Bài viết của Nguyễn Quang Thiều
Vĩnh biệt nhà thơ Việt Phương
HIỆP SỸ CỦA NGÔN TỪ VÀ NHÂN CÁCH
( bài in trên Vietnamnet năm 2010 )
Hành trình thơ Việt Phương từ phút khởi đầu cho đến bây giờ là hành trình đi tìm tính nhân bản của mặt người và của giọng nói người. Và ông đã từng phải kêu lên trong không ít những câu thơ tiếng kêu tuyệt vọng về chính con người.
Chính trong những câu thơ chứa nhiều bóng tối và đau đớn ấy lại hiện lên thấp thoáng nhưng lộng lẫy hình ảnh con người như ông và chúng ta mơ tới và đấu tranh không mệt mỏi cho giấc mơ ấy.
Chỉ cách đây mấy năm tôi mới được gặp ông. Và cũng chỉ cách đây khoảng mười tám năm tôi mới được đọc đầy đủ những câu thơ trong tập Cửa mở của ông – những câu thơ mà tôi đã được không ít các nhà thơ quen biết nói cho nghe trong những năm tháng trước. Tôi nhận ra một điều chung từ các nhà thơ nói về thơ Việt Phương: sự kính trọng đối với nhân cách thơ Việt Phương bên cạnh sự khai mở của thi pháp và tư tưởng trong đời sống thơ ca ở một nửa đất nước lúc bấy giờ.
Và tôi chỉ gặp ông khi tôi chuyển về công tác tại báo Vietnamnet. Ông là cố vấn tinh thần đặc biệt của tờ báo này. Đó không phải cuộc gặp gỡ giữa cá nhân ông và tôi mà tôi chỉ là người được tham dự một cuộc họp có ông. Ông bước đến với một chiếc quần bò màu xanh và một chiếc áo phông cho dù lúc đó ông đã tám mươi tuổi. Tôi nhớ là như thế. Và ông cất giọng nói: trẻ trung, tinh tế, uyên thâm nhưng cũng đầy vẻ phong trần.
Lần đầu tiên gặp nhà thơ Việt Phương là lúc tôi đã gần 50 tuổi, cái tuổi mà có lẽ người ta chỉ còn sợ Trời và sợ Người ngay chứ không sợ gì nữa. Nhưng cho dù đã ở tuổi đó, tôi vẫn nhìn ông với con mắt của một chàng trai 24 tuổi đầy tò mò và kính trọng. Vì khi 24 tuổi, lần đầu tiên tôi được nghe nói về thơ ông.
Lý lịch chính xác nhất và đáng tin cậy nhất của một thi sỹ là những bài thơ. Tôi đã luôn luôn nghĩ vậy. Và Cửa mở là bộ lý lịch cơ bản nhất của tâm hồn và nhân cách Việt Phương. Bởi khi hiểu những câu thơ ông viết và hiểu được hiện thực lịch sử trong thời đại khi ông viết những câu thơ đó, chúng ta mới hiểu được con người ông đầy đủ và chính xác.
Những tập thơ sau này của ông là những phần bổ sung tiếp tục cho bộ lý lịch ấy. Có nhiều câu thơ trong Cửa mở của Việt Phương mà tôi của hơn 20 năm trước hoặc không hiểu được hoặc không hiểu hết. Nhưng giờ thì tôi hiểu cho dù không thể nói là hiểu hoàn toàn. Bởi sự thật của đời sống này và những trải nghiệm cá nhân mới giúp tôi hiểu chúng. Khi hiểu hơn những câu thơ của ông trongCửa mở, tôi càng khâm phục và kính trọng ông hơn.
Khi chúng ta hiểu được cái thời đại mà ông ngồi viết những câu thơ trong Cửa mở thì ta mới thấy sự công phá lớn đến mức nào của những câu thơ đó. Sức công phá ấy làm nên bởi khối “thuốc nổ” của trí tuệ, của sự sáng tạo tận cùng, của tình yêu con người, của lòng quả cảm của một thi sỹ đấu tranh cho lẽ phải và cái đẹp.
Nếu chúng ta lùi về quá khứ một chút thôi, chúng ta sẽ thấy ngôn từ trong Cửa mở rung vang như kèn đồng, trống trận và cũng tinh tế như sự mở cánh của những bông hoa đầu xuân.
Lùi thêm một chút nữa về quá khứ, chúng ta sẽ thấy ông hiện lên như một hiệp sỹ chiến đấu với thanh gươm của ngôn từ tự do và nhân cách.
Và lại lùi thêm một chút nữa về quá khứ, chúng ta thấy ông hiện ra với không ít thương tích trong trận chiến ấy.
Ngay trong một thời đại dễ dàng hơn ngàn lần như bây giờ mà nhiều nhà thơ, trong đó có tôi đã có lúc không dám nhấc thanh gươm ấy lên. Những nhà thơ như vậy từng bị chìm ngập trong một cảm giác đớn hèn và xấu hổ. Nếu chúng ta ở trong thời đại mà ông đã viết những câu thơ đó, chúng ta mới hiểu ông đã dám sống như thế nào.
Ngay chính trong thời đại ấy, bây giờ nhìn lại, hỏi có bao nhà thơ đã đủ đức tin và lòng quả cảm để viết ra những câu thơ mang tinh thần của một hiệp sỹ đấu tranh cho sự thật và cái đẹp?
Đã có lúc tôi được nghe, được biết về con người xã hội Việt Phương. Và tôi nhận ra rằng: có rất ít những nhà thơ, trí thức có được những điều kiện thuận lợi như ông để đi vào một con đường khác mà bao người thèm muốn. Lúc đó, ông đang đứng ở một vị trí mà bao người ngước nhìn. Nhưng thời đại đó đã chọn ông là một trong rất ít nhà thơ để làm người phát ngôn cho lẽ phải và sự thật về thời đại đó bằng ngôn ngữ thơ ca. Bởi có không ít nhà thơ cùng thời với ông đã chọn một con đường khác. Họ bị “con đường khác” ấy mê dụ và cuốn đi.
Họ đã lầm tưởng họ đang đi trên con đường của thi ca. Nhưng không, họ chỉ đi trên một con đường hoàn toàn khác và thi thoảng dùng một bộ cánh có tên gọi thi ca để xuất hiện đây đó mà thôi. Và cho đến bây giờ nhìn lại, trên “con đường khác” ấy, thơ ca đối với họ chỉ là những chiếc áo khoác bóng bẩy hợp thời nhưng lại luôn luôn lỗi thời với sứ mệnh tranh đấu cho cái đẹp và lẽ phải của một nhà thơ.
Và ngay lúc này, Việt Phương vẫn là kẻ lỗi thời giữa một đám đông những nhà thơ cả trẻ lẫn già đang rất thời thượng và quá nhiều huyên náo. Nhưng Việt Phương vẫn còn đây, như chẳng có gì thay đổi được ông – một Việt Phương của những vần thơ quả cảm và nhân cách mấy chục năm trước. Ông vẫn còn đây, với giọng nói trung thực, đau đớn và đầy khát vọng về một cuộc sống với những giá trị đích thực của đời sống. Và những câu thơ trung thực, đau đớn và đầy khát vọng của ông ngay trong chính thời đại mà tôi đang viết những dòng chữ này đã đi qua mọi phù phiếm của lối sống và mọi thuật xảo ngôn trong những thứ được gọi là thơ ca.
Cách đây mấy tuần, ông có gửi cho tôi một tập bản thảo mới. Ông muốn tôi góp ý cho những bài thơ của ông. Tôi thực sự thấy hân hạnh được ông hỏi ý kiến cho dù đến giờ tôi vẫn chưa nói với ông một điều gì về tập bản thảo đó. Nhưng tôi sẽ không nói gì và tôi đã im lặng. Tôi đã im lặng để đọc những câu thơ của ông trong bản thảo này như im lặng lắng nghe nhà thơ Nguyễn Tấn Việt nói về thơ ông mấy chục năm trước và như im lặng trong lần đầu tiên tôi chính thức đọc trọn vẹn Cửa mở bằng một văn bản photocopy.
Tâm hồn và nhân cách thơ ông không hề thay đổi. Những câu thơ trong những bài thơ của tập bản thảo mới nhất này của ông vẫn vang lên đau đớn về số phận con người và cảnh báo về một con đường đang dẫn con người về đầm lầy của tội lỗi và suy tàn khi chúng ta đang say sưa trên cỗ xe dục vọng tội lỗi của mình mà không hề hay biết.
Cũng phải thú nhận rằng, có lúc tôi cảm thấy kinh hãi cái thế giới người được dựng lên trong thơ ông. Nhưng đó là sự thật.
Và có lẽ sự thật ấy là một trong những lý do làm cho sứ mệnh của một nhà thơ như ông, một sứ mệnh mà chẳng cần một ai giao phó, một sứ mệnh mà người được giao phó cũng chẳng bao giờ lên tiếng rao giảng, đã làm ông không được phép im tiếng về nó.
Sứ mệnh ấy là ý thức sống tự thân nhưng mãnh liệt và nghiêm khắc tận cùng của nhà thơ. Nó làm cho ông không cho phép tự ban cho mình quyền được ẩn náu, nghỉ ngơi hay hưởng thụ trong khu vườn của ngôn từ và những hình ảnh thi ca mỹ miều.
Hành trình thơ của ông từ phút khởi đầu cho đến bây giờ là hành trình đi tìm tính nhân bản của mặt Người và của giọng nói Người. Và ông đã từng kêu lên trong không ít những câu thơ tiếng kêu tuyệt vọng về con người. Nhưng chính trong những câu thơ chứa nhiều bóng tối và đau đớn ấy lại hiện lên thấp thoáng nhưng lộng lẫy hình ảnh con người như ông và chúng ta mơ tới và đấu tranh không mệt mỏi cho giấc mơ ấy. Những gương mặt người kia thấp thoáng như một ngôi sao xa trong đêm tối cho những kẻ đi tìm cái đẹp của đời sống và sự toàn hảo của thế gian. Thật ít ỏi nhưng là một đức tin.
Trong danh sách những người trở thành hội viên mới của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2009 có tên ông. Người nói ông quá xứng đáng mà sao giờ mới được kết nạp, người nói ông đã từng ấy tuổi và đã vang danh như thế còn vào làm gì nữa. Cả hai cách nói này đều đã không hiểu ông.
Trụ sở Hội nhà văn không phải là thánh địa văn chương cũng như không phải ngôi đền nào thánh thần cũng đến trú ngụ. Sự linh thiêng và quyền uy tối thượng của Thượng Đế không phụ thuộc vào ngôi đền lớn hay nhỏ, mới hay cũ.
Lúc này, tôi nhớ đến một bài thơ của cố thi sỹ Thế Mạc, người Sơn Tây, Hà Nội. Bài thơ đó ông viết về một ngôi đền đã bị tàn phá nhưng sự linh thiêng trú ngụ trong ngôi đền đó vẫn trùm phủ tâm hồn và đức tin con người.
Và đối với Việt Phương, sự linh thiêng của nghệ thuật nói chung và thơ ca nói riêng mãi mãi trùm phủ tâm hồn ông. Ông thấu hiểu điều đó và ông đã hiến dâng cho điều đó trong im lặng suốt thời gian kể từ khi ông đến với nghệ thuật đến giờ. Nếu ông cũng dày vò với cái danh kia thì hoặc ông đã vào Hội nhà văn mấy chục năm trước hoặc ông sẽ không bao giờ vào nữa.
Mấy chục năm qua ông không vào Hội Nhà văn mà chỉ lặng lẽ sống, lặng lẽ suy ngẫm và lặng lẽ viết làm tôi thực sự kính trọng ông. Và bây giờ, tôi càng kính trọng ông hơn khi ông vào Hội. Tôi nghĩ, chúng ta có thể hiểu được điều này.
( ảnh dưới: Nhà thơ Việt Phương. Nguồn internet )