Chuyện về cụ Chủ Tịch Xã Hạnh Viên đầu tiên sau c/m tháng 8/ 1945



Cụ Nguyễn Vấn ( 1900 - 1992 )
I -  Thời niên thiếu và trai trẻ:
     Thầy tôi sinh năm 1900 ở xã Diễn Hạnh, Diễn Châu, Nghệ An. Những lúc rảnh rỗi ông thường kể lại chuyện xưa về cuộc đời mình cho tôi nghe. Sở dĩ như vậy vì tôi hay hỏi chuyện cũ của cụ. Tôi nhớ rất lâu những chuyện ấy bởi trí tò mò và muốn sưu tầm những câu chuyện về gia đình mình. So với mấy anh em sinh ra, tôi được thưa chuyện với thầy tôi nhiều nhất.
Thầy tôi kể: Ông Nội tôi là Cụ Nguyễn Thê có 3 đời vợ. Bà thứ nhất  không có con, cụ lấy bà thứ hai sinh được người con trai là ông Nguyễn Tơn ( bố ông Đàn, Ông Lĩnh ) Sau đó cụ lấy bà thứ 3 là Trình Thị Độ. Bà Độ sinh ra thầy tôi và chị gái là Nguyễn Thị Thức ( mẹ ông Căn, ông Do ). Gia đình ông nội tôi tuy không giàu có gì nhưng cũng thuộc loại gia thế trong làng nên mới được gọi là ông Trùm Nội. Lớn lên chừng 8 tuổi ông  nội cho thầy tôi học chữ nho, chữ nôm do nhà nho Hồ Tiếu dạy. Nhà nho Hồ Tiếu người làng Quỳnh Đôi phủ Quỳnh Lưu vào dạy học ở làng tôi, làm rể làng tôi và sinh ra ông Hồ Tuân. Cụ luôn động viên thầy tôi cố gắng học và chăm làm việc. Cụ Hồ Tiếu là người bà con họ hàng gần với cụ Hồ Tùng Mậu và hơn cụ Hồ Tùng Mậu mươi tuổi vì cùng quê, cùng họ Hồ. Ông Nội tôi cũng động viên cứ chăm làm chăm học, đến mùa cụ sẽ thưởng cho mỗi bữa một bát cơm úp ( hai bát cơm úp làm một như bát cơm cúng, ở quê tôi vẫn làm như vậy ). Điều đó chứng tỏ nhà ông nội cũng nghèo, không đủ ăn nên phần thưởng cũng chỉ là bát cơm đầy mà phải cố gắng học tâp, làm việc thì đến mùa mới có. Phận làm lẽ nên sau khi có con bà nội tôi được ông nội làm cho một cái nhà tranh nho nhỏ ở góc vườn cho 3 mẹ con ở riêng. Thầy tôi là người rất sáng dạ, học thông viết thạo, chữ rất đẹp nên ai cũng khen. Mười sáu tuổi thầy tôi mới học chữ quốc ngữ kết hợp học cả chữ nho, chữ nôm. Chữ viết khuôn thước, không viết láu viết ẩu nên thầy giáo thích lắm. Tuy tuổi trẻ nhưng trong làng ai có việc bán ruộng bán nhà, mua bán trâu bò hoặc tài sản gì quý giá đều mời thầy tôi viết văn khế giao ước. Thời đó ai biết chữ, làm được văn tự như thầy tôi là hiếm lắm. Mười chín tuổi gia đình cưới vợ ( là mẹ tôi ). Vốn là con quan lục lộ, bà cũng xinh gái, kém thầy tôi một tuổi, (quê ở làng Nhân Trai xã Diễn Xuân). Tuy vậy do ông ngoại tôi mất sớm lúc bà ngoại mới hơn hai mươi tuổi, một mình ở vậy nuôi 2 con gái nhỏ dại nên mẹ tôi cũng vất và từ khi còn bé, do đó khi về làm dâu, thầy mẹ tôi  không nhờ vả bên nội, bên ngoại được gì nhiều. Vì ruộng đất ít, quanh năm làm đủ thứ nghề như kéo sợi, làm bánh đúc, trồng cây con, rau quả trong vườn rồi làm thợ nề, thợ mộc mới đủ sống.
     Năm 20 tuổi thầy mẹ tôi sinh con đầu lòng là ông Nguyễn  Thái, năm 25 tuổi sinh con gái là bà Nguyễn Thị Danh ( bà Dương ), Năm 32 tuổi sinh con thứ 3 là ông Nguyễn Bình. Con cái mỗi ngày một đông nên ngoài làm ruộng, kéo sợi, làm bánh đúc còn đi buôn bông, buôn hành từ Cầu Giát, Chợ Dàn về bán ở chợ Chùa, chợ Sở kiếm chút lời mua mớ khoai lon gạo. Những công việc đó do thầy tôi đảm trách. Cuộc đời vất vả từ bé đến lớn làm lụng nuôi con khó nhọc vô cùng.

II -  Khi trưởng thành:
     Năm 1930- 1931 phong trào  Xô viết Nghệ Tĩnh đã làm cho hệ thống chính quyền phong kiến ở các làng tan rã, sau đó phong trào bị đàn áp nhất là những làng không có lý trưởng đứng đầu. Để tránh họa cho dân, các cụ trong làng đã họp và cử thầy tôi và một người khác nữa để quan huyện chọn làm lý trưởng. Lý do các cụ đưa ra là chọn người hiền từ, có học, đức độ, nho nhã, ăn nói lưu loát ai cũng nể phục thì dân mới được nhờ. Xuống phủ, quan phủ bắt hai người chép một đoạn của tờ báo bằng chữ quốc ngữ và chữ nôm, chẳng biết để làm gì? Sau khi nộp bài quan huyện xem và chọn thầy tôi. Thầy tôi xin từ chối vì hoàn cảnh khó khăn, gia đình nghèo, đông con sợ không làm được để các quan quở trách. Nhưng quan phủ không chấp nhận, bị quát nạt còn bị đánh mấy roi. Tình thế không thể thoái thác, vậy là thầy tôi buộc phải làm lý trưởng từ đó…Chuyện này ông Trương Kỳ nguyên Phó Giám Đốc sở lao động Hà Nội vẫn thường nói chuyện với tôi. Ông Trương Kỳ là người Thừa Sủng cùng sinh hoạt chi bộ với thầy tôi cũng kể lại như vậy. Trong cả thời gian làm việc, thu thuế trong thôn vẫn thực hiện như bình thường. các nhà có ruộng tự giác nộp, mùa nào bão lụt mất mùa thì được giảm thuế, nhà nào khó khăn thì tuần đinh đôn đốc, chỉ nhắc nhở không gay gắt quát nạt. Khó nhất là thu sưu ( một loại thuế thân ). Những người nghèo không có tiền thầy tôi cũng cho qua và thuyết phục quan phủ rằng người ta nghèo không có miếng ăn nên phải đi ăn xin, tha phương cầu thực, đi miền núi Tương Dương, Nghia Đàn, Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Thái Hòa để mót ngô, chặt củi. Mỗi bông kẹ cũng được dăm ba hạt, mỗi ngày chăm chỉ cũng được vài ống ngô cho cả nhà sống qua ngày thì tha cho người ta. Quan phủ im lặng và không nhắc tới nữa…
      Năm 1933 ông Bùi Tự Cường là học sinh trường phủ duy nhất của làng bị bắt vì tội lôi kéo học trò nghỉ học ( bãi khóa ). Thầy tôi và cố Bân đại diện gia đình xuống phủ xin tha cho về với lý do ông ấy còn trẻ tuổi ( khoảng 15- 16 tuổi ), suy nghĩ bồng bột. Cố Bân cũng hứa sẽ bảo ban con học tập ngoan ngoãn. Vậy là ông Cường được tha. Xóm làng tuy nghèo nhưng bình yên. Cứ một tuần  thầy tôi lại mặc áo the khăn xếp cắp ô đi bộ 7 cây số xuống phủ trình diện một lần để cho quan và bang tá biết rằng mọi việc vẫn trôi chảy. Do ăn nói thuyết phục, có tình cảm nên quan chức và nhân dân, nhất là các cụ cao tuổi trong làng nể trọng.
     Mọi việc đều êm xuôi nên quan phủ phần nào yên tâm.
Năm 1935 mẹ tôi sinh con gái đặt tên là Nguyễn Thị Hanh.
Năm 1937 sinh thêm một trai thiếu cân, còi cọc nên đặt tên là Nguyễn Nhỏ
Năm 1939 cưới vợ cho anh Thái, cũng năm đó chị Danh về nhà chồng. Chồng là ông Phạm Dương người cùng làng. Chị tôi lấy chồng lúc 14 tuổi.
     Năm 1940 tôi ra đời, nhưng cũng năm sau đó gia đình tôi bị chết 2 người con là chị Hanh và anh Nhỏ vì bị ôn dịch ( bệnh đậu mùa ). Năm đó nhiều gia đình trong làng có con bị chết, nhà một người nhà hai người do dịch bệnh hoành hành không có thuốc chữa. Hai cái tang trong một năm cộng với kinh tế quá khó khăn làm cho thầy mẹ tôi suy sụp và cũng không tha thiết điều gì để mong chờ, nên thầy tôi xin nghỉ. Dân làng thương tâm cử lý trưởng khác là ông Tăng Doãn. Trước khi nghỉ nhà nước phong kiến tỉnh phong cho cụ hàm Cửu Phẩm Văn Giai. Hàm này chỉ cấp cho những người có học thức, đức độ, nhân hậu, nho nhã được mọi người yêu mến. Khác với hàm Cửu Phẩm Bá Hộ để cấp cho các thành phần khác.
Trở về thường dân với bao nỗi lo toan, tiếp tục cày cấy, làm vườn, nhưng ruộng đất ít nên phải buôn bán nhỏ vì không có vốn, lấy công làm lãi tý chút để nuôi sống cho cả nhà trong cảnh cơ hàn. Nhà cửa vẫn ngôi nhà mái rạ 4 gian ở bìa làng, tường nhà chỗ xây bằng sò viên chỗ thì vách cót, mấy năm sau lại phải thưng cho anh cả một gian làm buồng riêng và một cái nhà  bếp lợp tranh, tường bằng vách tre trát bùn trộn rơm.

III -  Giác ngộ Cách mạng:
     Từ năm 1936 Mặt trận Bình Dân bên Pháp thắng cử có chủ trương thay đổi một số chính sách như thả tù chính trị, cải cách thuế khóa và thay thế người cai trị ở các thuộc địa và bản địa, một số tù nhân chính trị ở VN cũng được tha. Sau đó ở địa phương cũng nghe đến việc hình thành tổ chức Mặt Trận, hai năm sau mới rõ ràng là Mặt Trận Phản Đế.
     1939 ra đời tổ chức Nông Hội, tuy không công khai, thầy tôi tham gia hội này từ năm 1942. Sau này mới biết là Nông Hội Đỏ.
     1943 mẹ tôi sinh thêm con trai út, đặt tên là Nguyễn Thụ. Đến khi đi học cấp I đổi thành Nguyễn Minh Châu.
     Cách mạng tháng tám 1945 nghe trống dục liên hồi cả làng mít tinh cướp chính quyền, Nông Hội Đỏ là nòng cốt của lực lượng ấy. Thầy tôi cũng là thành viên tích cực của những cuộc biểu tình mít tinh kéo nhau xuống phủ cướp chính quyền. Chính quyền cũ tan rã.
     Cách mạng tháng tám thành công, nhà nhà đều phấn khởi, chính quyền mới tỉnh, huyện được thành lập. Xã cũng vậy. Sau khi thành lập xã Hạnh Viên gồm làng Hiệu Thượng, làng Tú Mỹ  và làng Nghi Lộc, rồi bàu Ủy ban kháng chiến Hành chính xã Hạnh Viên, thầy tôi trúng cử chức Chủ Tịch.
     Công việc ban đầu của UBKCHC xã Hạnh Viên là ổn định xã hội, ổn định đời sống nhân dân. Thành lập các tổ chức dân quân, du kích, đoàn thanh niên cứu quốc, hội phụ nữ, đội thiếu nhi. Già trẻ lão ấu đều có đoàn thể của mình, sinh hoạt rất sôi nổi. Công tác sản xuất nông nghiệp, trồng rau màu được đẩy mạnh để chống đói, nhất là xóa mù chữ cho nhiều người, các lớp học bình dân học vụ được mở ra ở từng thôn xóm. Để chuẩn bị cho cuộc bầu cử Quốc Hội khóa đầu tiên ngày 6 tháng 1 năm 1946, toàn dân nô nức học chữ quốc ngữ. Phong trào bình dân học vụ lên cao, Thanh niên biết chữ trong làng đều hăng hái dạy học. Để cuộc bàu cử quốc hội khóa I đạt kết quả. Dân quân du kích đội ngũ chỉnh tề, tập đi đều bước, tập đứng nghiêm, quay trước, quay sau, quay trái , quay phải khi có khẩu lệnh của chỉ huy. Mỗi người trang bị 1 cây gậy tre dài 1,6m, có người có mũ ca lô, một mũi giáo sáng lòa cắm chặt vào đầu gậy. Tuy quần nâu áo vá, có người chỉ có quần đùi, chân đất, ai mặc quần dài thì dùng dây thắt túm dưới gấu quần gọi là quần gôn. Ai đứng vào hàng ngũ ấy đều thấy tự hào và trông oai lắm. Khi người chỉ huy hô: Việt Minh thì mọi người đồng thanh hô: Vạn Tuế (nghĩa là Việt Nam muôn năm). Khi người chỉ huy hô: Dô Ta – tất cả hô vang: (nghĩa là Đoàn kết) Mỗi khẩu hiệu hô 3 lần. Tiếng hô vang vọng tràn ra xóm làng làm lòng người phấn chấn, quên đi cái đói cái rét đang hiện hữu. Những năm đầu sau C/m tháng tám 1945 là như vậy, vui lắm, phấn khởi lắm. Nhiều hôm dân quân du kích ngủ tập trung qua đêm tại đình làng hoặc nhà ai đó có sẵn ổ rơm ổ rạ ấm áp. Sáng dậy sớm chạy quanh làng, vừa chạy vừa hô khẩu hiệu Việt Minh – Vạn Tuế, Đô Ta – Hè rất vui. Khí thế cách mạng ngày càng lên cao.
     Tham gia hoạt động trong Nông Hội Đỏ và Mặt trận Việt Minh suốt từ năm 1942 đến năm 1948 Thầy tôi được kết nạp vào Đảng. Tuy lúc ấy Đảng đang hoạt động bí mật, nhưng hàng loạt đảng viên mới được kết nạp. Anh Thái và Chị Danh tôi cũng được vào Đảng thời gian đó. Đảng trực tiếp lãnh đao phong trào kháng chiến kiến quốc ở địa phương thông qua tổ chức Nông Hội và Mặt Trận.
     Khoảng năm 1949 huyện nhập 4 xã Viên, Hoa, Hạnh, Quảng thành xã Trung Diễn, thầy tôi phu trách thuế và bình dân học vụ. Sau vài năm lại nhập mấy xã nữa thành xã Quảng Châu gồm 31 thôn tất cả. Thầy tôi vẫn làm 2 nhiệm vụ trên trong phạm vi 31 thôn.
      Mọi nhiệm vụ được giao thầy tôi đều hoàn thành, xứng đáng là một Đảng viên tiêu biểu của Đảng, không có điều tiếng gì.
      Do ruộng đất ít, nhà nghèo nên năm 1948 gia đình tôi nhận 3 sào ruộng rẽ của ông Trùm Dương, nhà ở xóm Cao Vương ( xóm Chùa ). Mỗi khi gặt lúa phải mời người nhà ông này giám sát xem gặt được bao nhiêu gồi, bao nhiêu lượm, bao nhiêu gánh, trừ đi lượng lúa làm giống 5% còn lại chia đôi và gia đình tôi phải gánh đến tận nhà trả cho họ.  Tất nhiên thuế má nhà tôi phải nộp. Có một lần tuy còn nhỏ tôi cũng cùng gánh thóc đến nhà nộp tô cho chủ ruộng.
     Năm 1953 nhà nước chủ trương giảm tô 25% nghĩa là gặt được mười phần chia làm 4 , ¼ đó của tá điền cày rẽ được hưởng, còn lại ¾ chia đôi, người có ruộng một phần, tá điền một phần. Đến cải cách ruộng đất 1955 nhà tôi được chia luôn 3 sào ruộng ấy. Được cắm thẻ nhận ruộng ai cũng vui. Không khí trong thôn rộn rã tiếng cười…
      Cũng năm cải cách ruộng đất, thầy tôi bị xóa tên khỏi Đảng vì có người tố cáo theo dõi bắt ông Bùi Tự Cường, nhưng năm 1943 ấy thầy tôi đã nghỉ 2 năm trước. Với lại ban đêm do đói kém nên kẻ trộm trong làng cũng như các làng khác mò vào làng mình rình rập bắt trộm gà, trộm rau màu, tuần đinh đi tuần chống trộm cho dân lại nghĩ có kẻ rình mò để bắt cộng sản. Lúc đó người ta tố sai chẳng ai có thể thanh minh được. Thôi thì cây ngay chẳng sợ chết đứng, thầy tôi chỉ tin có vậy. Nhưng chỉ mấy tháng sau lại được  phục hồi trở lại do bị tố oan. Thầy tôi thở phào nhẹ nhõm và nói rằng đúng là trời có mắt. Cũng may tuy làm lý trưởng nhưng thật chẳng có gì, nhà tranh vách cót, thiếu đất, cày thuê làm tá điền cho địa chủ, nhưng lúc đó thầy tôi cũng hoang mang lắm. Về sau quy thành phần được xếp vào trung nông lớp dưới bị bóc lột. Anh Thái tôi ở  riêng, có 2 mảnh vườn, không có trâu bò nên xếp vào thành phần bần nông.
      Kết thúc 9 năm kháng chiến chống Pháp thầy tôi được nhận huy hiệu kỷ niệm kháng chiến, sau này được nhận huy chương kháng chiến hạng nhất.
      Khi thành lập HTX nông nghiệp, thầy tôi được bàu vào ban quản trị phụ trách kế toán và tham gia một số công tác khác ở địa phương. Cho đến năm 1970 thầy tôi mới nghỉ hoàn toàn, không tham gia công tác gì nữa, ở nhà trồng trọt chăn nuôi, làm thợ nề, thợ mộc giúp bà con xây dựng nhà cửa ( lúc đó cụ đã 70 tuổi ).
     Năm 1987 mẹ tôi qua đời, thọ 87 tuổi.
     Năm 1992 thầy tôi qua đời, thọ 93 tuổi.

      Các con đến tuổi trưởng thành xung phong vào lính đánh giặc như ông Thái, ông Bình, ông Châu đều trở thành Đảng viên của Đảng, Được phân công những công việc trọng yếu phù hợp với trình độ văn hóa mỗi người. Còn tôi, sau khi học xong khóa trung cấp Thiết kế kiến trúc 3 năm, năm 1962 tôi ra trường được phân công về viện Thiết Kế Dân Dụng Bộ Kiến Trúc, được xếp vào tổ Thiết kế những công trình đặc biệt cho Trung Ương và Chính Phủ. Làm bí thư chi đoàn và là ủy viên BCH Đoàn Viện Thiết kế. Năm 1965 được kết nạp vào Đảng. Năm 1966 được cử  học đại học Xây Dựng. Năm 1971 tôi là một trong 2 học sinh tốt nghiệp loại giỏi của khóa học ấy. Năm 1973 được điều động về công trường 75808 trực tiếp thi công Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Khi kết thúc công trình tôi về lại cơ quan cũ làm KS thiết kế kết cấu Viện Thiết Kế Dân Dụng BXD…
     Năm 1980 tôi được Bộ trưởng Đồng Sĩ Nguyên bổ nhiệm Phó Giám đốc xí nghiệp và biệt phái về xây dựng nhà máy điện Phả Lại, sau đó làm Giám Đốc Trung tâm KTKT xây dựng. Năm 1988 được cử đi I Raq 2 năm, năm 1991 về nước làm Trưởng phòng kỹ thuật và quản lý dự án của VINACONEX - 6 cho đến lúc nghỉ hưu năm 2003.

     Nghĩ về người cha, tôi thầm biết ơn cụ đã để lại cho chúng tôi nếp sống, nếp nghĩ của những nhà nho thuở trước, luôn luôn tôn trọng sự thật, lấy đạo đức của người chân chính để học tập rèn luyện. Chúng tôi thật tự hào và không hổ thẹn với người cha thân yêu của mình…

  Hà Nội  ngày 22 - 4 – 2016

 Nhà thơ Nguyễn Quang Huệ

Trò chơi con trẻ

( Thơ thiếu nhi )

Trò chơi tự tạo
Không mất tiền mua
Vẫn khỏe vẫn đùa
Thích ơi là thích...
Bạn cười khúc khích
Tôi vã mồ hôi
Chúng ta cùng chơi
Trò khoeo chân nhẩy...

Nỗi nhớ vu vơ


Một mình trong đêm vắng
Laị nhớ vu vơ từ thuở thiếu thời
Đôi guốc nhựa màu ngay ngắn hẳn hoi
Xếp đơn sơ ở ngoài khung cửa
Bước chân son một thời trên đôi guốc nhựa
Ôm khít gót chân trắng hồng như lụa
Như là ta đã có nhau.

Tấm áo thiên thanh xanh đậm một màu
Vào nỗi nhớ nhung
Còn nguyên sơ đi vào ký ức.
Năm tháng qua mau bao mùa lá bạc
Vẫn như in tiếng guốc buổi tan tầm
Áo phai màu lỗ khuyết hở lặng câm
Khoe da trắng một thời nông nổi.

Chiếc nón lá trong vành trăng muốn nói
Nét hoa văn che nửa mái đầu
Suối tóc dài buông gọn phía sau
Cho mơ mộng tràn về bao quyến rũ.

Năm tháng xưa có dư thừa gian khổ
Vẫn nên thơ trong mộng ủ ráng chiều
Ngày hè dài chim quốc gọi tịch liêu
Ghi nỗi nhớ vu vơ  cùng đi vào bất tận...



Kết quả hình ảnh cho nỗi nhớ

lăng mộ đá toyota thanh hóa