Chuyện vui người thợ nề

 

           ( Truyện ngắn của Nguyễn Quang Huệ )

     Câu chuyện này nói về những cán bộ, công nhân Việt Nam đi xuất khẩu lao động ở Cộng hòa Iraq những năm 1988 – 1990.

       Để trả nợ việc nước ta được chính phủ bạn cho vay dầu phục vụ chiến tranh, xây dựng hòa bình sau năm 1975.

      Không như anh em đi các nước Đông Âu, sang đến nơi chỉ làm việc một thời gian rồi tìm cách bỏ việc ra ngoài kinh doanh buôn bán các mặt hàng khan hiếm, kiếm tiền dễ dàng hơn. Ở Iraq không có chuyện tìm việc làm ngoài. Nhưng một ít công nhân mình lại có sáng kiến làm bánh cuốn. Muốn có sản phẩm phải có công cụ là cối xay bột. Chụm đầu vào nhau phát huy sáng kiến để tạo ra cối xay.

       Mấy thợ nề bậc cao mày mò rồi cũng làm ra một cái cối bằng xi măng cát, sỏi nhỏ. Thớt trên thớt dưới đủ cả. Sau khi đổ khuôn, bảo dưỡng tưới nước đủ 28 ngày. Đến khi cối đạt cường độ cho phép, mỗi người một việc: Người ngâm gạo, người xay, người tráng bánh, hào hứng như một xưởng sản xuất. Từ đó bánh phở, bánh cuốn ra đời phục vụ anh em mình. Chỉ có điều không có nước mắm để pha chế nước chấm, đành phải lấy mì chính pha nước muối, hạt tiêu, đường thắng lên tạo mầu như nước mắm. Ăn bánh cuốn xứ người để đỡ nhớ một sản phẩm quê hương. Ăn để an ủi phần nào khi xa làng quê yêu dấu.

      Một bạn đã sang, làm việc được sáu tháng viết thư về cho vợ báo tin: Chú Nguyễn Văn Hữu ( Thợ nề ) đã làm giúp anh cái cối xay bột để làm bánh cuốn, bán bánh kiếm tiền. Nhưng được mấy chục hôm cối bị vỡ. Bạn này cũng hóm hỉnh làm mấy câu thơ gửi về quê trêu vợ:

-         Anh sang  Iraq làm mì

Cối xay thì hỏng, cối dì còn nguyên?

  Vợ  viết thư sang động viên chồng:

-          Mười tám tháng nữa hàn huyên

Thớt trên thớt dưới lại liền như xưa.

 

Ông chồng viêt thư về giải thích cho rõ vì chắc chắn vợ hiểu lầm:

 

-         Anh sang Iraq làm mì

Cối nhà đã hỏng, cối Dì còn không ?

 Ý của ông chồng hỏi Dì ( em vợ ) đã tổ chức cưới chồng chưa?...

 Vợ điên tiết viết thư sang:

-         Hỏi gì nhăng cuội vậy ông

Cối nhà không giữ chỉ trông cối Dì ?

Cối Dì người đã mang đi

Có mong chẳng được làm chi đến phần

Khôn hồn thì giữ lấy thân!...

       Lao động tại nước bạn vất vả đã có những câu chuyện bi hài nhưng cũng có những câu chuyện do chính anh em mình tạo ra nhiều tiếng cười để động viên nhau vượt qua khó khăn trước mắt…

      Cái bức xúc nhất tại công trường thiếu bóng dáng của phái đẹp. Cả công trường gồm các loại Tây, ta ngót ngàn người, không có một phụ nữ nào gọi là sạch nước cản, mặt hoa da phấn. Đàn ông qua mấy tháng không trông thấy bóng dáng đàn bà đâm ra phát cuồng vì tình. Một số quân mình còn đón lõng mấy cô nhân viên văn phòng của ban quản lý người da trắng cứ chiều chiều từ trung tâm đi xe buýt qua đường chỉ lấp ló trông thấy cái mặt đội khăn. Thế mà hả hê bất chấp đang trong giờ làm việc.

      Có chàng về đến khu nhà ở, vào căng tin hỏi mua một khay trứng nhưng cứ đòi chị chủ quán người Việt cùng đoàn đáng tuổi mẹ mình mang ra ngoài. Anh chàng luồn tay vuốt từ chân đến ngang bụng, lướt qua đụng vào cả vùng nhậy cảm. Anh ta bị mắng té tát nhưng hắn chỉ cười trừ bảo rằng do xa vợ lâu ngày quá nên xin chị thông cảm. Tất nhiên khay trứng không bị rơi, thế mới lạ. Cả bọn được trận cười khoái chí.

     Chúng tôi sang Iraq làm việc được ba tháng thì được tin đợt công nhân mới sắp sang. Trong số đó có một nhân vật nữ Kiến trúc sư Tạ Minh Hải. Cô sang đây với nhiệm vụ phiên dịch tiếng Anh. Vốn xuất thân con gái của một cán bộ cao cấp hàm Thứ trưởng, ở Hà Nội, học ở Nga về, làn da trắng trẻo, cao ráo, xinh gái có khuôn mặt ưa nhìn nên có sức hấp dẫn lạ kỳ ở xứ sở chỉ có đàn ông. Một bông hồng giữa sa mạc khô cằn nên được cả công trường quan tâm.

      Mấy đêm đầu tiên lúc cô sang cứ phải đóng cửa ngồi trong nhà vì người đến chen nhau xem mặt. Tây trắng như Ba Lan, Nam Hàn, Tây đen như Xu Đăng, da nâu như Ấn Độ, Bangladesh Cai ro, cả da vàng Việt Nam, xúm xít vây quanh phòng ở. Ngó nghiêng cố tìm ra một lỗ nhỏ để ngó xem cho rõ.

       Có người ở ngoài cố hỏi vọng vào những câu vu vơ: - Chị ơi, chị đi đường có mệt không? Chị có bị sao không? Hoặc : - Em ơi, em mở cửa ra có được không? Tất nhiên không có câu trả lời nào cả!

Tôi có làm bài thơ tặng em như sau:

Chỉ có mình em

( Tặng Kiến trúc sư Tạ Minh Hải,

Kỷ niệm một thời làm việc tại Iraq 1988 – 1990 )                                                                                                                                    

 Cả công trường chỉ có một mình em

Như bông hoa giữa bạt ngàn sa mạc

Khi em sang bao người thêm nháo nhác

Muốn hỏi thăm nhưng cửa đóng then cài.

 

Người chung quanh vây kín khắp vòng ngoài

Đủ bốn màu da: đen nâu vàng trắng

Em trong đó như bình minh ló rạng

Chỉ trông qua hình dáng cũng được mà…

 

Cả công trường chỉ có một bông hoa

Trên ngàn người, một mình em khác giới

Mấy tháng nay quay cuồng như muỗi đói

Khi em sang sáng chói cả bầu trời.

 

Thôi em đừng đi làm nữa em ơi

Ra công trường làm chi cho bụi bậm

Em cứ ở nhà cho mọi người được ngắm

Việc phòng ban nhiều ít các anh lo.

 

Chỉ cần tươi như hoa nở giữa mùa

Làm đẹp Việt Nam ở xứ người Ả Rập

Các anh mong không gì khuất lấp

Hết hợp đồng ta về lại cố hương…

 

     Nói rằng chỉ mình em là nữ thì không khách quan. Trong một đoàn sang cũng có vài ba người đi làm cấp dưỡng. Các bạn ấy chỉ cao tầm thước rưỡi, da bánh mật, tóc tai ít được chăm sóc nhưng tốt tính, không ngại công việc nặng nhọc nào. Thực sự  những lao động nữ ở công trường. Nhưng trong con mắt đàn ông xuất ngoại, tiêu chuẩn đó  chưa đủ nên các lão thờ ơ. Tính chất công việc lại khác nhau. Các chị dậy làm việc từ sớm, tối về các chị lo tắm giặt, nghỉ ngơi hết thời gian, ít khi có điều kiện gần gũi để làm quen tâm sự.

     Nhưng cuối cùng cũng có đôi, có cặp, đâu vào đấy cả…

 

Xe ôm và những người khách

                  ( Truyện ngắn của Nguyễn Quang Huệ )

       Trên đường đi từ cổng chùa Trấn Quốc ( đường Thanh Niên ) đến Bảo tàng Văn học Việt Nam  (đường Lạc Long Quân ) là một quãng khá dài., Tôi phải đi xe ôm qua đường Yên Phụ men theo Hồ Tây. Ông xe ôm chừng gần bảy mươi tuổi. Trông ông phúc hậu thật thà, tôi bắt chuyện:

- Bác năm nay bao nhiêu tuổi rồi? Tôi hỏi.

- Dạ, em sáu tám ạ. Ông trả lời.

- Sao bác không nghỉ ngơi, để con cháu đỡ đần cho bác?

- Một số người đi xe em cũng có câu hỏi như ông.

Ông lái kể: Chả là trước đây em làm bên đường sắt, khi giảm biên chế họ cho em một cục, Về theo chế độ 176 của nhà nước, tưởng có vốn làm ăn nhưng hóa ra không có hậu ông ạ. Buôn bán không được, vốn hụt dần. Cơ duyên thương trường mình không có kinh nghiệm nên thất bại. Bây giờ các cháu lớn cả rồi. Gia thất tạm ổn, chưa được đầy đủ, nhưng chúng nó nhờ bên ngoại là chính nên các cháu nội ngoại đứa nào cũng xinh đẹp, giỏi dang cả. Cũng do các con tự lập cả thôi. Bố mẹ giúp đỡ chẳng được bao nhiêu.

- Mừng cho bác có những đứa con biết tự lập sớm.

      - Cũng do hoàn cảnh cả thôi ông ạ.

      Tôi nói và hỏi luôn, thế trong khi đi phục vụ khách hàng có câu chuyện nào vui hay buồn không? 

     - Vui có, buồn cũng có. Như khách đi xe nhiều người thương cảm hoàn cảnh của em họ cứ nài nỉ trả thêm tiền. Có người mười ngàn, cũng có người hai mươi, năm mươi, thậm chí cả trăm. Em nói chỉ lấy đúng giá nhưng họ không nghe, bảo rằng giúp bác mấy đồng có đáng là bao. Em nhận để người ta vui lòng ông ạ.

      - Hoàn cảnh như bác ai cũng muốn giúp đỡ. Chứ như người chở khách khác họ cứ tăng thu vô tội vạ, nhất là với người nước ngoài, người tỉnh xa về Hà Nội. Ông hưởng ứng luôn:

    -  Quả cũng có người như thế.

Thế còn chuyện buồn? tôi hỏi? bác trả lời: Có một lần em đón xe ở dốc An Dương đường Thanh Niên, một cô gái nhờ em lai về tận trong Hà Đông. Cô ấy quãng hai bốn hay hai lăm gì đó. Trông người rất tươi trẻ, vóc dáng đài các lắm. Em nghĩ bắt được cuốc xe  này hên rồi vì đường xa nên tiền công cũng được thỏa thuận trước 150 ngàn đồng.

       Đi được hơn nửa đoạn đường thấy khoảng cách hai người cứ ngắn dần và ép vào nhau. Vòng một cô ấy cứ đụng cọ vào lưng em. Hai tay cô ta ôm chặt ngang hông. Em thực sự cũng thấy buồn buồn, làm em hồi hộp. Suy nghĩ mãi chả nhẽ con bé này nó định cưa mình. Một già một trẻ có thể nào xẩy ra được. Với lại mình là xe ôm thì hy vọng cái nỗi gì mà bám. Khi xe qua thị xã Hà Đông, cô gái bấm bấm vào tôi và nói anh cho em xuống đây. Em giảm tốc dừng xe lại cho cô ấy xuống. Đứng bên cạnh tôi, nhìn quanh một lượt không có ai cô ta nói:

      -  Bây giờ em không có tiền, hay anh, em cùng vào nhà nghỉ cạnh đây, anh muốn làm gì em thì làm. Nói rồi cô ấy mở túi ra đưa trước mặt, quả là không có tiền thật. Cô ta nói thêm: Đêm qua thằng chó nó quỵt tiền nên không có đồng nào cả. Anh giúp em nhé.

     - Em chửi luôn: Đồ khốn nạn. Người khác quỵt tiền mày, mày lại quỵt tiền tao à? Mày có biết sáng sớm tao đi mở hàng bao nhiêu hy vọng ở mày không?

     - Anh ơi, nói nhỏ thôi. Anh thông cảm cho em, để xe ở ngoài khóa lại vào đây uống nước đã.

    -  Ăn uống gì? Tao không có tiền. Mày không biết tao cũng như mày à. Đồ giẻ rách, cút ngay. Con bé vừa sợ người ngoài túm tụm hóng chuyện, vừa lý nhí em cám ơn anh và đi thẳng. Tôi thẫn thờ một lúc rồi quay xe lại. Một mình lẩm bẩm với mình: Mẹ kiếp, sao hôm nay mình đen thế!

     Em dịu giọng ông ạ. Nghĩ cho cùng chúng nó cũng cơ cực mới phải đi bán thân như vậy.

Thật là “Ngựa người-Người ngựa” như tác phẩm của Lưu Quang Vũ ông nhỉ !…

     Thấy đề tài còn hấp dẫn, tôi hỏi thêm:

     - Còn chuyện gì nữa không bác?

Ông ta kể: Một lần đang đợi xe, có khách ăn mặc rất lịch sự, dày đen bóng, quần áo vét tông, sơ mi màu rất hợp, xách một cặp da đen không lớn không nhỏ như cặp tài liệu, nhờ tôi chở đến tòa soạn một tờ báo.

      Tôi đoán anh ta là phóng viên hoặc quản lý báo chí cơ quan này. Đến nơi anh ta xuống xe, rút trong túi ra  tờ 100 đô la nói rằng: Tôi không có tiền việt, nhờ bác đi đổi hộ, trừ tiền công của bác, số còn lại trả tôi. Một trăm đô tôi chỉ đổi 1,8 triệu đồng thôi.

-  Nhưng tôi làm gì có tiền triệu để đổi cho anh.

      - Vậy  Thế này nhé, bác đợi ở đây mười phút, tôi vào cơ quan mượn tiền anh em, ra trả cho bác.

Em đang lưỡng lự thì hắn đã đi vào khỏi cổng thường trực. Đứng đợi nửa tiếng không thấy hắn ra em đành vào hỏi mấy ông bảo vệ. Người ta bảo không biết ông khách này, chúng tôi không giám hỏi vì nom ông ấy rất đàng hoàng.

     -  Vậy phía sau cơ quan có cổng phụ không? Bác xe hỏi.

      -  Không có cổng phụ, chỉ có mấy hộ gia đình phía sau có một lối nhỏ đi vừa một xe cải tiến để người ta đi ra ngoài. Ông bảo vệ trả lời.

Thế là lại gặp một thằng lừa đảo! có khi tờ 100 Đô la kia là tờ tiền âm phủ cũng nên. Em chỉ trách mình không cảnh giác, giá như cứ cầm, phát hiện tiền giả thì hắn đã no đòn với em rồi…

      Hình như ông là nhà văn à? Không nhà văn, nhà báo cũng là nhà thơ vì em thấy ông chú ý những chuyện em kể. Em ở khu vực này lâu em biết, ai đến Bảo tàng Văn Học đều như vậy cả.

    -  Tôi cám ơn bác về những câu chuyện vừa rồi.

     -  Không có gì. Mấy khi gặp được khách quý như ông đâu, giãi bày tâm sự với nhau  hiếm có lắm ông ạ. Em mong mấy ngày lại gặp ông một lần, em còn nhiều chuyện lắm.

     - Vâng, xin cám ơn bác.

    Tôi gửi bác 50 ngàn. Bác nói: Em chỉ lấy ông 30 ngàn như thỏa thuận ban đầu.

Thôi, bác cứ nhận đi, không phải trả lại, tôi xin bác một kiểu ảnh làm quen bác nhé.

    Tôi đưa máy lên chụp. Khuôn mặt ông tươi rói, rạng rỡ.

   Chắc ông ấy vui lắm…

 

             Hà Nội ngày 19 tháng 8 năm 2018

Bốn người cùng phòng

             ( Hồi ký của Nguyễn Quang Huệ )

      Đó là câu chuyện những ngày chúng tôi được cử sang Cộng hòa Iraq để tham gia lao động trả nợ cho nước bạn ( 1988 – 1990 ).

      Tôi ở cùng phòng với hai kĩ sư xây dựng, Nguyễn Văn Tuấn và ông Nguyễn Văn Phát, cùng sang Iraq với chức danh Đốc công. Trong phòng còn có kiến trúc sư Phạm Vũ Mỹ sang đây với chức danh họa viên.

      Ông Tuấn, ông Phát cùng ở Liên hiệp Tấm lớn Xuân Hòa nên  làm bạn với nhau. Tôi, ông Mỹ đều là dân Thiết kế nên trong sinh hoạt, suy nghĩ chiều tâm đầu ý hợp. thế chúng tôi chia thành hai bếp, tự bảo ban nhau nấu nướng vì hợp gu hợp tính. Hàng ngày tôi nấu cơm buổi chiều, ông Mỹ nấu cơm buổi sáng. Thực phẩm chủ yếu là gà về hưu quá lứa, đã đẻ hết trứng, do anh em cấp dưỡng của ta buôn từ chợ về. Rau cỏ, trứng hành, sữa đường, mua ở căng tin.

        Bếp nấu dùng dây may so của Nga, người nào cũng mang theo vài ba cái. Đế bếp bằng đất nung chuyên dùng với dây may so. Nồi niêu mua sắm tại thị trấn Sê kát, một huyện lỵ, cách khu ở mười cây số. Ăn không dùng đũa mà dùng thìa. Cuộc sống tạm bợ lâu thành quen. Tháng đầu mới sang ăn tập thể do người Xu Đăng nấu không hợp khẩu vị nên hầu hết tự tổ chức nấu ăn.

        Mỗi tháng nhà nước Iraq cấp cho 24 Đina tiền ăn kể từ khi nhập cảnh, nên ăn uống đường sữa thoải mái không bao giờ thiếu.

        Qua một năm lao động vất vả, mỗi người dành dụm đổi được mấy trăm Đô. Công ty xuất khẩu lao động Vinaconex lại cho đăng ký mua xe máy của Nhật Bản. Tôi đăng mua một chiếc với giá 480 Đô la. Ông Tuấn mua một chiếc 320 Đô la. Ông Mỹ mua một xe mới với giá 1.000 Đô la. Riêng ông Phát không mua vì con gái ông là Thanh Hương, biên tập viên Đài truyền hình Việt Nam gửi thư sang khuyên bố giữ gìn sức khỏe, để tiền bồi dưỡng bản thân chờ ngày về. Đừng lo gì cho mẹ con con ở nhà.

        Sau khi Công ty Vinaconex chiếu video cảnh các bà vợ ở nhà nhận xe, mặt mày các phu nhân rạng rỡ, vui vẻ dắt xe ra khỏi congtener, các ông chồng vẫn chưa biết tường tận chiếc xe của mình.

Vợ ông Tuấn viết thư sang nói nặng lời rằng:

-Anh có mua xe thì mua trong nhà, đừng mua xe ngoài bãi rác. Nhục lắm vì vừa xấu, vừa cũ nát, lại hôi hám, toàn mùi nước mắm. Vành bánh, phụ tùng đều han rỉ. Sao không mua cái nhiều tiền hơn như người ta?

        Ông Tuấn bực mình vì Vinaconex mua cho ông cái xe hủi lậu. Khốn nỗi ông ấy chỉ đặt loại 320 Đô la vì trước đó đã mua quần nhung, áo nỉ, khăn lông cho vợ và mấy đứa con nên chỉ mua được xe cũ đời 78, loại sừng nghé.

        Vợ ông Mỹ gửi thư sang báo tin:

-  Anh ơi, nhà ta đã mua được xe Hon Đa đời 82, màu vàng, đèn vuông, nhưng phải vay của cô 300 Đô mới đủ.

      Ông Mỹ cứ băn khoăn không hiểu màu vàng như thế nào? Có đẹp không? Ông Tuấn đang sẵn bực mình về bức thư của vợ bèn đáp một câu không ai ngờ tới:

-  Màu vàng là màu c.ứ.t, có gì phải hỏi!…

      Cả mấy anh em trố mắt thất vọng… sau câu trả lời không mấy lịch sự làm ai cũng thấy nặng mùi, lặng người vì khó chấp nhận.

      Một lúc sau, ông Mỹ hỏi tôi: -  Bà nhà ông viết thư thế nào? Tôi trả lời ậm ừ nhát một:

-  Xe cũ, đời 81, năm mươi phân khối, màu xu hào, đồng hồ:  Kim vàng giọt lệ.

        Ông Mỹ kêu to:

-  Ông Huệ trúng độc đắc rồi. Kim vàng giọt lệ kia mà, bao người mơ ước đấy. Loại này hiện nay ở Hà Nội được giá lắm. Dắt xe ra khỏi congtener người hỏi mua ngay. Nhiều người săn lùng. Bây giờ đem bán ngang giá với xe tôi đấy. Ông Huệ sướng thật, tự nhiên lộc vào nhà, được lãi mấy trăm Đô.

-  Tôi chẳng hiểu về xe lắm chưa bao giờ có, nên chưa quan tâm.

        Một số anh em thuộc Vụ Kỹ thuật, Văn phòng Bộ cùng đi một chuyến bay, không đăng ký mua với lý do không biết đi xe máy. Tới khi về nước không tiền mua xăng dầu, vả lại khi đi đường, lớ ngớ đâm vào người ta thì bán xe cũng không đền nổi. Thôi chả dại!

        Tôi nói với các anh ấy: Cứ mua đi. Có xe sẽ biết đi xe, xe sẽ tiền mua xăng. Trái lại nếu mua không đi thì bán, cũng lãi được vài trăm Đô đấy. Nhưng các anh ấy bảo muộn rồi. Chỉ còn mấy người chắc Công ty Vinaconex chẳng thèm mua hộ…

          Sau khi vợ báo tin phải vay bà cô 300 Đô la, ông Mỹ nghĩ ngay đến trách nhiệm của mình là làm gì để lúc về có tiền trả nợ!…

          Ông là kiến trúc sư, lại có tài vẽ truyền thần. Hàng ngày cứ hết giờ làm việc buổi chiều, về đến nhà, ông ấy lại ngồi vào bàn ngắm nghía hết ảnh này đến ảnh khác. như thói quen nghề nghiệp.

          Lâu nay ông vẫn vẽ nhưng bây giờ trở đi ông sẽ phải cố gắng hơn nữa, may chăng mới thoát nợ nần. Ba trăm Đô lớn lắm chứ.

          Khách hàng của ông Mỹ là những người lao động Xu Đăng, Cairô, Bangladesh. Họ rất thích những bức ảnh ông vẽ. Tuy nhiên không phải bức ảnh nào khách hàng cũng hài lòng. Có ảnh vẽ đi vẽ lại mất cả tuần mà khách chê không giống, không muốn lấy ảnh, ông buồn bực cùng. Mỗi ảnh ông lấy hai Đina nhưng khách không nhận hàng mất toi thời gian lao động cật lực cả tuần. Kiếm được đồng tiền đâu dễ. Ông vẫn ca cẩm như vậy.

        Một hôm, sau bữa cơm chiều, ông Mỹ tâm sự thật lòng:

-   Ông Huệ thế sướng thật, hết giờ làm việc, cứ vi vu, vui chơi thoải mái, chẳng lo nghĩ gì. Còn tôi, cày cuốc cả đêm lẫn ngày mà chẳng đâu vào đâu.

      Ông Mỹ lại than thở rằng, mình làm tại văn phòng công trường cùng với Na Sơ mà chưa bao giờ hắn thưởng cho mình một giờ thêm giờ nào. Trái lại thỉnh thoảng tôi vẫn thấy hắn thưởng cho ông? Ông quyết không? Mình không ngờ trước mặt là một quả núi Phượng Hoàng lớn mà mình không nhận biết. Phục tài. Phục tài…

-  Tôi trả lời: bản hiệu quả công việc. Ông ngồi văn phòng, máy sưởi mùa đông, máy lạnh mùa hè, có khổ như những người ngoài công trường, cực thế nào, ông đâu biết. Ông sang đây với chức danh họa viên, Na chỉ ông vẽ cái gì thì vẽ cái đó, vẽ xong ngồi chơi, thế là hơn tôi rồi. Ông chỉ vất vả khi đã về nhà với những bức ảnh truyền thần, từ năm giờ chiều đến mười một giờ đêm mới nghỉ.

     Quả thật, muốn truyền thần một bức ảnh phải tập trung trí não cao độ. Đưa được khuôn hình từ tấm ảnh bé tý ra khổ giấy A4 rất vất vả. Ăn không ngon, ngủ không yên với chúng.

     Vì vậy ông gầy sọp, mặt hốc hác, chứ đâu béo tốt như người khác. Chiếc kính lúp phóng đại lúc nào cũng nằm ngay trước mặt, giúp cho đôi mắt đỡ mỏi mệt khi phải làm việc liên tục. Tôi thật sự ái ngại cho ông ấy.

 

      Một điều đặc biệt nữa mà ông Mỹ và nhiều người không biết: Tôi làm đốc công chỉ một tháng, sau đó Na Sơ, Chỉ huy trưởng công trường Cụm II bảo tôi giao lại cho người khác. Tôi không biết việc mới là gì. Trong những lúc Na Sơ ra hiện trường trao đổi và gửi cho tôi những bản vẽ nhỏ để giao nhiệm vụ cho từng tổ, tôi đã nắm được vị trí ở đâu, trục nào, tim nào, cao độ bao nhiêu đã ghi trong bản vẽ.

Một tuần sau tôi đã vẽ xong mặt bằng tổ chức thi công cho từng hạng mục, Na Sơ hỏi bản này ông lấy ở đâu? Tôi trả lời: - Lấy ngay những bản vẽ nhỏ ông đưa cho tôi. Tôi chỉ tổng hợp lại. Ông ta ngạc nhiên lắm. Sau đó, anh Phạm Đức Hoàn là phiên dịch tiếng Anh nói với Na Sơ rằng: Ở Việt Nam, ông ấy là Trưởng phòng Kỹ thuật và Giám định của một Tổng B, trên công trường gần một vạn người thi công nhà máy nhiệt điện 

do Liên viện trợ. Ông Huệ nhiều kinh nghiệm tổ chức thi công những công trình lớn ở Việt Nam. Na Sơ phục tài, từ khâm phục đến tin tưởng giao việc một cách trân trọng.

Mấy hôm sau, Na Sơ gọi tôi vào văn phòng công trường làm việc. Sau khi sai người phục

vụ Xu Đăng pha nước chè đen và đường mời tôi uống, ông ấy nói từng lời rành mạch:

-    Tôi được biết ông là kỹ sư thiết kế công trình, đã tham gia thi công nhiều công trình lớn ở Việt Nam, ông hãy giúp lập bản vẽ mặt bằng tổ chức thi công cho phần còn lại của công trình 250 và 310. Máy móc thi công tại công trường gồm những loại gì, ông biết cả rồi, có thắc mắc gì, ông trao đổi với tôi. Sau đó ông ấy giao cả tập bản vẽ để tôi nghiên cứú

Sau giờ làm việc mỗi ngày, tôi lại mang hồ sơ về nhà xem xét, dự tính. Sáng hôm sau lại gặp Na Sơ trình bày dự kiến và phác thảo cho ông ta nghe. Trân trọng, tin tưởng và cảm phục mà tôi cảm nhận được trên nét mặt khôi ngô, thanh tú của một người kỹ sư da trắng.

Nhà ông ấy ở thành phố Mô Sun cách công trường 180 km. Ngày nào cũng sáng đi chiều về. Đi lại bằng chiếc xe TOYOTA bốn chỗ mới tinh. Gia đình tư bản nhưng chi tiêu của họ rất đúng mực, không  ăn chơi xa hoa như những đại gia  ở xứ mình. Sau này tôi mới ngẫm ra tại sao Na Sơ giàu có mà ít quan tâm thưởng thêm giờ cho những người khác, trong đó kiến trúc Phạm Vũ Mỹ.

 Tôi đưa tập bản vẽ công trình về nhà đến lần thứ tư, ra đến cổng, quân cảnh ách lại hỏi: Tài liệu này ông lấy đâu? Tôi trả lời: do ông Na Sơ giao cho tôi đem về lập bản vẽ biện pháp thi công cho công trình. Quân cảnh nói: chúng tôi giữ lại tài liệu này. Không còn cách nào khác, tôi giao luôn cho họ.

Đây là tập bản vẽ thiết kế của một cụm công trình quân sự quan trọng. Tôi rất sợ đến sự liên lụy an toàn của bản thân mình. Tối hôm đó tôi không thể nào ngon giấc.

Sáng hôm sau gặp Na Sơ, ông ta nói: Quân cảnh đã trao lại tài liệu cho văn phòng công trường. Từ hôm nay ông không được mang ra ngoài. Ông cứ vào đây nghiên cứu, không phải làm đêm ở nhà.

Tôi thật sự đỡ lo lắng và từ hôm đó hạn chế việc tiếp xúc với những tài liệu ấy, chỉ trao đổi trực tiếp khi cùng ngoài công trường với Na Sơ mà thôi.

Một điều may mắn tại Cụm II, qua hai năm thi công chưa xảy ra một vụ tai nạn lao động nghiêm trọng nào, mặc dù nhiều vị trí cao hàng chục mét, cheo leo, rất dễ tuột chân. Không có vụ rơi gỗ, rơi sắt thép hoặc các vật liệu nào khác gây thương tích, cũng chưa bao giờ bị sập hoặc đổ dàn giáo.

Trong xây dựng không ai nói trước được điều gì cả. Nhờ đội ngũ công nhân lành nghề, nhờ đội ngũ đốc công sâu sát và cũng nhờ biện pháp thi công hợp lý nên đã bình yên mọi nhẽ.

Hai năm trời an toàn tuyệt đối cho mọi người là điều hạnh phúc vô cùng lớn đối với những kỹ sư xây dựng như chúng tôi…

 

lăng mộ đá toyota thanh hóa