Nhà thơ, Nhà báo Hà Quang hiện nay là chánh văn phòng Hội Thủy lợi VN
Phó Tổng biên tập Tạp chí Tài nguyên nước, nguyên là chiến sĩ sư đoàn 305.
Trong buổi gặp mặt các gia đình liệt sĩ và thương binh của khu dân cư, nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày TBLS, ông tặng tôi bài thơ này. Tôi cho đăng lên đây chia sẻ cùng bạn đọc.
HOA DÀNH DÀNH
Hoa dành dành nở bên bờ ao
Dáng e ấp như người con gái
Nhớ ngày anh lên đường ra trận
Những cánh hoa thấp thoáng nắng chiều.
*
Mỗi mùa hoa nói hộ bao điều
Mỗi cánh hoa gợi bao nỗi nhớ
Dành dành ơi, sao mà thầm kín thế!
Chỉ mình em lặng lẽ với hoa thôi.
*
Anh đi xa, bao ngày anh đi xa
Hoa vẫn nở bên bờ ao trước ngõ
Em vẫn đợi một khoảng trời lặng gió
Đón anh về vai áo rắc đầy hoa...
*
Anh đi xa , anh đã đi thật xa!
Tuổi thanh xuân, nơi chiến trường gửi lại
Dẫu biết vậy mà em vẫn đợi
Bởi mùa hoa đâu dễ lãng quên!...
Thơ Hà Quang
04:03
|
Nhãn:
Thơ bạn bè
Cuộc đời mặn chát của một bà mẹ VN Anh Hùng
01:05
|
Nhãn:
Bài viết mới
( Chuyện về bà Nguyễn Thị Thoan, mẹ liệt sĩ Nguyễn Phượng )
Sau
mấy chục năm qua đời, bà mới được nhận sự tôn vinh của nhà nước: Mẹ VN Anh Hùng.
Nhà
nước và nhân dân biết ơn bà. Những nén hương, cây nến thắp lên bái tạ bà, muộn
mằn nhưng trang trọng từ tấm lòng thành kính của chính quyền và mọi người dân
quê nhà.
Những
người con quê hương kính dâng bà tấm lòng biết ơn bà đã sinh ra người con trai
duy nhất đã hiến dâng đời mình cho Tổ Quốc. Đó là liệt sĩ Nguyễn Phượng.
Bà
tên là Nguyễn Thị Thoan ở làng Hiệu Thượng, xã Diễn Hạnh, huyện Diễn Châu, Nghệ
An.
Thuở
mười tám đôi mươi, bà về nhà chồng là người cùng thôn. Gia cảnh nhà chồng cũng
có bát ăn bát để, chỉ hiềm một nỗi anh em chú bác hiếm hoi nên không có chị em
dâu, một mình bà lo toan gánh vác công việc nhà chồng. Cuộc đời bà vất vả vô
cùng. Bố mẹ chồng mất sớm. Khi con trai bà chưa trưởng thành, chồng bà lại qua
đời, để lại bà mẹ góa con côi. Bà ở vậy nuôi con. Mẹ con quấn túm lấy nhau sống
tạm đủ qua ngày, cuộc sống chẳng có gì gọi là sung túc. Tài sản ông bà để lại
là ngôi nhà thờ lợp ngói 4 gian, một ngôi nhà bếp lợp tranh thưng cót tuềnh
toàng, gần hai sào vườn và vài thửa ruộng ngoài đồng. Do thiếu sức lao động nên
vườn tược cứ để cây dại mọc hoang, tre pheo phủ bóng, rậm rạp. Chung quanh vườn
lại là chỗ trũng nước nên đến mùa mưa bão nước ngập đến mấy tháng mới cạn. Ễnh
ương, cóc nhái, chẫu chuộc, côn trùng tha hồ kêu vang trời mỗi mùa mưa đến. Khu
vườn tối tăm ẩm thấp. Ai đi qua khu vườn ấy vào ban đêm đều ái ngại do vắng vẻ, đom đóm bay ra dày đặc lại thiếu bóng người. Chỉ dăm ba luống sát sân là trồng cấy được nắm rau, bụi
mía, thu hoạch chẳng đáng là bao. Tuy vậy với hai mẹ con không đến nỗi ăn bữa
nay, lo bữa mai như nhiều gia đình nghèo trong thôn ít ruộng vườn phải bươn
trải qua ngày. Cũng do neo đơn vất vả nên bà bị gù lưng lúc ngoài 40 tuổi, mọi
công việc đồng áng gánh vác rất trở ngại khó khăn đối với bà…
Anh
Nguyễn Phượng lớn lên trong tình yêu thương của mẹ, ngày càng khỏe mạnh, đẹp
trai, trắng trẻo, rất thư sinh. Anh tham gia đoàn Thanh niên cứu quốc và dân
quân tự vệ ở địa phương rất tích cực.
Bà
cưới vợ cho anh đã mấy năm, chưa có cháu, con dâu cũng ở cùng thôn. Tuy vậy,
anh vẫn xung phong nhập ngũ. Mấy năm sau anh được ra quân. Do hoàn cảnh chỉ có
hai mẹ con. Cảnh mẹ chồng nàng dâu lâu ngày chuyện va chạm là tất nhiên khó
tránh nên bà cho anh chị ở riêng ngay từ lúc anh chưa đi bộ đội. Anh ra đi, chị
vợ ở nhà cũng chẳng giúp gì đỡ đần cho bà nên bà chỉ một mình một bóng, tự bà xoay
xở, sống trong cảnh cô đơn không người nương tựa….
Đời
bà tăm tối nhất là những năm cải cách ruộng đất. Người ta chỉ trông thấy bà có
nhà ngói, có trâu cày, có ruộng đất, thỉnh thoảng lại nhờ người bà con làm giúp
việc đồng áng khi mùa màng bận rộn như cày cấy hoặc thu hoạch mà quy bà thành
phần địa chủ. Mặc dù bà không thừa ruộng để phát canh thu tô, không cho vay nặng lãi như những người
khác. Bà bị bắt, bị đấu tố, bị đả đảo. Tài sản bị niêm phong. Chủ tọa phiên đấu
tố có 3 người là bần cố nông, người thì ít học, người thì mù chữ, và một cán bộ
đội cải cách. Họ bắt bà đứng dưới sân. Những người đấu tố bà đứng trên thềm nhà
thờ họ Nguyễn (Viết). Họ tha hồ xỉa xói bà, tố bà bóc lột nông dân. Hăng hái nhất
đấu tố bà chính lại là con dâu của bà. Chị ấy dồn toàn bộ tức tối để diếc móc
bà, xỉa xói tay vào mặt bà, làm trán bà thâm tím, rớm máu, xuýt bị ngã quỵ trên
sân đấu tố. Mấy chục năm qua tôi không thể quên hình ảnh đáng trách chị con dâu
của bà và đáng thương cho bà. Một khi mà đạo đức bị chà đạp không còn nề nếp
gia phong của con người thì không còn gì để nói nữa!...Lúc đó đội là trời,
chẳng ai giám ý kiến gì. Đội bảo sao nghe vậy nếu không sẽ liên lụy tới bản
thân và gia đình mình.
Cũng
may sau đó chính phủ đã nhận thấy sai lầm do đội cải cách lộng quyền và dốt nát
đã gây nên bao bất công sai trái nên chỉ thị khẩn phải sửa sai ngay. Bà và mấy
người nữa trong thôn được trả lại thành phần cũ là trung nông, nhà cửa ruộng
nương vẫn nguyên vẹn. nhưng lúc này bà cũng đã già yếu lắm rồi!...Mấy năm sau
thì bà mất...
Sau
khi ly hôn vợ cũ, anh Phượng tìm hạnh phúc mới, có 2 con gái, 2 con trai. Cuộc vui chưa
được chục năm anh lại tái ngũ ra chiến trận và anh đã không về.
Quê
hương lại có thêm một liệt sĩ hy sinh cho Tổ Quốc. Số liệt sĩ của riêng làng Hiệu
Thượng đã lên đến 22 người. Rất ít người tìm thấy mộ. Phần lớn trong số đó ra
đi chưa trở lại quê nhà!...
Bà
nguyễn thị Thoan mất đi người con duy nhất. Bà được nhà nước vinh danh Mẹ Việt
Nam Anh Hùng nhưng bà mẹ ấy đã mất trước đó hàng chục năm có lẻ!...
Thắp
nén hương thơm kính dâng bà, bày tỏ lòng thành kính của chúng tôi đối với liệt sĩ
Nguyễn Phượng và Mẹ VN Anh Hùng: Bà
Nguyễn Thị Thoan .
Kính mong bà và các liệt sĩ an giấc ngàn thu nơi cõi phật, Phù hộ cho
con cháu và bà con quê hương an lành trong công cuộc xây dựng cuộc sống mới tại
quê nhà ngày càng tươi đẹp…
NQH
Hà Nội ngày 20 tháng 7 năm 2017
Đăng ký:
Bài đăng
(
Atom
)