Ý kiến nhà văn

       Thưa bạn đọc.

    Trong lần xuất bản tập thơ "CÔNG CHÚA ẾCH" , tôi được Ban biên tập Văn phòng sách và Tri thức Việt đã giới thiệu và nhận xét về tác phẩm và tác giả. Tôi xin đăng bài viết này để các bạn tham khảo và xin ý kiến phản hồi của các bạn. Bài viết của Nhà văn Hồ Minh Trí như sau:

   Nguyễn Quang Huệ - Nhà thơ của tuổi thần tiên.


      Ngày nay đời sống vật chất và tinh thần của thiếu nhi đã được nâng lên rõ rệt. Các em được vui chơi, học tập, được cộng đồng thường xuyên quan tâm, chăm sóc để phát triển một cách toàn diện. Bên cạnh các môm khoa học, các em còn được tiếp xúc với một số môn nghệ thuật như hội họa, âm nhạc, thi ca...Tuy nhiên vẫn còn nhiều người chưa ý thức được vai trò của thơ ca trong việc gieo hạt giống tâm hồn và giáo dục nhân cách cho thiếu nhi. So với các đề tài khác thì thơ viết cho thiếu nhi vẫn còn ít về số lượng và những bài thơ có thể lôi cuốn, hấp dẫn được các em chưa nhiều. Song vẫn còn đâu đó những nhà thơ bằng tình yêu dành cho thiếu nhi đã viết lên những vần thơ trong trẻo, trẻ trung, đáng yêu, chứa chan tình cảm, đầy tính sáng tạo. Nguyễn Quang Huệ là một nhà thơ như vậy. Tập thơ "Công chúa Ếch" của ông là tập thứ tư viết cho thiếu nhi được xuất bản trong mấy năm trở lại đây.
      Ở thế hệ chúng tôi, khi còn nhỏ hầu như ai cũng say mê đọc truyện "Dế mèn phiêu lưu ký" của nhà văn Tô Hoài - Tập truyện không chỉ có cốt truyện hấp dẫn, lôi cuốn mà còn giàu giá trị nhân văn và có tính giáo dục cao. Giờ đây các em nhỏ thường thích đọc truyện tranh nước ngoài hơn. Truyện tranh thường mang tính chất giải trí hơn là mang tính giáo dục. Trở lại với tác giả Nguyễn Quang Huệ, ông không viết truyện mà đưa các em đến với những vần thơ giản dị, dễ hiểu mà chứa đựng ý nghĩa sâu sắc. Ở bài "Công chúa Ếch" thông qua hành động cứu Hoàng Tử và cách nhận sự trả ơn của Ếch xanh, nhà thơ muốn gửi đến các em nhỏ phẩm chất lương thiện, lòng vị tha và luôn biết nghĩ cho người khác. Nguyễn Quang Huệ đã sử dụng các biện pháp nghệ thuật như miêu tả, nhân hóa, ẩn dụ, so sánh...để làm toát lên dụng ý nghệ thuật của mình. Tập thơ cho thấy cái tài quan sát của tác giả. Chính vì có óc quan sát, luôn tìm tòi, khám phá lại vận dụng vào thơ rất khéo léo, tài tình nên thơ ông tránh được sự khô khan, tẻ nhạt. Hãy cùng xem nhà thơ miêu tả họ hàng nhà kiến làm việc khẩn trương, khoa học như thế nào khi nghe tin lũ lụt: "Nghe đài báo lụt đến nơi/ Họ hàng nhà kiến kịp thời chuyển quân/ Tránh nơi ẩm ướt mấy lần/ Tìm nơi cao ráo định phần dài lâu/ Kiến to kiến nhỏ bảo nhau/ Mang theo bao thứ nhu cầu cần ngay/ Kiến thợ khỏe mạnh chân tay/ Chuyển sâu ra khỏi chỗ này mang đi..." (Kiến chuyển nhà".Và đây là hình ảnh cây bàng cổ thụ qua thời gian với lớp áo xù xì vươn mình ra che mưa, che nắng cho những người lao động và cho cả em bé đang chăm chỉ học bài: "Thân bàng u bướu xù xì/ Màu thời gian đã trôi đi bao mùa/ Cành vươn hứng giọt mây đùa/ Búp bàng cởi áo gió lùa bay bay/.../ Bà bán nước chị bán hoa/ Ông bơm xe dưới cành la cây bàng/ Em ngồi lần giở từng trang/ Ôn bài dưới gốc cây bàng nhà em" (Cây bàng trước ngõ).
     "Công chúa Ếch" là một kho kiến thức rất bổ ích, giúp cho các em thêm nhiều hiểu biết về thế giới chung quanh mình. Nào là quá trình nảy mầm và phát triển của cây mướp: "Mới đầu mướp nhú/ Đội hạt lên đầu/ Rễ bám đất sâu/ Xòe hai mảnh hạt/ Tiết trời ấm áp/ Mướp lên nhanh dần/ Vòi quấn chặt giàn/ Ra hoa ra lá..." (Giàn mướp). Nào là sự chuyển mình của tự nhiên, báo hiệu mùa hạ đang đến gần: "Xuân chưa rời khỏi chỗ/ Hè đã ghé lại gần/ Nụ phượng còn phân vân/ Chưa hé nhìn trời rộng/ Ve chưa kêu náo động? Râm ran bụi tre làng/ Sấm mới nổ cười vang / ùng oàng nơi xa ngái..." (Sang hè).
      Nguyễn Quang Huệ thường lồng ghép những bài học hay vào từng việc làm cụ thể. Đây là một phương pháp giáo dục khoa học, giúp các em dễ tiếp thu và nhớ lâu. Bài thơ "Thắp hương" dạy các em đạo lý "Uống nước nhớ nguồn", lòng thành kính, biết ơn đối với tổ tiên: "Ngày rằm ngày mồng một/ / Bà đi chợ mua hoa/ Mua quả ngon về nhà/ Để thắp hương Tiên Tổ/ Em theo bà đi chợ/ Nhanh tay xách giúp bà/ Rồi cắm hoa xếp quả / Bày bàn thờ nhà ta". Bài "Trâu bò giúp nhau" nói về sự tương thân tương ái, chân thành giúp đỡ nhau khi gặp khó khăn hoạn nạn.
      Trong "Công chúa Ếch" có nhiều bài thơ viết về người mẹ. Đối với trẻ thơ thì tình yêu thương mà người mẹ dành cho là vô bờ bến. Mẹ luôn ôm ấp, chở che, chăm lo cho con từng điều hay lẽ phải, những bài học làm người đầu tiên: "Mẹ là dòng sông/ Để con tắm mát/ Mẹ là câu hát/ Con nghe ầu ơ/ Mẹ là bài thơ/ Cho con tập đọc/ Mẹ là dáng ngọc / Của cây mạ gầy/ Trở thành hạt gạo/ Con ăn mỗi ngày..." (Mẹ là...). Và điều  mà bất cứ người mẹ nào cũng mong muốn là con mình luôn khỏe mạnh, ngoan ngoãn, biết vâng lời và học hỏi điều hay: "Người mẹ nào chẳng thích con ngoan/ Con nhớ nhé mẹ tự hào điều ấy/ Và vui nhất con nhận ra lẽ phải/ Biết vâng lời và học hỏi điều hay...". (Ước mong của mẹ).
      Nguyễn Quang Huệ hiểu tâm lý của các cháu nhỏ. Chính vì vậy mà nhà thơ đã khai thác khía cạnh này để viết nên những bài thơ thật hóm hỉnh, tạo ra tiếng cười tươi vui, sảng khoái. Tiêu biểu trong số đó là bài "Ốm vờ": "Sáng hôm nay trời lạnh/ Gấu báo mẹ đau đầu/ Mẹ cuống quýt nhắn câu/ Thưa cô cho con nghỉ/ .../ Chắc hôm nay rét đậm/ Gấu nũng mẹ đấy thôi/ Chán học nên dối lời/ Mẹ cho con nghỉ nhé/ Bà thương cháu còn bé/ Gọi bác sĩ đến tiêm/ Cu Gấu thưa lại liền/ Cháu khỏi rồi bà ạ...".
      Trong cuộc đời mỗi con người ai cũng có một thời tuổi thơ để thương để nhớ. Cái thời hồn nhiên trong sáng ấy không bao giờ có thể phai mờ trong tâm trí. Thơ Nguyễn Quang Huệ đã đưa chúng ta trở về lại một thời thơ ấu với biết bao điều muốn khám phá, được sống trong tình thương yêu đầm ấm của gia đình, được thầy cô dạy dỗ bao điều bổ ích và những phút giây đùa vui bên bạn bè cùng trang lứa.
      "Công chúa Ếch" đã cho thấy tình yêu của Nguyễn Quang Huệ dành cho thơ và cho tuổi thần tiên. Thơ ông mộc mạc mà sâu sắc, lắng đọng lại tâm trí người đọc. Đó là những vần thơ được kết hợp nhuần nhuyễn, khéo léo giữa nội dung và nghệ thuật, chứa đựng giá trị nhân văn cao cả. Tin rằng tập thơ sẽ nằm ở một vị trí trang trọng trong tủ sách yêu thích của mỗi gia đình.


Ban Biên Tập Văn phòng Sách và Tri thức Việt
Nhà văn Hồ Minh Trí 


CÔNG CHÚA ẾCH

Một hôm nhà vua ban
Hoàng Tử dẫn một đoàn 
Mang kiếm sắc cung vàng
Cùng quản gia săn thú.

Đến một khu rừng nọ
Có một đàn nai tơ
Đang ngơ ngác gần bờ
Xuống suối trong uống nước.

Hoàng Tử vung kiếm trước
Mải ngắm chú nai đầu
Nai chạy ngài đuổi theo
Chẳng may gieo xuống suối.

Đang loay hoay chới với
Cố ngoi lên khỏi bờ
Nhưng Hoàng Tử không ngờ
Dòng suối sâu chảy xiết.

Chơi vơi và thấm mệt
Chắc chết đuối mất thôi
Công Chúa Ếch Xanh ơi
Mau cứu tôi gấp gấp!

Đang ngắm bầu trời đẹp
Nghe tiếng gọi đến ngay
Nàng nhanh chóng đỡ tay
Ngồi lên lưng tôi cõng.

Chàng bùi ngùi xúc động
Công cứu mạng của nàng
Ta trả ơn đàng hoàng
Về hoàng cung mới hiểu.

Phụ Hoàng nghe tâu báo
Công Chúa Ếch rất xinh
Có công cứu con mình
Thoát khỏi roi thần chết.

Phụ Hoàng ban mở tiệc
Đãi Công Chúa một ngày
Bày yến cưới vợ ngay
Nhập hoàng cung dâu mới.

Ếch Xanh cười phấn khởi
Xin tạ ơn Phụ Hoàng
Nhưng Ếch sống ở hang
Không quen lầu gác tía.

Nếu trả tình đáp nghĩa
Xin đừng săn nai rừng
Ếch ngắm cảnh chiều buông
Cùng chim muông hoang thú....

Phụ Hoàng nghe đã rõ
Sai Hoàng tử Ngựa Trời
Tiễn nàng về tận nơi
Không được săn nai ngọc... 


CÂY BÀNG TRƯỚC NGÕ

Thân bàng u bướu xù xì
Màu thời gian đã trôi đi bao mùa
Cành vươn hứng giọt mây đùa
Búp bàng cởi áo gió lùa bay bay.

Lá bàng như những bàn tay
Lớp trên lớp dưới ken dày đón mưa
Nắng rang giữa buổi hè trưa
Lá xanh phủ kín che vừa sân chơi.

Cuối đông lá rụng về trời
Xuân sang chồi nở như lời mẹ ru
Hè về cành rộng dáng dù
Khi làn gió mới đón thu qua nhà.

Bà bán nước, chị bán hoa
Ông bơm xe dưới cành la cây bàng
Em ngồi lần giở từng trang 
Ôn bài ngay dưới gốc bàng nhà em.

Cây bàng là chỗ thân quen
Học về cùng với dế mèn bắt tay
Líu lo chim hót gọi bầy
Vui như cả nhóm lâu ngày gặp nhau...


 

 

Thơ Đỗ Hàn

ngày Valentin ở Đà Lạt


           LỖI TÌNH NHÂN

Nếu em mà được anh yêu
Em đem trăng dọi từ chiều sang đêm
Nếu anh mà yêu được em
Anh về gom gió xây nên bức thành
Nếu em mà lấy được anh
Em khuấy nước muối pha thành biển Đông
Nếu anh mà được làm chồng
Anh lên vo đám mây bông gối đầu...

Ấy là ta được gần nhau
Còn giờ ta vẫn hai đầu...Cách xa!!!


Ngày tình yêu 14 tháng 2 - 2016

lăng mộ đá toyota thanh hóa