Làng Hiệu Thượng quê tôi ( xã Diễn Hạnh, Diễn Châu, Nghệ An ) có một dòng họ mà
người dân các dòng họ khác nhìn vào với một tình cảm mến yêu và kính nể.
Nói về các họ trong làng thì nhiều: Họ Tăng, Họ Trần, Họ Ân, Họ Bùi, Họ Hoàng,
Họ Nguyễn, Họ Trình, Họ Phan, Họ Hồ, Họ Đường v/v… Nhưng nổi nhất vẫn là Họ
Phạm.
Họ Phạm có số hộ nhiều nhất so với các họ trong làng. Trong kc chống
Pháp, những người con trai họ Phạm xung phong nhập ngũ, thoát ly làm cán bộ,
công nhân viên nhà nước cũng đông nhất. Người dân Họ Phạm vẫn giữ được truyền
thống đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau, đời sống vật chất trong các thành viên sàn sàn
như nhau, không có người quá giàu cũng không có người quá nghèo, Mức sống chung
hơn hẳn các dòng họ khác. Con em Họ Phạm được chăm sóc tốt hơn, việc học hành của
con cháu được khuyến khích và chăm lo chu đáo.
Tôi nhớ những năm 1955-1958 khi cả huyện không có trường cấp III, chỉ có
một trường cấp II công lập Nguyễn Xuân Ôn, cụ Phạm Độ đã phải bán đi 2 gian nhà
ngói để mua xe đạp cho anh Phạm Thanh Hải đi học. Khi học trường Huỳnh Thúc Kháng
cũng phải bán trâu và cầm cố một vài thứ có giá trị để anh ấy vào TP Vinh học
tiếp cấp III. Trong khi đó con em các họ khác vẫn cố gắng đi bộ đến trường
huyện học hết cấp II rồi đi học các trường trung cấp chuyên nghiệp.
Cụ Phạm sỹ là một trưởng họ tuyệt
vời, hiếm có. Tính tình cụ lúc nào cũng hòa nhã, nhẹ nhàng, không tư lợi một
điều gì, sẵn sàng giúp đỡ mọi người. Cụ rất có uy tín với bà con trong họ và
trong làng. Các cuộc họp của xóm thường ở nhà cụ. Cụ bà chịu khó nấu nước, hôm
nào họp cũng nấu một nồi to đầy nước chè xanh. Thôi thì cả người lớn và trẻ con
như chúng tôi, mùa hè uống nước như rồng, vậy mà hai cụ cũng chẳng phàn nàn kêu
ca gì. Cụ Phạm Sỹ là trung tâm đoàn kết của cả họ và những người dân họ khác
của quê nhà. Họ Phạm tự hào có cụ trưởng họ xuất sắc. Sau ngày cụ mất, các ông
Phạm Bá Luận rồi ông Phạm Hiệu… thay nhau làm trưởng họ đã phát huy được truyền
thống gia đình của Cụ Phạm Sỹ.
Những người con trai họ Phạm hăng hái tham gia kháng chiến rất sớm như Cụ
Phạm Bồi, Phạm Độ, Cụ Phạm Lộc, Phạm Năm, Phạm Sâm. Cụ Phạm Nhã là quân nhân
chống Pháp, là một thương binh. Con trai cụ tiếp bước lên đường chống Mỹ, nhưng
trong chiến đấu anh đã hy sinh ở chiến trường Miền Nam, Đó là liệt sĩ Phạm xuân Hương.
Đúng là “ Lớp cha trước, Lớp con sau –
Đã thành đồng chí chung câu quân hành”.
Cụ Phạm Tám là cán bộ huyện. Năm 1958 cụ được điều động đi xây dựng khu tự
trị Thái Mèo ở Sơn La, làm việc ở Văn Phòng khu ủy. Năm 50 tuổi cụ là Phó Hiệu trưởng
trường Trung cấp Y- Dược của tỉnh. Cụ Phạm Chín tham gia quân đội chống Pháp.
Cụ là thương binh hạng đặc biệt, được trở lại quê hương xây dựng gia đình.
Nhưng lúc vết thương tái phát, người nhà đưa cụ đi bệnh viện nhưng không kịp, cụ
trút hơi thở cuối cùng trên đường đi… Đến lớp sau có các ông Phạm Bá Luận, Phạm Sinh,
Phạm Dương… Lớp sau nữa như các ông Phạm Đình Văn, Phạm Đình Tựu, Phạm Bá Tân là
những cán bộ quan trọng của đia phương mấy chục năm nay. Phạm Thanh Hải, là nhà
giáo của một huyện miền núi của Nghệ An. Phạm Thâm, quân nhân, Phạm Thục Lựu,
cán bộ ngành nông nghiệp, Phạm Xuân Chư, là thương binh, rồi Phạm Bằng , Phạm Hữu là 2 anh em ruột đều là thương binh. Phạm Hồng là nhà giáo xuất sắc, Phạm
Hoa là Phó Trưởng ban tín dụng Ngân Hàng Nông nghiêp Trung Ương, Phạm Trung là Tiến
sĩ, Đại tá Công An, Phạm xuân Dương là Chủ Tịch rồi Bí thư Đảng ủy xã Diễn Hạnh,
Phạm Đức Cường là Chủ Tịch Liên đoàn Lao đông Diễn Châu, Phạm Đường là bệnh
binh Chất độc da cam và còn nhiều người nữa mà tôi không biết hết. Số con em đi
bộ đội rất nhiều. Cả làng có 22 liệt sĩ thì họ Phạm đã có tới 6 người ra đi
không trở lại quê nhà như các liệt sĩ: Phạm Điệng, Phạm văn Tình, Phạm Xuân
Hương, Phạm Huy, Phạm Văn Đông, Phạm Bá Hợi. Một Bà mẹ VN Anh Hùng có 2 con
liệt sĩ là bà Phạm Thị Thất. Hiệu Thượng có 24 thương bệnh binh thì riêng Họ Phạm đã có 9 người...
Có một điều đáng quý là bà con họ Phạm không bao giờ phân biệt cư xử
người trong họ với bà con các họ khác. Không bao giờ tranh chấp cán bộ họ này
với họ kia. Mối tình đoàn kết giúp đỡ nhau trong tình làng xóm, láng giềng thân
thiết và luôn tự hào mình là người dân của Làng Hiệu Thượng. Mỗi lần giỗ Họ là
một lần gặp lại nhau, tình cảm chan chứa thương yêu họ mạc. Mỗi gia đình làm
một mâm cỗ đưa đến nhà thờ cúng họ, ăn chung. Nhà thờ Họ Phạm to nhất làng, lại
sát đường lớn, rộng rãi, càng thấy rõ sự
huyên náo, vui vẻ trên khuôn mặt mỗi người. Tôi được biết nhà thờ Họ Phạm được
đề nghị tỉnh Nghệ An cấp bằng công nhận Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp tỉnh.
Tôi nhớ các ông Phạm Năm, Phạm Tám… tuy thoát ly làm việc ở nơi
khác, nhưng mỗi bận về qua nhà đều đi thăm hỏi các gia đình trong làng, thân
tình, gần gũi như những người thân yêu của mình.
Những người con trai Họ Phạm thật xứng đáng với Tổ Tiên, làng xóm và quê
hương đất nước. Thật hiếm có một dòng họ nào có đủ tiêu chí Dòng Họ có truyền
thống, nhân văn và vẻ vang như Họ Phạm quê tôi…
NQH
Hà Nội ngày 26 tháng 7 năm 2017
( Bài viết đã được bổ sung và chỉnh sửa )