Những ai có dịp lưu thông trên đường bằng ô tô, xe máy hay tàu hỏa đều
đã gặp những ngôi mộ bên đường, nhất là đường Quốc lộ hoặc Tỉnh lộ. Mỗi mộ một
vẻ, cái to, cái bé, cái có bát hương, ảnh đá. Lại có cái được ốp lát gạch quý,
đá quý, có khung, có mái để đặt lễ vật thờ tự rất quy mô. Phần lớn những người
dưới mộ đều còn trẻ, có khi là chủ gia đình.
Sự ra đi của họ để lại đàn con bơ
vơ, không nơi nương tựa, cha mẹ già mà vẫn phải cưu mang, nuôi đàn cháu nhỏ dại
khi không còn bố mẹ chúng trên đời… Phần lớn trong đó là do tai nạn giao thông.
Họ tử vong ngay lập tức, cơ thể dập nát, đứt rời cơ thể, trông rất thảm thương
mà người thân không biết hoặc không có điều kiện đưa về nhà mai táng…
Gặp những ngôi mộ ấy bên đường, người chứng kiến không khỏi ngậm ngùi,
thương xót họ, mà còn nhắc nhở cánh cầm lái phải thận trọng, tránh rủi ro cho
mình, gia đình mình và bảo vệ khách hàng yêu quý.
Đó là chuyện của các năm trước đây, hồi mới giải phóng Miền Nam. Còn
bây giờ các mộ đó đã được di dời phục vụ
cho việc mở rộng đường và nâng cao chất lượng, thành đường cao tốc nên chúng ta
ít gặp.
Tôi muốn nói đến những ngôi mộ đặc biệt, trước đây, khi mà chưa có nhiều
ô tô và xe máy như bây giờ. Người chết do nạn đói mấy chục năm về trước: Đó là
mộ của ông cụ già qua đời giữa đường huyện lộ, đoạn từ Cồn Hàng đi Yên Sở. Hai
bên đường là hai cánh đồng, lúa mới bén rễ đang lên xanh. Tôi đoán chắc khoảng
tháng hai âm lịch gì đó. Không biết ông cụ đến đây từ bao giờ, người đi đường
chỉ biết rằng: chiều qua vẫn chưa gặp cụ. Sáng hôm sau khi trời đã sáng rõ,
những người đi Chợ Sở, Chợ Dinh bán cá mới phát hiện cụ đã chết từ đêm. Vì ở
giữa cánh đồng hai xã cách nhau gần 2 cây số nên chẳng ai sẵn hương để thắp cho
cụ. Chiều về chỉ thấy có thêm cái chiếu cũ đắp sơ sài. Mấy làng xã chung quanh
đã được thông báo nhưng không có người đến nhận. Cụ ra đi không tên, không
tuổi, không con cháu họ hàng thân quen. Đến quê quán cũng không có nốt. Đối với
Cụ, một vụ mùa giáp hạt thất bát quá
dài, Cụ không chờ được một bữa no bằng gạo, ngô hoặc khoai sắn!...
Dân sở tại đã chôn cất cụ bằng manh chiếu mỏng thừa đầu thừa đuôi, đào
huyệt bằng cuốc, hố nông choèn choẹt, cùng với nấm mộ lè tè bên lề đường. Mấy
thẻ hương đã được thắp lên của những người đi bán cá từ sáng sớm đã tan buổi
chợ vì người ta kháo nhau đã chôn cất cho cụ xong xuôi.
Từ đó trở đi , cứ mỗi lần dân miền biển đi chợ sớm bán cá qua đây, mỗi
người đều mang theo một cục đất, góp phần đắp mộ và thắp hương cho Cụ. Cầu mong
Cụ bình yên, đi về Tiên giới và phù hộ cho họ buôn may, bán đắt. Chiều về lại có
thêm hương và hoa quả, cảm tạ Cụ. Người ta thành tâm thờ phụng Cụ như một vị
thần. Và cứ thế mỗi năm mộ Cụ ngày một cao to, hương khói nghi ngút. Từ đó mộ
Cụ như một địa danh, cứ nói đến “Mả Ông Cố” là người trong vùng biết ở vị trí
nào rồi.
Phải nói là những người buôn bán hoặc làm ăn mang tính thị trường, dù
tiền vốn ít ỏi, họ đều có một nét văn hóa tâm linh riêng là tôn thờ thần linh
và luôn nghĩ mình làm ăn phát đạt, ăn nên làm ra đều có phần phù hộ,
độ trì của các đấng bề trên nên việc thờ tự của họ rất cẩn thận và chu đáo.
Trong một lần đi câu cáy ở một bãi ven sông Bùng, cha tôi kể câu chuyện về nạn đói 1945 ở
quê tôi, làm tôi nhớ mãi: Khoảng tháng 2 năm Ất Dậu (1945) người ăn xin đi trên đường QL-1 này nhiều
lắm. Toàn người Nam
Định, Thái Bình vào. Tại quãng này có 2 mẹ con đói lả ngồi bên vệ đường. Da bọc
xương, đầu tóc quần áo rũ rượi. Đứa trẻ đầu to, chân tay teo tóp, mắt trắng dã, đầu
ỏng, đít beo, cũng đã đói lả, chỉ còn thoi thóp thở. Người mẹ nôn ra toàn lá cỏ…Mặc
dù bên cạnh có một củ khoai luộc, chắc là khách đi đường vừa cho nhưng mẹ con
bà ấy đã mê man không còn biết gì nữa. Chiều hôm đó cả hai mẹ con đều chết bên
vệ đường!...
Những người chức trách địa phương vùi mẹ con bà ấy ngay tại đây
với mấy nhát đất gọi là mộ. Vô danh, không quê quán. Về sau có mấy trường hợp
nữa, người ta dùng xe thô sơ gom lại và chôn chung một hố…
Bất ngờ tôi thấy nghẹn giọng vì thương người ta quá. Cùng là dân mình cả mà cũng
chẳng còn gì để chia sẻ trong trường hợp cùng quẫn, đói khát đến chết như thế
này…
Nghĩ đến cuộc sống dân mình ngày ấy với
hôm nay thật một trời một vực. Ai bảo không nhờ ơn cách mạng đó chỉ là số rất
ít. Những người phủ nhận công ơn cách mạng họ đã cố tình nhắm mắt trước lịch
sử, cố tình thù hận, trái với số đông người Việt mà thôi…
NQH
Hà Nội ngày 15 tháng 9 năm 2017