Nhập gia tùy tục

 

       Lãnh đạo công ty Xây dựng 18, đại diện các xí nghiệp đã có mặt đông đủ đón đoàn tại trụ sở công ty ở Thôn Phao Sơn, Thị trấn Phả Lại, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương.

     Theo sự phân công của Giám đốc Công ty 18:  Kỹ sư Nguyễn Hoàng về xí nghiệp 1044, Phó Tiến sĩ Trần Chủng về xí nghiệp 102, kỹ sư Nguyễn Chính về xí nghiệp Bê Tông, kỹ sư Phạm Văn Bàng về xí nghiệp cốt thép, Phó Tiến sĩ Nguyễn Văn Bằng về phòng Thiiết kế, Kỹ sư Nguyễn Xuân Hạp về phòng kỹ thuật, Kỹ sư Thoại về phòng vật tư, Kỹ sư Nguyễn Xuân Thanh về xí nghiệp Cơ giới …

      Các đơn vị nhận quân, giúp đưa tư trang hành lý về xí nghiệp bằng xe của Bộ.

      Về đến xí nghiệp, bộ phận hành chính đã thu xếp cho Hoàng ở một phòng của dãy nhà cấp bốn, gian đầu hồi, trên một sườn đồi, dốc thoai thoải. Trong phòng đã trang bị một bộ bàn ghế làm việc, một giường cá nhân. Cuối dốc cách phòng Hoàng ở năm mươi mét, có một giếng xây, quanh năm đủ nước trong, rất mát. Giếng xây bằng đá hộc, chèn vữa, đá sáu tám. Đường kính giếng quãng trên hai mét. Giếng sâu. Không mấy khi cạn nước. Thành giếng xây bằng gạch chỉ, cao bảy mươi phân, trát trong trát ngoài. Sân giếng láng vữa xi măng rộng, sạch. Giếng cung cấp nước cho cả mười mấy dãy nhà tập thể chung quanh, cho cả bệnh xá công trường gần đó.

      Việc tắm giặt như đã có quy định thành thói quen. Nam tắm giặt ban ngày, nữ vào buổi tối. Vào những hôm tối trời, có xe cấp cứu vào bệnh xá, lúc quay đầu xe ánh sáng đèn lia vào sân giếng làm các chị cứ co rúm người lại, kêu la inh ỏi vì các cô, các chị đều trút bỏ xiêm y, tắm tiên, thả rông toàn thân cho mát. Lại có lái xe cố tình dừng đèn lại để trêu chọc, lại được một trận cười, còn bị thách thức: Muốn xem hả, giỏi thì xuống đây … Gái công trường dạn dày sóng gió nên các cô, các chị mạnh mồm, bạo dạn lắm…

     Ban ngày đi làm vất vả, mồ hôi gây khó chịu cho mọi người, chỉ mong sao hết giờ làm việc, nam giới xuống giếng tắm giặt. Nữ phải chờ tới bảy giờ tối trở đi mới đến lượt. Trông các chị đi tắm đông như đi hội, vui vẻ thoải mái, cười nói ồn ào suốt cả buổi tối mỗi ngày. Xô chậu, gàu múc nước cứ va vào nhau chan chát. Tắm giặt xong về cơm nước như người được lột xác, ai cũng xinh ra, đẹp lên. Trai gái lại dập dìu đi bộ quanh khu nhà ở men theo sườn đồi, thi thoảng có bụi sim, bụi mua của khu tập thể hoặc tập trung tại sân ti vi xem truyền hình đen trắng.

     Sân ti vi được Đoàn Thanh niên xí nghiệp tổ chức lao động công ích làm  trên một sườn đồi dốc thoai thoải, cạnh đường đi, chỉ san gạt các cây nhỏ, đá lởm chởm, không có bậc ngồi. Ti vi đen trắng mười bốn inh, xí nghiệp bỏ một khoản tiền đáng kể giá xấp xỉ ba tấn xi măng, nhờ xí nghiệp Xây dựng 204 Hải Phòng mua hộ.

      Nhà để vô tuyến là một phòng mới xây chín mét vuông, móng đá, tường gạch, mái bê tông cốt thép, cửa sắt kiên cố, lỗ cửa đặt máy rộng 60 cao 60 phân. Xí nghiệp cử hẳn một thợ điện trực để bảo vệ, vận hành ( mở, tắt  theo giờ quy định: 7 giờ tối đến 10 giờ đêm).

     Thời kỳ ấy vào cuối năm 1981. Cứ gần đến giờ phát hình buổi tối của đài Truyền hình Việt Nam, các cháu thiếu nhi, các bà, các cô, anh chị em công nhân tập trung tại sân để xem các tin tức hàng ngày. Sinh hoạt văn hóa cả xí nghiệp bảy, tám trăm công nhân viên chức chưa kể các cháu con em công nhân có đến trên ngàn người, chỉ trông vào cái màn hình đen trắng 14 inh sẽ biết đời sống văn hóa thiếu thốn đến mức độ nào? Cứ độ một quý Đoàn Thanh niên xí nghiệp lại tổ chức một buổi liên hoan ca nhạc, chẳng có phông màn, nhạc cụ. Diễn viên cây nhà lá vườn biểu diễn. Người xem đông đúc lắm, nhưng cũng là dịp để trai gái tập trung gặp gỡ nhau, cho đỡ buồn tẻ, đơn điệu. Diễn viên là công nhân viên chức của xí nghiệp.

     Đoàn chuyên gia Liên Xô đã có kế hoạch hai tuần đem phim về chiếu phục vụ công nhân ba xí nghiệp. Nhưng số đơn vị trên công trường có gần hai mươi đơn vị nên quá tải đối với đoàn. Mỗi lần đưa phim về lại phải điều xe khách đi Sao Đỏ xa mười cây số để đón chuyên gia, chiếu xong lại đưa về nên nhiều lái xe tỏ ra chán nản, có lúc vô lễ với họ, vì phục vụ không được thù lao, lại mất một đêm vất vả.

      Cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt, các bác lái cứ ổ gà lội vào, xe chạy nhanh,  xóc mạnh, tung người và máy móc lên cao, với bộ mặt khó đăm đăm làm chuyên gia cũng bức xúc. Mấy tháng sau không thấy chuyên gia mang phim về xí nghiệp…

                                             ( Còn nữa )

 

Bộ trưởng Đồng Sĩ Nguyên

 

          Nguyễn Hoàng đã cầm trong tay quyết định của Phó Thủ tướng- Bộ trưởng Bộ Xây Dựng Đồng Sĩ Nguyên điều động biệt phái anh cùng với bảy kĩ sư, Phó Tiến sĩ của các cơ quan quanh Bộ xuống Công ty Xây dựng 18 với thời hạn ba năm.

      Hoàng nhớ hơn chục năm trước, lúc chưa giải phóng miền Nam, Ông là một vị tướng, là tư lệnh binh đoàn Trường Sơn đã lập nên những chiến công huyền thoại. Hàng ngàn cây số xuyên rừng, xuyên núi đã thông xe, vận chuyển quân lương, vũ khí ra tiền tuyến, góp phần quan trọng vào thắng lợi của toàn Dân tộc…

          Chấp hành chỉ thị của Bộ, Viện Thiết kế Dân dụng, Viện Thiết kế Công nghiệp, Viện Khoa học, Viện Vật liệu Xây dựng, Viện Thiết kế Quy hoạch thành phố v.v…mỗi đơn vị đề xuất cử một đến hai kỹ sư hoặc phó tiến sĩ  xuống công trường nhiệt điện Phả Lại với chức danh Phó Giám đốc Xí nghiệp, trực tiếp tham gia cùng với anh em dưới đó chỉ đạo thi công tại công trường Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại.

Trước đó một tuần, phòng Tổ chức cán bộ, lãnh đạo Viện đã trao đổi sơ qua về chủ trương của Bộ Trưởng về việc này. Viện có ý định cử Nguyễn Hoàng tham gia đợt này. Thời gian cũng chỉ ba năm hoặc hơn nhưng khẳng định không lâu là mấy…

     Chuyển sang một môi trường công tác mới ai cũng lo lắng liệu có thích nghi được hay không? Những câu hỏi đại loại như vậy cứ dài thêm ra qua mỗi tối vẫn hiển hiện trước mắt. Riêng Nguyễn Hoàng cũng có lợi thế đã hai năm trực tiếp thi công Lăng Bác, do đó không bỡ ngỡ như anh em khác.

     Chuyện thu xếp gia đình sao cho hợp lý, việc học tập của các con có ảnh hưởng không, gia đình khi vắng bóng người chồng, liệu vợ có thể đảm đang chăm lo chu tất mọi công việc gia đình để mình yên tâm công tác?

      Cũng may sắp đến ngày lên đường, Bộ Trường gặp mặt, hỏi han từng người. Ông muốn từng người nói lên những tâm tư nguyện vọng cá nhân. Theo như ông nói: Trong điều kiện có thể Bộ sẽ giúp đỡ, miễn sao các anh xuống dưới đó phát huy được vai trò của một cán bộ. Công tác có hiệu quả, sau ba năm phát điện được tổ máy số I, các anh có thể trở lại đơn vị cũ.

      Phó tiến sĩ Nguyễn Văn Bằng mạnh dạn đề xuất: Hiện nay em đang gặp khó khăn về chỗ ở, nhà nền đất, mái lợp giấy dầu nhưng một vài chỗ đã hỏng. Nếu Bộ có điều kiện, cho em mua một cuộn để gia cố lại mái. Được như vậy em rất cám ơn. Ông nói ngay: Tôi giao cho văn phòng liên hệ với công ty cung ứng vật tư xây dựng giải quyết việc này.

     Bộ trưởng lại hỏi Nguyễn Hoàng: Chú Hoàng có đề xuất gì không?

    -Thưa Bộ trưởng, em quê Nghệ An, vợ là Dược sĩ làm việc ở Ty Y tế Thanh Hóa, bố mẹ vợ ở Hải Phòng. Đúng là một chốn bốn nơi… Chỉ nghe đến đó, Bộ Trưởng đã cười và nói:

      - Thế thì phải đưa cô ấy ra Phả Lại ngay. Sống mỗi người một nơi yên tâm công tác thế nào được. Chú hỏi cô ấy có đồng ý không? Hoàng trả lời:

 - Được như vậy thì còn gì bằng ạ. Ông nói : Ở dưới đó cũng có bệnh xá của công ty 18.

      Sau đó Bộ trưởng Đồng Sĩ Nguyên đã giao cho Thứ trưởng Nguyễn Thu liên hệ với Ban tổ chức tỉnh Thanh Hóa để đưa Dược sĩ ra công trường.

      Hai tháng sau Vợ của Hoàng đã được chuyển ra Phả Lại theo chồng.

      Tất cả anh em đều sẵn sàng nhận nhiệm vụ mới…

      Mấy anh em đều thầm khen Bộ trưởng: Ông là Trung Tướng, quân lệnh như sơn, phát lệnh ra ai cũng phải chấp hành. Thế mà trong việc điều động cán bộ ông lại rất chu đáo, hỏi han hoàn cảnh từng người, giúp đỡ thiết thực. Ông trực tiếp ký giấy bổ nhiệm, trực tiếp giải quyết khó khăn cho từng cán bộ, không ủy quyền cho thứ trưởng, Vụ trưởng Vụ Tổ chức ký.

     Trong phòng làm việc, ông vẫn mắc chiếc áo Sĩ quan Cấp tướng có cả ve quân hàm  Trung Tướng trên thành ghế. Trước đây, ông là Chính ủy binh  đoàn Trường Sơn. Con đường Trường Sơn đã góp phần quan trọng trong việc chuyển quân, các loại vũ khí, quân trang ra tiền tuyến…góp phần thắng lợi cho cách mạng Việt Nam...

     Một vị Tướng, một nhà quân sự và chính trị, một vị Bộ Trưởng xứng tầm được nhân dân tin cậy, yêu mến…

     Chắc công việc ở công trường cần gấp nên Bộ Trưởng thông báo: ngày mai các anh chuẩn bị, sáng ngày kia  Văn phòng bộ sẽ bố trí xe đưa các anh lên đường làm nhiệm vụ…

     Tiễn đoàn ngày lên đường có Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Chánh Văn phòng Bộ cùng một số lãnh đạo các Cục, Vụ, Viện, bạn bè của các bạn đi biệt phái kỳ này. Không khí ấm cúng của ngày mới lan tỏa đến từng người, hứa hẹn ngày hoàn thành nhiệm vụ, trở về thắng lợi.

 

 

Ba con chim ngói

 

                        ( Truyện ngắn của Nguyễn Quang Huệ )

       Tháng 9 năm 1982 Công ty Xây dựng 18 đang là Tổng thầu ( Tổng B ) tại công trường Nhiệt điện Phả Lại. Trong buổi giao ban đầu tuần của Ban Chỉ huy Thống Nhất hôm ấy có tất cả mười giám đốc các xí nghiệp của công ty Xây Dựng 18, mười Giám đốc của các đơn vị ngoài công ty như Xí nghiệp 204 Hải Phòng, Xí nghiệp Cơ giới 17, Xí nghiệp Xây Dựng 304 Hà Bắc, Sư đoàn 319, Trung đoàn 11, Trung đoàn 29,  Xí nghiệp Lắp máy 69, Ban kiến thiết Nhà máy, đoàn chuyên gia Liên Xô. Tất cả đến hơn 40 người…

      Chủ trì cuộc giao ban là Giám đốc Tổng B: Ông Nguyễn Tôn và Trưởng đoàn chuyên gia Liên Xô I.A.Nốp.

      Không khí nóng bỏng của buổi giao ban không phải do thời tiết, do tiến độ xây dựng, lắp máy có thể bị chậm. Những ngày mưa bão như trút nước những hôm trước đó đã hạn chế tốc độ xây dựng, lắp ráp thiết bị. Ngay bây giờ phải cứu lấy tiến độ vì thời tiết đã ổn định hơn. Cuối tuần Bộ Trưởng Đồng sĩ Nguyên có lịch xuống thăm công trường.

       Hậu qủa của trận lụt đã làm cho đường ống tuần hoàn nổi lên như con trăn khổng lồ vì đường kính của nó đến 1,6 mét, chế tạo hoàn toàn bằng thép tấm, dày 5 ly nổi lên cả tuyến mương sâu đầy nước, dài chừng 200 mét. Sau khi thảo luận, đoàn chuyên gia đề xuất một số việc trước mắt phải hoàn thành trong hai tuần tới. Để cứu lấy tiến độ, Ban Chỉ huy đã giao nhiệm vụ cho các đơn vị như sau:

- Xí nghiệp Xây Dựng 101 chịu trách nhiệm thi công dứt điểm bơm thoát nước mương đất đường ống tuần hoàn, để lắp máy 69 nắn chỉnh lại đường ống, lấp đất, lu lèn chặt hoàn chỉnh mặt bằng. Hoàn thành những phần việc trước hàng A, trạm biến áp, đẩy nhanh tiến độ mương thải từ công trường ra sông Thái Bình.

- Xí nghiệp Xây dựng 102 hoàn thành việc đổ bê tông băng tải nghiêng cho đến cao độ 53 mét, hoàn thành móng, sàn đỡ máy tuốc bin. Xong toàn bộ khung sườn, mái của gian máy, gian Bun ke để lắp máy vào lắp thiết bị.

-Xí nghiệp Xây dựng 104: Hoàn thành đổ bê tông móng ống khói chính. Gấp rút hoàn thiện mái Lò phụ khởi động, hoàn thành thi công móng máy và nền sàn ở đây để Xí nghiệp Lắp máy 69 chuẩn bị lắp lò phụ. Hoàn thành đổ bê tông móng máy nghiền, móng lò sô 1, số 2, Móng tời. Mương thải xỉ, đường ống thải xỉ, hoàn thành tuyến cầu cạn, mương cáp. Thường xuyên kiểm tra gia cố đường cẩu BK 1.000 để chuẩn bị lắp khung lò số 1.

- Trung đoàn 11 gấp rút hoàn thành Trạm bơm Bờ sông.

- Trung đoàn 29 tiếp tục hoàn thành tuyến đường ô tô từ Quốc lộ 18 vào nhà máy.

- Xí nghiệp cơ giới 17, Xí nghiệp 204 Hải phòng kết hợp với nhau hoàn thiện khu vực kho than, bến cảng để tiếp nhận than và thiết bị máy móc…

- Công ty đường sắt duy trì tốc độ xây lắp đường ray từ Sao Đỏ về kho than, chuẩn bị tiếp nhận than từ Mạo Khê - Uông Bí về tập kết trước một lượng lớn, tránh mùa mưa gây khó khăn cho việc vận chuyển …

      Ông Nguyễn Tôn quay sang hỏi ý kiến Trưởng đoàn chuyên gia I. A. Nốp, giám đốc công ty lắp máy 69, Trưởng ban quản lý dự án, các thành viên trong cuộc họp có ý kiến gì bổ sung không? Tất cả nhất trí  ra nghị quyết hội nghị, nêu quyết tâm thực hiện bằng được tiến độ đã đề ra…

      Sáng hôm sau Giám đốc Nguyễn Tôn, bộ phận thường trực như Trưởng phòng Kỹ Thuật, Trưởng phòng Thi Công… đi hiện trường kiểm tra việc tổ chức thực hiên nhiệm vụ mà hội nghị đã thông qua. Đi qua vị trí các đơn vị thi công, ông rất   vui vì quân số đã được huy động tối đa. Tiếng máy, tiếng xe, tiếng va đập của sắt thép trên công trường ồn ào sôi động một vùng trời rộng lớn.  Những chùm hoa sắt hàn tư trên cao khu vực gian máy, gian bun ke, gian lò, băng tải nghiêng dội đổ xuống đất như những cây pháo hoa liên tục làm cho lòng ông thêm ấm áp. Ông nghĩ với nhịp độ này không đến nỗi lo lắng lắm, chắc chắn cuối 83 đầu 84 sẽ khởi động được tổ máy số I.

      Đến địa bàn của Xí nghiệp 101 ông chỉ thấy ba đội trưởng cùng anh em công nhân làm việc. Đội trưởng thấy Giám đốc công ty vội lau tay chân đến bên ông chào hỏi và tiếp chuyện. Ông hỏi:

- Phó Giám đốc thi công Nguyễn Hanh đâu? không thấy có mặt?

- Dạ, hôm nay anh ấy có việc gia đình về gấp ạ. Trước khi đi anh ấy đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các đội trưởng rồi ạ.

    Mấy cô cậu công nhân đứng cạnh cố tình nói to để Giám đốc công ty nghe rõ:

-Dạ, nay là tháng chín, mùa lúa chín sớm bắt đầu, từng đàn chim ngói di cư về Nam rồi ạ. Nghe vậy nhưng Giám đốc Công ty không hiểu. Ông cứ tưởng phó Giám đốc Xí nghiệp tranh thủ về gặt lúa giúp vợ. Ông lặng lẽ dặn dò mấy đội trưởng cố gắng động viên công nhân hoàn thành sớm việc bơm tát nước đường ống tuần hoàn. Sau đó giao cho lắp máy chỉnh sửa nắn lại đường ống thép  để mình lấp đất, lu lèn, hoàn trả mặt bằng. Ông cũng nhắn lại: Lúc nào anh Hanh lên công trường, nhắn lại với anh ấy lên gặp Giám đốc công ty ngay. Trong lúc nước sôi lửa bỏng thế này, đi không báo cáo, không xin phép, bỏ hiện trường, khác nào bỏ ngũ khi xung trận! Ông buồn bực bắt tay mấy đội trưởng, tỏ vẻ bực bội rồi đi đến đơn vị khác.

      Ba ngày sau ông Hanh lên, đem theo một lồng chim ngói quãng chục con. Chúng nó đói ăn nên cắn nhau chí chóe. Mấy đội trưởng báo cáo lại việc Giám đốc Công ty đi kiểm tra hiện trường, hỏi anh tại sao không có mặt, tỏ ý khiển trách anh đi về quê không báo cáo, không xin phép, đoán rằng kỳ này ông Hanh sẽ bị kỷ luật nặng rồi. Anh lên gặp ngay làm sao xếp bớt giận. Nguyễn Hanh lo lắng ra mặt, vội giao lại lồng chim bảy con cho ba đội trưởng, ban giám đốc ở nhà vặt lông làm thịt uống rượu. Hanh vội thay quần áo đem ba con chim đã vặt lông sẵn từ nhà.

      Trời nhá nhem tối, khu nhà tập thể của lãnh đạo công ty đã lên đèn. Trước nhà là sân cầu lông láng vữa xi măng bằng phẳng, các vạch sơn trắng đúng kích thước tiêu chuẩn của sân cầu lông. Sân đã lên đèn sáng loáng. Vài người đang thi đấu vui vẻ, nhưng không thấy Giám đốc Nguyễn Tôn. Nguyễn Hanh ngó nghiêng một lúc đoán rằng xếp đang ở trong nhà, mạnh dạn gõ cửa bước vào.

-  Chào anh ạ. Ông Tôn đang ngồi viết lách gì đó, quay lại vừa trông thấy mặt Nguyễn Hanh đã nổi đùng đùng cơn giận dữ chất vấn ngay:

-  Anh bỏ việc ở công trường về quê trong lúc nước sôi lửa bỏng là thế nào? Nguyễn Hanh ấp úng trả lời:

-  Dạ thưa Giám đốc: Trước tiên em có lỗi với Giám đốc, có lỗi với lãnh đạo công ty và xí nghiệp. Anh biết không? Lúa sớm quê em đã gặt, nhà rất neo người do vợ em ốm, các con còn nhỏ, nếu không về giúp cô ấy gặt kịp thời, chung quanh hàng xóm gặt xong còn trơ lại ruộng nhà em, chuột bọ các nơi sẽ dồn lại phá phách. Hàng đàn chim ngói sẽ sà xuống ăn hạt sẽ mất trắng.

       Trước khi đi em đã phân công cụ thể cho mấy đội trưởng rồi. Công việc chỉ đạo rất tốt. Mai anh ra hiện trường kiểm tra lại, lời nói của em là đúng. Giám đốc Tôn ngắt lời:

- Anh không phải mời, chiều nay tôi đã đi qua đó rồi. Nhưng sao đi khỏi hiện trường mà không báo cáo? Hanh tỏ vẻ ân hận nhưng nói lại:

- Em sợ anh không cho mà bỏ đi tội càng nặng hơn!...Giám đốc Tôn nhẹ nhàng nói:

- Cậu cho rằng trái tim chúng tớ là sắt đá hay sao?

- Dạ, em không giám nói thế. Nhưng trong hoàn cảnh này em sợ như vậy.

      Nghĩ đến những ngày tháng cùng chung chiến hào xây dựng trên các công trường trọng điểm, cơ mặt Giám đốc dần dần dãn ra vui vẻ hơn trước. Ông quý trọng những đệ tử thế này: Thật thà, chất phác, chịu khó, ít khi trái lệnh, tình cảm chân thành và thực sự tôn trọng mình.

     Đoán biết xếp đã bỏ qua cho mình, Nguyễn Hanh giãi bày thật lòng: Em xin về gặt lúa giúp gia đình là một lý do, còn có lý do thứ hai: Mùa này, mùa lúa chín sớm, chim ngói tràn về nhiều. Ở quê em có nghề bẫy chim vào mùa này. Có gia đình bẫy được hàng mấy chục con một ngày.

       Từ lúc lúa vàng mơ, đỏ đuôi tới lúc gặt xong, không những có cái ăn mà còn đem bán rất đắt, không phải mang ra chợ, có người đến nhà mua mang đi Hà Nội. Nghề này không cần vốn, chỉ cần mua tấm lưới sợi ni lông dài mười mét, rộng ba mét rưỡi. chăng ngang hai sào tre, với ba con chim mồi, con bay, con đỗ. Đàn chim trên cao trông thấy  thế sà xuống ruộng. Hai sào tre cùng tấm lưới úp vào đàn làm chim mắc bẫy. Hoặc đánh động là chim giật mình bay rúc vào lưới. Cứ thế nhặt bỏ vào lồng. Mỗi ngày bắt được dăm chục chú trở lên là ăn chắc. Thấy xếp chăm chú nghe, Hanh vừa nói vừa đứng dậy:

- Nhân dịp thăm anh, em mang biếu anh ba con đã làm lông. Nguyễn Hanh ra xe mang vào một túi vải lấy ra ba con đang run rẩy lập cập do bị đau, lạnh, kèm theo một chai rượu quê nấu bằng nếp mới. Nghe vậy Giám đốc nói:

- Đáng ra cậu không nên đưa đến đây. Cứ để dưới xí nghiệp nhờ cấp dưỡng làm hộ. Xong việc lấy xe xí nghiệp đón tớ xuống cùng vui với anh em. Hanh thưa: Dạ dưới đó cũng có phần rồi ạ. Giám đốc Tôn tiếp lời:

- Anh em với nhau không cần quà cáp. Nhưng đã lỡ rồi. Bây giờ cậu làm nốt những việc còn lại vì không có người làm. Vợ con ở Hà Nội cả, Tớ ở đây có một mình, ăn uống tập thể, chỉ ăn sáng thỉnh thoảng nấu nắm mỳ sợi cho qua bữa, mà cũng nhờ tạp vụ nấu giúp.

- Việc chế biến này em đã quen, anh cứ yên tâm.

      Nguyễn Hanh cầm ba con chim vào bếp, vặt nốt lông tơ còn sót, sau đó bóp ngang thân vào vùng phổi của chim, gần với cánh, chim bị ngạt, chết. Bật bếp dầu thui qua cho cháy hết lông tơ. Dùng kéo cất mỗi con làm 4, ướp hành củ thái nhỏ với thìa nước mắm một lúc. Biết rằng xếp làm gì có các loại gia vị nên Nguyễn Hanh đã mang đầy đủ. Sau đó rán đến lúc cánh dòn là được.

      Một khay đầy mang lên bàn tiếp khách, mùi thơm ngào ngạt vào mũi, thơm ra khắp phòng, kích thích thưởng thức món ăn xưa nay hiếm. Giám đốc Tôn nói:

-Cậu sang mời hai Phó Giám đốc lại đây cho vui, nhưng đừng nói ăn uống mà chỉ nói sang xếp Tôn có việc.

      Mấy thầy trò nhâm nhi cùng với rượu quê, một đĩa lạc rang, rất ngon miệng, nom thỏa mãn lắm. Tuy vậy xếp Tôn cứ nhấp vài ngụm rượu vào là bắt đầu đỏ mặt. Anh cố uống hết ly rượu nhỏ, đặt đũa xuống bàn, không uống nữa nhưng vẫn nhắc nhở Nguyễn Hanh từ giờ trở đi không được rời khỏi công trường cho đến lúc phát điện tổ máy số I đấy nhé. Nguyễn Hanh trả lời: - Dạ vâng ạ. Từ nay trở đi em không giám nữa đâu ạ.

     Chờ cho ăn uống xong xuôi, Nguyễn Hanh thu dọn bàn ăn, rửa xong bát đĩa mới xin phép ra về, lòng đầy phấn khích…

 

 

Đất lề

                   1.  Đất lề…

                 (Truyện ngắn của Nguyễn Quang Huệ )

 

      Cả bản hôm nay nhộn nhịp hẳn lên. Gần chục người tấp nập chuẩn bị thịt lợn, mổ gà, đồ xôi, làm các loại bánh để cúng giỗ ông Vừ A Pao, bố của bí thư huyện ủy Vừ A Thênh. Lại có thêm cả Chủ Tịch huyện Vũ Ban, là bạn học cùng trường Nguyễn Ái Quốc ở Hà Nội  với ông ấy đi cùng.

Vui lắm lớ. Mấy khi Chủ Tịch huyện cùng về bản thế này đâu. Ông trưởng tộc tỏ ý vui mừng vì cháu ông và Chủ Tịch cùng về đám giỗ.

      Từ bản lên huyện xa mấy chục cây số, công việc lại nhiều, địa bàn rộng, nên Bí Thư ít về thăm nhà, thăm bản. Gia đình vợ con đều làm việc ở trên huyện. Hôm nay nhân kỳ giỗ bố, ông qua nhà thắp hương cho cụ.

      Vừa vào nhà chào hỏi bà con họ mạc, chia vui với những người cao tuổi là anh em chú bác bằng những phong bánh dẻo, bánh nướng, lại quay sang phát kẹo, bim bim cho các cháu nội ngoại. Ai cũng tự hào dòng họ nhà mình có người học giỏi tận dưới Hà Nội về công tác tại huyện nhà, cứ lên chức vù vù. Mấy năm trước mới Phó Chủ Tịch, rồi lên Chủ Tịch, nay là Bí thư Huyện Ủy.

      Từ ngày được điều động lên huyện, Giàng A Thênh đã đưa vợ con  lên làm việc tại trường mẫu giáo cơ quan huyện, giao lại nhà cửa, ruộng nương của bố mẹ cho mấy ông bác, bà cô quản lý. Ngày giỗ ngày tết của ông bà nhờ họ hàng lo cho cả nên hàng năm Giàng A Thênh chỉ gửi về một phần kinh phí cho họ lo giúp.

      Sau khi phát quà cho mọi người, uống bát nước chè Suối Giàng, đặc sản quê hương,  Bí Thư và Chủ Tịch tranh thủ đi thăm các gia đình trong bản. Thăm ruộng bậc thang, thăm đồng lúa chín, Thênh nói với Chủ tịch Ban: Lúa nương năm nay bội thu đấy anh Ban à. Có lẽ thời tiết thuận lợi nên năng suất có khi cao nhất từ trước đến nay.

      Nói gì thì nói, ông trời không ủng hộ mưa gió thuận hòa, làm sao có năng suất sáu tấn trên H A được. Vũ Ban cũng đồng tình với nhận định trên của Bí Thư: Đúng là trời đất quyết định hết. Nhưng nếu huyện không chỉ đạo các xã đẩy mạnh công tác thủy lợi ngay từ đầu vụ, đắp bờ giữ nước, chống khô nứt chân ruộng khi lúa đẻ nhánh và chuẩn bị làm đòng  thì làm gì có năng suất được.

       Bên cạnh khâu chọn giống, làm sục bùn ruộng bậc thang, bón phân kịp thời vụ của huyện cũng góp phần vào vụ mùa thắng lợi. Chiều nay về huyện tôi và anh lại đôn đốc các xã tháo nước sớm để ruộng khô chân, chuẩn bị thu hoạch và cày ruộng đổ ải chuẩn bị cho vụ sau.

      Trên đường đi từ huyện về, hai người tha hồ ngắn cảnh những đồi lúa vàng ươm một màu no ấm mướt mắt. Bông nào bông ấy nặng hạt cúi gập đầu xuống đất. Sự chỉ đạo của huyện sâu sát, thăm đồng liên tục, xuống các xã đôn đốc từng việc đã có kết quả rõ nét, nhất là vụ mùa năm nay.

      Về đến nhà thì cỗ đã xong. Hai mâm cỗ đặt trên hai bộ phản gỗ có bát đĩa đầy đủ. Bốn mâm dưới trải chiếu. Thức ăn có nước như xương hầm khoai sọ, canh măng đựng vào bát tô. Các loại giò chả, thịt luộc, thịt quay, xôi và các loại bánh… bày trên lá chuối hơ lửa lau sạch.

      Ông trưởng tộc tuyên bố: Mâm nào mâm ấy cứ vai vế mà ngồi với nhau. Bí thư Thênh băn khoăn mời Vũ Ban lên mâm trên uống rượu với các cụ. Vừ A Thênh tìm ghế thấp ngồi mâm dưới với những người cùng vai vế. Vũ Ban cáo lỗi xin được ngồi cùng Bí thư và nói rằng : Xin các cụ cứ tự nhiên, coi cháu như con cháu trong nhà, ngồi cùng với nhau cho tiện.

      Trưởng tộc cứ nài nỉ mời Vũ Ban lên ngồi mâm trên, Chủ Tịch là khách của gia đình. Còn thằng Thênh nó là bậc con cháu phải ngồi mâm dưới. Thủ tục ở đây như vậy.

Lời qua tiếng lại, Vũ Ban đành ngồi ghé phía ngoài phản gỗ, chạm bát rượu với các cụ, ăn vài miếng cho phải nhẽ rồi xin phép ngồi cùng Bí Thư Thênh để kết hợp bàn thêm công việc.

      Thênh và Vũ Ban ngồi ăn cỗ một lúc đã gần hết thức ăn vì vai vế toàn trẻ con nên ăn rất nhanh, rất tự nhiên, chả bàn luận gì. Gần buổi người nào cũng đói nên ăn uống nhiệt tình, chẳng để tâm đến khách. Thấy vậy, Vũ Ban cũng đứng dậy cáo lỗi vì đã ăn sáng ở nhà. Vừ A Thênh biết nhưng cũng chẳng dám nói gì. Hai người ra bàn uống nước. Các mâm dưới ăn uống xong no nê ra về, cũng chẳng chào khách một lời…
      Sau khi ăn uống xong, chia sẻ với mọi người dăm ba câu chuyện, Bí Thư và Chủ Tịch chào mọi người ra về. Trên đường cùng xe với Chủ Tịch, Bí Thư phàn nàn: Quê tôi thế đấy ông Ban à. Thênh tâm sự với Vũ Ban: Hủ tục còn nặng nề lắm. Biết bao giờ ánh sáng văn minh mới chiếu rọi về đây! Thôi cũng đành dần dần thôi ông à. Vũ Ban đồng cảm: Nơi khác còn nặng nề hơn nữa vì mỗi lần có giỗ, có tang là thịt trâu thịt bò, cả xã ăn mấy ngày liền…

      Chẳng mấy chốc đã về tới huyện. Hai người như đũa có đôi, lại lao vào bàn công việc mới, bởi nếu Huyện ủy, Ủy ban lỏng đôn đốc, kiểm tra là công việc lại dồn ứ lên ngay…

 

lăng mộ đá toyota thanh hóa