Chuyện vui người thợ nề

 

           ( Truyện ngắn của Nguyễn Quang Huệ )

     Câu chuyện này nói về những cán bộ, công nhân Việt Nam đi xuất khẩu lao động ở Cộng hòa Iraq những năm 1988 – 1990.

       Để trả nợ việc nước ta được chính phủ bạn cho vay dầu phục vụ chiến tranh, xây dựng hòa bình sau năm 1975.

      Không như anh em đi các nước Đông Âu, sang đến nơi chỉ làm việc một thời gian rồi tìm cách bỏ việc ra ngoài kinh doanh buôn bán các mặt hàng khan hiếm, kiếm tiền dễ dàng hơn. Ở Iraq không có chuyện tìm việc làm ngoài. Nhưng một ít công nhân mình lại có sáng kiến làm bánh cuốn. Muốn có sản phẩm phải có công cụ là cối xay bột. Chụm đầu vào nhau phát huy sáng kiến để tạo ra cối xay.

       Mấy thợ nề bậc cao mày mò rồi cũng làm ra một cái cối bằng xi măng cát, sỏi nhỏ. Thớt trên thớt dưới đủ cả. Sau khi đổ khuôn, bảo dưỡng tưới nước đủ 28 ngày. Đến khi cối đạt cường độ cho phép, mỗi người một việc: Người ngâm gạo, người xay, người tráng bánh, hào hứng như một xưởng sản xuất. Từ đó bánh phở, bánh cuốn ra đời phục vụ anh em mình. Chỉ có điều không có nước mắm để pha chế nước chấm, đành phải lấy mì chính pha nước muối, hạt tiêu, đường thắng lên tạo mầu như nước mắm. Ăn bánh cuốn xứ người để đỡ nhớ một sản phẩm quê hương. Ăn để an ủi phần nào khi xa làng quê yêu dấu.

      Một bạn đã sang, làm việc được sáu tháng viết thư về cho vợ báo tin: Chú Nguyễn Văn Hữu ( Thợ nề ) đã làm giúp anh cái cối xay bột để làm bánh cuốn, bán bánh kiếm tiền. Nhưng được mấy chục hôm cối bị vỡ. Bạn này cũng hóm hỉnh làm mấy câu thơ gửi về quê trêu vợ:

-         Anh sang  Iraq làm mì

Cối xay thì hỏng, cối dì còn nguyên?

  Vợ  viết thư sang động viên chồng:

-          Mười tám tháng nữa hàn huyên

Thớt trên thớt dưới lại liền như xưa.

 

Ông chồng viêt thư về giải thích cho rõ vì chắc chắn vợ hiểu lầm:

 

-         Anh sang Iraq làm mì

Cối nhà đã hỏng, cối Dì còn không ?

 Ý của ông chồng hỏi Dì ( em vợ ) đã tổ chức cưới chồng chưa?...

 Vợ điên tiết viết thư sang:

-         Hỏi gì nhăng cuội vậy ông

Cối nhà không giữ chỉ trông cối Dì ?

Cối Dì người đã mang đi

Có mong chẳng được làm chi đến phần

Khôn hồn thì giữ lấy thân!...

       Lao động tại nước bạn vất vả đã có những câu chuyện bi hài nhưng cũng có những câu chuyện do chính anh em mình tạo ra nhiều tiếng cười để động viên nhau vượt qua khó khăn trước mắt…

      Cái bức xúc nhất tại công trường thiếu bóng dáng của phái đẹp. Cả công trường gồm các loại Tây, ta ngót ngàn người, không có một phụ nữ nào gọi là sạch nước cản, mặt hoa da phấn. Đàn ông qua mấy tháng không trông thấy bóng dáng đàn bà đâm ra phát cuồng vì tình. Một số quân mình còn đón lõng mấy cô nhân viên văn phòng của ban quản lý người da trắng cứ chiều chiều từ trung tâm đi xe buýt qua đường chỉ lấp ló trông thấy cái mặt đội khăn. Thế mà hả hê bất chấp đang trong giờ làm việc.

      Có chàng về đến khu nhà ở, vào căng tin hỏi mua một khay trứng nhưng cứ đòi chị chủ quán người Việt cùng đoàn đáng tuổi mẹ mình mang ra ngoài. Anh chàng luồn tay vuốt từ chân đến ngang bụng, lướt qua đụng vào cả vùng nhậy cảm. Anh ta bị mắng té tát nhưng hắn chỉ cười trừ bảo rằng do xa vợ lâu ngày quá nên xin chị thông cảm. Tất nhiên khay trứng không bị rơi, thế mới lạ. Cả bọn được trận cười khoái chí.

     Chúng tôi sang Iraq làm việc được ba tháng thì được tin đợt công nhân mới sắp sang. Trong số đó có một nhân vật nữ Kiến trúc sư Tạ Minh Hải. Cô sang đây với nhiệm vụ phiên dịch tiếng Anh. Vốn xuất thân con gái của một cán bộ cao cấp hàm Thứ trưởng, ở Hà Nội, học ở Nga về, làn da trắng trẻo, cao ráo, xinh gái có khuôn mặt ưa nhìn nên có sức hấp dẫn lạ kỳ ở xứ sở chỉ có đàn ông. Một bông hồng giữa sa mạc khô cằn nên được cả công trường quan tâm.

      Mấy đêm đầu tiên lúc cô sang cứ phải đóng cửa ngồi trong nhà vì người đến chen nhau xem mặt. Tây trắng như Ba Lan, Nam Hàn, Tây đen như Xu Đăng, da nâu như Ấn Độ, Bangladesh Cai ro, cả da vàng Việt Nam, xúm xít vây quanh phòng ở. Ngó nghiêng cố tìm ra một lỗ nhỏ để ngó xem cho rõ.

       Có người ở ngoài cố hỏi vọng vào những câu vu vơ: - Chị ơi, chị đi đường có mệt không? Chị có bị sao không? Hoặc : - Em ơi, em mở cửa ra có được không? Tất nhiên không có câu trả lời nào cả!

Tôi có làm bài thơ tặng em như sau:

Chỉ có mình em

( Tặng Kiến trúc sư Tạ Minh Hải,

Kỷ niệm một thời làm việc tại Iraq 1988 – 1990 )                                                                                                                                    

 Cả công trường chỉ có một mình em

Như bông hoa giữa bạt ngàn sa mạc

Khi em sang bao người thêm nháo nhác

Muốn hỏi thăm nhưng cửa đóng then cài.

 

Người chung quanh vây kín khắp vòng ngoài

Đủ bốn màu da: đen nâu vàng trắng

Em trong đó như bình minh ló rạng

Chỉ trông qua hình dáng cũng được mà…

 

Cả công trường chỉ có một bông hoa

Trên ngàn người, một mình em khác giới

Mấy tháng nay quay cuồng như muỗi đói

Khi em sang sáng chói cả bầu trời.

 

Thôi em đừng đi làm nữa em ơi

Ra công trường làm chi cho bụi bậm

Em cứ ở nhà cho mọi người được ngắm

Việc phòng ban nhiều ít các anh lo.

 

Chỉ cần tươi như hoa nở giữa mùa

Làm đẹp Việt Nam ở xứ người Ả Rập

Các anh mong không gì khuất lấp

Hết hợp đồng ta về lại cố hương…

 

     Nói rằng chỉ mình em là nữ thì không khách quan. Trong một đoàn sang cũng có vài ba người đi làm cấp dưỡng. Các bạn ấy chỉ cao tầm thước rưỡi, da bánh mật, tóc tai ít được chăm sóc nhưng tốt tính, không ngại công việc nặng nhọc nào. Thực sự  những lao động nữ ở công trường. Nhưng trong con mắt đàn ông xuất ngoại, tiêu chuẩn đó  chưa đủ nên các lão thờ ơ. Tính chất công việc lại khác nhau. Các chị dậy làm việc từ sớm, tối về các chị lo tắm giặt, nghỉ ngơi hết thời gian, ít khi có điều kiện gần gũi để làm quen tâm sự.

     Nhưng cuối cùng cũng có đôi, có cặp, đâu vào đấy cả…

 

0 nhận xét :

Đăng nhận xét

lăng mộ đá toyota thanh hóa