Nước mắt chảy xuôi

 

      15.  Nước mắt chảy xuôi

                    Truyện ngắn của Nguyễn Quang Huệ

 

      Chờ đợi gần mười tháng trời, hôm nay Bân mới nhận được giấy báo tập trung để chuẩn bị làm hộ chiếu lên đường sang hợp tác lao động tại Cộng hòa Iraq. Hết ra ngõ lại vào nhà, chỉ mong Cúc đi chợ về để khoe với vợ giấy của Công ty xuát khẩu lao động triệu tập. Bân đọc đi, đọc lại từng dòng, từng chữ, mặt mày dãn nở, ra vẻ hài lòng lắm. Có lẽ tờ giấy này rất quan trọng vì bắt đầu cho sự đổi đời của vợ chồng Bân cũng nên.

     Vừa về đến đầu ngõ Cúc đã thấy chồng vui vẻ khác thường, nét người tươi rói, Bân không muốn để vợ chờ lâu, bước đến đầu sân đón vợ.      

     Đưa tay dắt chiếc xe đạp giúp vào sân, Bân rút vội tờ giấy đã gấp gọn nằm trong túi áo mở ra khoe với Cúc: Lần này anh được đi thật rồi mình à. Không như những lần trước, cứ nghe tin vịt nay thừa loại thợ này, mai thiếu loại thợ kia lại phải rủ nhau chạy đôn chay đáo sáu chục cây số, từ Phả Lại phi lên Hà Nội, nghe ngóng tình hình đi ở thế nào để còn chuẩn bị. Lần này vợ Bân cũng vui mừng không kém chồng: Anh được đi nước ngoài một chuyến thì còn gì bằng.

     Cúc động viên chồng: Thời cơ đến rồi, anh mừng em cũng mừng. Ngặt nỗi gia đình mình ít người, anh đi chỉ còn hai mẹ con ở nhà, em khuyên bảo dạy giỗ con sao đây. Thằng Tuấn có lớn mà chưa có khôn. Riêng chuyện học hành chểnh mảng, ham chơi, thỉnh thoảng lại bỏ học. Mười bốn tuổi rồi rất hay cãi lại bố mẹ, lực học ngày càng sút kém. Cô giáo phàn nàn nhiều hơn trước. Hầu như nó chưa được khen bao giờ. Hôm nọ em gặp cô giáo ở đầu làng, cô trao đổi sơ qua về nó, nói chung là buồn nhiều hơn vui...

     Nhắc xe đạp dựng sát vào thềm nhà, hai vợ chồng dắt tay nhau vào bên trong, Ngồi bên bàn uống nước, Cúc đọc kỹ giấy báo tập trung. Bân nhìn vợ âu yếm và nói với Cúc rằng: Anh đi xa, em ở nhà chắc chắn là vất vả. Mỗi người cố gắng một chút rồi sẽ qua. Hai năm chưa phải là dài, khổ nỗi công ty hết việc làm. Việc xây dựng nhà máy điện đã hoàn thành và bàn giao cho bên A mà công trình mới lại chưa có. Các xí nghiệp cho công nhân thay nhau nghỉ viêc không lương nên không đi không được, ở nhà lấy tiền đâu mà sống. Anh sang đấy sẽ cố gắng làm thêm giờ để có thêm thu nhập và gửi về giúp mẹ con qua ngày. Nghe vậy Cúc rơm rớm nước mắt:

-          Em cũng mong anh luôn mạnh khỏe, đừng làm việc quá sức, ăn uống đầy đủ đừng quá tiết kiệm, giữ gìn cho đến ngày về…

     Kể từ ngày được đăng ký ghi tên, đến nay được gọi tập trung tại Trường Công nhân Kỹ thuật Xây dựng ở Dốc Vân để khám sức khỏe, học tập nội quy, phổ biến phong tục tập quán bên nước bạn. Một nước Hồi giáo ở Trung Đông Với bao huyền thoại và tập tục lạ ..

     Qua bao nhiêu thủ tục rườm rà, Bân nhớ mãi hôm đi khám lần đầu, xếp hàng hồi lâu mới đến lươt, tự nhiên mất bình tĩnh, hồi hộp thế nào đó mà tự mình lăn đùng ngã ngửa tại phòng cân đo. Cũng may phòng đông người, mình ngồi dậy được ngay nên cán bộ y tế không nhìn thấy.

     Mấy phút sau người phụ trách gọi tên bước lên bàn cân, được trên năm mươi bảy ki lô, chiều cao được trên mét sáu. Thế là đạt yêu cầu về chiều cao và cân nặng. Khám nội khoa tim phổi gan thận huyết áp…không việc gì, đều bình thường. Tai mũi họng cũng vậy. Chỉ còn thi tay nghề là lo hơn cả. Nhưng mình là thợ nề bậc bốn, trên hai mươi năm xây trát, chắc chắn mình không lo. Chỉ sợ mất bình tĩnh chậm thời gian hoàn thành 20 mét vuông trần, nhưng rồi cũng qua. Thi tay nghề xong, chuẩn bị chụp ảnh làm hộ chiếu. Mấy ngày sau được nghỉ một tuần về nhà chuẩn bị lên đường…

      Hôm nay Bân cứ suy nghĩ phải làm thế nào để duy trì cuộc sống cho vợ con ở nhà. Cúc chưa phải nghỉ luân phiên không lương theo chủ trương của xí nghiệp vì Cúc là phó phòng kế toán tài vụ. Mọi việc liên quan đến hoạt động của ban giám đốc đều cần có tiền, sự triển khai dự tính phân công cho các nhân viên phục vụ lãnh đạo nên lương tháng chưa ảnh hưởng. Nhưng những tháng về sau thì sao? Khó đoán định lắm.

     Buổi chiều lúc đi làm về Cúc đã thấy chồng chuẩn bị bữa cơm chiều gần xong, Cúc vui và cán ơn chồng chu đáo giúp vợ. Trong bữa cơm gia đình. Hôm đó Bân bàn với vợ vay mượn bên nội bên ngoại mỗi người một ít để đến lúc khó khăn đem tiền đó ra chi tiêu. Trước mắt anh cũng phải mua một vài thứ cần thiết để sang đó có cái dùng. Nghe anh em đi đợt trước về kể lại, mùa hè bên ấy nóng bốn mươi, năm mươi độ, nhưng mùa đông lạnh cóng, nước đóng băng, nghĩ mà sợ.

     Có tiếng bước chân đi vào sân, Cúc nghiêng đầu ngó ra, và nói nới chồng, con nó đi học về. Bân ân cần gọi con: Tuấn cất sách vở, rửa tay chân nhanh vào ăn cơm, Tuấn ngạc nhiên thấy khác thường hơn mọi hôm hỏi bố, mẹ:

          - Hôm nay nhà mình ăn sớm thế ạ? Mọi hôm bảy rưỡi chiều mới ăn kia mà. Bân nhẹ nhàng giải thích: 

     - Hôm nay bố nghỉ ở nhà, không đi đâu cả, tiện thể đi chợ, nấu cơm giúp mẹ.

      Sau giờ làm việc về nhà, mẹ và con có mâm cơm sẵn do bố nấu càng thích chứ sao. Con đi học cô giáo có trách cứ gì không?

     - Cô giáo không nhắc gì đâu bố ạ. Nhưng cô rất hay truy bài con. Nhiều lúc chuẩn bị  chưa kỹ mà cô cứ hỏi liên tục như trù úm một học sinh kém cỏi làm con rất nản và không muốn học nữa. Con định học xong cấp hai xin đi học nghề như bố. Mặt Bân xịu xuống, nói với con trai:

     - Con không được có suy nghĩ do mình học kém nên chán nản. Con cứ đi học đều, tập trung nghe cô giảng, về nhà ôn bài và làm bài tập đầy đủ, bố tin con sẽ khá lên và sẽ  chăm chỉ học hành, thích đi học, thích đến lớp. Việc cô giáo truy bài con nhiều hơn các bạn cũng là biện pháp nhắc con đi học đều hơn. Bố sẽ trao đổi với cô về việc giúp con tiến bộ. Điều quan trọng là con có quyết tâm cố gắng hay không. Theo bố nghĩ con có thể  làm được việc đó. Tương lai con sau này tùy thuộc vào việc học tập của con ngay từ bây giờ. Trước mắt hết cấp hai, tiếp tục cấp ba. Bố mẹ sẽ cố gắng nuôi con ăn học đến nơi đến chốn.

     Con thử nghĩ xem: Một người không có kiến thức, khi lớn lên làm được gì ngoài bán sức lao động, làm cửu vạn. Có làm thợ lên bậc cao như bố cũng mất hàng chục năm mới thành thợ giỏi được. Cho nên đối với con việc quan trọng nhất lúc này là phải học hành thật giỏi. Nghe bố nói dài dòng quá, Tuấn sốt ruột chen ngang:

      - Bố cứ yên tâm lên đường, con hứa sẽ học hành như lời bố dặn.

     Nghe con nói thế, Cúc cảm động, mừng vui ra mặt. Bân cũng vậy. Chưa bao giờ yêu thương con như lúc này. Bân nói với vợ: Có lẽ do quá kỳ vọng vào con, thành ra phương pháp giúp đỡ bảo ban không đúng, dẫn đến gây áp lưc cho con cái tự ty nên thiếu cố gắng. Con chán học do nó một phần, nhưng cũng do bố mẹ một phần vì chỉ có đôn đốc thúc dục mà thiếu kỹ năng hướng dẫn con học, nên con thua kém bạn bè là phải rồi…

      Bố ra đi lần này là lần đầu. Hy vọng con ở nhà, ngoài giúp mẹ việc gia đình còn phải chăm lo việc học hành, vậy bố mới yên tâm được. Nghe lời con hứa bố rất vui lòng và chờ đón các tin vui và tiến bộ của con…

     Ngày trở lại tập trung đã đến, Bân đến trước ba mươi phút đã thấy anh em có mặt đầy đủ. Cán bộ của công ty kiểm tra danh sách gần ba trăm người không vắng một ai. Lần lượt gọi từng người lên nhận hộ chiếu. Ai cũng vui, ngắm nghía kỹ từng trang từng dòng. Nhất là ảnh cá nhân được in mầu trực tiếp vào trang số 2, có đầy đủ họ tên, ngày tháng năm sinh, quê quán, giới tính, số hộ chiếu.

     Hộ chiếu phổ thông bìa màu xanh lá cây, in hình quốc huy Việt Nam màu nhũ vàng còn thơm mùi mực in hấp dẫn. Lần đầu trong đời sở hữu hộ chiếu đi làm việc ở nước ngoài, tự hào lắm chứ. Không ngờ đời của một thợ nề lại được cấp hộ chiếu ra quốc tế làm việc. Hai giờ chiều nay phải có mặt ở sân bay để qua nước bạn. Bân đã báo tin cho Cúc biết và dặn: Nếu ở xí nghiệp có ai đi tiễn thì xin với họ đi cùng.

….

     Sáu giờ ba mươi chiều máy bay cất cánh, nhưng hai giờ đoàn của Bân đã tập trung tại nhà ga. Cúc và con trai cũng có mặt. Nhà ga đông chặt người đi và người đưa tiễn. Quang cảnh tấp nập nhưng không ồn ào.

     Từng gia đình cứ quyến luyến bên nhau, dặn dò, khuyên bảo nhau trước lúc vào phòng chờ đợi ra máy bay. Bân đưa tấm hộ chiếu cho hai mẹ con xem. Cả hai hào hứng lật qua lật lại mặt dãn ra vui mừng lắm. Tuấn trao hộ chiếu cho bố và nói sau này con cũng đi như bố.

     Vui thì vui vậy nhưng mắt Cúc ngân ngấn nước trước giờ xa nhau làm cho Bân mủi lòng, anh chỉ biết an ủi vợ: Thôi, em cố lên nhé và quay sang con trai nhăc lại lời hứa của con lúc ở nhà: Còn Tuấn hãy nhớ lời con hứa là sẽ cố gắng học tập. Nếu học tốt, chăm ngoan, giúp đỡ mẹ, lúc bố về sẽ có món quà xứng đáng. Đừng để bố mẹ thất vọng.

     Sắp đến giờ chia tay rồi, Bân đặt tay lên vai vợ và nói:

    - Chúc mẹ con ở nhà bình yên. Có việc gì đột xuất hai mẹ con nhớ viết thư, báo tin thật cụ thể.

     Có tiếng chuông bính boong báo hiệu và tiếng phát thanh viên thông báo mời quý khách đi chuyến bay đến Bát Đa mười tám giờ ba mươi tập trung vào phòng chờ. Cúc và con trai chờ cho bóng của chồng, của cha khuất hẳn mới quay về, lòng vui buồn lẫn lộn…

      Đêm ấy về Cúc nhớ mấy ngày vừa qua trong nhà ngày nào cũng đầy ắp tiếng cười. Gia đình thật hạnh phúc vì nghĩ đến tương lai đang rộng mở. Tình yêu vợ chồng hiện rõ trên khuôn mặt mỗi người. Đêm nay lại khó ngủ rồi, Cúc nghĩ mung lung không chợp mắt được vì trống trải quá. Nàng quờ tay sang bên cạnh thấy giường rộng như thừa thãi làm sao.

     Vẫn chiếc gối anh gối đầu hàng đêm nhưng từ nay vắng người. Vắng tiếng ngáy của chồng mỗi đêm mà lòng nàng ngao ngán. Vắng bàn tay thô ráp vẫn để yên trên ngực nàng, nắn bóp một cach hời hợt xong lại ngủ và vắng cả mùi mồ hôi dầu chua nồng thân thuộc. Ở phòng ngoài con trai vô tư ngủ say như vốn nó vẫn vậy, còn mình mắt cứ cứng đơ không sao chợp mắt được. Nếu cứ kéo dài tình rạng này chắc chắn sẽ bị ốm.

     Một tuần sau đó mới quen dần sự vắng bóng của chồng. Chả biết bây giờ ở bên nước bạn anh ấy đang làm gì, đang ở công trường hay đã về nhà nghỉ ngơi để ngày mai lại tiếp tục công việc…

      Mấy chị em cùng có chồng đi nứơc ngoài đợt này lại tụ tập, to nhỏ bảo nhau đi tháo vòng tránh thai để các ông chồng không nghi ngờ về lòng chung thủy của vợ. To mồm nhất là cô Thọ cứ bô bô: đi tháo vòng ngay đi để các ông ấy yên tâm làm việc kiếm tiền. Cô Thủy cũng tham gia góp chuyện:

     - Bọn mình ở nhà không có việc làm các ông lại cho rằng “nhàn cư vi bất thiện”. Các ông ấy lại nghi ngờ dùng vốn tự có để có thêm thu nhập, bù cho những ngày không lương. Mỗi người mỗi ý nhưng các chị đều cho rằng quyết sách đó rất hay, mình không dối lòng mình với chồng để tránh những trường hợp như đợt trước một vài người đã bị dư luận bên ngoài bàn ra tán vào, bị chồng nghi ngờ quan hệ ngoài luồng, dẫn đến tan vỡ. Trong thư viết cho chồng Cúc đã báo điều này cho chồng biết và cũng thanh minh rằng đáng lẽ phải bàn bạc với anh trước, nhưng cả tốp bạn kéo nhau đi nên không kịp xin phép anh…

     Khoa sản bệnh viện huyện hôm nay sao lại đông bệnh nhân thế? Bác sĩ Bệnh viện trưởng Nguyễn Tuấn Anh ngạc nhiên thấy lạ. Sau khi hỏi một vài người mới biết chị em đi tháo vòng tránh thai. Mặt ông cau lại. Sao có chuyện gì đột xuất mà lại đi tập thể trong khi nhà nước vẫn khuyến khích sinh đẻ có kế hoạch. Cô Thọ trình bày lý do chính đáng, ông đã hiểu ra, nhưng khuyên chị em đừng vội vàng vì có thể có biến chứng sau khi thực hiện.

     Thời gian cho một ca từ mười đến mười lăm phút, sau đó nghỉ tại chỗ hai tiếng mới được về. Đó là các chị không có bệnh phụ khoa. Người có bệnh phải điều trị bệnh trước, khỏi bệnh mới thực hiện được. Một vài người vòng rơi ra ngoài lúc nào không biết do bác sĩ không tìm thấy, đành chịu hoặc tiếp tục đặt vòng mới.

     Nghe các chị kêu ca mà thấy não lòng, đi công nhân xây dựng đúng là đi vào ngõ cụt. Lúc cần tiến độ thì hết chiến dịch nọ đến chiến dịch kia, làm việc liên tục, không kể nắng mưa, gió rét. “Làm hùng hục như trâu húc mả”, nhất là lúc đổ bê tông khối lớn, đào hố móng hay san chỉnh mặt bằng, dọn dẹp hoàn thiện công trình.

     Thời kỳ đổ bê tông móng ống khói, móng lò, móng gian bun ke, gian máy thì thôi khỏi nói, vất vả vô cùng. Làm liên tục cả ngày lẫn đêm, có khi mấy ngày liền. Đến khi công trình hoàn thành lại nghỉ việc không lương. Nhà cửa tạm bợ, con cái học hành lỡ dở. Không biết các nhà quản lý có biết việc đó không? Hết việc nghỉ không lương lại áp dụng giảm biên chế theo thông tư 176, cho về hưu non hoặc trợ cấp cho hưởng một cục mà đối tượng này thường là nữ. Nhất là ai có chồng được tuyển chọn đi làm việc ở nước ngoài. Chị em mình cứ chờ xem liệu xí nghiệp và công ty sẽ áp dụng hình thức nào đây đối với chị em mình !

….

     Bân đã đi được hơn bốn tháng. Nỗi nhớ nhà và nhớ vợ con da diết. Viết thư về cho vợ, Bân không quên gửi kèm những bức ảnh vừa mới chụp và kể về cuộc sống hiện tại: Em biết không, đường sữa ở đây nhiều và rẻ lắm. Rẻ đến nỗi bốn anh em trong buồng góp tiền mua chung một bao tải để ở góc phòng, ai muốn dùng bao nhiêu cứ việc. Đồ ăn thức uống sẵn, dễ mua. Mới ba tháng mà người nào cũng lên cân và trắng ra, đẹp đẽ hẳn lên.

     Bân báo tin cho vợ đã đổi được hai trăm Đô La, nhưng chưa gửi về. Đợi lúc nào có người về nước sẽ gửi cho vợ trả nợ. Công việc bên này làm nhàn hơn ta tưởng vì máy móc sẵn. Các phụ nề người Xu Đăng phục vụ chu đáo. Họ khuân gạch, vữa, xi măng đến tận tay. Đặc biệt họ không câu giờ như thợ người Việt. Hôm nào làm tốt đều được các kỹ sư nước bạn thưởng thêm giờ, cộng với mỗi ngày làm thêm hai tiếng nên thu nhập khá hơn hai lần ở nhà. Do ăn uống đầy đủ nên anh em mình ít bị ốm đau. Bọn anh đều khỏe cả.

     Nhớ lại hôm mới sang, qua xứ lạ từ sân bay về công tường dài gần hai trăm cây số. Xuống sân bay lúc ba giờ sáng, về đến công trường là sáu giờ. Nhóm quân cảnh bảo vệ công trường lục lọi, bắt mở hết va ly túi xách, có cái gì ưng ý là họ lấy hết. May mình không có gì. Chỉ có bộ quần áo bảo hộ cũ và cái mũ cối, một cái áo bông đã sử dụng mấy năm nay.

     Quân cảnh dùng mũi súng gạt qua gạt lại để kiểm tra thấy không có gì thì cho qua. Một số anh em khác đưa vòng ốc, ki mô nô, tranh lịch mát mẻ của gái trẻ, rượu và đồ quý giá đều bị thu giữ không thấy trả lại. Hàng ngày Bân đi làm xa bảy cây số, có ô tô tải đưa đi đón về. Mỗi người nhập cảnh vào I Raq được cấp 24 Đi na tiền ăn mỗi tháng. Với số tiền đó anh em tự tổ chức nấu ăn thoải mái, không phải chi tiêu đến tiền lương.

…..

     Phần Cúc ở nhà chưa phải thay nhau nghỉ không lương nên đỡ vất vả. Hai mẹ con vẫn có cuộc sống bình thường với phần tiền lương của mẹ. Sáng Tuấn đi học với chiếc xe đạp cũ bố để lại, chiều học thêm hoặc ở nhà ôn bài và làm bài tập. Cúc thấy con chăm học hơn trước nên rất mừng. Chắc là con đã thực hiện lời hứa của mình lúc bố đang ở nhà. Có lẽ sẽ chăm chỉ và tiến bộ hơn trước.

     Cuối năm học, đến kỳ nghỉ hè, con trai nhàn nhã không có việc làm buồn chán quá,  cứ đòi đi buôn với các bạn. Không biết chúng nó rủ rê từ bao giờ mà về tỷ tê với mẹ mượn vốn đi buôn. Tuấn nói mấy bạn đã đi vài chuyến rồi, Sáu đứa cùng trang lứa theo xe ô tô đi Hòa Bình mua gà mang về bến phà bán lẻ. Không biết ai mách nước cho chúng nó:

     -Ở Hòa Bình gà rẻ, mua về bến phà, xe khách, xe con, xe tải dừng lại qua sông, nhiều người mua gà về Hà Nội và các địa phương khác nên bán rất chạy hàng. Cúc nghiêm nghị nói với con: Mẹ không đồng ý để con tham gia việc buôn bán, tính toán lỗ lãi quá sớm. Tuổi của con là phải học hành, Con phải tập trung vào học ôn. Sang năm lên lớp chín, cuối cấp học, nếu học dốt bố sẽ trách mẹ, mắng con ở nhà không bảo ban và lười học, con có chịu được không? Mặt Tuấn buồn rượi nói với mẹ rằng con chỉ đi hai tháng, còn tháng cuối cùng con sẽ quay lại học ôn. Như vậy là hợp lý quá rồi mẹ ạ.

     Thấy con nói như vậy Cúc thấy cũng hợp lý. Với lại đâu chỉ con mình mà còn mấy đứa nữa. Mặc dù vẫn phân vân nhưng rồi Cúc nói với con: Cố gắng không để lỗ vốn. Cúc quay người đưa tay vào túi nhỏ trong cạp quần rút ra một tờ và nói: Tiền này của bố con gửi về, liệu mà tính toán, cuối tháng trả lại vốn cho mẹ. Thế là Cúc cho con vay 100 Đô La, kèm theo lời dặn:

     -Không được la cà đàn đúm, ăn tiêu xả láng, “buôn có bạn, bán có phường” nghe chưa? Khi có tiền rủng rỉnh không được mua lô đề, nghiện ngập, cá độ bóng đá, chơi ghêm. Tuấn mau mồm vâng ạ, nhận tiền từ tay mẹ. Tuy vậy Cúc vẫn không yên tâm, qua mười chuyến đi, Cúc đã kiểm tra đột xuất thấy có lãi. Cả vốn và lãi quy ra được 130 Đô la, đã trừ tiền ăn dọc đường và bồi dưỡng cho lái xe.

     Có tiền Tuấn lại càng say, phiên nào cũng đi từ sáng sớm để kịp chiều vê có hàng bán chiều và tối, dầm mưa giãi nắng nên người đen xạm, trông người gầy hẳn. Cúc sốt ruột nói với con, hay là nghỉ đi không buôn bán gì nữa, nhưng con trai không chịu. Tuấn nói với mẹ:

     - Con chẳng thấy vất vả gì cả, sức con chịu được, va chạm với cuộc sống ngoài môi trường nhà trường con thấy thú vị và cũng là để trải nghiệm đó mẹ. Cúc thấy con trai dạo này nói năng chững chạc, văn vở lắm, chắc lại học được lũ bạn của nó đây. Đúng là “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn”. Thằng Dũng, thằng Lộc bạn nó thỉnh thoảng sang nhà chơi cũng nói dùm nó, khẳng định đi buôn là thượng sách. Nghĩ vậy nên Cúc không can ngăn con nữa…

     Phòng Tổ chức xí nghiệp đã thông báo sang tháng tới Cúc phải nghỉ ba tháng không lương luân phiên nhau trong khối gián tiếp. Lâu nay cô thấy giám đốc nói xa, nói gần về việc này, cho nên có lẽ cùng hỗ trợ cho con việc buôn gà cũng là lối thoát trước mắt…

     Thời gian thấm thoát thoi đưa, mới đó mà đã hơn mười hai tháng kể từ lúc chồng đi. Anh viết thư về báo tin cho vợ: đã đặt mua xe Hon Đa cũ đời 82, đèn vuông, màu xanh cửu long, giá 600 Đô La. Bân không quên nói với Cúc phải mượn bạn bè 150 Đô La mới đủ tiền, làm Cúc nghĩ ngay đến việc giữ lại 200 Đô chồng gửi về để chồng trả nợ. Bân dặn vợ quãng một tháng nữa xe về Việt Nam, bao giờ có giấy báo nhận xe của công ty thì em nhờ người biết đi xe máy cùng đi Hà Nội nhận. Hạn chế để con dùng xe, tránh tai nạn cho con và hư hỏng xe cộ, tránh bị công an phạt vì không có bằng lái, chưa có giấy tờ hợp lệ.

     Nghe tin của bố báo về đã mua xe máy, Tuấn mừng vui hẳn lên. Mong chờ từng ngày để nhận xe. Mở ra hy vọng trước mắt có phương tiện đi chơi với các bạn, hơn nữa có thể dùng xe đi Hòa Bình mua gà hoặc hàng hóa khác. Cúc nhận thấy dạo này con ít nhắc đến việc học tập như kế hoạch từ trước.

      Cúc lo lắng cho việc học hành của nó. Sau khi nhận xe về, Tuấn suốt ngày ngắm nghía lau chùi, ngày nào cũng dong xe ra ngõ tập đi. Chỉ sau một buổi là nó đi được. Nó nói xe này người ta để lâu rồi không sử dụng nên bây giờ phải thay dầu, bỏ xăng cũ đổ đầy xăng mới, bôi mỡ vào xích, cho dầu các trục quay, ốc vít. Tốt nhất đưa ra thợ sửa chữa bảo dưỡng, sau đó đi mới ngon được.

     Cúc không biết gì về xe cộ nên con nói sao nghe vậy. Chỉ hỏi sửa chữa, bảo dưỡng có tốn tiền không? Cúc nói với con:

- Bố dặn con không đi xe máy vì sợ tai nạn, sợ bị phạt vì chưa có đăng ký. Hay còn mấy tháng nữa bố về hai bố con cùng đi bảo dưỡng. Mặt khác nghe các chú ấy nói ở vùng ta không có thợ sửa chữa, phải lên Hà Nội mới có.

      Thôi, để chờ bố về thôi con ạ. Hai bố con cùng đi và tham mưu cho bố. Nhưng đi Hà Nội trong lúc con chưa có giấy phép lái xe, chưa có đăng ký xe sợ Công an kiểm tra thì bị phạt nặng. Tốt nhất con đi học một lớp lấy bằng lái trước đã. Nhưng con lại chưa đủ tuổi năm nay mới mười lăm. Tuấn nói: mẹ cứ yên tâm. Khai thêm một vài tuổi thì đã làm sao?

     Một tuần sau đó, Công an huyện tổ chức lớp học lái xe máy tại công ty. Cả hai mẹ con cùng đăng ký tham gia. Sau một tuần chỉ mình con được nhận bằng lái. Cúc trượt vì thi thực hành đi vòng só 8 không đạt yêu cầu, phần lý thuyết về luật lệ giao thông sai nhiều, nên việc dùng xe đi lại chỉ có mình con trai.

      Từ hôm nhận bằng lái, Tuấn cứ lấy xe đi suốt, Không quan tâm tới lời mẹ khuyên giải, không thấy buôn gà, buôn mía nữa, hàng ngày đi vào buổi chiều mãi chín, mười giờ đêm mới về đến nhà. Nhiều hôm cứ gãi đầu gãi tai, ngáp vặt. Sự thay đổi đó làm Cúc nghi ngờ, gặng hỏi con, nhưng con nói đi giới thiệu sản phẩm cho các xí nghiệp, cũng được tiền hoa hồng lại đỡ vất vả như đi buôn gà. Mấy bạn con cũng chuyển nghề rồi. Cúc thở dài thất vọng. Vậy là kế hoạch đi buôn với con trong những ngày nghỉ không lương không thực hiện được. Nghĩ tới đó lòng dạ Cúc lại càng rối bời, nỗi lo thất nghiệp ngày càng lớn…

     Chiến tranh giữa Iraq và Cô oét đã nổ ra, Chỉ mấy ngày quân đội Iraq đã chiếm được toàn bộ lãnh thổ nước láng giềng nhỏ bé nhiều dầu mỏ như Cô oét. Mỹ là đồng minh của Cô oét phản đối quyết liệt đòi Iraq rút quân ngay lập tức. Các nước đồng minh của Mỹ cũng vậy. Tiếp đó là Mỹ bao vây kinh tế, cấm vận không cho Iraq buôn bán với các nước bên ngoài, phong tỏa tài sản làm cho nền kinh tế Iraq vô cùng khó khăn.

     Người lao động các nước phải về giữa chừng, công ty của Bân cũng vậy. Kế hoạch rút quân đã được hai nhà nước chấp thuận. Nhưng đường hàng không bị Mỹ phong tỏa nên anh em mình phải đi ô tô qua Thổ Nhĩ Kỳ mới có máy bay về nước.

     Mấy ngày chờ đợi thủ tục xuất cảnh là vất vả nhất vì tiền Đi Na của Iraq không thể tìm đổi ra Đô La. Hầu hết người Việt đi lên thành phố Mô Sun cách công trường 170 km để mua hàng và quà cáp cho gia đình. Bân mua được vài áo lông quân đội cho con và biếu ông ngoại. Mua cho vợ một quần bò, mấy mét nhung lông làm khăn vuông. Nói chung mua cho hết tiền mặc dù rất đắt.

     Hai ngày chầu chực ở sân bay Thổ Nhĩ Kỳ, thiếu ăn thiếu ngủ chẳng khác gì dân tỵ nạn. Rồi cũng được nước bạn bố trí lên máy bay về Tân Sơn Nhất lúc 8 giờ sáng. Lang thang ở đây mãi năm giờ chiều mới lên máy bay ra Hà Nội. Bắt xe về tới nhà lúc hai giờ sáng hôm sau. Vợ chồng gặp nhau sau gần hai năm xa cách với biết bao biến cố,  mừng mừng tủi tủi. Cúc dàn dụa nước mắt nói với chồng:

     -Nghe nói bên đó xẩy ra chiến tranh, cấm vận, em và con ở nhà lòng như lửa đốt. Chỉ cầu mong anh an toàn về đến nhà, no đói có nhau, ngày ngày ở bên nhau là hạnh phúc lắm rồi. Cúc cứ ôm lấy chồng gục đầu vào ngực chồng mà hai dòng nước mắt cứ tuôn dài  không dứt. Bân đưa tay gạt nước mắt cho vợ, động viên vợ: Thôi được rồi, bây giờ đã về nhà không sợ gì nữa, vui lên mà làm ăn. Trước mắt có nhiều việc phải làm. Nhớ tới con, Bân hỏi vợ thằng Tuấn nó ngủ say thế à? Mà xe máy đâu rồi? Cúc lúng túng trả lời: Nó xin phép ngủ ở nhà bạn vì bố mẹ bạn ấy hôm nay về quê ăn cưới họ hàng. Nó biết đi xe rồi à? Bân hỏi vợ. Vâng nó có bằng lái rồi. Riêng xe máy chưa có đăng ký, còn chờ bố về.

     Chín giờ sáng hai vợ chồng ngủ dậy thì nhận được tin dữ, do Công an xã báo: Hoàng Văn Tuấn bị tai nạn giao thông cách nhà 10 km, lúc mười giờ đêm, do xe máy đâm vào đuôi xe tải đỗ ở mép đường tỉnh lộ. Hoàng Văn Tuấn đã được chở đi bệnh viện huyện X… cấp cứu. Xe máy hiện cơ quan cảnh sát giao thông huyện X… giữ lại. Đề nghị gia đình đến ngay để giải quyết vụ việc. Nghe thấy vậy Cúc gào khóc thảm thiết: Tuấn ơi! Con ơi sao lại xẩy ra nông nỗi này con ơi. Còn Bân mặt đanh lại méo xệch: Gia đình chờ ngày đoàn tụ, bây giờ mới được sum họp, nhưng con tôi chưa biết bố về, đã gặp tai nạn do chính xe của bố mua. Sao ông trời lại bất công như vậy. Không giám trách vợ vì đã quá nuông chiều con nên mới xẩy ra cơ sự này.

     Lòng Cúc rối bời muốn chạy ngay đến bệnh viện xem tình trạng con trai thế nào. Hoàng Trọng Bân nói như ra lệnh: Em ở nhà, chỉ mình anh đi là được. Đi cả hai thêm vướng víu không cần thiết. Cúc nói như cầu khẩn, hai vợ chồng cùng đi, xem con thế nào đã. Sau đó một mình em ở lại với con, còn anh sang cảnh sát giao thông huyện xem xe cộ thế nào rồi mang về.

     Buổi sáng chưa kịp ăn uống gì nhưng không thể trì hoãn thêm nữa. Vợ chồng Bân đèo nhau bằng xe đạp đến thẳng bệnh viện, nơi con trai đang cấp cứu. Sau gần một tiếng đã đến nơi Cúc và Bân chạy ào vào nơi con nằm. Phòng chỉ có vài nhân viên bệnh viện đang trực. Một y tá hỏi; hai bác là người nhà bệnh nhân bị tai nạn phải không ạ? Vâng ạ, Bân trả lời.

     Cúc khóc to gọi con nhưng con trai vẫn nằm im không động đậy. Đầu và tay quấn băng trắng muốt. Cô y tá nói: Ca cấp cứu từ mười hai giờ đêm, bị thương khá nặng ở mắt, mũi, trán, tay trái bị gãy. Từ đêm đến giờ vẫn mê man chưa tỉnh. Chẩn đoán chấn thương sọ não, bầm dập vùng mặt. Bác sĩ đã cầm máu, khâu vết thương, vệ sinh băng bó, truyền huyết thanh đúng theo y lệnh, bó bột xương tay bị nứt. Bệnh viện yêu cầu người nhà bình tĩnh không khóc lóc ở phòng cấp cứu. Bân cám ơn bệnh viện đã cấp cứu kịp thời cho con tôi, dành lại mạng sống cho cháu.

     Y tá trực tên Thùy Trang nói: Bây giờ chúng tôi chuyển bệnh nhân về phòng điều trị. Nhờ hai bác đẩy giúp theo tôi và từ bây giờ sẽ điều trị theo ý kiến bác sĩ chuyên khoa răng hàm mặt. Có thể ba tuần mới đi lại, ổn định được. Cúc hỏi thế bao giờ cháu tỉnh lại được cô ơi?

-         Tôi không chắc, có thể vài ngày hoặc sớm hơn. Vậy cháu ăn uống thế nào ạ?

-         Tạm thời nuôi bằng đường tĩnh mạch, nghĩa là truyền huyết thanh cho bệnh nhân.

Nghe đến đây Cúc tạm thời yên lòng, dục chồng cùng ra ngoài ăn khỏi đói.

     Y tá dặn hai giờ chiều bác trai hoặc bác gái đến phòng hành chính làm thủ tục nhập viện cho anh Tuấn. Đúng hai giờ chiều Bân làm thủ tục nhập viện cho con xong, lên phòng bệnh dặn vợ: từ bây giờ em ở đây chăm con, anh sang phòng cảnh sát giao thông xin nhận lại xe…

     Nhìn cái xe còng queo bánh trước, đèn vuông vỡ tan nát, Bân đau lòng lắm nhưng cũng may con mình còn sống. Của đi không chắc đã thay được người nhưng trong cái rủi còn lại chút hy vọng để tự an ủi mình.

     Hai ngày sau Cúc thấy con cựa mình, nàng mừng quýnh vội vàng gọi: Tuấn ơi, Mẹ đây, Con mở mắt ra đi , mẹ đây rồi. Nhưng con trai vẫn nằm yên không trả lời mặc dù Cúc cố lay gọi con. Nàng hỏi bác sĩ vì sao vậy thì được trả lời phải có quá trình tỉnh dần, người nhà đừng quá sốt ruột. Hơn một tiếng sau Tuấn lại cựa mình nhưng vết thương còn đau nên không cử động mạnh được. Cúc cứ chìm trong hy vọng con trai mở mắt…

     Sau khi trình bày hoàn cảnh vừa mới chạy loạn trong cuộc chiến ở nước ngoài, đưa hộ chiếu cho cảnh sát giao thông kiểm tra, Bân đã nhận được xe, thuê xe chở về nhà. Anh vội vàng cơm nước sau đó lại trở lại bệnh viện thay vợ chăm con.

     Vết thương ở mặt sau khi thay băng đã khô dần, nhưng phần mềm vẫn sưng tấy, tụ máu. Môi cũng vậy trông rất thương tâm. Bân và Cúc chỉ ước giá như mình gánh đỡ đau đớn này dù nguy hiểm đến đâu cũng đánh đổi số phận cho con…

     Sang ngày thứ tư mắt phải của con trai cứ hé mở dần. Cúc sung sướng gào lên: con tôi đã mở mắt rồi. Tuấn ơi, mẹ đây con, Con có nhận ra mẹ không? Mắt Tuấn mơ màng nhìn trân trân lên trần nhà không tỏ ra có cảm nhận gì là sao vậy mọi người? Bác sĩ trả lời:

     -Cũng phải từ từ khôi phục dần thôi chị ạ. Người nhà cần kiên trì không nóng vội được. Một lúc sau Cúc nhìn vào mắt con thấy rõ tinh khôn hơn nên hỏi: Con có nhận được mẹ không? Tuấn khẽ gật đầu, gắng đưa tay phải nắm tay mẹ. Hạnh phúc vỡ òa. Giá như ngay bây giờ có chồng bên cạnh chứng kiến thì vui biết mấy.

     Từ thất vọng chuyển sang hy vọng về cuộc sống của con trai, người mẹ nào không vui mừng cho được. Sau khi thay bỉm, lau rửa cho con, Cúc vội vàng đi mua cháo, sữa, hoa quả để bồi dưỡng cho Tuấn. Gần một tuần ở bên cạnh con cả đêm lẫn ngày thiếu ăn, thiếu ngủ Cúc gầy đi trông thấy. Nhưng cái vui nhất là con trai đã tỉnh lại sau một đợt hôn mê dài.

     Ở nhà, Xí nghiệp biết tin con trai Bân và Cúc bị tai nạn Giám đốc xí nghiệp Nguyễn Văn Quỳnh đã đến hỏi thăm. Nhìn chiếc xe máy dựng cạnh tường, vành cong số tám, đèn vỡ nát, nắp đèn thủy tinh chắn kính vụn vỡ để lại một hốc tối Giám đốc cũng ái ngại cho gia đình nhân viên của mình. Ông nói chuyến đi này coi như chuyển về số không rồi còn gì. Cháu bị tai nạn nặng lắm không. Mấy vụ đâm vào đuôi ô tô ban đêm ít khi sống sót. Có lẽ cháu đi chậm nên may mắn chỉ bị thương tật. Thông cảm với những bất hạnh của gia đình nên Giám đốc Nguyễn Văn Quỳnh đã quyết định gọi Cúc đi làm việc trở lại, còn Bân sẽ tham gia vào một nhóm thợ nề nhận thầu công trình ở Thị Xã Bắc Ninh, Hai tuần nữa có thể đi làm.

     Nhận được tin vui cả hai vợ chồng đều có công việc, Bân vô cùng cảm động, rối rít cám ơn lãnh đạo đã quan tâm đến hoàn cảnh khó khăn hiện nay của gia đình anh và hứa sẽ thu xếp đi làm sớm.

     Ba tuần sau con trai đã dậy đi dạo quanh phòng bệnh. Đã có thể tự đi vệ sinh, tự ăn uống được. Tháo bông băng các vết xây xước đã khô máu, da thịt khép kín. Khuôn mặt đỡ sưng tấy, đỡ xung huyết. May chưa vỡ xương sọ nên không ảnh hưởng đến thần kinh và trí tuệ, Triển vọng ngày mai xin Bác sĩ xuất viện về nhà điều trị tiếp. Tay trái Tuấn chưa tháo bột, vẫn phải treo tay qua cổ, nhưng nói chung về giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, thuốc thang, ăn uống đầy đủ, một tuần nữa khỏi đến 80%.

     Ngày hôm sau Bân gặp Bác sĩ Bệnh viện trưởng xin cho con về điều trị ngoại trú vì hiện tại cháu đã đỡ nhiều, Viện trưởng nói với Bân: Lúc cháu mới nhập viện cấp cứu bị chấn thương quá nặng. Chúng tôi định chuyển lên bệnh viện tỉnh, nhưng như thế rất nguy hiểm đến tính mạng vì máu chảy nhiều, cháu lại mê man bất tỉnh nên rất lo. Bây giờ đã được ba tuần, gia đình thấy đấy, cháu còn trẻ nên chóng lành, cháu có thể xuất viện được rồi. Đó cũng là điều phúc đức cho gia đình anh chị.

     Nhận giấy xuất viện, đơn thuốc do Bác sĩ cấp, về tự mua, Bân qua phòng kế toán tài chính thanh toán viện phí. Qua phòng hành chính trả lại quần áo bệnh nhân, dụng cụ sử dụng trong thời gian chữa trị.

     Cúc hỏi chồng: Thanh toán viện phí hết bao nhiêu anh? Bân trả lời: Tổng thanh toán quy ra khoảng năm trăm Đô La. May tiền cũ anh gửi về vợ chưa dùng đến cộng với tiền mới mang về vừa đủ. Trước khi đi Bân có đến xí nghiệp thuê xe để đưa con về cho an toàn, nhưng xí nghiệp đã giúp cho mượn. Bân tâm sự với vợ: Đúng là xí nghiệp rất tình nghĩa, thời buổi không có công trình mà quan tâm giúp đỡ những trường hợp khó khăn như nhà mình thật hiếm có.

     Nghe tin con trai Cúc đã ra viện, hơn chục chị em có chồng xuất khẩu lao động rủ nhau đến hỏi thăm động viên an ủi gia đình Bân Cúc. Sau khi mời các bạn uống nước, Cúc rơm rớm nước mắt: Hôm vừa vào phòng cấp cứu cứ nghĩ khôn nghĩ dại, lần này tuột tay khỏi con rồi. Vậy mà qua bốn ngày hôn mê, cháu đã tỉnh lại. Không khí vui vẻ tràn ngập cả mấy phòng bệnh, qua bốn gian nhà. Cô Thọ nói với cả gia đình: Còn người còn của, rồi sẽ làm ra nhanh chóng thôi. Qua được đận này là hên rồi. Năm nay cháu học lớp mười phải không? Nhưng nghỉ gần một tháng liệu có phải nghỉ sang năm học lại không? Tuấn rụt rè trả lời: - Dạ cháu định xin đi học nghề cô ạ. Nghề lái xe hoặc tin học. Thấy có khách đến chơi, mọi người xuống nhà dưới rồi cáo lỗi ra về.

     Cô giáo và mấy bạn học sinh cùng lớp đến thăm Tuấn. Gặp cô giáo Tuấn lễ phép: Con chào cô ạ, chào các bạn. Mẹ Cúc cũng niềm nở chào cô giáo, chào các cháu, nhanh tay rót nước, Cúc mời cô và mọi người. Cô giáo nói: Nghe tin con đã ra viện cô và các bạn đến thăm. Cô trao túi hoa quả cho Cúc rồi quay sang hỏi Tuấn: Con còn mệt không? Liệu sau tuần nữa có đi học được không?

     -Tuấn trả lời: Con đỡ nhiều rồi cô ạ. Việc học tập của con liệu có tiếp tục được không ạ? Con đã nghỉ gần một tháng rồi! Cô  ân cần nói: Con cứ theo lớp, sang năm nếu học lại vẫn tốt hơn. Tuấn nói với cô:

      -Để con xin ý kiến bố con đã, có thế nào con thưa với cô sau.

     Hôm nay bố con đi liên hệ chỗ làm việc trên Bắc Ninh, tối mới về. Cô nói: Con cứ yên tâm điều trị cho khỏi hẳn. Lúc nào đi học tiếp thì báo với cô nhé. Nói xong, cô và các bạn bắt tay Tuấn, xin phép phụ huynh ra về. Cúc tiễn chân cô ra ngõ và nói chuyện gì đó một lúc mới quay lại nhà.

     Khi chỉ có hai vợ chồng Cúc âu yếm hỏi : Anh không có ý định chữa xe để đi làm à? Bân nhỏ nhẹ: Vội vàng gì chuyện này, thứ nhất, chưa có tiền, ngay tiền để sống hàng ngày còn không có vậy lấy tiền đâu mà chữa. Thứ hai, cứ để cho con hàng ngày trông thấy xe hư hại như vậy tự nó nghĩ hậu quả như vậy là tại nó không nghe lời bố dặn. Thứ ba, anh nghi nó nhận ma túy đem giao cho khách hàng hoặc mang từng tép nhỏ đi bán lẻ cũng nên. Anh chưa vội kiểm tra lúc này nhưng bây giờ có hỏi nó cũng không giám nói thật. Em ở nhà giám sát thêm có hiện tượng gì không. Nếu nó không nghiện là phúc tổ nhà mình còn lớn.

     Hôm nay Bân và Cúc cùng đi làm.  Công việc của Cúc là đi rút tiền ở Ngân hàng để xí nghiệp chi trả lương cho anh em. Còn Bân đi lên công trình mới ở Bắc Ninh. Trước khi đi cả bố, mẹ dặn con ở nhà trông nhà không được đi đâu. Trưa đến nấu cơm hai mẹ con ăn, còn bố cuối tuần mới về vì đường xa không về hàng ngày được.

     Ngày vui nhất từ một năm trở lại đây là hôm nay cả hai vợ chồng đều được đi làm, con trai xuất viện trở lại bình thường. Nước mắt chảy xuôi bây giờ tôi thấy thật đúng nghĩa.

 

 

 

lăng mộ đá toyota thanh hóa