Tiếng nổ đầu tiêncủa Làng Hiệu Thượng

        ( Hồi ký của Nguyễn Quang Huệ )

    Tôi không rõ lắm sau c/m tháng 8 – 1945 Làng Hiệu Thượng đã khai hỏa chưa. Tôi chỉ biết rằng dân quân tự vệ làng mình lúc ấy chỉ có gậy tre và mấy ngọn giáo sắt. Một vài người có đại đao như ông Nguyễn Khả, cung nỏ như ông Nguyễn Hữu Thái, ông Bùi Hồng là cùng, không thấy có súng trường và lựu đạn.
    Những năm đầu xây dựng lực lượng vũ trang ở làng ta là đã tổ chức được một đại đội dân quân tự vệ khoảng trên dưới 90 người. Nhân ngày kỷ niệm tết độc lập năm 1947 Làng Hiệu Thượng tổ chức cuộc mít tinh chào mừng ngày độc lập và lễ ra mắt đại đội dân quân tự vệ của làng...
    Mỗi tiểu đội biên chế 10 người, mỗi trung đội có 3 tiểu đội. Mỗi đại đội có 3 trung đội. Các đại biểu của xã Hạnh Viên và các đoàn thể của thôn ngồi ghế trong Đình Làng. Đại đội tự vệ xếp hàng ngay ngắn ngay sân đình theo từng tiểu đội, trung đội. Nhân dân dự lễ đứng chung quanh và tràn ra ngoài đường về phía đông cạnh vườn cố Mẫn, vườn Bà Hào. Đình làng cũ to rộng, mái lợp ngói âm dương. Cột gỗ to. Chân cột kê bằng những viên đá tảng có hoa văn. Ba gian giữa của đình rộng rãi, hai bán mái vát nghiêng hai bên. Kèo bán mái, mỗi bên đóng 2 con giơi chạm khắc bằng gỗ đang sải cánh bay, trông rất giống loại giơi quạ mà TV vẫn chiếu trên màn hình bây giờ.
    Nhân kỷ niệm tết độc lập, làng quyết định cho nổ một quả lựu đạn chào mừng, mở đầu một thời kỳ mới, cho cuộc kháng chiến ở quê nhà. Người được giao nhiệm vụ ném quả đạn  mỏ vịt ấy là ông Tăng Tấn. Lúc đó ông Tấn trên hai mươi lăm tuổi, trẻ khỏe, dũng cảm, am hiểu bắn súng và ném lựu đạn. Tôi cũng không biết ông ấy đã được huấn luyện ở đâu và từ bao giờ nhưng lúc ấy được giao nhiệm vụ quan trọng như vậy là vinh dự lắm. Ông Tấn rất tự tin sẽ ném quả lựu đạn trúng đích và thành công.
    Mục tiêu là cho quả đạn phải trúng giữa bụi tre ở góc vườn nhà ông ấy. Nếu được như vậy, mảnh đạn không bắn ra ngoài, bị bụi tre che chắn hết, hạn chế rủi ro có thể xẩy ra. Khoảng cách từ tường bao mép đình tới bụi tre phải qua sân đình , qua ruộng mạ nhà cụ Hoán. Tổng cộng dài khoảng hơn 20 mét. Chung quanh đình và sân đình đã có tường hoa xây bằng những viên sò, cao khoảng trên một mét. Ông Tấn đã chuẩn bị sẵn sàng thực thi nhiệm vụ…
    Sau khi phổ biến cho mọi người tìm chỗ khuất, ngồi thấp sao cho tường hoa của sân đình che lấp để tránh mảnh vỡ của quả lựu đạn, các đội viên dân quân phải nằm xuống sau khi có lệnh. Mấy phút chuẩn bị căng thẳng, nín thở, chờ đợi. Kiểm tra một lượt thấy đã ổn, Người chỉ huy hô khẩu lệnh:
- Đại đội nghiêm, nằm xuống theo một góc lệch sang phải. Thế là cả đại đội dân quân nằm rạp xuống sân đình, đều tăm tắp.
Khẩu lệnh hô tiếp:
- Phút chuẩn bị bắt đầu:
- Ném. Ông Tấn bước chân trái lên, chân phải giữ nguyên, vươn tay phải ra sau, đập hạt nổ vào tường bao đình làng và dang tay ném quả đạn vào bụi tre như đã định rồi nằm xuống như người nằm bắn. Chỉ ba hoặc bốn giây sau khi ném, một tiếng nổ đanh gọn vang lên. Mọi người thở phào, trở lại phút ban đầu, mặt mày rạng rỡ vui cười hiện trên nét mặt. Không chờ khẩu lệnh đứng dậy của chỉ huy. May mắn làm sao quả đạn không vướng cây tre nào mà chui lọt vào giữa bụi. Sự chọn lựa của tập thể giao nhiệm vụ ấy cho ông Tấn là rất chính xác...

    Đại đội tự vệ trở lại đội ngũ xếp hàng ngay ngắn. Đại diện chính quyền biểu dương lực lượng và căn dặn mấy điều. Sau đó tự vệ ở lại. Dân chúng ra về trong niềm hân hoan khó tả.
    Lúc ấy tôi tuy còn nhỏ tuổi nhưng đã đứng sát chỗ ông Tấn xem ông ấy thực hiện như thế nào, nên nhớ rất rõ những động tác của người vệ sĩ năm xưa. Chứng kiến bao điều mới mẻ của làng ta trong những ngày đầu của cuộc k/c chống Pháp ở quê mình.
    Tiếng nổ đó như một hiệu lệnh, mở đầu sang giai đoạn trường kỳ kháng chiến của làng ta, hưởng ứng theo lời kêu gọi “Toàn Quốc Kháng Chiến” của Cụ Hồ. Từng đợt thanh niên của làng hăng hái tòng quân nhập ngũ. Người ở lại tập luyện đều đặn mỗi tuần, bà con nông dân hăng say sản xuất, chi viện cho chiến trường đánh giặc…


Hà Nội tháng 8 năm 2017

0 nhận xét :

Đăng nhận xét

lăng mộ đá toyota thanh hóa