Đường thơ



Giới thiệu: KS - Nhà thơ Nguyễn Quang Huệ

                                                                                              
Sinh ngày 26 – 12 - 1941.
Quê quán: Xã Diễn Hạnh, Diễn Châu, Nghệ An
Học vấn: Đại học. 
Chuyên môn: Kỹ Sư Xây Dựng.
Sống và viết tại Hà Nội.
Cộng tác viên Tạp Chí  NGƯỜI XÂY DỰNG - TỔNG HỘI XDVN.
      
 Blog: Trang thơ Nguyễn Quang Huệ.
                                             Website: www.nguyenquanghue.nghesi.vn

             Tác phẩm đã xuất bản:

*       Gà mẹ gà con ( Thơ Thiếu nhi )                 NXB Thanh Niên
*       Dòng sông ký ức  ( Thơ )                          NXB Hội Nhà Văn
*       Cánh én mùa xuân  ( Thơ )                       NXB Hội Nhà Văn
*       Gấu và mèo  ( Thơ Thiếu nhi )                    NXB Thanh niên
*       Chợ quê ( Thơ )                                          NXB Văn Học
*       Dê trắng dê đen ( thơ Thiếu nhi )               NXB Thanh Niên
*       Công Chúa Ếch ( Thơ thiếu nhi )                NXB Văn Học
*       Ba bậc thềm nhà ( Thơ )                            NXB Văn Học
*       Bắc cầu vồng ( Thơ thiếu nhi chọn lọc )     NXB Hội Nhà Văn

               Được chọn giới thiệu thơ trong các tập:

*       Chân dung tác giả và tác phẩm văn học     NXB Hội Nhà Văn
*       Gương sáng – Chí bền                                NXB Văn Hóa Dân Tộc
*     Nhiều thơ đăng trong tạp chí Người Xây Dựng

              Hoạt động truyền thông:

·        2012:  Tham gia chương trình CLB Người yêu thơ của Đài Truyền hình VN
·      2014: Phóng sự của Đài Truyền hình Hà Nội: Nguyễn Quang Huệ- Hai trong một: Thơ thiếu nhi và thơ tình.
·      2015 là Đại biểu và là nhân vật trong phim truyền hình “Tiếng thơ vọng mãi” do 3 cơ quan: Đài TNVN, Viện Nghiên cứu Nhân tài Nhân lực và Thi Đàn VN đồng tổ chức.
·        2015: Tham gia Chương trình “Người yêu nghệ thuật” của VOV- TV Đài Tiếng nói VN: Giới thiệu về thơ Nguyễn Quang Huệ.
·      2016: Phóng sự của VOV- TV: “Nguyễn Quang Huệ - Những công trình và những vần thơ”.

Giải thưởng:

+ 1965:  Giải thưởng thơ của Đoàn các cơ quan Trung ương
+ 2015:  Giải thưởng tác phẩm thơ xuất sắc của năm do Trung tâm Văn hóa Hội NCT Việt Nam 
                bình chọn.
+ 2016:  Giải khuyến khích cuộc thi thơ toàn quốc " Gương sáng - Chí bền " do Thi Đàn Việt &   
                Văn phong sách và Tri thức Việt tổ chức. 

Lục bát gió

LỤC BÁT GIÓ của NGUYÊN NGUYÊN – THẮC THỎM YÊU THƯƠNG
Đã lần thấy gót chân trơn
Vẫn nghe đá vấp một cơn mòn chiều
Trăm năm rụng một đôi điều
Bên hiên chiếc lá còn yêu lấy mùa
Giang tay ôm ngọn gió lùa
Gió bao nhiêu ngọn cho vừa mùa đông
Tay vừa nắm lấy tay xong
Thân đã tận mà hồn không kịp già
Sóng lừng, bão gió giông xa
Nằm nom thương cả mái nhà còn sơ
Cây ưa nước đến tận giờ
Vẫn lo cái ngập mà thơ thắt lòng
Trông cơ trời đất xoay vòng
Mà lo lắng cái gánh gồng trần gian
Đã lần thấy ngón lầm than
Vẫn nghe tay vấp nỗi càn khôn. Xa!
(NGUYÊN NGUYÊN)
Tình cờ tôi vào mạng gặp blog Nguyên Nguyên (tên thật là Đinh Vân Anh), thấy chị viết nhiều bài thơ lục bát rất duyên mà cũng chất chứa tâm trạng, nghĩ suy về phận người, về thơ ca, về thời cuộc. Phải nói là có nhiều câu lục bát khá hay:
- Mưa trong - dù rất mưa trong
Vẫn mang tiếng đục giữa dòng đời trôi
- Vượt rào qua bức cách tân
Đâu hay chân đã sượng sần vì đêm
- Nỗi hờn nuốt ngược vào trong
Một cơn gió lạ nạ dòng cùng mây
Rất nhiều những câu thơ lục bát là lạ như thế trong thơ chị. Nhưng tôi lại thích cảm nhận cho bài LỤC BÁT GIÓ.
Gió vô hình. Nhưng gió ẩn chứa biết bao cung bậc. Gió mát, gió nóng, gió lạnh. Gió nhẹ, gió ngang, gió bão. Gió làm cho ta thấy mây bay, thuyền trôi, cây vẫy, tuyết nghiêng... Gió cũng đổ cây, đổ nhà, bay đá... Vì thế mà mở đầu bài thơ lại không phải là gió, mà là chân là đá. Chân cứng đá mềm lại gợi cho Nguyên Nguyên một điều gì không bình ổn, là bởi gió chăng:
Đã lần thấy gót chân trơn
Vẫn nghe đá vấp một cơn mòn chiều
Vào bài thơ như vậy kể cũng bất ngờ. Bất ngờ trong thơ thường gây cảm giác lạ. Từ mòn chiều không mới, nhưng đá vấp mà mòn chiều thì tạo nên cảm giác thơ lạ và ẩn ý.
Cũng vì cái ẩn ý gợi ấy mà tác giả liền đẩy tới chiêm ngẫm:
Trăm năm rụng một đôi điều
Bên hiên chiếc lá còn yêu lấy mùa
Thì dù có rụng rời nhưng còn quyến luyến lắm. Sự quyến luyến "còn yêu lấy mùa" của chiếc lá là do gió tạo nên, gió làm cho chiếc là chao liệng trước khi rơi về cội nguồn đất đai, cũng là cái quyến luyến không dứt của lòng người. Có lẽ vì thế mà Nguyên Nguyên không muốn sự rơi rụng tan đi theo gió:
Giang tay ôm ngọn gió lùa
Gió bao nhiêu ngọn cho vừa mùa đông
Tay vừa nắm lấy tay xong
Thân đã tận mà hồn không kịp già
Câu thơ "Thân đã tận mà hồn không kịp già" đầy chiêm nghiệm của một tâm hồn khát sống. Lúc đầu đọc câu này tôi thấy nó bị ngang vì cái vần trắc nằm ở chữ thứ hai, có thể sửa thành "Thân như đã tận hồn không kịp già" thì cái ý tưởng vẫn giữ nguyên mà nhịp thơ uyển chuyển hơn. Nhưng ngắt nhịp ba đầu câu này lại chính là một nhịp khẳng định cái sự tận của thân, cảm giác mạnh hơn. Thơ lục bát Nguyên Nguyên vẫn thường có những nhịp ngắt ngang ngang như thế, đặc biệt là hay dùng cái dấu chấm trước chữ cuối câu, kiểu như: "Vẫn nghe tay vấp nỗi càn khôn. Xa!"
Đến khổ thơ thứ ba, cấp gió trong bài thơ được gia tăng cao: "Sóng lừng, bão gió giông xa" thì cái quặn thắt trong hồn người cũng hiện lên cùng với niềm thương và nỗi lo:
Nằm nom thương cả mái nhà còn sơ
Cây ưa nước đến tận giờ
Vẫn lo cái ngập mà thơ thắt lòng
Chữ "nom" hơi khó hiểu. Có thể đấy là một từ cổ nom = nhìn, thấy chăng? Nhưng dù sao thì ta vẫn cảm được cái tình thương và nỗi lo thắt lòng của người thơ tự coi mình là "thân tận". Và cái nỗi lo ấy như càng mở rộng hơn đến nhân tình thế thái:
Trông cơ trời đất xoay vòng
Mà lo lắng cái gánh gồng trần gian
Đến đây thì gió không còn là gió nữa. Gió là nỗi bời bời gan ruột của con người. Bão nổi trong lòng người mà thấy xoay vòng trời đất. Và cái hạnh phúc lầm than ấy có cơ bị cuốn mất chăng? Ta thấy thật thương cảm khi câu thơ kết lại trở về hình ảnh "lần" tìm cái hạnh phúc nhỏ nhoi mà vô cùng quan trong với con người, nhưng không chỉ là lần thấy gót (chân) mà lần thấy ngón (chân) rồi:
Đã lần thấy ngón lầm than
Vẫn nghe tay vấp nỗi càn khôn. Xa!
Chao ôi, chân không vấp mà tay lại vấp. Tay không vấp đá mà vấp càn khôn. Chữ "xa" đứng riêng lẻ với một dấu chấm than (!) bỗng mở ra một nỗi buồn lo vô tận, sợ gió cuốn đi, cướp đi những yêu thương, hạnh phúc nhỏ bé ở đời...
Bài thơ chỉ bốn khổ 16 dòng mà gói lại cả gió và người, cả yêu thương và sợ hãi, cả mất mát và khát khao. Đó cũng là cảm giác của tôi khi đọc LỤC BÁT GIÓ, cái cảm giác thắc thỏm trước tình yêu và vũ trụ.
NGUYỄN TRỌNG TẠO
Bình luận

lăng mộ đá toyota thanh hóa