Bất cập

Tác giả: Nguyễn Hải Anh

Trời cuối thu nhè nhẹ mưa bay
Ai kéo chân ta đến chốn này
Gặp em trò chuyện trong giây lát
Sao nỡ để anh đến đắm say?

Em nói với anh em cũng vậy
Mới gặp đã có cảm tình ngay
Sao anh lịch lãm thanh cao thế
Muốn cùng anh kết bạn sum vầy.
Em còn muốn anh là điểm tựa
Cho em đi tiếp bước cuộc đời
Nhưng anh ngập ngừng đâu có giám
Bởi quỹ thời gian chỉ có hạn
Lại còn bao việc phải lo toan...

Thôi nhé em ơi anh không thể
Lời khước từ này... đốt cháy trái tim anh
Buồn lắm anh ơi em không thể
Lời khước từ này ...tan nát trái tim anh.

Suy nghĩ về thơ

Tác giả: Nhà thơ Nguyễn Hữu Quý

Hàng nghìn năm nay, thơ ca đã xuất hiện và gắn bó với đời sống văn hóa tinh thần của nhân loại. Trên đất nước ta, nhiều thế hệ nhà thơ nối tiếp nhau làm nên dòng chảy thi ca có giá trị về nội dung và nghệ thuật đáng ghi nhận. Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương là những nhà thơ xuất sắc của dân tộc cũng là những thi nhân nổi tiếng của nhân loại. Hiện nay, dù chịu muôn vàn sức ép của thời kỹ trị, ở nước ta thơ vẫn tồn tại mạnh mẽ như sự minh chứng cho nhận định "Còn ngôn ngữ thì còn thơ ca". Tuy nhiên, không ít tác phẩm thơ đã xuất bản hoặc được giới thiệu trên các trang báo, tạp chí thực sự xa lạ, bí ẩn, khó hiểu đối với nhiều bạn đọc. Có bạn đọc hoang mang không biết thế nào là một tác phẩm thơ hay. Từ đó, người ta đâm ra ngại thơ, sợ thơ và xa lánh chúng. Hiện tượng một bộ phận bạn đọc quay lưng lại với thơ là có thật.
Bài viết "Mấy suy nghĩ về thơ" của tôi chỉ là một góc nhìn cá nhân về thơ. Xin được giới thiệu cùng các bạn quan tâm đến thể loại văn học này.
MẤY SUY NGHĨ VỀ THƠ (1)
Nguyễn Hữu Quý
YÊU NƯỚC THƯƠNG DÂN, MẪU SỐ CHUNG CỦA THƠ.
Tôi luôn luôn tin rằng các nhà thơ đích thực là những người rất lương thiện. Bởi ngọn bút của họ (bây giờ có thể là bàn phím) hướng về tình thương yêu và sự cao đẹp của con người. Từ xưa đến nay, những thi hào, thi bá, thi nhân được quần chúng kính trọng yêu mến khi họ có những tác phẩm mang nỗi buồn vui và khát vọng của dân trăm họ. Không ai công bằng như nhân dân; những con người khổ đau và lam lũ ấy định giá chính xác minh chủ và thi nhân của họ. Chính họ, không ai khác, từ bờ tre góc ruộng, từ bãi chợ hẻm phố, những kẻ nông, kẻ chợ, kẻ sĩ…đã thầm lặng bầu chọn ra anh hùng và nhà thơ cho dân tộc mình. Và, những gì bách tính thiên hạ tự nguyện bầu chọn ra, tự nguyện ghi tâm khắc cốt mới lâu bền, mới trở thành giá trị muôn thuở của đất nước.
Xuyên suốt muôn đời vẫn là lòng yêu nước thương dân; cái mẫu số vĩnh hằng ấy là tiêu chí số một để định vị giá trị của người cầm quân và người cầm bút. Tài năng nào, tài năng đến mấy cũng phải gắn với chữ Tâm mới mong tỏa sáng lưu truyền. Cốt lõi chữ Tâm phải chăng là lòng Thiện, diễn giải giản dị như thơ của bình dân là "Thương người như thể thương thân"…Lòng Thiện ấy, như Nguyễn Trãi từng viết "Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân", như Nguyễn Du từng khóc "Trải qua một cuộc bể dâu / Những điều trông thấy mà đau đớn lòng", như Hồ Xuân Hương từng cảm "Có phải duyên nhau thì thắm lại / Đừng xanh như lá bạc như vôi"…Đọc thơ của ông cha, của một số nhà thơ lớp trước tôi thấy họ đau đớn và thương yêu thật lắm, sâu lắm và tuyệt nhiên chẳng tù mù cầu kỳ rắm rối chút nào. Thơ thốt ra từ cõi lòng mình, không mượn vay ai cả và nó cũng thật gần với nhân dân. Trăm họ biết Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương…là những thi hào, thi bá sáng tỏa của đất nước, của nhân loại trước hết họ đọc được trong từng con chữ những đau đớn lòng của chính thân phận mình.
Càng đọc, tôi càng thấy sự giản dị cô đọng cần cho thơ biết bao. Hai câu thơ này của Hữu Thỉnh không mới lạ xuất sắc về ngôn từ nhưng tại sao lại ám ảnh tôi đến thế: "Một đời người mà chiến chinh nhiều quá/ Em níu giường níu chiếu đợi anh". Câu thơ bình dị đến mức tưởng ai cũng có thể làm được mà chứa đựng quá nhiều ý nghĩa. Số phận của một dân tộc, một thế hệ, một gia đình, một con người trong một giai đoạn lịch sử có ở trong đó. "Một đời người mà chiến chinh nhiều quá" Chiến tranh, cuộc này qua cuộc khác, hết đánh Pháp lại chống Mỹ. Chiến tranh, năm này qua năm khác, tháng này qua tháng khác, ngày này qua ngày khác. Đất nước bị xâm lăng, chúng ta không thể không cầm vũ khí để đánh giặc nhưng cái thử thách này quá lớn, cơn bão máu cuốn bao nhiêu người vào vòng xoáy tanh nồng của nó và gánh nặng chiến chinh trĩu xuống mỗi phận người bé mỏng. Chiến thắng vĩ đại đến bao nhiêu, lòng tự hào to lớn đến bao nhiêu cũng không thể khỏa lấp hết những mất mát thương đau của nhân dân; câu thơ như lời cảm thán với những xa xót thẳm sâu kín đáo. Đến bây giờ tôi rất ngạc nhiên khi có người quá dị ứng với những bài thơ, câu thơ viết về sự mất mát đau thương trong cuộc chiến tranh chống Mỹ. Cuộc chiến ấy là máu, đầm đìa máu chứ đâu phải là đánh trận giả. Hàng triệu chàng trai, cô gái tuổi còn rất trẻ ra trận không được trở về, hàng triệu gia đình chịu tang tóc đau thương, hàng triệu chia ly tao tác, không phải không có những người thân buộc phải ngắm nhau qua mũi súng…Dân tộc, đất nước bị dìm trong máu, mọi cuộc chiến suy cho cùng, tổn thất lớn nhất thuộc về Mẹ Việt Nam. Mẹ của những đứa con máu đỏ da vàng chết trận. Tuy nhiên chúng ta đã vượt qua cơn bão ấy, vượt qua với nghị lực trên 200% mà sự can trường và lòng chung thủy phi thường của những người phụ nữ Việt Nam đáng được kính trọng. Theo tôi, thì câu thơ thứ 2 đã đạt đỉnh hay khi nói về những người vợ, người yêu trong cuộc chiến tàn khốc dằng dặc vừa qua. "Em níu giường níu chiếu đợi anh". Níu giường níu chiếu còn ghê hơn cả hóa đá Vọng phu ấy chứ. Thành đá thì không còn đau đớn khát khao thấp thỏm hy vọng nữa, còn đây những người vợ, người yêu ấy phải sống, muốn sống để đợi người thương yêu từ mặt trận trở về. "Níu" là chữ duy nhất dùng hay trong trường hợp này. Một điều nữa cần nói thêm: kiểu thơ như thế có bị coi là cũ không? Xét về mặt hình thức câu thì không mới. Mới ở đây, theo tôi là ở hình tượng ngôn ngữ mà điểm sáng của nó là cụm từ "níu giường níu chiếu". Chưa ai viết được hay như thế về một hiện tượng phổ biến, quen thuộc: người vợ chờ chồng trong chiến tranh chống Mỹ.
Mới ở trong thơ trước hết phải mới ở sự phát hiện vấn đề, sự vật của cuộc sống từ đó nâng lên thành ý tưởng, hình tượng, cấu tứ của thơ và tất thảy những cái đó được trình bày trong sự chọn lọc ngôn ngữ khắt khe, độc đáo mang dấu ấn của mình và trên mình....


THƠ, TIẾNG NÓI CỦA MỘT TRÁI TIM ĐẾN VỚI NHIỀU TRÁI TIM
"Lệ xin giọt cuối để dành/ Trên phần mộ mẹ, nương hình bóng cha/ Cây cau cũ, giại hiên nhà/ Còn nghe gió thổi sông xa một lần/ Con xin ngắn lại đường gần/ Một lần…rồi mẹ hãy dần dần đi…"(Bờ sông vẫn gió). Những câu thơ giản dị và xúc động ấy, Trúc Thông viết cho ai? Trước hết, như lời anh đề tựa ở bài thơ "Bờ sông vẫn gió": “Chị em con kính dâng hương hồn mẹ”. Địa chỉ anh gửi đến đầu tiên là mẹ, dẫu bây giờ người đã ở cõi hư vô. Anh viết cho mình, cho chị gái và cho tất cả những người thân của anh trong niềm thương nhớ vô biên người mẹ tảo tần đã khuất. Bên bờ sông hiu hiu gió, anh cầu xin mẹ thêm một lần trở lại; trở lại với hình dáng đường nét khuôn mặt vô cùng thân thuộc của người, đặng cho nỗi nhớ của các con vợi bớt đôi phần. Ai đã mồ côi mẹ và ai vẫn còn hạnh phúc có mẹ trên đời hẳn cũng đều rưng rưng khi đọc bài thơ này. Nỗi niềm riêng đã lan tỏa, truyền cảm thành nỗi niềm chung của nhiều người. Thơ, như ai từng xác nhận trong trường hợp này là tiếng nói của trái tim đã đến được với không ít trái tim khác.
Một giọng thơ khác, trẻ hơn, chưa hẳn là hiện đại nhưng đã có điểm khác với truyền thống: "Bóng mẹ ngồi khâu đêm/ sợi chỉ xe những đường gân xanh/ lặng lẽ đổ khuôn bóng tối/ bóng bà ngoại lưng còng ngõ nắng/ tóc cước rưng rưng/ quang gánh rẽ về thiên cổ". Những câu thơ nhiều hoài niệm ấy Trần Kim Hoa hẳn không muốn chỉ viết riêng cho mình bởi sau tình yêu thương ruột rà máu mủ dành cho mẹ và bà, nữ nhà thơ muốn tìm sự chia sẻ đồng cảm ở bao tâm hồn khác.
Đấy là ước muốn tự nhiên, là khao khát của không ít người làm thơ - một thể loại văn học trữ tình đã xuất hiện hàng nghìn năm nay. Những câu thơ, bài thơ vượt thời gian, nằm lòng nhân loại bao thế kỷ chính vì nó đã giải mã được chiều sâu tâm hồn con người bằng những diễn đạt tinh tế và khúc chiết nhất. Sự sáng tạo không thể không bắt đầu bằng sự phát hiện cuộc sống và nó được khai triển bằng những lối đi nghệ thuật riêng mang dấu ấn của cá thể nhưng không xa lạ với dân tộc và nhân loại. Nói gì thì nói đặc trưng của ngôn ngữ thơ vẫn là biểu đạt tình cảm. Thơ vẫn dành để thông qua hình tượng ngôn ngữ người cầm bút gửi gắm cái tình, cái chí của mình trong đó. Điều này cũng xưa cổ như thể loại văn học này vậy.Thơ hiện nay, lắm khi ta tưởng tác giả nghĩ nhiều hơn cảm, nhưng ngẫm kỹ thì cái nghĩ đó không thể không mang rung động của người sáng tác. Ngay đến một câu nói cũng bị trạng thái tình cảm chi phối huống hồ là thơ. Thơ vần, thơ không vần, thơ văn xuôi, thơ truyền thống hay thơ hiện đại cũng đều không vượt ra khỏi quy luật của cảm xúc, sự thăng hoa xuất thần của tâm hồn là cơ hội để người sáng tác tìm gặp được những ý thơ, tứ thơ, câu thơ, bài thơ hay. Sự thăng hoa có thể đến bất chợt khi nhà thơ chưa ngồi trước bàn phím hay cầm bút nhưng nó cũng có thể xuất hiện trong quá trình sáng tạo của họ. Đấy là ánh chớp của đam mê, là bùng nổ của mắt bão, là trào vọt của nham thạch, là tràn dâng của đỉnh lũ.
Người ta đang nói nhiều tới sự cách tân trong thơ. Cách tân! Muốn thơ có mặt trong cuộc sống đương đại và cả mai sau nữa, không còn con đường nào khác phải cách tân. Nhưng theo tôi, sự cách tân không phải là đổi trắng thay đen, đánh tráo khái niệm, tôn vinh thác loạn, đưa hủ bại lên ngôi. Sự cách tân không phải là đốt quá khứ trong nỗi ngông cuồng được trở thành sao chói lọi trên bầu trời thi ca. Cách tân xa lạ với tùy tiện, cẩu thả, rối mù, hủ nút, đánh đố người đọc. Cử nhân, thạc sỹ cho đến tiến sĩ văn học cũng chẳng cảm nhận nổi, không hiểu được tác giả nói gì trong bài thơ của họ. Chớ lầm tưởng rằng thơ hiện đại, thơ mới phải là thơ khó hiểu; thơ dễ hiểu thuộc về kiểu thơ cũ, thơ truyền thống. Thực ra khó hiểu hay dễ hiểu không phải là tiêu chí của thơ, mà thơ hay chính là sự lay động người đọc ở cảm xúc mạnh, ở tính đa nghĩa của hình tượng, ở sự hợp lý đắc địa của ngôn từ. Giá trị của thơ nằm ở việc phát hiện vấn đề, tìm và dựng tứ độc đáo, ở tính sáng tạo trong thiết lập cấu trúc bài, chọn lựa hình tượng khác lạ, sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ nhuần nhuyễn đổi mới.
Thơ muôn đời mang tính kế thừa. Hệ quả của những dè bỉu, mỉa mai, chà đạp, đoạn tuyệt truyền thống là sự giả tạo, hống hớt, hởm hĩnh, lai căng, mất gốc và một kết cục đuối sức, hụt hơi, èo uột, tự chết là khó tránh khỏi. Trong những năm qua, có mấy người làm thơ cuồng chữ được vài ông bầu đưa lên sân khấu văn chương, qua kỹ nghệ soi chiếu của ánh sáng lăng xê và khuyếch đại của âm thanh tâng bốc bỗng chốc biến thành thiên tài dân tộc, người đảm nhận sứ mệnh cứu nền thi ca đất nước đang lụn bại(!). Kết quả ra sao, phần lớn tan nát trong thời gian rất ngắn. Những cái được tôn sùng vội vã bị chết yểu giữa thanh thiên bạch nhật. Thơ sẽ tự chết khi không bám được vào cuộc sống đời thường. Đó chính là bài học vỡ lòng cho những người làm thơ.
Giấc mơ vòng nguyệt quế không có tội gì nhưng xin đừng ngộ nhận về tài năng. Ngọn đuốc soi đường khác hoàn toàn với mồi lửa của kẻ đốt đền. Thơ, là sứ giả của tình yêu, trong cuộc chạy tiếp sức của nhân loại, nó bồi đắp tiếp tế năng lượng cho tâm hồn, không chỉ cho một người mà cho nhiều người. Vì thế, thơ cần sự sáng tạo lại ngoài tác giả, để được truyền cảm, nhân lên trong những cảm thông, bênh vực, nâng đỡ không ngừng. Thơ gắn với đời, trong những lấm láp ruộng đồng, trong mặn mòi biển cả, trong khuất lấp nẻo rừng, trong xô bồ phố thị với từng hớn hở hay đớn đau của cuộc sống, bắt đầu từ một đến mười, mười đến một trăm rồi nghìn, vạn, triệu.
Những bài thơ hay sớm muộn sẽ trở thành tài sản chung của nhiều người. Tại sao những bài thơ hay lại được nhiều người biết, nhiều người nhớ, nhiều người thuộc. Bí quyết của nó là gì? Phải chăng, soi vào đó người ta nhận ra gương mặt tâm hồn của mình. Lặng lẽ , chậm rải đọc lại những bài thơ hay của người khác ta thấy nó chính là ta đang thanh lọc tâm hồn. Người làm thơ vì danh, tôi nghĩ ít thôi, làm thơ để thanh lọc tâm hồn mới là phổ biến. Đọc thơ, yêu thơ cũng để biết sống trầm tĩnh sâu sắc hơn. Thơ không phải là bài giáo huấn luân lý một cách thô thiển nhưng thơ mang vẻ đẹp thuần khiết của tình cảm và cả nhân cách con người do vậy không lý gì nó không góp phần chống lại sự băng hoại xuống cấp của đạo đức phẩm chất con người.
Chính vì thế, nên dù phải chống đỡ với sự chiếm lấn của bao nhiêu phương tiện nghe nhìn khác của thời kỹ trị và đang ở trong một tâm thế ít thuận lợi, thơ vẫn không chết như ai đó đã kêu lên. Thơ hay vẫn lặng lẽ đi vào lòng người như những mạch ngầm dịu mát làm lành lại bao vết thương đời, trong khổ đau mất mát lắm khi người ta vẫn còn phải vịn vào câu thơ để đứng dậy. Nhiều cuộc tranh luận sóng gió về thơ, đó là gì nếu không phải niềm yêu và lòng mong mỏi cho thơ hay lên. Ngày thơ Việt Nam đã trở thành một lễ hội văn hóa sang trọng có sự tham gia đông đảo của công chúng ở mọi miền đất nước.
Thơ còn cần cho cuộc sống biết bao. Với công chúng, người cầm bút đừng bao giờ làm cho thơ xa lạ hay thấp hèn đi. Muôn đời, thơ vẫn là nhịp cầu nối tâm hồn này đến tâm hồn khác. Sứ mệnh của thơ là thế, chẳng bao giờ đổi thay.


Thơ gắn với bản sắc dân tộc trong thời toàn cầu hóa
"Thơ muôn năm!" Đó câu kết trong bài "Thơ và toàn cầu hóa của nhà thơ", nhà phê bình Nga Nikolai Preiaxlov đọc tại hội thảo Thơ châu Á-Thái Bình Dương lần thứ nhất ở Hạ Long (Quảng Ninh). Thơ, trong tiến trình phát triển của nhân loại đã, đang tồn tại và sẽ mãi tồn tại như một hoạt động văn hóa, tinh thần của con người. Bởi lẽ, thơ chính là cuộc sống ở chiều sâu, là một phần tâm hồn, tình cảm của con người được biểu cảm qua ngôn ngữ tinh tế và chọn lọc nhất.
Thơ gắn với dân tộc hay nói đúng hơn là một phần văn hóa truyền thống của dân tộc. Trong bài viết của mình Nikolai Preiaxlov đã khẳng định: "Giữ gìn thơ ca dân tộc, đó không chỉ đơn giản là bảo toàn văn hóa khỏi sự vứt bỏ và sự xói mòn bởi những trào lưu văn học mốt mới. Giữ gìn thơ ca dân tộc, đó còn có nghĩa là bảo tồn tâm hồn của chính nhân dân, bởi vì chính trong thơ ca đã in dấu các truyền thống sinh hoạt và nghi lễ của nhân dân, những bài ca, những anh hùng ca, huyền thoại và đạo lý nhiều thế kỷ của cha ông". Ông lại nói như đinh đóng cột rằng: "Toàn cầu hóa, đó là con đường không đi tới đâu cả. Trong khi thơ là con đường tới vĩnh cửu"…Thật trùng khít với quan niệm về thơ của không ít người trong chúng ta; làm thơ trước hết là để bảo tồn văn hóa dân tộc; đổi mới thơ không phải là chối bỏ phủ định truyền thống. Tôi thấy, đổi mới trên nền truyền thống là hướng đi của khá nhiều nhà thơ hiện nay ở Việt Nam.
Cũng hướng về dân tộc và tổ quốc mình, nhà thơ Agus R. Sarjono (Indonesia) tâm sự: "Trái tim của những nền văn hóa được gìn giữ và diễn đạt thông qua các tác phẩm văn học. Ở khía cạnh này, sự gặp gỡ của quan hệ nội tại dựa trên những tác phẩm văn học sẽ cho chúng ta cơ hội lớn để đối thoại về văn hóa và văn minh một cách tôn trọng và hòa bình". Với thi ca, ông cảm nhận: "Thơ nhìn vào thế giới từ những đặc điểm riêng, và sự khác biệt của nó, vì thế thơ có sức mạnh bảo vệ và phát triển bản sắc văn hóa của mỗi quốc gia, chạm vào trái tim của con người trên khắp thế giới. Trái tim ấy sẵn sàng hợp tác với những dân tộc của một quốc gia, một nền văn hóa khác, gieo trồng hòa bình trên mảnh đất màu mỡ của tri thức".
Rõ ràng, thơ vẫn chưa mất đi giá trị của nó trong việc bảo vệ và phát triển bản sắc văn hóa dân tộc đồng thời cũng là nhịp cầu nối các nền văn hóa lại với nhau trong tình yêu và khát vọng hòa bình cho nhân loại. Những bước tiến của tri thức, của khoa học kỹ thuật cần được “bảo hiểm” bởi lòng nhân ái và tình thương đồng loại mà như chúng ta đã biết thi ca luôn hướng về điều đó. Nhà thơ đến từ New Zealand, Sue wootton bộc bạch: "Đôi lúc tôi nghe có những lời nhận xét rằng thơ đang chết dần. Tôi luôn kinh ngạc, bởi rõ ràng tôi thấy điều ngược lại. Cứ mỗi người cho rằng thơ không còn thích hợp, hay quá khó, thì lại có nhiều người khác ghi nhớ một bài thơ trong đầu hay viết vội một bài thơ bỏ trong ví, nhiều người khác cố dành chút thời gian trong cuộc sống bận rộn, thường là trước bình minh hoặc sau nửa đêm để viết những dòng thơ". Và, nhà thơ này khẳng định: "Nghệ thuật thơ còn sống vì nó tạo nên những lỗ hổng vào trong (và tổng thể) cái im lặng vẫn ám ảnh chúng ta. Nó mời gọi chúng ta nấn ná trong im lặng, để sống trong nghịch lý và mơ hồ , và để chú ý. Trên tất cả, qua sức mạnh kết hợp của ẩn dụ và chơi chữ, nó đòi hỏi chúng ta cho phép sự đa dạng và phức tạp. Thơ dạy khoan dung. Nó nhắc nhở chúng ta phải sống bằng trái tim, tâm hồn và thân xác, chứ không chỉ sống bằng cái đầu. Nó nhắc chúng ta rằng ta là một phần của tự nhiên, và làm cho ta trở nên khiêm nhượng"…
Đến từ Nhật Bản, đất nước đã trải qua trận động đất và sóng thần tồi tệ nhất trong lịch sử vào ngày 11 tháng 3 năm 2011, nhà thơ và dịch giả Yuka Tsukagoshi tâm sự: "Tiếng nói trong thơ ca…đã khích lệ các nạn nhân và tôi nhận ra một cách sâu sắc rằng thơ ca, với ngôn ngữ sinh động, đã làm giàu cảm xúc và ý nghĩa của hiện tại, mang lại sức mạnh để kết nối ngay lập tức với trái tim những người khác".
Như vậy, thơ, từ của một người đã trở thành “năng lượng” của nhiều người trong sự sẻ chia, đồng cảm, động viên, an ủi. Những sự rắc rối, tắc tị, rối rắm trong cái gọi là thơ sẽ trở nên lúng túng, hổ thẹn lúc này.
Thơ, xưa - nay vẫn thế, chính là nhịp cầu nối từ trái tim người này đến trái tim người khác dù họ không cùng ngôn ngữ, văn hóa, lịch sử. Như thế, thơ - dù giản dị và không huyền bí như ai muốn thần thánh hóa nó, vẫn mang những giá trị đích thực trong cuộc sống như nữ nhà thơ Nhật Bản này phát biểu: "Tôi đã chứng kiến những khoảng khắc thơ ca đi qua biên giới hữu hình và vô hình giữa những dân tộc, những nền văn hóa và ngôn ngữ khác nhau. Cho dù khoảnh khắc đó chỉ là một cái chớp mắt của thời gian thì đó cũng là một bước tiến lớn tới việc tăng cường sự hiểu biết và thúc đẩy hòa bình chung"…
Và như thế, thơ vẫn nhịp bước cùng nhân loại trong hành trình vời vợi tới tương lai…

Cảnh quê tôi

Lèn Hai Vai và Sông Bùng ở Diễn Châu Nhệ An
Một lèn đá nặng Hai Vai
Một dòng sông vẫn ôm hoài tuổi thơ
Đàn cò trắng đậu kín bờ
Mây còn mờ tỏ bơ vơ mắt người
Thuyền con buông lưới dong chơi
Cá tôm có biết cho đời buồn vui?
Triền đê một thưở gió vùi
Nóng hè, đông rét, nắng thui chột mầm!
Gió Lào táp lá tháng năm
Vườn cây tháng chín sủi tăm mưa nguồn.

Hai Vai nặng nợ nước non
Trời trong biển biếc mãi còn quê tôi
Đan cài bao nỗi buồn vui
Lúa xanh chờ đợi quê tui một chiều...

lăng mộ đá toyota thanh hóa