Chuyện của cha tôi

Thưa bạn đọc.

Đáng ra bài này tôi đăng hôm 18 tháng 6, "Ngày của cha", nhưng hôm nay tôi mới đưa lên vì nghĩ rằng ngày ấy rất nhiều bạn viết về Phụ thân của mình. Hôm nay ít người có bài về đấng sinh thành là đúng rồi. Bao giờ cũng vậy, như người đi đường, chậm một chút nhất định vắng khách hơn, đường ít người đi lại tha hồ tung tẩy. Hôm nay tôi xin post  lên đây vài ba câu chuyện đời thường của cha tôi, mong được sự chia sẻ của các bạn.

Cụ Nguyễn Vấn (1900 - 1992 )

     Câu chuyện thứ nhất: Làm phúc

     Đang cuốc cỏ lúa ngoài vườn, có một người họ hàng xa mang đến một thẻ hương đen đã đốt sẵn đến nhà gọi cụ: Ông ơi, Cháu bị chó cắn, nhờ ông quản giúp cháu với. Thế là thầy tôi vác cuốc vào nhà, rửa tay chân sạch sẽ, và nói với họ, đưa vết cắn ông xem nào? Quan sát sơ bộ xong, cụ cầm thẻ hương vái mấy vái lên bàn thờ gia tiên và đọc lầm rầm điều gì đó mà tôi nghe không rõ. Tiếp đến cụ cầm thẻ hương quơ đi quơ lại như viết những chữ nho gì đó trước vết thương, đọc mấy câu thần chú xong cụ trả hương và dặn về nhà giữ gìn sạch sẽ, đừng để nước ao hồ sông ngòi dây vào thì 3 hôm sau sẽ lành.
    Chuyện ấy xẩy ra cứ dăm ba ngày lại có một người trong làng trong xã mang hương đến nhờ cụ giúp, không bao giờ lấy tiền hoặc mong trả ơn vì theo cụ đó là việc làm có đức, chẳng mất công mất cán gì cho nên cần giúp mọi người, âu cũng là làm phúc cho người ta vậy...
    Tôi là người chứng kiến nhiều lần như thế. Mùa hè cũng như mùa đông đều có khách, nhưng mùa hè thì nhiều hơn. Có một lần tôi hỏi cụ: Thầy có bí quyết gì không mà được mọi người tin tưởng như vậy? Cụ nói: Thầy làm theo Ông Nội các con thôi, bản thân thầy không biết có phép thuật hay thần bí gì cả.
    Tôi không tin những điều dị đoan như vậy nên khuyên cụ hạn chế việc này vì nhỡ chó dại cắn thì không thể cứu người ta được mà ngược lại làm họ chết oan một cách đau đớn.
   Cụ nói với tôi: Thầy biết. Trước khi giúp bao giờ thầy cũng xem xét vết thương xem có sâu không, chảy máu nhiều hay ít, nhiều răng hay ít răng? Hỏi qua con chó nhà ai? Tình trạng chó ốm hay khỏe? có bỏ ăn trước khi cắn hay không? Chó có hay trốn trong bóng tối không?... Nếu các yếu tố đó được loại trừ thì chắc chắn không phải chó dại. Tôi nghe vậy thấy yên tâm vì không phải cụ thực hiện một cách mù quáng mà căn cứ vào những hiện thực khoa học. Nếu thế, cụ thông minh thật. Mấy chục năm cứu người không xẩy ra điều gì, cụ thật đáng nể.
    Tôi nghĩ cụ không phải là thầy thuốc nhưng tấm lòng với mọi người xứng đáng như một lương y cao cả…
….
….

      Câu chuyện thứ 2: Đôi săng đan quai da đế krêp:

      Mùa hè năm 1952 anh Bình tôi xung phong nhập ngũ tân binh khóa 4. Cùng đợt ấy có 4 người trong làng là ông Nguyễn Do, ông Hoàng Đề, ông Trình Thu và ông Nguyễn Bình. Thanh niên 20 tuổi lên đường ra trận là điều vinh dự cho dân làng và gia đình. Năm đó tôi hơn 10 tuổi, anh em xa nhau biết bao bịn rịn vì chẳng có gì làm quà cho anh. Nhưng người buồn nhất, trăn trở nhất là thầy mẹ tôi.
    Anh tôi đi chỉ mang theo hai bộ quần áo thường ngày vẫn mặc, xếp gọn trong túi vải nhỏ cắp bên mình. Mũ nón không, đi chân đất, vội vàng tập trung ở đình Đào Viên lúc 4 giờ chiều, chưa kịp ăn một bữa cơm chia tay. Tám giờ tối hôm ấy tân binh hành quân qua làng Đông Phái, cách làng tôi một cánh ngô, một cánh lúa. Tiếng hò lơ ớ lơ hò lờ…vang vọng sang làng mình nghe rõ mồn một vì gió Đông Nam xuôi chiều. Đoàn quân vui vẻ lên đường. Mẹ tôi nước mắt ngắn dài vì thương con vất vả, hàng ngày vẫn đi lên phố huyện phía trên Cầu Bà, qua sông Yên Sở, gánh đỡ hàng cho mẹ . Bà buôn bán lặt vặt mỗi thứ một ít: vài chục củ gừng, mươi quả tai chua, chục quả dứa, một mớ nghệ, dăm chục quả muỗm và thanh trà. Mua từ chợ Dinh, Chợ Mõ đem về chợ Chùa bán lẻ. Vậy mà bây giờ con đi, ai là người sẽ giúp mẹ?!..
    Thầy tôi cứ yên lặng trầm tư. Anh Thái đã nhập ngũ cách đó 4 năm gửi thư về đang đóng quân ở Thanh Hóa rồi ra Ninh Bình. Tham gia chiến dịch Hà Nam Ninh…
Sáng hôm sau thầy tôi mang ra chợ Chùa 1,5 kg bông xơ để bán, lấy tiền mua một đôi săng đan quai da, đế krep và nhờ chị dâu ( Chị Ngô thị Nhâm vợ anh Thái ) mang đi tìm chỗ đóng quân gửi cho em. Cụ chỉ nói hình như họ đóng quân ở vùng chợ Rộc huyện Yên Thành, cách nhà quãng 15 cây số gì đó. Hôm sau chị tôi khăn gói đi bộ lên đường sớm vì trời mùa hè nóng bức, cơm đùm cơm nắm, mang theo đôi dép quý. Chiều tối muộn chị tôi về, mang về bao thất vọng và mệt mỏi, mặt đỏ phừng phừng, lấm láp mồ hôi, ngồi phịch xuống thềm nhà, không quên đưa lại đôi dép mà thầy tôi hy vọng anh Bình sẽ nhận được. Thầy mẹ tôi thương con trai bao nhiêu giờ lại thương con dâu bấy nhiêu và nói với chị: Thôi được rồi, vào nhà nghỉ ngơi, tắm giặt xong ăn cơm với thầy mẹ và các em. Chị đã vất vả vì em mà không trọn.
    Cụ để đôi dép đó mấy tháng chờ anh tôi về mang đi nhưng càng chờ càng vắng. Về sau bán lại cho một người trong làng vì đó là tài sản lớn của thầy mẹ tôi lúc bấy giờ…
    Cảnh chia tay người con đi chiến đấu biết bao điều xấu tốt đang chực chờ, đơn giản như vậy. Thầy mẹ tôi chưa kịp dặn giò điều gì mà anh cứ vội vã như người đi làm đồng. Cảnh ấy diễn ra ở hầu hết các gia đình đều thế. Sau này thực hiện nghĩa vụ quân sự thì được chuẩn bị đàng hoàng hơn, ấm áp, tình cảm hơn…
    Kết thúc chiến tranh chống Pháp anh Thái tôi là Đại úy được ra quân năm 1956. Chuyển ngành về làm cửa hàng trưởng cửa hàng ăn uống công ty thực phẩm Nghệ An ở thành phố Vinh.
    Anh Bình được cử đi học tại Học viện Hậu cần Quân đội. Kết thúc khóa học được phong thượng úy, chủ nhiệm hậu cần, Phó Giám đốc Quân y viện 6, Quân Khu II ở Sơn La. Mấy năm sau làm cố vấn quân sự cho quân đội Lào ở Sầm Nưa, Xiêng Khoảng, Nậm Bạc. Lúc nghỉ hưu là Thiếu tá quân đội. Anh quyết định đưa cả gia đình về quê, xây dựng cuộc sống mới.
    Em Nguyễn Minh Châu nhập ngũ năm 1961 là sĩ quan thông tin quân khu 4. Địa bàn hoạt động nơi túi bom của giặc Mỹ. Đó là chiến trường Bình Trị Thiên. Sau giải phóng miền Nam đến năm 1977 được ra quân chuyển về Công ty Bưu điện Hà Nội.
    Điều đặc biệt ba anh em của tôi vào lính, xông pha trận mạc ác liệt nơi mưa bom bão đạn nhưng khi kết thúc chiến tranh không ai thương tổn gì, gia đình tôi lại sum họp trong niềm vui hạnh phúc và vô cùng may mắm…

Câu chuyện thứ 3:  Nhà tôi có đạn trong nhà

     Mùa thu năm 1952 một đơn vị quân đội đóng quân ở làng tôi, hình như chuẩn bị cho một chiến dịch mới.
    Ba tuần ở lại với dân được dân làng che chở đùm bọc. Các anh học tập chính trị, luyện tập các thao tác quân sự, lăn lê bò toài, xung phong, ngắm bắn mục tiêu cố định, di động. Phá hàng rào thép gai, mở khẩu cho bộ đội tiến công. Các động tác thuần thục như biểu diễn võ thuật.
    Đến kỳ chuyển quân đi nơi khác, đơn vị đã bí mật hành quân vào ban đêm ít người biết. Xóm làng bàng hoàng vì sự trống vắng đột ngột của các anh. Dân quê tôi có truyền thống yêu mến bộ đội Cụ Hồ. Đúng là quân với dân như cá với nước. Tình cảm quân dân mỗi ngày một sâu đậm theo thời gian…
    Trước lúc ra đi, ban chỉ huy chỉ trao đổi với thầy tôi ý định gửi lại khoảng 100 kg đạn súng trường, hẹn lâu nhất là 1 tháng, đơn vị sẽ cử người về nhận lại. Thầy tôi nhận lời. Mấy chiến sĩ khênh đến nhà lúc nhá nhem tối và đưa ngay vào buồng, xếp gọn vào đáy tủ gỗ. Xong xuôi cụ khóa lại và giữ luôn chìa khóa, dặn chúng tôi không được lộ bí mật là trong nhà mình có đạn. Điều lo lắng nhất của cụ vì nhà lợp mái bằng tranh rạ, sợ mẹ tôi đun nấu không cẩn thận nên ông thường xuyên nhắc bà nấu xong tắt lửa, đem hết rơm rạ còn lại ra ngoài. Cụ còn tự tay dập bếp bằng nước đến khi tro than tắt hẳn mới yên tâm đi làm việc khác.
    Có lúc cụ mở tủ ra kiểm tra, tôi tò mò xem. Những băng đạn màu đồng thau, đầu đạn màu đồng đỏ sáng loáng dài khoảng 1 mét, cuộn xếp ngay ngắn như những vị thần linh ở trọ trong nhà mình, bảo vệ che chở cho nhà mình, không sợ ma tà trộm cắp quấy nhiễu. Tôi hơn 10 tuổi đã tưởng tượng ra những điều viển vông, trẻ con như vậy, sau ngày lớn lên nghĩ lại, thấy thật buồn cười…
    Hơn một tháng sau, đơn vị cử 4 người về lấy. Các anh ấy chỉ lấy đi những băng nguyên vẹn, còn 3 viên lẻ, một anh lính trẻ dúi vào túi cho tôi. Tôi mừng nhưng không biết để làm gì nhưng vẫn nhận. Tôi coi như của riêng nên cất giữ cẩn thận lắm…
    Đến dịp giáp tết, nghe tiếng pháo nổ đì đùng của bạn bè, tôi mang ra từng viên một tìm cách rút đầu đạn ra để lấy thuốc bên trong các tút. Tôi biết bên trong có thuốc đạn và có thể chia từng ít một thay cho thuốc pháo. Thuốc đạn màu đen, có tinh thể như mì chính cánh, óng ánh dưới ánh sáng mặt trời. Nếu dí que diêm, thuốc sẽ bắt cháy kèm theo tiềng xì và tia lửa xanh lè  rất đẹp. Mùi thuốc cháy vừa khét vừa thơm hấp dẫn khó quên….
    Mấy năm sau gia đình ông Hà (hàng xóm) làm nhà, thuê bác thợ mộc trong thôn gia công kèo, cột, xà, dầm. Tóm lại là khoán phần lắp dựng khung gỗ. Đang làm dở chừng, không biết bác ấy nhặt đâu được viên đạn súng trường trông hơi cũ, vì chung quanh đã chuyển màu xanh của rỉ đồng, lấm láp bùn đất. Tiện tay bác ấy cầm viên đạn hướng đầu đạn lên trời, thắp que hương đang có lửa than màu đỏ dí vào đáy viên đạn. Đạn nổ, người ngã , máu đầm đìa chảy xuống sân. Bàn tay cầm đạn cụt mất 3 ngón. Tay loang lổ vết thương, may quá không ai làm sao. Thế là việc làm nhà của chủ đành bỏ dở. Sau 2 tháng điều trị, băng bó, công việc mới tiếp tục trở lại. Chủ nhà thuê thêm người phụ với bác nên mấy tháng sau mới hoàn thành công trình…
   Nghĩ lại mấy năm trước, lúc lấy thuốc đạn ra khỏi các tút, tôi thấy sợ, vì không hề biết đáy viên đạn có một hạt nổ, nếu chạm mạnh hoặc tiếp xúc với nguồn nhiệt, kíp sẽ nổ, làm cháy thuốc bên trong và gây tai nạn không lường trước được hậu quả. Tôi chỉ biết lấy một quai dép cao su quấn đầu đạn xoay đi xoay lại, lấy con dao nhỏ vuốt sống dao xuống đuôi viên đạn một cách nhẹ nhàng, đầu đạn sẽ lỏng ra. Tôi chỉ xoay vài vòng nữa là lấy được thuốc. Công việc thành công cho cả 3 viên diễn ra bình thường. Tôi gói từng ít nột như hạt ngô với giấy Pơ luya mỏng và đợi đêm tối trời mới đem ra châm lửa.
   Đem câu chuyện nghịch ngợm ở lứa tuổi trẻ con kể lại, tôi mong một điều: lứa tuổi thiếu nhi tránh xa khi tiếp xúc với đạn bom.
   Tôi rất buồn khi nghe tin nơi này nơi khác vẫn có người cưa bom, cưa đạn để lấy thuốc và đã hứng chịu tai nạn thương tâm, có vụ chết hai ba người một lúc, tan xương nát thịt một cách thê thảm như vụ cưa bom ở khu đô thị Văn Quán quận Hà Đông. Có người què cụt, hỏng mắt và chịu cảnh thiệt mạng hoặc tàn tật suốt đời.

   Tất cả họ đều ít hiểu biết về bom đạn, làm những điều ngờ nghệch nên phải gánh chịu hậu quả đau đớn mà thôi…

    Câu chuyện thứ 4: Đi xem xiếc

   Sau khi ký hiệp định đình chiến giữa VN và Pháp tháng 7 – 1954, hơn một năm sau Trung Quốc cử đoàn xiếc sang VN biểu diễn. Qua các đêm diễn ở Hà Nội, Nam Định, Thanh Hóa, đoàn vào Vinh phục vụ nhân dân Nghệ An. Theo chủ trương của tỉnh, các buổi diễn sẽ dành một số vé mời phân phối cho các huyện, ưu tiên các gia đình có nhiều đóng góp cho kháng chiến. Đây là đoàn nghệ thuật nước ngoài đầu tiên biểu diễn ở tỉnh ta nên ai cũng muốn có một tấm vé để thưởng thức nghệ thuật. Xã Quảng Châu cũng được huyện phân cho 2 vé. Bình đi xét lại ai cũng muốn đi, thầy tôi vào diện ấy nhưng cụ bảo xin nhường lại cho người khác. Tuy vậy ông Trần Hạnh phó Chủ Tịch xã lúc ấy nói: ông cố gắng đi vì so tiêu chuẩn tỉnh hướng dẫn thì không ai bằng ông. Bản thân ông là Chủ Tịch UBKCHC xã từ đầu c/mạng tháng 8 năm 1945, lại có 2 con tòng quân vào bộ đội, gia đình tốt. Đây cũng là dịp may hiếm có, không nên từ chối. Nghe ông Hạnh phân tích, vận động, thầy tôi vui vẻ nhận lời. Không ai suy bì hơn thiệt…
   Cầm tấm vé về nhà khoe các con, cụ mừng ra mặt và tự hào lắm. Đây là vé tỉnh mời, không phải ai muốn có cũng được.
   Nghĩ đi nghĩ lại, chuyến này vừa đi xem, vừa vào chỗ anh Thái thăm anh ấy ra quân chuyển về đơn vị quốc doanh làm ăn ra sao?
   Sáng hôm sau thầy tôi lên đường…
   Năm ấy đường đi lại khó khăn vì chủ trương tiêu thổ kháng chiến của những năm trước đó. Đường bộ mới san lấp, đường tàu hỏa chưa khôi phục vì ray thép, tà vẹt đã phá dỡ, còn ô tô mỗi ngày có vài chuyến xe cỡ nhỏ cũ kỹ chở khoảng 30 khách chạy bằng hơi nước, đốt lò bằng than. Những người buôn bán bám trụ, người thường không thể tranh chỗ họ được. Cụ cũng nghĩ ngày trước đi chợ Giát buôn hành, cả đi cả về cũng mất cả ngày là thường nên quyết tâm đi. Nói đến xe đạp thì cả làng chẳng ai có, mà nếu có cũng chẳng biết đi nên thầy tôi quyết định đi bộ…
   Diễn biến chuyến đi ra sao mời các bạn xem bài thơ tôi viết, cách đây đã mấy chục năm, các bạn vui lòng xem lại nhé:

   ĐI XEM XIẾC

Mùa xuân năm sáu xiếc sang ta ( 1956 )
Tề Tề Cáp Nhĩ đúng tên Hoa
Trung Quốc – quê hương đoàn xiếc ấy
Vé tỉnh mời đưa đến tận nhà.

Gia đình kháng chiến được ưu tiên
Một vé rõ ràng ghi đúng tên
Ngày giờ biểu diễn xem đã rõ
Giấy mời đưa trước ba ngày liền.

Đến hẹn hôm sau ông cụ tôi
Đi từ sáng sớm cho mát trời
Bỏ túi đàng hoàng mười đồng chẵn (1)
Cho chắc – đi đường khỏi lụy ai.

Ô tô không có, xe đạp không!
Cụ tôi cuốc bộ một ngày ròng
Diễn Châu – Vinh bốn mươi cây số
Mệt đâu nghỉ đấy nhẹ như không.

Đến nơi xem xiếc thật là sang
Đèn điện sáng trưng rất rõ ràng
Ghế đệm lò xo ngồi nhún nhẩy
Dãy vé ưu tiên thật đàng hoàng…

Sáng hôm sau ông cụ ra về
Lại một ngày đường như lúc đi
Rã rời tay chân, thân bải hoải
Hỏi thế nào? Cụ chẳng nói gì!...

Hôm sau nữa như đã hoàn hồn
Cụ tả hai thằng vật nhau luôn
Vật xong đứng dậy chỉ còn một
Một thằng biến mất thật là khôn…

Nghĩ mà thương cụ đúng nông dân
Đi bộ cả ngày vì chiếc vé ưu tiên
Từ nay nếu được mời xem xiếc
Sẽ lắc đầu hàng chục cái liền…

                              NQH

(1) Mười đồng ngày ấy bằng bán 1/4 con bò các bạn ạ.

lăng mộ đá toyota thanh hóa