( Ghi chép của Nguyễn Quang Huệ )
Tôi được cháu trai thông báo: Ngày mồng 6 tháng chạp năm nay (2019) gia đình sẽ
sang mộ cho bố cháu ( ông Nguyễn Bình là anh trai tôi ). Ông là cựu chiến binh, đi bộ đội từ năm còn đánh Pháp (1951). Anh tôi đã chiến đấu qua các chiến trường Hà Nam Ninh, Đường 6 Hòa Bình, Điện Biên Phủ. Các năm chống Mỹ, ông được điều động làm chuyên gia quân sự cho Lào. Đơn vị của ông Bộ Tư lệnh Quân khu II vùng Phú Thọ - Sơn La. Sau khi tốt nghiệp Học viện Hậu Cần quân đội là Phó Giám đốc, Chủ nhiệm hậu cần Bệnh viện Quân y 6. Năm 1980 về hưu với cấp bậc Thiếu tá. Sau nghỉ hưu ông đưa cả gia đình về quê hương sinh sống. Năm 2013 ông qua đời do tuổi cao, thọ 82 tuổi...
Đến ngày hẹn với cháu, tôi lên xe về quê. Tuy trời
mùa Đông nhưng thời tiết ấm áp, khô ráo thuận lợi vô cùng. Đi trên chuyến
xe giường nằm từ bến Nước Ngầm lúc 8h 30 khởi hành về đến ngõ chỉ 5 tiếng, trên quãng đường ngót hai trăm sáu mươi cây số.
Hà
Nội - Diễn Châu trước đây xa vời vợi. Ngày tôi nhập học ở Hà Nội cũng quãng đường
ấy đi mất trên 12 tiếng vì nhiều phà qua sông, đường số 1 lúc ấy chật hẹp. Mặt
đường có đoạn rải đá cấp phối, do trong kháng chiến chống Pháp người ta phá đường
để ngăn quân Pháp không vào khu Bốn, nhất là từ Thanh Hóa trở vào. Có đoạn bê
tông nhựa của đường cũ. Đoạn nào bằng phẳng xe chạy chỉ được 40 km trên một giờ,
đoạn nào đường xấu thì tốc độ chỉ nhanh hơn xe đạp. Xe chạy càng nhanh bụi đất
càng cuốn lên sau xe mù mịt. Tốc độ xe lúc ấy có nhiều nhặn gì đâu. Quãng 30
km/ giờ. Chuyện đó cách đây đã 60 năm (1959 )…
Về đến nhà mọi việc đã được các cháu chuẩn
bị sẵn sàng. Một cái tiểu sành men màu xanh ngọc với hoa văn khá đẹp, vuông vải
đỏ bọc hài cốt, nước ngũ vị hương thơm phức để rửa hài cốt, một cái bàn con bằng gỗ mới gia
công dùng để đặt tiểu sành khi làm lễ, cùng hoa quả bánh kẹo đủ cả. Tại nghĩa địa đã
chuẩn bị chăng dây treo bóng điện và máy nổ. Thầy cúng chẳng ai xa lạ, chính là
con rể cả của ông nói rằng giờ tốt là giờ sửu từ 1 giờ đến 3 giờ sáng ngày mồng 6 tháng chạp năm Kỷ Hợi là phải làm
cho xong, hoàn tất mọi việc.
Đúng 1 giờ đêm, hai người thợ vạm vỡ khỏe
mạnh có thâm niên việc bốc mộ hàng chục năm nay vào việc chóng vánh. Khu nghĩa
địa là vùng cát pha nên việc đào bới không mấy vất vả như nơi khác. Quan tài dần
dần lộ ra. Con cháu tập trung rất đông quanh mộ chờ đón lúc thiêng liêng gặp
ông sau 7 năm vắng bóng.
Sau khi vét gọn sạch sẽ đất cát trên mặt
quan tài, hai người thợ nghỉ mười phút uống rượu, ăn trầu chuẩn bị vào công việc
trọng đại nhất: Bật ván thiên và làm những công việc tiếp theo…
Nhưng khi bật ván thiên ra, một hiện tượng
lạ đập vào mắt mọi người: Một lớp xốp như bông, phủ đầy quan tài một lớp tuyết
trắng trên bề mặt thân thể ông. Đồng thời một luồng khí rất hôi tỏa ra chung
quanh mộ. Mọi người sợ hãi chạy tản ra quanh đó. Giữa đêm khuya chỉ có một bóng
đèn, chung quanh trời tối trên bãi tha ma ấy trong một đêm đông lạnh giá có ai không sợ cho được. Hai phu mộ cũng sợ, tản ra cách đó gần chục mét, vơ vội
những gì cháy được gom lại thành đống to và đốt. Hơi lửa, hơi khói đã làm mọi người
trấn tĩnh lại, bàn luận sôi nổi cách xử lý thế nào cho đúng.
Theo hai người phu mộ kể: hành nghề hàng chục năm nay họ chưa gặp hiện tượng này
bao giờ và phán rằng đây thật sự là ngôi mộ đang phát. Nên đậy nắp lại, xây cố
định bằng gạch. Đứng trước một quyết định khó khăn cấp thiết như thế, mỗi người
mỗi ý thật khó mở lời, trông chờ quyết định của con trai ông. Một số anh em con
cháu đang làm ăn thuận lợi chỉ muốn đậy nắp lại, xây vĩnh viễn, nhưng có ý kiến
khác cho rằng: Việc đã lỡ dở thế này phải bốc triệt để. Ý kiến của tôi ủng hộ
con trai ông: Cứ bốc đi vì việc xây mộ mới tại nghĩa trang dòng tộc đã làm. Hai
phu mộ cố gắng hoàn tất để chuyển ông vào chung khu với Tổ tiên là tốt nhất.
Trước đòi hỏi như vậy hai người thợ lại
tiếp tục công việc. Cũng may, sau nửa tiếng lớp tuyết phủ đã bớt đi, mùi hôi thối
đã giảm nhiều nên thợ có động lực mạnh mẽ hơn. Trước đây khi nhập quan, gia
đình mặc cho ông bộ com lê còn mới nên phần thịt da phía mông đùi phải gỡ vì chưa tiêu hết. Vất vả nguy hiểm là vậy nhưng hai người thợ tỏ ra chu đáo không
kêu ca nữa. Chúng tôi biết ơn họ vì đã làm việc đến nơi đến chốn. Tiền công có
thể tăng lên chút ít nhưng cao cả nhất là tình cảm của hai người đối với gia
đình chúng tôi.
Lau rửa, xếp hài cốt vào tiểu xong, hai
phu mộ ở lại hoàn trả mặt bằng cho xóm. Con cháu đưa ông về khu nghĩa trang họ
tộc làm lễ hạ huyệt đã xây sẵn. công việc chóng vánh. Chỉ lấp cát, xây mấy
hàng gạch rồi úp những tấm đá đã gia công, úp mái là xong. Mặc dù có sự cố, thế nhưng mọi việc đã hoàn tất đúng thời gian thầy cúng đã định. Sau đó chừng một tiếng, trời đổ mưa to đến suốt cả ngày hôm sau. Mọi việc trôi chảy, thật may mắn, hình như mọi điều được ông phù hộ. Thật gặp may "thiên thời, địa lợi, nhân hòa" làm
cho ai cũng vui mừng…
Có một điều thú vị thế này: sáng mồng 5
tôi đang nằm trên xe về quê, anh bạn tôi là Kiến trúc sư Doãn Quang Tuấn gửi
cho tôi một video bằng messenger ghi lại buổi bên khảo cổ khai quật một ngôi mộ
cổ đã 300 năm tại Hà Nội. Sau khi đào xong các lớp đất, mở quan tài thấy người
xưa bọc thi thể bằng nhiều lớp vải nên gỡ ra rất lâu. Thi thể còn nguyên vẹn.
Sau khi các chuyên gia lấy các mẫu vật cần thiết, người ta đặt lại thi thể
trong quan tài cũ rồi chôn lấp tại đó. Tôi băn khoăn về chuyện trùng hợp này. Dù
sao được xem video của bạn, tôi cũng hình dung được phần nào công việc sang mộ cho anh
trai tôi. Kiến trúc sư Doãn Quang Tuấn không hề biết tôi có việc tương tự như thế vì lâu
lắm rồi chúng tôi không liên lạc với nhau.
Một sự tình cờ nhưng thật có lý để tôi
nghĩ tới sự linh thiêng mà duy vật chưa giải thích được…