Tình bạn

( Thân tặng hai Kiến trúc sư:
 Tạ Vạn - Diêu Công Tuấn )


Tôi cảm động về tấm hình tình bạn
Mấy chục năm vẫn gắn bó thương thân
Dù thác ghềnh đến với mỗi cá nhân
Dù sóng gió nếm đủ mùi mặn chát.

Đời vất vả với bao điều ngọt nhạt
Vẫn bên nhau tình bằng hữu không lìa
Dù khoảng trời ngàn dặm cách chia
Vẫn nhung nhớ vơi đầy trong họ.

Tuổi tám mươi với bao điều đã có
Gặp được nhau bao vất vả gian nan
Vẫn yêu nghề yêu bạn ngập tràn
Như thuở trước cùng chung trường chung viện.

Dù hoàn cảnh đẩy đưa vẫn một lòng thương mến
Đến hôm nay gặp mặt thật mặn mà
Người dùng gậy chống chân khi tiếp bước
Người gồng mình đỡ bạn dựa đi qua.

Tấm ảnh này gây xúc động gần xa
Những ai quen đều có chung cảm xúc
Dù thời gian dành cho nhau từng lúc
Nhưng vững bền như bạn thuở hàn vi...

Giới thiệu tập thơ mới

Thưa các bạn.
Tôi vừa hoàn thành in tập thơ mới: "BA BẬC THỀM NHÀ" do NXB Văn Học cấp phép phát hành. Giáo sư Tiến sĩ nhà nghiên cứu phê bình văn học Trịnh Thị Minh Thái đã có mấy lời nhận xét về tập thơ này. Tôi xin đăng lại bài viết của chị để mọi người cùng tham khảo.


  



MẤY LỜI GÓP BÚT CHO TẬP THƠ
"BA BẬC THỀM NHÀ" CỦA
NGUYỄN QUANG HUỆ

            Từ trước đến nay độc giả xa gần yêu mến Nguyễn Quang Huệ qua các tập thơ anh viết cho lứa tuổi thần tiên, tiêu biểu là các tập: Gà mẹ gà con, Chuyện gấu và mèo, Dê trắng dê đen, Công chúa ếch... Đó là những vần thơ trong sáng, là tất cả tình yêu thương anh dành cho thế hệ tương lai của đất nước. Song có thể nói mình thơ viết cho thiếu nhi thôi chưa đủ để làm nên một Nguyễn Quang Huệ luôn sống trong lòng bạn thơ và những người yêu thơ như hôm nay. Phải kể đến một mảng đề tài khác - đó là thơ viết về tình yêu quê hương đất nước. Ở đề tài này, anh đã để lại dấu ấn qua các tập: Dòng sông ký ức, Chợ quê...  Và đặc biệt là thi tập mới nhất có cái tên rất dung dị, mộc mạc: "Ba bậc thềm nhà".
            Nguyễn Quang Huệ được sinh ra ở Diễn Hạnh - Diễn Châu - Nghệ An. Lớn lên anh đi học đại học rồi công tác và định cư tại Hà Nội. Là một người thiết tha với xứ Nghệ - nơi "chôn nhau cắt rốn", anh thường xuyên về thăm quê và tích cực tham gia các hoạt động văn hóa - xã hội của quê mình. Trong lần về thăm quê nhân dịp xã nhà đón bằng đạt chuẩn NÔNG THÔN MỚI, được một số bạn bè và cán bộ xã gợi ý, Quang Huệ đã xuất bản riêng một tập thơ viết về quê hương. Nhà thơ bộc bạch: "Ba bậc thềm nhà" là tập hợp những bài thơ mới sáng tác về đề tài quê hương đất nước, để tập thơ được dầy dặn và đầy đủ hơn, anh lấy thêm một số bài đã in ở các tập xuất bản trước đây, có bổ sung và chỉnh sửa.
Là một người con xa quê từ lúc còn mười tám đôi mươi nhưng Nguyễn Quang Huệ vẫn một lòng hướng về quê mình. Có lẽ những ai ra đi từ lũy tre làng, sống xa quê hương mới thấm thía được nỗi nhớ quê luôn thường trực, có lúc cồn cào như từng đợt sóng cứ thao thiết vỗ đập trong lòng. Dù đi đâu, về đâu thì hai tiếng “quê hương” thiêng liêng luôn vang vọng trong tâm khảm nhà thơ. Trong suốt chặng đường mấy mươi xuân đời, dù sống nơi thành thị tấp nập người xe song chưa bao giờ Quang Huệ quên những kỷ niệm tuổi thơ nơi quê nhà. Nhà thơ đặt tên cho thi tập của mình là "Ba bậc thềm nhà" với dụng ý nghệ thuật, anh muốn nhắn nhủ đến mọi người hãy biết nhớ về nguồn cội, nhớ về quê cha đất tổ của mình, bởi một lẽ "quê hương nếu ai không nhớ, sẽ không lớn nổi thành người". Từ thuở lọt lòng Nguyễn Quang Huệ đã gắn bó với mái nhà thân thương của mình, hình ảnh ba bậc thềm nhà quen thuộc đã in sâu trong tâm trí: "Thân thương ba bậc thềm nhà/ Đi vào bao lượt đi ra bao lần/.../ Từ sĩ tốt đến quân vương/ Nào ai quên lúc náu nương thềm nhà/ Ngàn đời từ thuở ông cha/ Lớn khôn, khờ dại từ ba bậc thềm..." (Ba bậc thềm nhà). Bài thơ đã làm lay động lòng người bởi chắc rằng nếu ai đã đọc bài thơ trên đều sẽ có những phút lắng lòng để nghĩ suy và chiêm nghiệm về giá trị đích thực của cuộc sống.
Thơ Nguyễn Quang Huệ rất tinh tế, mỗi lời thơ anh viết ra không chỉ mang cảm xúc sâu lắng, tình cảm chân thành mà còn chứa đựng những triết lý nhân sinh sâu sắc. Tôi rất thích bài "Chợ quê" của anh bởi chỉ một khổ thơ thôi cũng đã khái quát được cái hồn cốt của một vùng quê giàu truyền thống văn hóa, gửi gắm vào đó tình quê chan chứa, thật đáng trân trọng biết nhường nào: "Tiền nhiều mặc những đâu đâu!/ Chợ quê góp nhặt lá trầu quả cau/ Cảnh quê nghèo túng có nhau/ Không đi nhớ bạn nhớ bầu lại đi" (Chợ quê).
Trước đây quê hương nhà thơ cũng như bao vùng nông thôn khác của cả nước nói chung và xứ Nghệ nói riêng, quanh năm lam lũ bên ruộng lúa, luống khoai mà vẫn không thoát khỏi được cái đói, cái nghèo. Song dưới ánh sáng của Đảng, người dân lại chịu thương chịu khó, cần cù, sáng tạo... vì vậy mà giờ đây Diễn Hạnh đã được thay da đổi thịt, khoác trên mình màu áo mới sáng tươi. Ngày toàn xã hân hoan đón nhận bằng đạt chuẩn "Nông thôn mới" đã minh chứng cho sự đoàn kết một lòng, cố gắng không ngừng của toàn Đảng, toàn dân: "Nông thôn mới kể từ nay/ Chắt chiu công sức bao ngày mới qua/ Vun trồng nay được đơm hoa/ Ngày vui tràn ngập quê nhà thân yêu" (Xã nhà mở hội mừng công). Nhìn làng quê đổi mới, ngày thêm ấm no, giàu đẹp, hơn ai hết Nguyễn Quang Huệ rất đỗi vui mừng và tự hào. Chính nơi đây đã nuôi lớn bao anh hùng, thi sĩ từ củ khoai, quả cà muối mặn, từ vị ngọt bùi đậm đà của mắm cáy quê hương: "... Vị ngọt bùi mắm cáy chấm rau lang/ Cơm độn khoai nuôi anh hùng thi sĩ/ Rẻo cát pha ươm mầm thêm mùi vị/ Của quê nhà không lẫn được nơi đâu/ .../ Đường làng giờ xe chạy rộng thong dong/ Trường trung học phổ thông ngay đầu xã/ Con em ta đẹp như vườn hoa nở/ So với thị thành chẳng khác là bao" (Quê ta Diễn Hạnh). Với Quang Huệ, quê hương chính là chốn thiêng, là nơi nương náu của tâm hồn. Hôm nay lịch sử đã sang trang, qua rồi cái thời đói cơm rách áo, nhìn quê mình ngày càng ấm no, hạnh phúc, nhà thơ đã "vẽ" lên một bức tranh bằng thơ thật sống động, vui tươi: "Cầu quê tựa dải lụa mềm/ Bắc qua sông nước êm đềm trôi xuôi/ Trẻ em như đóa hoa tươi/ Tung tăng đến lớp nói cười râm ran/ Xanh xanh những bụi tre làng/ Mái nhà ngói đỏ từng hàng như tranh/ Đường làng nay rộng thênh thênh/ Cửa hàng cửa hiệu bộ hành đông vui" (Chốn thiêng). Trong mắt Quang Huệ có lẽ chẳng nơi đâu đẹp bằng quê mình, một vẻ đẹp bình yên và sống mãi cùng thời gian: "Xông xênh khúc gỗ bà ngồi/ Vui cùng đàn cháu nói cười râm ran/ Yêu sao quanh bụi tre làng/ Cảnh quê vẫn đẹp như hàng công viên..." (Cảnh quê). Trong tập thơ này Nguyễn Quang Huệ cũng dành một phần để viết về cha mẹ với một lòng kính yêu và biết ơn chân thành. Đọc những câu thơ anh viết về đấng sinh thành chắc hẳn ai cũng rưng rưng niềm xúc động: "Cơm dành con lúc ốm đau/ Mồ hôi chát mặn vận sâu vào đời/ Quanh năm nắng dập mưa vùi/ Chỉ mong con lớn thành người giỏi giang" (Công ơn cha mẹ). Nhà thơ nhớ lại những năm tháng cơ hàn bên gia đình, càng thấu hiểu tấm lòng và công lao không gì có thể đong đếm được của mẹ cha: "Ai so được lòng mẹ cha dâu bể/ Lo cho con từng tấm áo bữa cơm/ Gạo độn khoai nghẹn miệng buổi chiều hôm/ Nuôi khát vọng từ cọng rơm ngọn lá" (Cổng nhà).
            Thơ tình cũng là đề tài góp phần làm cho tập thơ thêm phong phú và lôi cuốn người đọc. Từ thơ viết về kỷ niệm tình yêu học trò cho đến những bài viết cho người vợ thân thương đều giàu rất cảm xúc, lãng mạn và thi vị: "Hai đứa hai trường vẫn khác nhau/ Em trường Nguyễn Huệ, anh Diễn Châu/ Hai lối đi riêng khi đến lớp/ Mà sao như thấy vẫn cùng nhau/.../ Học xong cuối cấp anh ra Bắc/ Năm sau em có giấy nhập trường/ Gia đình chắc chỉ còn phỏng đoán/ Có lẽ là chúng nó yêu thương..." (Đường đi học). Cách nhân vật trữ tình thể hiện tình yêu trong thơ Quang Huệ mới tình tứ và tinh tế làm sao: "Em muốn làm dòng sông/ Cho thuyền anh xuôi ngược/ Nâng niu trên mỗi bước/ Những bến bờ anh qua" (Một lòng bên anh).
"Ba bậc thềm nhà" ra đời từ tinh thần lao động nghệ thuật nghiêm túc hòa quyện với tình yêu sâu sắc dành cho quê hương của Nhà thơ Nguyễn Quang Huệ. Đó là một mối tình quê chung thủy, thiết tha, nồng thắm. Xin chúc cho cánh diều nghệ thuật của nhà thơ sẽ bay cao, bay xa hơn nữa, góp thêm cho đời những vần thơ giàu giá trị.

Nhà nghiên cứu phê bình văn học
 Trịnh Thị Minh Thái


Bệnh nhân đặc biệt

( Chuyện ở phòng 306 nhà 10 )

Bệnh nhân sa ruột
phải mổ kéo cơ
gây mê hết giờ
tỉnh dần cụ hỏi:

- Tại sao bị trói
lập biên bản ngay
theo mẫu sau đây
đủ năm chữ ký.

Bà nhà thủ thỉ
thôi nào ông ơi
ông được mổ rồi
còn đau lắm đó.

Nằm yên một chỗ
vết mổ mau lành
la hét linh tinh
đây là bệnh viện.

- Người nào ra lệnh
bắt tôi vào đây ?
mổ bụng thế này
kiện lên tòa án.

- Ông ơi hãy tạm
bình tĩnh đã nào
vết mổ lành mau
kiện ai cũng được.

Mắt ông ngơ ngác
đây là nơi đâu?
gọi ủy ban mau
vào đây nói chuyện.

Giằng co một chuyến
chân đạp lung tung
người nhà đau lòng
sợ bung vết mổ!

Hai viên thuốc ngủ
cụ dịu cơn dần
bà mới phân trần
ông tai biến não.

Khổ thân ông lão
nay tuổi tám tư
luôn mồm xin thưa
bàn giao công việc...


Ghi chú: Bệnh nhân bị sa đỳ nặng cả hai bên nên phải mổ kéo cơ. Trước đây cụ là Thanh tra Bộ Thương Mại. Nghỉ hưu hơn chục năm bị tai biến não nên bây giờ thỉnh thoảng vẫn lên cơn kích động, tinh thần có lúc không minh mẫn. Tuổi già nhiều khi bệnh tật éo le như vậy đấy. Thật thương cho cụ. Kính chúc cụ chóng lành bệnh về gia đình vui vẻ cùng con cháu.

lăng mộ đá toyota thanh hóa