Thơ Hoa Cau



ĐÀN BÀ TUỔI NĂM MƯƠI
Đàn bà sang tuổi năm mươi
Thu gom vụn nắng nhẹ rơi cuối chiều
Chênh vênh vóc ngọc dáng kiều
Vớt trăng đêm tắm miền yêu rạc gầy
Chân chim ghẹo khóe mắt cay
Nét son đuểnh đoảng lắt lay tơ tình
"Gương kia ngự ở.." sân đình
Ước gì ta lại ...là mình ngày xưa
Đàn bà cái tuổi đò đưa
Vin cành liễu mỏng hương đưa chạm lòng
Thương hoài một cánh Diêu Bông
Vén đêm níu áng mây bồng bềnh trôi
Nghiêng đồng đổ nắng ra phơi
Lửa lòng cháy rực góc trời phiêu du

Ta thương người - Người có thương ta?

( Kỷ niệm ngày thành lập Diễn Đàn Văn Học- Nghệ Thuật
            Đường Sắt và Xây Dựng VN )

Những chuyến tàu đi trong đêm mưa
Tiếng bánh xe va vào làn gió
Gửi mùa đông vào thân bàng lá đỏ
Tan vào cây cỏ bên đường
Cõng bao người về quê hương
Cúng tết.
Buốt căm căm những mùa đông giá rét
Áo mỏng manh thêm lạnh làn da
Hai hàm răng đua nhau gảy đàn làm quà
Chống rét...

Cuộc chiến đã đi xa
Ruộng đồng thêm hoa nở
Bao công trình đã vươn cao rực rỡ
Cho mầm non hé nụ bung chồi
Ta vẫn đi về xuôi ngược, ngược xuôi
Như mẹ già còng lưng cõng đàn con nhỏ
Hai hàng ray vẫn cách nhau ngần đó
Bước chân ta đã trăm năm, trói buộc đến bao giờ?

Năm tháng trải dài theo những giấc mơ
Đường tàu nay vẫn như ngày ấy
Và mong được lăn bánh trên con đường hiện đại

Ta thương người – Người có thương ta?...

Mùa hoa cải bên sông

Bài viết và Chuyện ngắn của Nhà Văn Nguyễn Quang Thiều
( Xin phép nhà văn Nguyễn Quang Thiều tôi xin đăng lại trên trang cá nhân để bạn bè tôi cùng đọc )

MỘT VỞ KỊCH CHUYỂN THỂ TỪ TRUYỆN NGẮN CỦA TÔI
Báo chí đưa tin : Vở 'Khát vọng' do NSƯT Lâm Tùng - Nhà hát Kịch Việt Nam làm đạo diễn, tác giả Tạ Xuyên vừa đoạt cùng lúc 6 giải thưởng tại Sân khấu thanh niên La Hồ - Thẩm Quyến (Trung Quốc).
Cụ thể, “Khát vọng” đã giành các giải thưởng Vở diễn xuất sắc nhất, Kịch bản xuất sắc nhất, Đạo diễn xuất sắc nhất, Thiết kế sân khấu xuất sắc nhất, Diễn viên Ngô Thuận đoạt giải nữ diễn viên xuất sắc nhất, NSƯT Lâm Tùng đoạt giải Nam diễn viên xuất sắc nhất.
Vở diễn xoay quanh câu chuyện một gia đình làng chài sinh sống quanh năm trên mặt nước, vì mối hận không được chôn vợ trên đất liền mà ông bố đã quyết định để mối hận đó thành truyền kiếp, bắt các con tuyệt giao với những người trên bờ.
Cuộc sống trên con thuyền nhỏ chật hẹp, bí bức đã làm cho những thành viên trong gia đình luôn sống trong cảnh tù túng, khó chịu. Họ khó chịu với những người xung quanh, với chính bản thân mình. Cuộc sống cứ như vậy cho đến khi cô con gái út quyết định phá bỏ lời nguyền truyền kiếp của gia đình để chuyển ngôi mộ của bà mẹ lên bờ và xây dựng hạnh phúc của mình cũng ở trên bờ… và rồi cô đã thay đổi được cuộc sống của chính cô và những người thân…
Xin chúc mừng Nhà hát kịch Việt Nam.
CHÚ Ý : Đạo diễn Tạ Xuyên đã chuyển thể truyện ngắn MÙA HOA CẢI BÊN SÔNG của tôi thành vở kịch này. Cho dù người ta không nói đến tác giả truyện ngắn nhưng nhiều bạn đọc vẫn nhận ra vở kịch chuyển thể từ truyện ngắn trên của tôi. Một chút vui trong những ngày đầu năm mới.
Tôi xin đưa lại truyện này để ai quan tâm có thể đọc vì truyện khá dài.
Truyện ngắn MÙA HOA CẢI BÊN SÔNG
Đêm xuống. Con thuyền neo lại giữa sông .
Ngọn lửa bếp trên mui thuyền hằn một vầng sáng dịu dàng xuống mặt nước. Người trong xóm trại trên bến Chùa không biết con thuyền từ đâu đến neo lại trên khúc sông này đã hơn một tháng nay. Hằng ngày những người trong gia đình trên chiếc thuyền ấy làm một công việc là lấy cát rồi bán cho các gia đình trên thị trấn nhỏ bên kia sông đang thi nhau xây nhà. Hơn một tháng không ai thấy những người trên chiếc thuyền ấy lên bờ. Họ đội cát bằng những cái thúng to, đi nhún nhảy trên tấm ván. Khi đến đầu mép ván gối lên bờ, họ đổ cát xuống bãi cỏ cho người mua, bàn chân không hề chạm vào mặt đất. Hàng xóm của họ là những chiếc thuyền đánh cá, thuyền chở hàng thuê v.v…
Chủ chiếc thuyền cát là một ông già ngoài sáu mươi, mái tóc dài được búi gọn trên đầu, chòm râu bạc xoà che gần kín vồng ngực gồ lên như tảng đá, Đôi vai ông u lên, đỏ sậm và rạn như vai trâu cày. Cơ thể ông đanh lại như đá tạc. Nhưng đôi mắt thì khác, đôi mắt lúc nào cùng u buồn, ngơ ngác như vừa đánh mất một điều gì.
Ông Lư (ông già chủ thuyền) ngồi im lặng trên sàn gỗ ở mui thuyền. Bên cạnh ông là một thứ rượu do ông cất lấy ngâm với củ cỏ gấu, loại củ già đen như sừng.Trước ông là một đĩa cá sông nướng và một chiếc rổ con đựng những con trùng trục đã hấp chín với gừng thái sợi. Chiều nào ông cũng ngồi uống rượu như thế cho tới khuya và không hề động đến một hạt cơm. Chỉ những đêm mưa bão ông mới chịu ở trong chiếc nhà thuyền.
- Anh cả đâu?- ông khẽ gọi. Tiếng ông trầm và nặng đổ xuống mặt sông đêm.
- Dạ bố bảo gì con ?- Một người đàn ông gần bốn mươi tuổi trong nhà thuyền chui ra.
- Mai nghỉ việc, lặn mặt trời thì đi Bãi Yên.
Vâng, con ông đáp khẽ. Đó là đoạn sông rộng và êm chạy ven chân một dãy núi đá vôi. Dưới đáy giữa khúc sông là mộ người vợ bất hạnh của ông. Thế là đã hơn mười năm rồi. Con sông đổ biết bao nhiêu nước ra biển cũng như ông có biết bao thay đổi trên đời. Vào mùa hè cách đây hơn chục năm. Đó là mùa hè đầy bệnh tật và đói kém. Dọc hai bên bờ sông ông qua, ngày nào cũng vọng tiếng kèn đám ma thảm thiết và thấp thoáng sau những lùm tre gầy nhẳng, úa vàng là những chiếc cờ tang vật vờ bay. Rồi vợ ông cũng trở thành nạn nhân của muà hè ghê rợn ấy. Bà để lại cho ông ba đứa con. Đứa con gái hồi đó mới hơn bốn tuổi.
Trong suốt ba ngày ròng rã, ông ngồi trên mui thuyền trước xác vợ. Hai đứa con trai ông vừa chèo thuyền vừa dỗ đứa em gái của mình ốm yếu khóc ngặt nghẽo suốt ngày. Ông cập thuyền vào những xóm dân cư hai bên bờ sông để xin được chôn cất vợ, nhưng không một nơi nào chấp nhận. Họ xua đuổi gia đình ông như xua đuổi thứ ma quỷ chuyên đi gieo rắc cái chết. Họ sợ bị lây bệnh dịch. Ông chỉ biết con thuyền và dòng sông. Đến tối ngày thứ ba ông ôm xác vợ khóc. Giữa dòng sông mênh mang, con thuyền vật vờ trôi với một ngọn đèn dầu heo hắt trên mui thuyền. Cuối cùng chỉ còn lại dòng sông mở rộng lòng đón nhận mọi số phận. Ông chôn vợ xuống đáy dòng sông ở chỗ khúc sông rộng và êm nhất. Ông cùng hai đứa con trai dùng gàu sắt thường dùng để lấy cát đào thành một cái hố dưới đáy sông và để người đàn bà yên nghỉ ở đó. Họ chở một thuyền đá xanh xếp lên thành chiếc mộ để tránh nước cuốn đi. Đêm đó ông xoã tóc, đốt hương lễ thần sông. Ông đổ hết cả một bầu rượu lớn xuống sông và nguyền rằng: tất cả những người trong gia đình ông không bao giờ đặt chân lên mặt đất. Họ sẽ sống hết cuộc đời trên sông.
Ông luôn luôn nói với con cái rằng: Nếu chúng để gót chân chạm vào mặt đất đôi bờ thì trái tim chúng sẽ biến thành tim quỷ, chúng sẽ trở thành những con thú độc ác. Hàng năm cứ đến ngày giỗ vợ, dù công việc bận rộn thế nào gia đình ông cũng nghỉ. Ông sắm sửa lễ vật và khi mặt trời khuất núi thì cả gia đình chèo thuyền đến Bãi Yên. Ông xoã tóc và mặc áo, đây là ngày duy nhất trong năm ông mặc áo trừ những ngày đông rét mướt. Sau khi làm lễ, ông cùng hai người con trai lặn xuống đáy sông sửa sang lại ngôi mộ. Ít năm sau người con trai cả lấy vợ. Cô dâu là con gái một bạn thuyền của ông. Ngày cưới con, ông cho đứa con trai thứ hai bơi chiếc mủng nhỏ đi suốt mấy ngày dọc một dải sông dài mời bạn thuyền. Đám cưới được tổ chức ở Bãi Yên với hàng chục chiếc thuyền các loại kết lại thành một chiếc bè lớn.
Đêm hôm sau, khi vầng trăng cuối tháng hiện lên phía ven trời thì chiếc thuyền từ Bãi Yên trở lại bến Chùa.
- Bố!. Ông nghe tiếng cô con gái út run run gọi ông ở phía sau. Cô ngồi xuống bên cạnh và ôm lấy cánh tay ông
- Bố đưa mẹ lên bờ đi. Bố đừng để mẹ ở mãi dưới sông nữa.
Đã bao nhiêu lần cô nói như van lạy ông. Nhưng lần nào ông cũng nhìn cô bằng đôi mắt ngầu đỏ, u uất.
- Không đứa nào trong nhà này được nói đến điều đó - Ông rít lên – Không đứa nào được giẫm lên lời nguyền của ta.
Nhưng ngay sau đó chính lòng ông đầy đau khổ, giày vò. Ông nhìn con xót xa. Chinh - đứa con gái duy nhất của ông đã sinh ra trong chiếc thuyền trên dòng sông này. Ngày Chinh ra đời, ông cắt rốn con thả xuống dòng sông và cầu nguyện cho con. Chinh lớn lên khoẻ mạnh, dịu dàng và âm vang như dòng sông. Cô thừa hưởng sắc đẹp dịu dàng của mẹ, lòng dũng cảm của cha và sự bí ẩn của dòng sông. Là đứa con gái duy nhất, nhưng cô xông xáo, táo bạo hơn cả hai người anh.
Những đêm trăng mùa hạ, cô thích thả mình xuống dòng sông. Cô bơi mềm mại như một nàng tiên cá trong chuyện cổ. Đêm đó có những đàn cá lạ lấp lánh trăng xuyên qua mặt nước bơi theo cô. Thỉnh thoảng cô co người lại, hai tay ôm bó gối dể cho cơ thể tuổi dậy thì lóng lánh như giọt thuỷ ngân lắng dần xuống đáy sông. Rồi bất chợt, cô ngoi lên khỏi mặt nước gọi bố và cười vang. Ông Lư ngồi trên mui thuyền nhìn về phía cô gọi, đôi mắt chợt non tơ đến ngỡ ngàng. Ông không lo lắng gì khi thả cô xuống dòng sông ngay cả mùa nước lớn, nhưng ông lại lo sợ nếu như con gái ông để gót chân chạm vào đất đôi bờ.
Nhưng cô thèm khát đôi bờ. Thuở mẹ cô còn sống, cô vẫn được mẹ đưa lên bờ đi chợ hoặc kiếm củi khô trên những bãi vải, bãi ổi ven sông. Sau ngày mẹ mất, các anh cô và cô không ai dám bước chân lên bờ. Và thế là hơn mười năm rồi, cuộc đời cô chỉ với con thuyền và dòng sông. Cô thèm khát được đặt chân lên dải đất mịn màng phù sa. Cô muốn được nằm trên thảm cỏ xanh ven đê làng. Có nhiều đêm cô bơi sát bờ và khi nghe thấy tiếng lá ngô khua xào xạc, khi ngửi thấy mùi râu ngô non dịu ngọt và mùi cỏ đêm hăng hăng, người cô lại cảm thấy nôn nao, nhịp tim cô dồn dập. Nhưng sau đó cô phải trườn mình quay lại con thuyền ngay khi đã nghe tiếng mõ gọi của bố. Có một lần cô nhìn thấy một xác người chết trôi qua thuyền. Mặt nạn nhân bị chém nhiều nhát, vết thương đã rữa toả mùi tanh nồng nặc. Cô ôm lấy bố run lên: “Trời ơi, ai làm sao vậy bố? Bố vớt người ta lên bờ đi”. Người trên mặt đất họ giết nhau đấy”. Ông Lư trả lời lạnh băng và đẩy cô vào nhà thuyền. Suốt ngày hôm đó ông không cho ai chạm vào dòng sông. Ông nói: “Hãy để nước sông đêm cuốn đi mọi bẩn thỉu của mặt đất. Đừng chạm tay vào nước sông cho đến sáng mai”.
Một lần khác cô hỏi Sỏi – người anh trai cả của cô: “Anh không thích lên bờ à?” – “Trên bờ có cái quái gì mà lên” – Sỏi nói – “Cứ ở đây, chẳng phải đụng chạm đến đứa nào. Làm gì thì làm. Ngày xưa ở trên bờ tao thấy chúng nó suốt ngày cãi chửi nhau” – “Lúc nào anh cũng ngày xưa, thế còn anh Cát?”, cô quay sang hỏi người anh trai thứ hai. Cát đang nằm nghỉ trên sàn thuyền: “Tao chán cảnh này lắm rồi, cứ như ở tù” – “Mày tưởng trên bờ là thiên đường chắc? Nhà tù đấy em ạ, gà vịt cũng còn bị tù nữa đấy!”. Sỏi nhìn Cát càu nhàu. “Nhưng chắc chắn đó cũng là cái nhà tù rộng rãi hơn cái nhà tù thuyền này!” – “Ai, ai tù mày? Bố tù mày hay tao, hay con Chinh tù mày?” – Sỏi thốt lên giọng the thé. Cát thủng thẳng: “Chẳng ai tù ai hết cả. Ngu dốt nó bỏ tù tất cả” . Nói xong anh ngửa mặt lên cười. Rồi anh chống tay đứng dậy đi lảo đảo và cười. Rồi tiếng cười vụt tắt. “Trời ơi” – Anh kêu lên nức nở – “Một ông già độc đoán tự cho mình quyền ngự trị tất cả. Ông bỏ tù chính ông, bỏ tù một cặp đực cái, bỏ tù một thằng hèn hạ như tôi, bỏ tù cả con bé đẹp nhưng mù chữ. Tất cả ỉa đái xuống dòng sông rồi lại nói nước sông trong sạch, lấy nước sông ăn, lấy nước sông uống!” – “Câm đi đồ mất dạy. Bố mà ở nhà bố sẽ giết mày”. “Mất dạy hả? Có đứa nào được dạy dỗ gì đâu mà mất!”.
Buổi tối ông Lư trở về. Cô con dâu thì thọt kể lại chuyện cãi nhau của hai anh em Sỏi cho ông nghe. Ông nhìn Cát rồi nói: “Mày muốn lên bờ hả?. Được: Tao sẽ chặt đứt đôi chân mày và vứt mày lên bờ để xem mày có phải bò về với dòng sông không? – Nói rồi ông cầm lấy lưỡi rìu ấn mạnh vào bắp tay, máu trào ra. Ông lấy lưỡi rìu lau máu và chém phập vào mạn thuyền: “Hãy nhìn lưỡi rìu đi. Máu tao đã chảy ở đó. Sáng mai mày hãy trả lời xem mày có thích lên bờ không?”
Rồi Cát cũng không lên bờ. Con thuyền lại tiếp tục các công việc của nó. Thế rồi một mùa xuân lại đến. Chinh đã sang tuổi mười bẩy. Một buổi sáng thức dậy ra mạn thuyền vo gạo, cô bỗng thấy trên bãi sông bến Chùa, một thảm màu vàng tươi, một màu vàng xôn xao, ấm áp ùa vào mắt cô. Hoa cải gặp gió ấm đêm qua đã bung nở. Mỗi khi có ngọn gió chạy qua, cả bãi hoa vàng rợn lên như sóng. “Đẹp quá”. Chinh khe khẽ thốt lên. Cái rá gạo từ từ tuột khỏi tay cô trôi theo dòng nước. Suốt cả ngày hôm đó cô không thể nào rời tâm trí khỏi thảm hoa vàng kia. Một cái gì đó náo nức vẫy gọi cô. Cô đã sang tuổi mười bẩy. Thỉnh thoảng có đêm tỉnh giấc, cô cảm thấy một cái gì chập chờn, quấn quít ở đâu đây. Không phải tiếng nước sông chảy trong đêm, không phải tiếng reo của ngọn lửa, không phải hương ổi chín từ bãi sông đưa lại, cũng không phải tiếng gọi nhau của bầy chim ri từ những lùm dứa dại ven đê. Một cái gì đấy làm cô đang chải tóc chợt dừng tay. Nó làm cho ngực áo cô bỗng đầy lên đến nghẹn thở. Cái đó chợt đến, chợt đi, chợt rời ra, quấn quýt.
Một hôm, sau bữa cơm chiều, cô nói với bố là cô đi thả lưới câu. Ông Lư chiều ý con và dặn: “Đi về sớm, trời lạnh đấy”. Cô vội vã cởi dây thừng neo chiếc thuyền mủng. Cô không thả lưới mà bơi mủng vào bờ. Cô cắm mủng ở đó và đi về phía bãi cát. Đêm lạnh nhưng trời có trăng. Cô ngồi xuống bên cạnh luống hoa. Đôi tay nâng khẽ những bông hoa cải ướt sương. Một ngọn gió lướt qua, những bông hoa đung đưa cọ vào má cô. Người cô rung lên. Những bông hoa nhảy múa và trò chuyện trước cô. Cô khẽ áp đôi môi mình vào hết chùm hoa này đến chùm hoa khác. Bỗng cô nghe thấy mõ tre từ chiếc thuyền cái. Tiếng mõ được quy định thay tiếng gọi nhau của những người sống trên sông. Một lúc sau tiếng mõ lại vang lên. Chinh cuống quýt, cô quơ tay dứt những chùm hoa cải. Lần thứ ba, tiếng mõ nghe gấp và chói. Cô biết bố đã nổi giận. Cô ôm bó hoa gãy nhàu chạy xuống bờ sông. Vừa ngồi vào mủng, cô vội gõ trả lời và hối hả bơi về thuyền. “Mày đi đâu mà không trả lời”, “Con tưởng bố gọi anh cả”. Ông im lặng nghi ngờ nhìn cô.
Rồi mấy đêm sau cô lại tìm cách lên bờ. Và trước khi trở lại thuyền, cô lại ngắt những chùm hoa cải mang về. Nhưng đến đêm thứ ba thì có người phát hiện ra việc làm của cô. Đó là một chàng trai chừng ba mươi tuổi, mặc một bộ quân phục đã cũ. Những ngày trước đó bà mẹ chàng trai thường xuống bến sớm và phát hiện những luống hoa cải bà để giống cho vụ sau bị ai đó ngắt nham nhở từng quầng. Bà ca thán với con và chàng trai quyết rình bắt cho được kẻ phá hoại. Khi Chinh đang quỳ trước đám hoa cải vừa vuốt ve chúng vừa thì thầm trò chuyện thì nghe tiếng quát khẽ nhưng gắt của chàng trai. Cô giật mình hoảng hốt quay lại, và vẫn trong tư thế quỳ. Cô ngước mắt lên nhìn chàng trai, người run lên vì sợ hãi. Cô không khái niệm được sự sai trái do việc làm của mình, mà sợ hãi bởi trước cô trong đêm trăng lạnh là một người lạ.
- Cô là ai? Cô làm gì ở đây?
Chàng trai hỏi và bước lại gần cô. Cô lúng túng đứng dậy. Chợt những làn mây mỏng tan đi. Ánh trăng trong veo đổ tràn gương mặt cô. Bây giờ thì đến lượt chàng trai giật mình. “Đẹp quá!”. Anh thầm kêu lên. Sao trong đêm trăng tĩnh lặng trên bãi sông ở một làng quê hẻo lánh này lại xuất hiện một người con gái đẹp như thế? Chiếc áo tối màu và ánh trăng làm ngời lên đôi bàn tay, cái cổ thon và gương mặt đẹp. Đôi môi cô khẽ mím lại còn đôi mắt thì mở to. Chàng trai hồi hộp, liếc nhanh chơ thể cô và nhận ra dưới ánh trăng mỏng, dưới lớp áo tối màu, là tuổi dậy thì nóng hổi, dịu dàng và phập phồng thở.
- Em ở đâu đến? – Chàng trai nói bằng hơi thở. Giọng nói và gương mặt đàn ông đầy độ lượng của anh đã làm cho cô hết sợ. Cô mỉm cười nhìn xuống dòng sông, ở đó toả một quầng sáng đèn dầu, “à”, anh chợt hiểu. Hàng tuần về thăm mẹ anh vẫn thấy chiếc thuyền lấy cát neo ở bến sông làng anh. Biết vậy nhưng anh vẫn hỏi lại:
- Em ở dưới thuyền à?
Cô gật đầu
- Em thèm ăn rau cải à?
Chinh bật cười. Nụ cười ngợp lên người anh. Anh thấy mình mê đi trong khoảng khắc.
- Thế em muốn gì? – Anh lúng túng hỏi.
Chinh không trả lời và giơ một nắm ngọn cải nhiều hoa ra trước anh.
- Hoa cải? Em thích hoa cải? – Anh ngạc nhiên hỏi. Cô gái lại gật đầu.
- Em về đây. Bố em gọi!
Anh bỗng hoảng hốt sợ cô biến mất. Anh đứng lặng nhìn cô và rồi vội vã ngắt những chùm hoa cải. Chinh nhận bó hoa từ tay anh rồi quay người đi xuống bến.
- Này em! – Chàng trai chạy theo – Tên em là gì?
- Chinh.
- Anh là Thao. Nhà anh ở kia kìa. Mai em lên nhé. Hoa cải nhà anh đấy.
Chinh mỉm cười gật đầu và đi xuống bến. Anh nhìn theo. Đến lúc này anh mới nhận ra mái tóc như thiên thần của cô. Anh ngửa mặt lên trời. Có lẽ mái tóc ấy đã từ vầng trăng chảy xuống.
Sáng sau, Thao dậy sớm. Suốt đêm qua hầu như anh không ngủ. Anh nghe tiếng bà mẹ ca thán dưới bếp: “Không biết đứa nào lại phá luống hoa cải đêm qua”. Thao mỉm cười sung sướng. Anh chạy theo con đường nhỏ xuống bến sông. Ở giữa sông, chiếc thuyền của gia đình Chinh nằm bình yên trên mặt nước. Một ngọn khói xanh toả ra từ con thuyền lặng lẽ tan xuống mặt sông như sương. Thao đứng trên bờ hồi hộp đợi, nhưng không thấy bóng một người con gái nào. Chỉ có hai người đàn ông đang loay hoay làm gì đó trên mui thuyền. Hay là đêm qua anh nằm mơ. Có phải sự thật đêm qua anh đã gặp một người con gái như thế không? Thao chờ mãi và cuối cùng anh buồn bã trở lại bãi hoa cải. Bên luống hoa vẫn còn in những dấu chân. Và cạnh đó là những cánh hoa cải rụng lấm tấm vàng.
Rồi vào một đêm sau đó ít ngày, Chinh lại chèo chiếc mủng nhỏ lên bờ. Họ đứng nhìn nhau trong ánh sáng mờ mờ của trăng bị mây mỏng che khuất. Họ chưa biết gì về nhau nhưng cả hai đều nhận thấy có một cái gì đó mỏng, trong suốt đang đan quấn vào họ như tơ nhện.
- Bố em đi rồi – Chinh thì thào.
- Đi đâu?
- Bố đi có việc mấy ngày tận cuối sông.
- Đêm nay em ở lại trên bờ với anh nhé. Em đừng về.
- Bữa trước ở dưới thuyền em nhìn thấy anh, nhưng em không dám ra. Nếu anh nhìn thấy em anh gọi thì bố em giết chết em.
- Sao lại giết? – Thao hỏi và bật cười.
- Thật đấy – Cô nói và nhìn anh bằng đôi mắt buồn, rồi cầm tay anh đi về phía bãi hoa. Họ ngồi xuống giữa những luốn hoa cải. Hơi thở họ phả nóng mặt nhau. Xung quanh họ hoa cải vàng lấp lánh dưới trăng.
- Anh yêu em! – Anh nói như phải cố gắng hết sức mình. Cô nhìn anh lặng lẽ như không hiểu điều anh nói. Anh nâng gương mặt cô lên.
- Anh yêu em.
Chinh vẫn im lặng. Gương mặt cô như đang ngủ trong lòng đôi bàn tay anh. Anh cúi xuống hôn cô và thấy cô rùng mình. Đôi môi cô khẽ mím. Cô không biết đó là tình yêu. Cô chỉ thấy rằng ngực cô như bị nén chặt. Người cô bừng nóng. Cô cảm thấy hơi ấm của mẹ cô từ những năm tháng xưa đang toả vào cô. Cô vội đứng dậy. Thao ngơ ngác đứng theo. Bỗng cô ôm lấy anh khóc nức nở. Một lúc sau, cô ngước lên nhìn anh và hỏi.
- Anh là người mặt đất à?
Thao không trả lời cô. Anh ngước mắt nhìn dọc triền sông mờ hút trong trăng và khẽ thở dài.
Trời mỗi ngày một ấm lên. Những cánh hoa cải rụng xuống mỗi ngày một nhiều. Rồi đến một hôm anh giật mình nhận thấy hoa cải đã rụng gần hết, chỉ còn lại những bông nở muộn. Anh cứ cảm thấy rằng khi cánh hoa cuối cùng rụng xuống thì Chính sẽ biến mất.
- Em phải ở lại đây với anh. Em sẽ ở nhà anh với mẹ. Em không được đi đâu cả.
Cô nhìn anh lắc đầu. Anh rút trong túi một tờ giấy đưa cho cô.
- Anh chép thơ tặng em đấy. Thơ Tago em biết không?
- Em không biết chữ.
- Sao, có thật thế không?
Anh ngạc nhiên hỏi và lòng anh bỗng xót xa anh đỡ cô ngồi xuống và ôm cô vào lòng.
- Anh sẽ dạy em học. Anh cũng đang đi học đấy. Bây giờ anh giúp gì được em nào, em nói đi!
Chinh xoay người ngồi tựa vào lòng anh. Cô kể cho anh nghe cuộc đời của gia đình cô. Cuối cùng cô quay lại nhìn anh và nói:
- Em muốn nhờ anh một việc. Em muốn đưa mẹ em lên bờ.
- Lên bờ! Đúng rồi. Chúng mình sẽ đưa mẹ lên bờ. Chúng mình sẽ để mẹ yên nghỉ ở bãi sông này. Anh sẽ trồng nhiều hoa cải bên mộ mẹ.
Cô gật đầu cười hạnh phúc.
Thế là gần một năm gia đình ông Lư ở lại bến sông làng Chùa. Đôi khi họ cũng vắng bến dăm ba ngày. Một mùa hè lại đến. Đêm đêm Chinh thích thả mình xuống dòng sông. Bơi bên cô là Thao. Anh có một cơ thể khoẻ mạnh, cân đối. Năm năm rèn luyện trong lực lượng đặc công nước đã cho anh vốn sức khoẻ và sự phát triển cơ thể ấy. Sau ngày giải ngũ, anh thi vào đại học ngoại ngữ khoa tiếng Anh. Những đêm trên dòng sông dịu dàng chảy, họ quấn quýt với nhau như một đôi cá thần. Dòng sông bí mật truyền vào cuộc đời họ sức mạnh hạnh phúc và sự khổ đau. Một lần khi đang bơi bên anh. Chinh thấy chóng mặt, cô ôm lấy vai anh thở dốc. Dòng sông chợt dừng chảy, im phắc, lắng nghe cô, rồi bỗng trào lên những ngọn sóng reo vui, nhảy nối nhau loan báo cho các loài thuỳ tộc biết điều hạnh phúc thiêng liêng. Quanh họ, có những con cá bay lên khỏi mặt nước như một mảnh trăng con lấp loá.
Như thường lệ, vào ngày giỗ bà mẹ, cả gia đình ông Lư nghỉ việc nhổ neo về Bãi Yên. Cũng chính là ngày này Thao thay Chinh đốt những nén hương cắm lên mộ của bà mẹ. Thao đã bí mật đưa phần mộ của bà lên bờ mấy tháng nay và chôn ở ngay trong khu ruộng nhà anh. Ở Bãi Yên sau khi làm lễ xong, ông Lư sai Sỏi lặn xuống đáy sông để kiểm tra lại ngôi mộ. Gần một phút sau, tăm nổi lên sùng sục và Sỏi nhao lên mặt nước kêu thảng thốt: “Mộ bị phá! Mộ bị phá rồi”. Một ngọn lửa bỏng rát táp vào mặt ông Lư. Ông lao xuống sông hít một hơi dài và lặn xuống. Những hòn đá xanh đã bị vứt ngổn ngang. Ông Lư biết không phải nước mà có một người nào đó đã phá ngôi mộ. Nhưng ai đã làm việc đó? Câu hỏi ấy làm máu ông sôi lên. Không ai biết ngôi mộ này ngoài những người trong gia đình ông. Ông ngoi lên và ra lệnh: “Thả gầu xúc cát xuống”. Họ bắt đầu đào. Sau gần nửa tiếng đồng hồ ông mệt mỏi trèo lên thuyền. Ông lẩy bẩy bước lên cửa nhà thuyền đỡ lấy quả bầu khô đựng rượu ngửa cổ lên uống.
- Đứa nào? - Ông gầm lên - Đứa ..ưa..ưa..na..ào..ào?
Tiếng ông kéo dài như tiếng rú khản đặc dội vào đôi bờ vọng lại rền rền trên mặt sông. Tất cả những người trên thuyền cúi đầu im lặng. Trong góc nhà thuyền, Chinh ôm chiếc gối vào lòng kinh hoàng.
Đến gần nửa đêm chiếc thuyền mới quay trở lại bến Chùa. Ông Lư ngồi gục đầu trên mui thuyền, trông ông già đi hàng chục tuổi. Hai người con trai im lặng chèo thuyền.
Buổi sáng hôm sau, mọi người dậy rất sớm. Ở ngoài mui thuyền ông Lư vẫn ngồi đấy. Ông đã ngồi như thế suốt đêm qua. Bỗng cô con dâu chui từ trong nhà thuyền chạy ra.
- Bố! – Cô gấp gáp gọi ông và giúi vào tay ông một xếp giấy cũ nhàu.
- Cái gì thế này? - Ông hỏi và giơ những tờ giấy ra… ông không biết chữ nhưng ông linh cảm thấy một điều không bình thường trong những tờ giấy.
- Cả đâu! - Ông gọi. Sỏi đang hút thuốc lào vội chạy ra – Mày đọc xem cái gì đây.
Sỏi cầm lấy những tờ giấy và đọc. Trước khi mẹ Sỏi mất, ông Lư vẫn gửi Sỏi đến học ở một trường làng cùng con một ông bạn thuyền làm nghề chở đò ngang.
- Thưa bố. Đây là thư của một đứa nào đấy gửi cho con Chinh. Chúng nó nói chuyện yêu đương. Nhưng con Chinh nó biết chữ đâu nhỉ.
- Con Chinh đâu? Ra đây.
Ông Lư gầm lên. Từ trong nhà thuyền, Chinh vừa khóc vừa chui ra. Cô đã nghe thấy câu chuyện vừa rồi.
- Đứa nào? Của đứa nào? - Ông gầm lên và giúi nắm giấy vào mặt cô. Cô khóc nấc lên.
- Của … của anh ấy. Con xin bố. Con lạy bố!
Ông Lư giáng một cái tát vào mặt cô. Chinh ngã vật xuống sàn thuyền. Cô chống tay ngồi dậy khóc nức nở. Cô chắp tay lạy bố.
- Con xin bố. Con lạy bố. Con và anh ấy yêu nhau.
- Trời ơi! - Ông Lư kêu lên – Thế là nó đã lên bờ rồi. Nó đã đạp lên lời nguyền của ta. Nó giết chết cả gia đình này rồi!
Ông túm lấy mái tóc dài của cô, giúi đầu cô xuống sàn thuyền và vung rìu chặt mái tóc. Ông nắm phần tóc bị đứt ném xuống sông. Một ngọn gió ở đâu ào đến. Gió cuốn mái tóc lên không. Mái tóc bay rối bời, quằn quại.
- Đánh tuốt xương nó ra - Ông nói và rút chiếc cần câu trên mái liếp của nhà thuyền quất vào cô vun vút. Chinh vòng tay ôm lấy bụng. Người cô giật lên từng cơn. Một lúc sau ông dừng lại, túm lấy áo cô giật mạnh. Chiếc áo rách tan chỉ còn lại hai đoạn tay áo.
- Tao sẽ lột hết quần áo và vứt mày lên bờ….
Ông nói đến đó bỗng dừng lại, mắt mở tròn.
Những người trong gia đình ông cũng chững người lại nhìn cô. Trước mặt họ cô đang ngồi khóc không thành tiếng, mái tóc đứt nham nhở dính bết vào lưng cô đầy máu. Đôi vú cô hơi sệ xuống, núm vú thâm lại, chiếc bụng chửa đã năm tháng của cô bây giờ bỗng to hẳn lên, hổn hển thở.
- Nó có chửa. Nó có chửa, bố ơi!
Sỏi thảng thốt kêu lên. Đôi mắt ông Lư đờ đẫn.
Chân tay ông run lên như bị bệnh thần kinh.
- Thảo nào… - Cô con dâu chặc lưỡi - đúng là con của ma của quỷ nên nhìn đẹp đến lạnh cả người.
Đúng lúc đó Thao bám mạn thuyền nhảy lên.
Anh chạy lại ôm lấy Chinh.
- Anh ơi! – Cô nấc lên.
- Các người không được làm thế. Các người thật dã man. Thao rít lên, lòng anh đầy đau đớn và uất hận. Ở sân nhà, anh đã nghe thấy tiếng kêu gào, khóc lóc của Chinh. Anh chạy xuống bến và nhìn thấy ông Lư đánh Chinh trên thuyền. Anh không kịp cởi quần áo dài, cứ thế lao xuống sông bơi đến nơi con thuyền đậu.
- Mày, chính là mày - Ông Lư bước lại trước Thao – Mày đã hại đời nó. Tao sẽ giết mày. Tao phải giết mày.
- Chính ông đã giết chết cuộc đời cô ấy. Ông đã chôn vùi bà mẹ dưới đáy sông lạnh lẽo tối tăm, ông đã chôn vùi cuộc đời của con gái ông trên chiếc thuyền này.
- Trời! Ngôi mộ … ngôi mộ. Ở đâu? Mày, mày… ngôi mộ.
- Đúng! Chính tôi đã đưa ngôi mộ bà mẹ lên bờ. Con gái của ông đã nhờ tôi. Cô ấy đã làm đúng lương tâm và lòng hiếu thảo của một người con. Chính ông và gia đình này phải cảm ơn cô ấy. Bây giờ ông chỉ biết quyền lực của ông. Chỉ vài năm nữa ông chết đi. Nhưng ông đã và đang đầy ải những người khác sống một cuộc đời tối tăm vô nghĩa. Bây giờ ông phải cho cô ấy lên bờ.
Anh cúi xuống nhìn xót xa tấm lưng cô, lưng Chinh bầm tím và ứa máu. Rồi anh ngẩng lên nhìn mọi người nói:
- Áo đâu? Đưa áo cho cô ấy mặc.
Cát lặng lẽ đi vào nhà thuyền và mang ra một chiếc áo đưa cho anh. Anh mặc áo cho cô và đỡ cô vào nhà thuyền. Một lúc sau anh bước ra nhìn ông Lư và nói:
- Ông phải cho cô ấy lên bờ và chính cả ông nữa. Tôi yêu cô ấy và tôi sẽ cưới cô ấy làm vợ.
- Mày là một con quỷ. Mày đã phá hại gia đình tao. Mày phải mang trả lại cho tao ngôi mộ.
- Nếu ông chấp nhận cho cô ấy lên bờ thì tôi sẽ chỉ cho ông biết ngôi mộ ấy ở đâu. Nhưng ông cũng không được đưa ngôi mộ ấy trở lại dòng sông. Bây giờ tôi về lấy thuốc cho cô ấy.
Khi Thao đi mua được thuốc cho Chinh trở về thì chiếc thuyền đã không còn trên bến Chùa. Ông Lư đã cho con thuyền nhổ neo ngay sau khi anh rời chiếc thuyền. Anh không biết con thuyền đi về hướng nào. Anh quyết định chạy theo hướng dòng sông chảy. Ông Lư biết trước chuyện đó. Ông căng buồm cho thuyền ngược dòng. Ông ngồi giữ bánh lái. Còn Sỏi và Cát phải lên bờ để kéo phụ cho chiếc thuyền đi nhanh hơn. Mây đen bỗng cuồn cuộn đổ về. Mưa ập xuống như trút nước. Dòng sông rộng nên gió càng thổi mạnh. Thao vừa chạy gằn vừa thở trong mưa. Đất trời mù mịt. Trên sông lác đác có những con thuyền cập vào hai bờ tránh bão. Cứ thấy bóng một con thuyền Thao lại cất tiếng gọi. Nhưng chỉ thấy gió bão trả lời anh, anh rét run lên rồi ở trong ngực như có một ngọn lửa. Ngọn lửa đốt nóng rát lồng ngực. Ngọn lửa chui qua cổ lên mũi, lên miệng. Thao phải quay về nhà. Anh không đủ sức đi tiếp. Vừa về đến nhà thì cơn sốt lên đến lúc cao nhất. Anh cố gắng thay quần áo và nằm vật ra giường. Bà mẹ hốt hoảng đắp chăn cho anh và đi rang cám đánh gió cho anh. Đến tối anh mê sảng, người nóng ran. Mọi người vội vã đưa anh đi bệnh viện. Mỗi khi tỉnh lại anh lại hỏi:
- Thuyền về chưa?
Không ai hiểu câu anh hỏi. Mọi người nhìn anh lo lắng. Còn anh cứ mỗi khi nhắm mắt thiếp đi lại thấy chiếc thuyền, thấy dòng sông và Chinh đang bơi đến bên anh. Bỗng Chinh dừng bơi ôm chặt lấy anh kêu lên khe khẽ. Gương mặt cô vừa đau đớn vừa hạnh phúc. Cô mỉm cười và trán đầm mồ hôi. Rồi anh nghe tiếng trẻ khóc. Tiếng khóc âm vang náo nức cả dòng sông. Anh bế đứa bé nâng lên khỏi mặt nước. Nhưng rồi đôi tay anh nhẹ bẫng. Anh giật mình, đôi mắt dài dại mở ra nhìn mọi người, môi anh thì thào.
- Thuyền đã về chưa?
Khi cơn sốt chưa kịp khỏi hẳn, anh lại quyết đi tìm Chinh. Anh nói với mẹ rằng có lẽ hai tuần tới anh không về nhà. Anh phải đọc một số sách tư liệu cho năm học mới. Anh lấy xe đạp và bắt đầu cuộc hành trình dọc sông Đáy nhưng suốt tuần đầu anh không có được một tin tức nào về Chinh. Anh la cà ở những nơi thuyền tụ tập đông đúc. Anh kể cho những người làm nghề sông nước về gia đình cô. Có người nói họ nhìn thấy chiếc thuyền đó qua nơi họ đã ở mấy hôm trước. Ở trên mui thuyền có một cô gái hai tay bị trói vào cọc.
Có người lại kể rằng họ thấy một chiếc thuyền câu nhỏ cứ quay tròn trôi theo dòng nước, trong thuyền có một đứa bé mới đẻ mắt tròn như mắt cá. Đứa bé ấy nhìn vào bờ cứ cười ba tiếng lại khóc ba tiếng. Một đôi vợ chông già không có con đã đón nuôi đứa bé… Thao cứ đi mãi theo những lời đồn đại như chuyện cổ tích của những những người dân chài cho đến khi ra biển. Biển tít tắp không bờ bến và rền rĩ tiếng sóng.
Cho đến một buổi sáng. Thao dậy sớm. Suốt cả bãi sông làng anh rực vàng hoa cải, Những cành hoa cải nhỏ nhắn, mềm mại, ấm áp đung đưa trong gió. Thao bất ngờ thấy trái tim rung lên, đập hối hả. Anh chạy ùa xuống bến. Bỗng anh quỳ xuống bên luống cải. Trước mắt anh, trên mặt phù sa rụng lấm tấm những cánh hoa mỏng và từ đó kéo dài xuống bến sông là những dấu chân mỏng và nhỏ nhắn.
Làng Chùa, tháng 5 năm 1989
( ảnh dưới: một cảnh trong vở diễn. nguồn internet )

Thích
Bình luận

lăng mộ đá toyota thanh hóa