trọng 
Giám đốc Trung tâm Văn học Nghệ thuật
Thăng Long Văn Hiến




lăng mộ đá toyota thanh hóa