Gái một con



"Gái một con trông mòn con mắt"
Mặt rạng ngời hoa đặt trên môi
Miệng cười nửa nụ chơi vơi
Tóc buông buộc gọn cho người ngẩn ngơ.

Làn da tuyết ôm hờ con nhỏ
Mẹ nâng niu ấp ủ trong lòng
Một vùng "đồi núi" mênh mông
Cây xanh tỏa bóng vui cùng giai nhân.

Gió thoang thoảng xa gần lướt nhẹ
Mặt trời lên san sẻ ánh vàng
Mây ngàn thôi hết lang thang
Cùng cây che nắng cho nàng hưởng xuân...

Một thời để nhớ

Thơ Đỗ Anh Thư

Tuổi trảng tròn Mười Sáu
Em - anh học chung trường
Mình gọi nhau Tớ - Cậu
Nam - Bắc miền quê hương

Em thấp ngồi bàn nhất
Anh cao kều : bàn hai
Anh rất là " rắn mắt"
Cứ giật đuôi tóc dài..!

Anh gọi em "cô ngốc"
Hay bất ngờ kéo tai
Em nhiều lần phát khóc
Bởi " anh khờ" đùa dai

Ba năm ngồi chung lớp
Đầy ký ức mộng mơ
Chúng mình cùng nhau lớn
Hết gọi nhau " ngốc", "khờ"

Mùa hè năm cuối cấp
Chợt thấy lòng bâng khuâng
Tưởng chừng như sắp mất
Quãng thời gian trong ngần

Ngày liên hoan giã biệt
Xiết vòng tay học trò
Mắt nhìn nhau tha thiết
Xen lẫn niềm Âu lo

Bụi thời gian phủ trắng
Bàn ghế, bảng đen xưa
Gốc phượng buồn trống vắng
Nhớ một thời nắng mưa

"Cô ngốc " giờ trở lại
Chẳng thấy đâu " chàng khờ"
Kỷ niệm ngày thơ dại
Bây giờ đẹp như mơ...

.

Bài thơ Đợi của Vũ Quần Phương

NHÀ THƠ VŨ QUẦN PHƯƠNG NÓI VỀ BÀI THƠ "ĐỢI" CỦA ANH


Nhiều người biết về bài thơ "Đợi" của Vũ Quần Phương:
ĐỢI
Anh đứng trên cầu đợi em 
Dưới chân cầu nước chảy ngày đêm 
Ngày xưa đã chảy, sau còn chảy 
Nước chảy bên lòng, anh đợi em
Anh đứng trên cầu nắng hạ 
Nắng soi bên ấy lại bên này 
Đợi em. Em đến? Em không đến? 
Nắng tắt, còn anh đứng mãi đây!
Anh đứng trên cầu đợi em 
Đứng một ngày đất lạ thành quen 
Đứng một đời đất quen thành lạ
Nước chảy... kìa em, anh đợi em.
Và, cũng nhiều người không hiểu được hết ý nghĩa, thậm chí, còn nghi ngờ về tính hợp lý của hai câu thơ:
Đứng một ngày đất lạ thành quen 
Đứng một đời đất quen thành lạ 
Nhân cuộc gặp gỡ với Vũ Quần Phương, trong cuộc trò chuyện về sáng tạo và phê bình văn học, nhà thơ nói về bài "Đợi" và về hai câu thơ trên như sau:
Bài thơ "Đợi" cảm xúc về nhà thơ quân đội Thanh Tịnh. Số là nhà thơ Thanh Tịnh quê xứ Huế. Sau Hiệp nghị Giơ-ne-vơ, ông tập kết ra Bắc để lại người vợ yêu quý của mình ở đất Huế mộng mơ trong vòng vây chèn ép của đối phương. Ở ngoài Bắc, Thanh Tịnh làm thơ và đợi ngày thống nhất. Nhà thơ đợi suốt 20 năm - gần cả quãng đời xuân sắc - đến sau năm 1975, ông trở về Huế, thì đau đớn thay, người vợ của ông đã lấy chồng là một tên sĩ quan ngụy do chúng cưỡng bức từ thời chính quyền ngụy truy áp và khủng bố người kháng chiến cũ trong những năm 60 của thế kỷ trước. Thanh Tịnh buồn bã, cô đơn, từ biệt quê hương xứ Huế, trở ra Hà Nội tiếp tục công tác ở tạp chí Văn nghệ quân đội.
Trong hai câu thơ trên, câu trước nói về sự đợi chờ người yêu bình thường của mọi cuộc hẹn hò - chờ đợi một ngày để gặp nhau rồi quen nhau, yêu nhau. Đất không phải là cái gì khác, mà chính là người yêu nói chung và trong trường hợp của Thanh Tịnh chính là người vợ của ông. Câu thơ trước chỉ là cái cớ so sánh cho câu sau nổi trội: Thanh Tịnh đã đợi 20 năm để rồi đất quen - chính là người vợ yêu thương của mình trở thành đất lạ- người lạ, bởi cô ta đã là vợ người khác rồi!
Bài thơ nói về trường hợp của Thanh Tinh - như là "cái tôi", nhưng cũng là nói chung cho mọi trường hợp cùng cảnh ngộ như là "cái ta" - "cái ta" của dân tộc, của đất nước.
Cảm ơn nhà thơ - nhà phê bình văn học Vũ Quần Phương và xin thuật lại như trên câu chuyện có ý nghĩa về bài thơ "Đợi" của anh!

Thơ vui tặng bạn nhà thơ


Thấp thỏm ngày dài đợi với trông
Khuya về lặng lẽ ngọn đèn chong
Giàu nhớ, giàu thương, giàu ly biệt
Thi tứ tràn đầy, bụng rỗng không!


Mưa gió, xa xôi - không đáng kể
Dép tụt quai rồi, vẫn bước đi
Khi buồn thương cả đời giun dế
Nhấp chén, trời kia cũng chẳng gì.

Thơ hay chép sổ, nhìn rõ chán
"Vay" tiền của vợ để in sang
Toòng teng túi sách đi tìm bạn
Vừa tặng, vừa cho cũng đắt hàng.

Ơi vợ nhà thơ, ơi chủ khổ
Đừng buồn, đừng giận cũng đừng ghen
Lâm cảnh nhẹ duyên mà nặng nợ
Bởi mình ngày trước chẳng "nhất kiêng"!(*)

1996
Vương Trọng
(*): Nhất kiêng đừng lấy chồng thi sĩ
Nghèo lắm con ơi, bạc lắm con.
( Nguyễn Bính)

Khi cái cây lòng ta tàn lụi

KHI CÁI CÂY LÒNG TA TÀN LỤI

Thưa các bạn,
Chiều qua tại Văn Miếu Quốc Tử Giám, Hội Nhà văn cùng với Đức Pháp Vương và Tăng đoàn Đại thừa - Kim Cương thừa đã tọa đàm về việc bảo vệ môi trường thiên nhiên và môi trường văn hóa, tâm linh bên trong mỗi chúng ta.
Tại tọa đàm tôi đã nói : “ Khi lòng ta nở một bông hoa thì ngoài kia nở một cánh đồng hoa, khi một cái cây trong lòng ta tàn lụi thì ngoài kia một cánh rừng bị tàn phá. Văn hóa dẫn dắt chúng ta.
Có một số bạn đề nghị tôi post lên FB toàn bài trò chuyện của tôi với Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa từ năm 2011 mà mấy ngày trước tôi đã post lên một trong những câu hỏi tại cuộc trò chuyện ấy. Nhưng bài rất dài cho nên đưa lên các bạn sẽ đọc rất khó.Nhân đây tôi chỉ xin post lên một câu hỏi trong cuộc trò chuyện với Đức Pháp Vương tại trụ sở báo Vietnamnet 2011.
NGUYỄN QUANG THIỀU : Có một hiện thực làm cho chính bản thân tôi, một hiện hữu trước Ngài, cũng cảm thấy lúng túng khi phải đối diện. Hiện thực đó là mấy nghìn năm lịch sử, đền thờ, chùa chiền mỗi ngày được xây nhiều hơn, sách thánh, giáo lý được in nhiều hơn, nhưng tội ác cũng nhiều hơn, sự ghen tị, lòng vô cảm giá lạnh, nỗi hận thù tăm tối… cũng nhiều hơn. Vậy thưa Pháp Vương, Ngài lý giải gì về điều mâu thuẫn và bất ổn này? Chúng sinh phải đợi chờ đến bao giờ cho sự đổi thay của thế gian khi mà họ đã chứng kiến những điều đau khổ kia kéo dài mãi trong suốt chiều dài lịch sử của con người ?
Đức Pháp Vương GYALWANG DRUKPA : Nhiều tôn giáo hiện nay đang có một vài khó khăn. Một số tôn giáo đang không thực sự thực hành pháp, không đưa con người vào thiện hạnh, cải thiện cuộc sống, mà lại hướng theo bè đảng. Đây là một sai lầm, không đúng theo tôn chỉ của các bậc khai sáng ra tôn giáo ấy.
Những điều mà ta cần nương tựa là cải thiện chính mình, trở thành người tốt, thay đổi chính đời sống của mình. Còn nếu ai đó cho rằng có sẵn một nơi nương tựa, che chở, như một số người Hồi giáo cho rằng đã có Chúa Trời che chở, mà dùng súng đạn giết hại người khác, cho rằng tội ấy đã có Thánh chịu – đó là cái nhìn vô cùng lầm lạc.
Lịch sử đã có những cuộc chiến tranh đẫm máu như thế, chỉ vì họ hướng tôn giáo lệch đường.Nhà thờ nhiều hơn, kinh sách nhiều hơn, nhưng con người lại không hướng về thực hành.Tôi khuyên cả những người ở tôn giáo khác, có cái nhìn tức thời trở lại.
Tôn giáo xuất hiện không phải để gây thêm đau khổ, chiến tranh ở cuộc đời, không phải để giành giật sự phát triển của tôn giáo mình, mà để mang hạnh phúc cuộc đời mình.
Ngay trong Phật giáo, Đức Phật chưa từng nói rằng hãy nương tựa vào ta, ta sẽ bảo vệ các con, đưa các con đến nơi giải thoát an toàn, hay hãy nương tựa, hãy cúng dường. Ngài chưa bao giờ nói thế. Ngài chỉ nói rằng: ta là người hướng đạo, các con phải đi trên đôi chân của mình. Mỗi người phải tự thực hành để cải thiện.
Lời khuyên của tôi đến với mọi người, dù ở tôn giáo khác, không tôn giáo, vấn đề là tìm một lối sống. Điều căn bản nằm ở hành động, lời nói, suy nghĩ luôn là an lành, chứ không nên trông đợi ở bất kì ai, cho dù là Chúa, Trời, Phật.
Tôi xin nhắc lại lời dạy của Đức Phật: Này các tỳ kheo, các con hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi. Ta chỉ là người mở đường, các con phải tự dấn bước. Bước đi bằng đôi chân và ý chí của mình.

( Ảnhr dưới : Đức Pháp Vương và nhà báo Nguyễn Quang Thiều. Ảnh Vietnamnet )

Lỡ bước

Một chân lỡ bước lên thuyền
Một chân lưỡng lự để phiền lòng anh
Thà rằng đứng giữa đồi tranh
Nhìn mây nhìn nước trong lành em ơi!

Chọn ai em hỏi ông trời
Núi này núi nọ bỏ người lại sau
Em không còn kịp nữa đâu
Chờ cầu Ô Thước mưa ngâu hãy về...

Tiếng thở dài trong đêm

( Kỷ niệm những ngày sơ tán 1966 )

Một ngôi nhà nhỏ ba gian
Vách tre phên cót chắn ngang thành buồng
Bên kia đặt một cái giường
Giữa nhà làm chỗ thắp hương Thành Hoàng.

Nhà tre nằm cạnh bìa làng
Vắng người qua lại trời đang tối dần
Đêm về chỉ có hai thân
Chủ nhà là vợ quân nhân xa nhà
Bên kia khách trọ hào hoa
Vừa sơ tán đến tháng qua mấy ngày.

Chủ nhà như ruộng mới cày
Đêm đêm khó ngủ thở dài chờ trông
Cửa buồng để ngỏ bên hông
Ngoài này khách cũng khó lòng ngủ ngon
Buồng trong rạo rực bồn chồn
Thắp đèn vỗ muỗi mở luôn cửa buồng.

Khách ngoài nghĩ đến mà thương
Vắng chồng nỗi nhớ vấn vương thèm chồng
Hay liều một chốc tang bồng
Khách chủ đỡ phải nằm không chờ tình.?...

Thôi nào đành phải hy sinh
Tự nhủ rằng mình chớ có lơ mơ
Vợ người là gái còn tơ
Nhưng là vợ lính xô bồ được chăng?
Thôi thôi xin lạy chị Hằng
Dẫu cho có muốn xin đừng trêu ngươi
Dấn vô sợ mọi người cười
Gây nên tai họa suốt đời ăn năn...

Sáng dậy chị hỏi khó khăn
Cơm đã để phần sao chẳng giám xơi?
Sao anh kém thế hở trời!
Giá như cứ để cho người khác thay
Đêm qua em muốn giãi bày
Cô đơn khó ngủ từ ngày chồng xa
Giá mà em số đào hoa
Chắc không đến nỗi "thả gà" suốt đêm...


Cột cái

( Thơ thiếu nhi )

Cha như cột cái
Mẹ như mái nhà
Để con vào ra
Hàng ngày vui vẻ.

Những khi mạnh khỏe
Bố mẹ gắng công
Vác cuốc ra đồng
Be bờ tát nước.

Luống rau xanh  mướt
Cây lúa lên bông
Bõ công vun trồng
Mẹ cha vất vả.

Bây giờ con đã
Cao gần ngang vai
Chăm lo học bài 
Mai sau giúp Bố...

Thông báo của Hội Nhà Văn VN


MỘT THẾ GIỚI
Vào lúc 15:30 ngày 22 tháng 9 năm 2015 , tại Văn Miếu Quốc Tử Giám sẽ diễn ra cuộc tọa đàm mang tên : THIÊN NHIÊN, CON NGƯỜI : MỘT THẾ GIỚI. Tọa đàm này do Hội Nhà văn Việt Nam và Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa ( người mà thế giới gọi là Phật sống) cùng Tăng đoàn Truyền thừa Phật giáo Đại thừa - Kim cương thừa Drukpa tiến hành.
Đức Pháp Vương là bậc lãnh đạo Truyền thừa Phật giáo Đại thừa – Kim cương thừa Drukpa, cũng là nhà hoạt động xã hội thiện hạnh tích cực với các dự án, chương trình bảo vệ môi trường, di sản văn hóa trên phạm vi toàn cầu. Ngài đã được nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế vinh danh qua các giải thưởng cao quý như “Vì Mục Tiêu Phát Triển Thiên Niên Kỷ” của Liên Hiệp Quốc, cúp “Anh Hùng Xanh” của Tổng thống Ấn độ.
Đây là lần thứ 7 Đức Pháp Vương đến Việt Nam và tôi đã có ba lần được tiếp xúc Ngài và trợ duyên Ngài trong một số hoạt động của Ngài. Nội dung tọa đàm tại Văn Miếu Quốc Tử Giám lần này là về việc bảo vệ môi trường thiên nhiên và môi trường văn hóa như thông điệp của Đức Pháp Vương : “ Chúng ta không chỉ cần thu nhặt rác thải, làm sạch môi trường mà còn cần thanh lọc, loại bỏ những ô nhiễm nơi TÂM mình...”.
Nhân dịp này, tôi xin đưa lại một trong những câu hỏi trong cuộc tiếp kiến Ngài lần thứ nhất ở Việt Nam :
NHÀ THƠ NGUYỄN QUANG THIỀU: Thưa Đức Pháp Vương, tôi đang ngồi trước Ngài đây, tôi là một hiện hữu trước Ngài. Trong con người tôi có những phần tăm tối và những phần ánh sáng của đời sống này. Tôi cảm thấy có một con quỷ dục vọng nằm trong thân xác mình. Nó luôn luôn đi theo tôi, rủ rê tôi, thúc giục tôi, tìm cách làm cho tôi tăm tối để thực hiện những khát muốn của nó. Có lúc tôi đã đuổi được nó ra khỏi mình. Nhưng ngay sau đó nó lại trở về và lại tìm cách lối kéo tôi. Và tôi nhận ra nếu một khi thân xác tôi còn hiện hữu trong đời sống này thì tôi luôn luôn phải đấu tranh chống lại con quỷ dục vọng đó.
Tôi có một câu hỏi mà có thể mắc lỗi trước Ngài, rằng Ngài cũng có một thân xác như tôi và trong thân xác ấy cũng có một con quỷ dục vọng mặc dù trí tuệ, tâm hồn và lòng từ bi bên trong thân xác Ngài là mênh mông vô bờ bến. Vì thế, chắc chắn con quỷ dục vọng cũng làm những gì với Ngài như đã, đang và sẽ làm đối với tôi. Vậy Ngài tìm cách nào để trừ tiệt hay cầm giữ nó? Câu trả lời của Ngài sẽ là nguồn sáng cho tôi, và cả những người khác nữa, những người đang ngày ngày phải kìm hãm và trốn chạy trốn con quỷ dục vọng đó nhiều lúc đến tuyệt vọng?
ĐỨC PHÁP VƯƠNG GYALWANG DRUKPA : Tôi luôn tin rằng tôi giống như các bạn, chúng ta đều là anh chị em trong thế giới loài người. Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng tôi ở cấp độ cao cấp hơn các bạn. Chỉ có điều, tôi biết phương pháp để thực hành, chiến đấu với những tình cảm sâu ẩn trong lòng.
Con người thế gian đều bị “con quỷ dục vọng” chi phối, kêu gọi, và rất khổ sở với nó. Dường như những con quỷ ấy hiện trong tham lam, tật đố, ganh ghét, kiêu căng, chiến tranh, con quỷ ấy cuốn mình đi.
Điểm khác biệt giữa tôi với các bạn chỉ là tôi đã có cách và tôi đang thực sự có phương tiện để chuyển hóa những tình cảm, dục vọng xấu thành thiện hơn, tốt hơn.
Trong kiếp sống loài người, nếu không có dục vọng, tình cảm, thì con người không tồn tại được. Dục vọng và tình cảm không phải là xấu, mà vấn đề là làm thể nào để chuyển hóa, tự chủ được, chuyển hướng đi xấu, thành hướng đi lợi ích. Chúng ta không phải hủy diệt, đánh đuổi nó, chỉ cần chuyển hóa nó.
Chúng tôi dùng những phương tiện thiện xảo để chuyển dục vọng thành đại ái, ước muốn đem đến tình thương cho mọi loài, ham muốn cá nhân thành ham muốn nhân loại.
Người VN có tôn giáo nguyên thủy là đạo Phật, tôi khuyên người VN quay trở lại học tôn giáo gốc của mình, đưa vào thực hành chuyển hóa những giận hờn, tham lam, tật đố, ganh ghét, kiêu căng, oán hờn, gây khổ đau cho mình cho người, thành yêu thương, từ bi, để làm cuộc đời này an bình hơn, hạnh phúc hơn.

( Ảnh dưới : Đức Pháp Vương tặng sách cho nhà thơ Nguyễn Quang Thiều )

lăng mộ đá toyota thanh hóa