Tháng 9

 Tháng 9 về chim ngói cũng về theo

Lúa vàng mơ đón chào đàn chim nhỏ

Cây thị già vẫn ung dung đứng đó

Quả đung đưa trước gió khoe vàng.


Tạm biệt mùa hè đón gió thu sang

Đường phố tung bay một rừng cờ đỏ

Nước độc lập giữa Thu càng rực rỡ

Đàn em thơ vui bước buổi khai trường.


Tháng chín về rộn rã đến muôn phương

Dòng sông chảy nước lững lờ man mác

Cái nóng mùa hè tạm lui sang mùa khác

Gió heo may ngần ngại đến thăm nhà.


Tháng 9 về rực rỡ cánh đồng hoa

Những cơn mưa cứ thay nhau lần lượt

Cái gạt nước vẫn quay tròn xuôi ngược

Lúc an nhàn dừng bước nghỉ vô tư...


Hà Nội Mùa Thu ngày 6. 9. 2023



NGHĨ VỀ MÙA THU NĂM ẤY

 Sương muối phủ đầy vạt cải

Mẹ ngồi nhặt lại nỗi đau

Bó lại để mai đi chợ

Mua về lon gạo, quả cau.


Cha thôi không đan quạt nữa

Ra vườn hạ buồng chuối già

Gọi mẹ luộc lên cho trẻ

Ăn tạm những ngày mưa sa.


Rồi mẹ một đời quang gánh

Quẩy rau ra chợ cách làng

Rồi cha xách đòn đi ngược 

Vay thóc lồng vào đôi quang.


Nghĩ thương cha mẹ tảo tần

Xoay đôi lưng trần đen đúa

Tìm bữa sao cho no đủ

Cả đời nuôi mấy đứa con.


Bây giờ con đã lớn khôn

Cuộc đời mẹ cha chắp cánh

Đã thành ông Nghè ông Chánh

Chưa kịp báo đền mẹ cha.


Nước mắt chảy xuôi mỗi nhà

Cha đâu mong con đáp nghĩa

Mẹ đâu chờ con trả lễ

Chỉ mong tử tế nên người...


Hà Nội tháng Vu Lan  21.  9.  2023



CHÀO THU

 Sấm đi xa mấy ngày

Trời gọi Thu trở lại

Giọt mưa ngâu không vội

Đón gió mát mây quang.


Tháng chín ngắm sao vàng

Trên màu cờ đất nước

Ôi hình hài Tổ quốc

Vẹn nguyên như thuở nào.


Tiếng chim hót lao xao

Cờ tung bay khắp phố

Phượng hông đang nức nở

Chia tay sắc đỏ hoa.


Đàn em đã vào mùa

Tựu trường năm học mới

Lá bàng xanh vẫy gọi

Chào Thu nở nụ cười...


Hà Nội ngày 19. 8. 2023

VỀ LÀNG

 Xa quê gần trọn cuộc đời

Ngôi nhà vẫn đợi một thời nắng mưa

Song thân khuất bóng mây chùa

Khói hương quấn quýt bao mùa đổi thay.


Về nhà đứng trước hiên tây

Nhớ ngày bé bỏng mẹ thầy nâng niu

Bóng đa đã ngả sang chiều

Sương mai chất chứa bao điều vấn vương.


Tình đầu chạm ngõ yêu thương

Nhớ lâu ai nhớ trọn đường xưa nay

Ngõ nhà vẫn ở chốn này

Tối trời nghe tiếng thở dài trao nhau.


Bóng chiều xô lệch hàng cau

Cây cầu ba nhịp bắc đầu làng tôi

Đi xa lòng vẫn bồi hồi

Yêu quê yêu cả những người dân quê...


Hà Nội ngày 12. 6. 2023.

Người chiến sĩ áo trắng

 ( Bài thơ đăng muộn )

Đã hai năm anh lên đường chống dịch

Áo blu đã sờn màu trắng còn đâu!

Bộ đồ bảo hộ ngày đêm anh mặc

Khẩu trang dày, kính chắn theo nhau.

 

Giữa vùng dịch anh ân cần chăm sóc

Những bệnh nhân Covid bên anh

Giành cuộc sống từ tay Covid

Cần oxy, trợ thở… cho người bệnh chóng lành.

 

Mấy mùa trăng không sum họp gia đình

Vợ con anh nhắc từng bữa muộn

Điện thoại reo hỏi thăm con lớn

Con bé nhìn không nhận bố ở xa.

 

Gần tết rồi bố có qua nhà?

Vui với con đón mùa Xuân đoàn tụ

Thương vợ nghèo với bao lam lũ

Vãn dịch rồi anh trở lại cùng em…


Hội thi: Thả sáo lên trời

 

Tháng ba ruộng lúa xanh rì

Đồng làng đang thì con gái

Cánh diều no gió lên cao còn ngoảnh lại

Như cánh chim chao liệng cùng người

Thả câu ru hời, vi vu tiếng sáo.

 

Hôm nay làng mình mở hội

Bạn bè bốn phương quy tụ về đây 

Những cuộn dây, những cánh diều bay

Thi nhau vươn tới tầng mây giữa trời.

 

Đây con cá, con rồng đang bơi

Kia mặt trăng, chú Cuội, con bướm, con dơi

Đủ hình hài màu sắc vui tươi

Tỏa sáng làng quê Dương Nội.

 

Cánh diều êm ả bay lên tầng cao

Dây lèo nắm chắc bàn tay năm nào

Bầu trời ken chật như bức tranh thêu

Nụ cười gặp gió nâng chiều quê tôi …

 

Nhà thơ Nguyễn Quang Huệ

Hà Nội ngày 6. 5. 2023

Tháng Năm

 Tháng năm nắng

 Tháng năm mưa

Sấm chui từ giữa mây trưa vào nhà

Một lời mời nắng đi ra

Một lời gọi hạt mưa sa giữa đồng.

Ùng oàng trong trận mây giông

Lại đi xa để mây không kéo về

Vải hồng chen chật bờ đê

Chợ quê phố thị vải về theo chân.


Tháng năm cây lúa cong cần

Cúi đầu chờ đợi về sân nhà mình

Giữa hè lúa chín vàng hanh

Nếp thơm hạt mẩy hạt lành bờ xôi

Bậc thang lúa trải kín đồi

Vàng ươm chân ruộng

Một trời hương quê...


Ghi chú: Bài thơ được chọn đăng trong ấn phẩm  "Nhịp cầu văn chương"



Thượng cờ ba que

 Họ rằng hôm nay đã thượng cờ

ba que xỏ lá giữa vu vơ

vẻ vang chi nỗi buồn bại trận

sánh với người ta thật ất ơ!.


Anh hùng khoe mẽ trận sẻ chia

chiến đấu quên thân sợ chưa kìa

đến giáp lá cà quay bỏ chạy

bám càng mong thoát tới bên kia!


Thượng cờ trò lố có ai khen!?

quốc nhục lưu vong chẳng ngại hèn

ba sọc sánh cùng trăm hoa trắng?

không biết nhục sao? bọn người điên...


Hà Nội ngày 29. 4. 2023

Tiễn biệt Kiến Trúc sư Tạ Xuân Vạn

 

Căn gác nhỏ Ông cùng tôi trú ngụ*

Phố Đội Cung qua mười sáu năm trời

Những ngày tháng cùng nhau trăn trở

Sơ phác ban đầu nét vẽ vẫn còn tươi.

 

Những mái đầu xanh chụm vào nhau bàn luận

Đây Viện Toán Quốc gia, đây Quỳnh Lập trại phong**

Bệnh viện tâm thần,  rồi qua Viện Mắt

Ông với bạn bè chung sức bởi cộng đồng…

 

Rồi nhà tròn Bến xe điện Bờ Hồ  

Ông - người chắp bút

Một địa danh ai cũng muốn ghi danh!

Lòng đố kỵ làm sao tránh được

Dư luận đổi tên “Hàm Cá Mâp” song hành!...

 

Nửa vành trăng treo trên bầu trời lộng gió

Của Hồ Gươm ghi dấu ấn Thăng Long

Nền văn hiến với cung đàn tạo dựng

Một ý thơ đẹp đẽ đến nao lòng…

….

Nhưng cuối đời trước lúc lâm chung

Dặn các con chỉ báo tin hạn chế

Để bạn bè đỡ phần phiền lụy

Ông ra đi thanh thản giữa hư không…

 

Nhưng nhiều người vẫn cứ trách ông

Sao phải làm như vậy?

Ông vẫn trong  chúng tôi từ thuở ấy

Tận tình sớm tối có nhau

Như chăm bón vườn xanh, hoa thắm, quả tươi màu…

 

Ra đi tuổi đã bạc đầu

Đa mang  bao nỗi hận sầu thế gian

Cuộc người tan hợp, hợp tan!

Bạn bè ôn lại tôn hàng cố nhân…

                   Hà nội ngày 6 tháng 2 năm 2020

Ghi chú:

*Căn phòng nhỏ ( tầng 2 ) 15 m2 tại số 11 phố Đội Cung năm xưa nằm ở phía sau Hội trường Bộ Xây Dựng, cạnh nhà ăn tập thể Văn Phòng Bộ.

Nơi đó tôi  và Kts Tạ Xuân Vạn  được Viện Thiết kế phân công ở cùng 16 năm. 

Bạn bè thường tụ tập đông vui gồm có các kts Đặng Tố Tuấn, Diêu Công Tuấn, Lê Hiệp, Trần Đức Duyệt, Các ks thiết kế Trương Nguyên Mân, Nguyễn Quang Huệ và một số kts cùng khóa với ông lui tới. 

Mãi năm 1980 tôi được Bộ Trưởng Bộ Xây Dựng Đồng Sĩ Nguyên điều động biệt phái tại công trường Điện Phả Lại thì ông Vạn và các con ông ở tiếp. 

Ông mất ngày 3. 2 năm 2020 ( tức ngày 10 tháng Giêng năm Canh Tý ).

Trước lúc lâm chung ông dặn các con hỏa thiêu, đem tro cốt rải giữa Sông Hông cho mát mẻ. Các con đã làm theo di nguyện cuối cùng của ông...

**Những công trình do kts Tạ Xuân Vạn chủ trì thiết kế Kiến trúc.

Bốn người cùng phòng

 


(Hồi ký của Nguyễn Quang Huệ)

 


         Tôi ở cùng phòng với ba người. Ba kỹ sư xây dựng là tôi, ông Nguyễn Văn Tuấn và ông

Nguyễn Văn Phát.

Chúng tôi sang Iraq với chức danh Đốc công. Trong phòng còn có kiến trúc sư Phạm Vũ Mỹ sang đây với chức danh họa viên.

Ông Tuấn và ông Phát cùng ở Liên hiệp Tấm lớn Xuân Hòa nên dễ làm bạn với nhau. Tôi và ông Mỹ đều là dân Thiết kế nên trong sinh hoạt và suy nghĩ chiều tâm đầu ý hợp. thế chúng tôi chia thành hai bếp, tự bảo ban nhau nấu nướng vì hợp gu hợp tính. Hàng ngày tôi nấu cơm buổi chiều, ông Mỹ nấu cơm buổi sáng. Thực phẩm chủ yếu là gà quá lứa, đã đẻ hết trứng, do anh em cấp dưỡng của ta buôn từ chợ về. Rau cỏ, trứng hành, sữa đường, mua ở căng tin.

Bếp nấu là dây may so của Nga, người nào cũng mang theo vài ba cái. Đế bếp bằng đất nung chuyên dùng với dây may so. Nồi niêu mua sắm tại thị trấn Sê Cát, là một huyện lỵ, cách khu ở mười cây số. Ăn không dùng đũa mà dùng thìa. Cuộc sống tạm bợ lâu thành quen. Tháng đầu mới sang ăn tập thể do người Xu Đăng nấu không hợp khẩu vị nên hầu hết tự tổ chức nấu ăn.

Mỗi tháng nhà nước Iraq cấp cho 24 Đina tiền ăn kể từ khi nhập cảnh, nên ăn uống đường sữa thoải mái không bao giờ thiếu.

Qua một năm lao động vất vả, mỗi người dành dụm đổi được mấy trăm Đô. Công ty xuất khẩu lao động Vinaconex lại cho đăng ký mua xe máy của Nhật Bản. Tôi đăng mua một chiếc với giá 580 Đô la. Ông Tuấn mua một chiếc 320 Đô la. Ông Mỹ mua một xe mới với giá 1.000 Đô la. Riêng ông Phát không mua vì con gái ông là Thanh Hương, là biên tập viên Đài truyền hình VN gửi thư sang khuyên bố giữ gìn sức khỏe, để tiền bồi dưỡng bản thân chờ ngày về. Đừng lo gì cho mẹ con con ở nhà.

Sau khi Công ty Vinaconex chiếu video cảnh các bà vợ ở nhà nhận xe, mặt mày các phu nhân rạng rỡ, vui vẻ dắt xe ra khỏi công tơ nơ, các ông chồng vẫn chưa biết tường tận chiếc xe của mình.

Vợ ông Tuấn viết thư sang nói nặng lời rằng:

-  Anh mua xe thì mua trong nhà, đừng mua xe ngoài bãi rác. Nhục lắm vì vừa xấu, vừa cũ nát, lại hôi hám, toàn mùi nước mắm. Vành bánh, phụ tùng đều han rỉ. Sao không mua cái nhiều tiền hơn như người ta?

Ông Tuấn bực mình vì Vinaconex mua cho ông cái xe hủi lậu. Khốn nỗi ông ấy chỉ đặt loại 320 Đô la vì trước đó đã mua quần nhung, áo nỉ, khăn lông cho vợ và mấy đứa con nên chỉ mua được xe cũ đời 78, loại sừng nghé.

Vợ ông Mỹ gửi thư sang báo tin:

-   Anh ơi, nhà ta đã mua được xe Hon Đa đời 82, màu vàng, đèn vuông, nhưng phải vay của cô 300 Đô mới đủ.

Ông Mỹ cứ băn khoăn không hiểu màu vàng như thế nào? Có đẹp không? Ông Tuấn đang sẵn bực mình về bức thư của vợ bèn đáp một câu không ai ngờ tới:

-   Màu vàng là màu c.ứ.t, có gì phải hỏi…

Cả mấy anh em trố mắt thất vọng… sau câu trả lời không mấy lịch sự làm ai cũng thấy nặng mùi, lặng người vì khó chấp nhận.

Một lúc sau, ông Mỹ hỏi tôi:

-   Bà ấy viết thư thế nào? Tôi trả lời ậm ừ nhát một:


 -   Xe cũ, đời 81, năm mươi phân khối, màu xu hào, đồng hồ “Kim vàng giọt lệ”.

Ông Mỹ kêu to:

-   Ông Huệ trúng độc đắc rồi. Kim vàng giọt lệ kia mà, bao người mơ ước đấy. Loại này hiện nay ở Hà Nội được giá lắm. Dắt xe ra khỏi công tơ người hỏi mua ngay. Nhiều người săn lùng. Bây giờ đem bán ngang giá với xe tôi đấy. Ông Huệ sướng thật, tự nhiên lộc vào nhà, được lãi mấy trăm Đô.

-  Tôi chẳng hiểu về xe lắm chưa bao giờ có, nên chưa quan tâm.

Một số anh em thuộc Vụ Kỹ thuật, Văn phòng Bộ cùng đi một chuyến bay, không đăng ký mua với lý do không biết đi xe máy. Tới khi về nước không tiền mua xăng dầu, vả lại khi đi đường, lớ ngớ đâm vào người ta thì bán xe cũng không đền nổi. Thôi chả dại!

Tôi nói với các anh ấy: Cứ mua đi. Có xe sẽ biết đi xe, xe sẽ tiền mua xăng. Trái lại nếu mua không đi thì bán, cũng lãi được vài trăm Đô đấy. Nhưng các anh ấy bảo muộn rồi. Chỉ còn mấy người chắc Công ty Vinaconex chẳng thèm mua hộ…

Sau khi vợ báo tin phải vay bà cô 300 Đô la, ông Mỹ nghĩ ngay đến trách nhiệm của mình là làm gì để lúc về có tiền trả nợ!…

Ông là kiến trúc sư, lại có tài vẽ truyền thần. Hàng ngày cứ hết giờ làm việc buổi chiều, về đến nhà ông ấy ngồi vào bàn ngắm nghía hết ảnh này đến ảnh khác. như thói quen nghề nghiệp.

Lâu nay ông vẫn vẽ nhưng bây giờ trở đi ông sẽ phải cố gắng hơn nữa, may chăng mới thoát nợ nần. Ba trăm Đô lớn lắm chứ.

Khách hàng của ông Mỹ là những người lao động Xu Đăng, Cairô, Bangladesh. Họ rất thích những bức ảnh ông vẽ. Tuy nhiên không phải bức ảnh nào khách hàng cũng hài lòng. Có ảnh vẽ đi vẽ lại mất cả tuần mà khách chê không giống, không muốn lấy ảnh, ông buồn bực cùng. Mỗi ảnh ông lấy hai Đina nhưng khách không nhận hàng mất toi thời gian lao động cật lực cả tuần. Kiếm được đồng tiền đâu dễ. Ông vẫn ca cẩm như vậy.

Một hôm, sau bữa cơm chiều, ông Mỹ tâm sự thật lòng:

-   Ông Huệ thế sướng thật, hết giờ làm việc là cứ vi vu, vui chơi thoải mái, chẳng lo nghĩ gì. Còn tôi, cày cuốc cả đêm lẫn ngày mà chẳng đâu vào đâu!

   Ông Mỹ lại than thở rằng, mình làm tại văn phòng công trường cùng với Na Sơ mà chưa bao giờ hắn thưởng cho mình một giờ thêm giờ nào. Trái lại thỉnh thoảng tôi vẫn thấy hắn thưởng cho ông? Ông quyết không? Mình không ngờ trước mặt là một quả núi Phượng Hoàng lớn mà mình không nhận biết. Phục tài. Phục tài…

Tôi trả lời: bản hiệu quả công việc. Ông ngồi văn phòng, máy sưởi mùa đông, máy lạnh mùa hè, có khổ như những người ngoài công trường, cực thế nào, ông đâu biết. Ông sang đây với chức danh họa viên, Na chỉ ông vẽ cái gì thì vẽ cái đó, vẽ xong ngồi chơi, thế là hơn tôi rồi. Ông chỉ vất vả khi đã về nhà với những bức ảnh truyền thần, từ năm giờ chiều đến mười một giờ đêm mới nghỉ.

Quả thật, muốn truyền thần một bức ảnh phải tập trung trí não cao độ. Đưa được khuôn hình từ tấm ảnh bé tý ra khổ giấy A4 rất vất vả. Ăn không ngon, ngủ không yên với chúng. Vì vậy ông gầy sọp, mặt hốc hác, chứ đâu béo tốt như người khác. Chiếc kính lúp phóng đại lúc nào cũng nằm ngay trước mặt, giúp cho đôi mắt đỡ mỏi mệt khi phải làm việc liên tục. Tôi thật sự ái ngại cho ông ấy.


   Một điều đặc biệt nữa mà ông Mỹ và nhiều người không biết: Tôi làm đốc công chỉ một tháng, sau đó Na Sơ, Chỉ huy trưởng công trường Cụm II bảo tôi giao việc lại cho người khác. Tôi không biết việc mới là gì. Trong những lúc Na- Sơ ra hiện trường trao đổi và gửi cho tôi những bản vẽ nhỏ để giao nhiệm vụ cho từng tổ, tôi đã nắm được vị trí ở đâu, trục nào, tim nào, cao độ bao nhiêu đã ghi trong bản vẽ.

Một tuần sau tôi đã vẽ xong mặt bằng tổ chức thi công cho từng hạng mục, Na Sơ hỏi bản vẽ này ông lấy ở đâu? Tôi trả lời: - Lấy ngay những bản vẽ nhỏ ông đưa cho tôi. Tôi chỉ tổng hợp lại. Ông ta ngạc nhiên lắm.

Sau đó, anh Phạm Đức Hoàn là phiên dịch tiếng Anh nói với Na Sơ rằng: Ở Việt Nam, ông ấy là Trưởng phòng Kỹ thuật và Giám định của một Tổng B, trên công trường gần một vạn người thi công là nhà máy nhiệt điện Phả Lại gồm 4 tổ máy, do Liên viện trợ. Ông Huệ nhiều kinh nghiệm tổ chức thi công những công trình lớn ở Việt Nam. Na Sơ phục tài và từ khâm phục đến tin tưởng giao việc một cách trân trọng.

Mấy hôm sau, Na Sơ gọi tôi vào văn phòng công trường làm việc. Sau khi sai người phục vụ Xu Đăng pha nước chè đen và đường mời tôi uống, ông ấy nói từng lời rành mạch:

-    Tôi được biết ông là kỹ sư thiết kế công trình, đã tham gia thi công nhiều công trình lớn ở Việt Nam, ông hãy giúp lập bản vẽ mặt bằng tổ chức thi công cho phần còn lại của công trình 250 và 310. Máy móc thi công tại công trường gồm những loại gì, ông biết cả rồi, có thắc mắc gì, ông trao đổi với tôi. Sau đó ông ấy giao cả tập bản vẽ để tôi nghiên cứu.

Sau giờ làm việc mỗi ngày, tôi lại mang hồ sơ về nhà xem xét, dự tính. Sáng hôm sau lại gặp Na Sơ trình bày dự kiến và phác thảo cho ông ta nghe. Trân trọng, tin tưởng và cảm phục mà tôi cảm nhận được trên nét mặt khôi ngô, thanh tú của một người kỹ sư da trắng.

Nhà ông ấy ở thành phố Mô Sun cách công trường 180 km. Ngày nào cũng sáng đi chiều về. Đi lại bằng chiếc xe TOYOTA bốn chỗ mới tinh. Gia đình tư bản nhưng chi tiêu của họ rất đúng mực, không  ăn chơi xa hoa như những đại gia  ở xứ mình. Sau này tôi mới ngẫm ra tại sao Na Sơ giàu có mà ít quan tâm thưởng thêm giờ cho những người khác, trong đó kiến trúc Phạm Vũ Mỹ.


 Tôi đưa tập bản vẽ công trình về nhà đến lần thứ tư, ra đến cổng, quân cảnh ách lại hỏi: Tài liệu này ông lấy đâu? Tôi trả lời: do ông Na Sơ giao cho tôi đem về lập bản vẽ biện pháp thi công cho công trình. Quân cảnh nói: chúng tôi giữ lại tài liệu này. Không còn cách nào khác, tôi giao luôn cho họ.

Đây là tập bản vẽ thiết kế của một cụm công trình quân sự quan trọng. Tôi rất sợ đến sự liên lụy an toàn của bản thân mình. Tối hôm đó tôi không thể nào ngon giấc.

Sáng hôm sau gặp Na Sơ tại công trường, ông ta nói: Quân cảnh đã trao lại tài liệu cho văn phòng. Từ hôm nay ông không được mang ra ngoài. Ông cứ vào đây nghiên cứu, không phải làm đêm ở nhà.

Tôi thật sự đỡ lo lắng và từ hôm đó hạn chế việc tiếp xúc với những tài liệu ấy, chỉ trao đổi trực tiếp khi cùng ngoài công trường với Na Sơ mà thôi.


Một điều may mắn tại Cụm II, qua hai năm thi công chưa xảy ra một vụ tai nạn lao động nghiêm trọng nào, mặc dù nhiều vị trí cao hàng chục mét, cheo leo, rất dễ tuột chân. Không có vụ rơi gỗ, rơi sắt thép hoặc các vật liệu nào khác gây thương tích, cũng chưa bao giờ bị sập hoặc đổ dàn giáo.

Trong xây dựng không ai nói trước được điều gì cả. Nhờ đội ngũ công nhân lành nghề, nhờ đội ngũ đốc công sâu sát và cũng nhờ biện pháp thi công hợp lý nên đã bình yên mọi nhẽ.

Hai năm trời an toàn cho mọi người là điều hạnh phúc vô cùng lớn đối với người những kỹ sư xây dựng như chúng tôi.

Chân dung 100 nhân vật...

 

  Chân dung 100 nhân vật vì sự nghiệp phát triển ASEAN

     The portrait of 100 characters fo ASEAMs development


           

            ( Bài viết của Hội đồng Biên tập đăng trên ấn phẩm cùng tên. Phiên bản tiếng Việt. Xuất bản năm 2021 )

 

  Nhà thơ Nguyễn Quang Huệ sinh ngày 26 tháng 12 năm 1941 tại Diễn Hạnh, Diễn Châu, Nghệ An, trưởng thành từ mảnh đất đầy nắng gió. Cuộc sống có thăng, trầm và khó khăn nhưng tất cả đều không khiến những người con của vùng đất này chùn bước mà càng nỗ lực hơn nữa. Cậu bé Nguyễn Quang Huệ khi ấy đã từng ngày hoàn thiện bản thân với ước mong trở thành một kỹ sư được đóng góp và xây dựng đất nước. Tốt nghiệp đại học loại giỏi, với vai trò là một kỹ sư thiết kế và xây dựng, ông đã đảm nhiệm nhiều vị trí như: kỹ sư thiết kế tại Viện Thiết kế Dân dụng Bộ Xây dựng  từ 1962 đến 1980. Cuối 1980  Bộ trưởng Đồng Sĩ Nguyên bổ nhiệm làm phó Giám đốc xí nghiệp và biệt phái về công trường nhà máy Điện Phả Lại, sau đó là Giám đốc Trung tâm Kinh tế Kỹ thuật Xây Dựng. Thời điểm từ 1988 đến hết năm 1990, ông được trao nhiệm vụ đi I-Raq hợp tác lao động và về Tổng công ty VINACONEX làm Trưởng phòng Kế hoạch Kỹ thuật và Quản lý dự án VINACONEX 6. Đến năm 2003 ông nghỉ hưu theo chế độ. Người kỹ sư ấy đã có những đóng góp quan trọng cho những công trình lớn của nhà nước như:Xây Dựng  Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nhà khách Chính Phủ, Trung Tâm báo chí Quốc tế, Học viện Hành chính Quốc gia, Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại…

    Ông bén duyên với thơ ca từ khi còn ngồi trên ghế giảng đường Đại học. Ông làm thơ để ghi lại những kỷ niệm, cảm xúc của mình, thỏa mãn niềm đam mê. Tới khi nghỉ hưu, về với cuộc sống an nhàn của tuổi già, ông đầu tư nhiều thời gian cho thơ ca. Gắn bó với thơ ca như một cơ duyên không thể nào chối từ. Tâm hồn ấy, tâm tình ấy dần được biểu lộ từ trái tim đầy xúc cảm. Thực tế ông tham gia sáng tác từ năm 1960, thế nhưng công việc bộn bề khiến hoạt động sáng tác cũng gián đoạn, đến nay với một thành tựu thơ ca đáng kể, ông đã trở thành một nhà thơ thực thụ với phong cách riêng và sáng tạo riêng không hòa lẫn.

    

    Nhưng thơ thì không tuổi, nhà thơ thì không tuổi…

   

Nhà thơ Nguyễn Quang Huệ trẻ hơn nhiều so với tuổi thực bởi tâm hồn ông yêu đời và thơ thì không tuổi, nhà thơ thì không tuôi. Thơ của ông chủ đề đa dạng, thể  loại phong phú, tiêu biểu nhất là tình yêu đôi lứa. Ông đã tạo một nét riêng trong thơ với cách dùng từ đơn giản, bình dị, không cầu kỳ sính chữ, người đọc dễ dàng cảm nhận. Theo ông để có thơ hay cần có một trái tim nhạy cảm, đa tình. Thơ là tình yêu, là con người, cuộc sống, hư cấu nhưng phải có chất liệu, nhà thơ phải có nhiều trải nghiệm cuộc sống, đọc nhiều và viết nhiều. Trong thơ phải có ba yếu tố cơ bản: Sức chuyển tải lớn, ẩn chứa trong thơ là gửi gắm, suy tư trăn trở đối với người đọc; phải có tính nhạc tạo cảm xúc sâu lắng; có hoa khắc họa hình ảnh, không gian ngữ cảnh, hình tượng…

    Tình yêu đối với ông là một điều thiêng liêng của cuộc sống, nếu tình yêu thiên nhiên cho cuộc sống thêm sắc mầu thì tình yêu thương giữa con người là cái đem cho ta cảm giác thi vị đặc biệt. Bài thơ trữ tình Ảnh cươi thể hiện sự giản đơn, êm đềm và sự gắn bó trong tình yêu:

Đơn sơ một chiếc áo len

Sơ mi cổ bẻ mặt hiền ngây thơ

Mẹ sinh từ bấy đến giờ

Chung trong trời đất lớn như cây trồng.

Phấn son đâu chỉ ngượng ngùng

Tóc xoăn môi thắm em không mặn mà

Thé mà năm tháng trôi qua

Năm mươi mùa cưới vẫn ta với mình…

 

    Để thấy dù ở độ tuổi nào, trong hoàn cảnh nào, tình yêu giúp nhà thơ thăng hoa và trẻ lại. “Thơ Quang Huệ viết có tình”- đã có người nhận xét như vậy khi đọc Một lòng bên anh của ông:


Em muốn là dòng sông

Để thuyền anh xuôi ngược

Nâng niu trên mỗi bước

Những bến bờ anh qua.

 

Em muốn làm nhành hoa

Tỏa hương thơm dìu dịu

Khi mặt trời soi chiếu

Vào những buổi oi nồng.

 

Em muốn là thinh không

Để lòng anh tĩnh lặng

Vượt qua bao cay đắng

Những bước chân xa vời.

 

Nhưng không được an ơi

Bởi em đâu là gió?

Đâu dòng sông ngọn cỏ

Là hoa, là thinh không?

 

Nhưng thương anh mặn nồng

Như lòng em vẫn ước

Dù anh không nhận được

Vẫn một lòng bên anh…

 

    Hay sự hờn ghen đáng yêu trong tình yêu đôi lứa mà ông viết trong bài:

 

Khất nợ hoa hồng

Em gửi tặng mấy bông hồng Đà Lạt

Cánh mỏng mềm ngào ngạt hương bay

Anh thầm ghen với những cánh hoa này

Đã được em nâng niu bên khóe miệng.

 

Bao ấp ủ trong tình yêu thương mến

Vẫn xa vời như cách núi cách sông

Vẫn ước ao như những cánh hồng

Mong có dịp ôm vào lòng hoa ấy.

 

Làn môi thơm rủ tình yêu thức dậy

Gió vi vu không đổi hướng xoay chiều

Cứ cầm lòng trong thổn thức thương yêu

Thôi em nhé hẹn gặp nhau lần khác…

 

    Tình yêu khiến người ta khao khát những thứ dung dị bình thường nhất từ đối phương mà đôi khi chính chủ thể trữ tình cũng không hiểu nổi mình, khắc họa nên sự ngờ nghệch nhưng đáng yêu của tình yêu đôi lứa.

 

    Và những vần thơ về quê hương, cuộc sống

    Nhà thơ Nguyễn Quang Huệ trải qua nhiều thăng trầm trong cuộc đời. Ông sống xa quê hương và vì vậy đối với quê hương ông có những cảm xúc riêng biệt, có khi là nhớ, có khi là thương. Vì thế những sáng tác của ông không thể thiếu chủ đề này. Hình ảnh quê hương của ông hiện lên thật yên bình trong phiên Chợ quê


Chợ quê họp ở đầu làng

Bên dòng sông nhỏ, bên đàng liên thôn

Rổ rau mẹt cá mớ tôm

Đôi ba hàng thịt dăm con lợn gà

Vài ba chục trứng bày ra

Trước là gặp bạn sau là đổi trao.

 

Tiền nhiều mặc những đâu đâu

Chợ quê góp nhặt lá trầu quả cau

Cảnh quê nghèo túng có nhau

Không đi nhớ bạn nhớ bầu lại di

Chợ tan hàng chẳng còn gì

Tình thêm mấy đoạn chờ kỳ họp sau…

 

    Giọng thơ trầm ấm nhẹ nhàng như một lời tâm sự đã cho chúng ta thấy được tình cảm của tác giả đối với quê hương mình. Hình ảnh phiên chợ quê thật  giản dị và đơn sơ làm sao. Những hình ảnh ấy lại khiến trái tim ông rạo rực về những thời xưa cũ. “Trong Xa lũy tre làng” ông bày tỏ nỗi lòng xa quê hương, chàng trai năm ấy ra Thủ Đô lập nghiệp, thực hiện mong ước xây dựng đất nước nay gửi vào thơ nỗi nhớ nhung của mình:


Xa lũy tre làng


Ra đi từ lũy tre làng

Trai quê lên phố đa mang cuốc cày

Từ ngày xa ruộng đến nay

Tay chai đã lặn để thay bút cầm

Sáo diều xa vắng bao năm

Bờ xôi ruộng mật đã nằm vào tranh

Tưởng quê là mảnh đất lành

Ai ngờ lên phố ẩn danh cả đời…

 

    Đó chính là nỗi nhớ luôn thường trực của một người con xa quê luôn nhớ đến quê hương của mình với những hình ảnh biểu tượng:lũy tre làng, cuốc cày, sáo diều, bờ xôi ruộng mật…

    Nỗi nhớ ấy của nhà thơ lại chực trào hương vị mùi thơm lúa chín, mùi bùn ngai ngái của quê nhà.

    Ngoài những bài thơ viết về quê hương, ông còn thể hiện tình yêu của mình qua tác phẩm


 HÀNH KHÚC ASEAN:


Asean – Asean

Cùng chung bó lúa ngập tràn nắng mưa

Vòng tay nối lại cho vừa

Mười Thủ Đô kéo cao cờ cùng chung

Anh em kết lại một vùng

Một Đông Nam Á một dòng tư duy

Một cờ trong mọi chuyến đi

Ngôi nhà chung của những kỳ gặp nhau.

Chủ nhà anh trước tôi sau

Mong cho hạnh phúc dài lâu mọi nhà

Không chiến tranh, bớt gian tà

Rộng tình quốc tế đó là mục tiêu

Thương nhau chia sẻ mọi điều

Một vùng trời đất gửi nhiều niềm tin…

 

    Nhịp điệu thơ hào hùng, kiêu hãnh, sử dụng từ ngữ cô đọng gần gũi, dễ hiểu, nhà thơ Nguyễn Quang Huệ đã giúp cho người đọc biết đặc trưng văn hóa, đất nước của Việt Nam cũng như mối quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam với các quốc gia, Thủ Đô các nước trong khối ASEAN. Sự hợp tác hiệu quả của các đối tác và tay lái vững vàng của thuyền trưởng  Việt Nam trong năm Chủ Tịch ASSEAN 2020 đã thành công toàn diện, trọn vẹn và thực chất.

 

   Tình yêu dành cho thiếu nhi của một nhà thơ.

Bên cạnh những bài thơ viết về tình yêu, quê hương đất nước, cuộc sống của nhà thơ Nguyễn Quang Huệ còn rất thành công với mảng đề tài thiếu nhi. Ông là một nhà thơ viết nhiều thi phẩm dành cho các em nhỏ. Ông luôn đem đến những niềm vui cho trẻ em qua những thi phẩm đầy hồn nhiên và vui nhộn. Thơ ông mở ra trước mắt các em một thế giới đầy phong phú, tràn ngập sức sống của thiên nhiên. Bằng bút pháp tả thực những hình ảnh trong thơ ông đều rất sinh động và vô cùng chân thực. Những thi phẩm của ông gợi cho các em về thế giới chung quanh và những bài học đắt giá. Tiêu biểu cho phong cách thơ ông chính là bài:

 Mẹ là tất cả. Cùng thưởng thức những vần thơ về mẹ dưới đây để cảm nhận về hình ảnh người mẹ luôn cao quý và quan trọng trong cuộc đời này. Những câu thơ ngắn gọn nhưng vô cùng sâu sắc và ý nghĩa:

 

Mẹ là dòng sông / Để con tắm mát / Mẹ là câu hát / Con nghe ầu ơ / Mẹ là bài thơ / Cho con tập đọc / Mẹ là dáng ngọc của cây mạ gầy / Trở thành hạt gạo / Con ăn mỗi ngày ? Mẹ là vầng mây / Cho con áo mới / Con luôn mong đợi / Suốt đời mẹ vui / Ơi mẹ yêu ơi / Mẹ là tất cả…

  (Bài Mẹ là tất cả)

    Ông rất thích thú khi làm thơ cho trẻ con đọc. Do đó những tứ thơ cho trẻ em được hình thành rất nhanh mỗi khi ông quan sát thế giới chung quanh như bài:


Dàn mướp


Mới đầu mướp nhú / Đội ghế lên đầu / Rễ bám đất sâu / Xòe hai mảnh hạt.

 Tiết trời ấm áp / Mướp lên nhanh dần / Vòi bám chặt dàn / Ra hoa ra lá.

 Hoa vàng đẹp quá ? Ong bướm lại về / Tụ họp đông ghê / vo ve tìm mật.

 Lá xanh che mát / Quả buông dưới dàn / Như thò tay bắt / mỗi lần bạn sang.

Mỗi lần mẹ cắt / Từng rổ mướp đầy / Chia nhà mấy quả / Hương chiều thơm lây…

    Với thi phẩm “Dàn mướp” nổi bật cho phong cách nhà thơ Nguyễn Quang Huệ. Bài thơ mở ra một thế giới mới cho thiếu niên nhi đồng, giúp trẻ nhận biết rõ hơn về thé giới bên ngoài. Với nhịp điệu vui nhộn, bài thơ này được rất nhiều bạn đọc nhỏ tuổi biết đến và yêu thích.

    Hay như câu chuyện giữa sâu và kiến trong bài Vĩnh biệt bác sâu mới thật hấp dẫn:


Bác Sâu nhịn thở một ngày

Mà sao không thấy vợ hay họ hàng

Chia buồn nhà Kiến mới sang

Phân công lo giúp dám tang đau lòng.

 

Kiến càng to nhất đám đông

Chịu trách nhiệm chính đánh cồng lúc đưa

Kiến thợ hàm khỏe dư thừa

Người kéo người đẩy cho vừa chuyến đi

Kiến hôi người bé tí ti

Phun mùi sát khuẩn trước khi xuống giường

Làm sao giữ sạch môi trường

Mọi người dễ chịu trên đường đưa tang

Đến nơi thôi khỏi phải bàn

Cho vào hỏa táng là an tâm rồi

Kiến đen yếu ớt được mời

Tiếp khách, gọi điện báo nơi quê nhà

Họ hàng chú bác gần xa

Làm sao tiết kiệm tối đa tang này.

 

Bác Sâu dưới đấy có hay?

Nếu biết tin này chắc rất cám ơn…

 

    Câu chuyện kiến, sâu mang thông điệp đậm tính nhân văn khi bác Sâu chết. Chính họ hàng Kiến lại lo làm đám tang cho Sâu.

    Bằng sự quan sát tinh té, Nguyễn Quang Huệ đã phát hiện ra đặc điểm của mỗi con vật. Ông đã chọn ra độc đáo để miêu tả những loài vật đáng yêu, đáng quý như bài thơ dưới đây:


Hươu cao cổ


Chị dẫn chơi công viên / Em thấy hươu cao cổ / Trông hươu thật là ngộ / Cái cổ quá là dài / Còn cái đuôi lại ngắn ? Cái cổ dài gấp hai.

Cho chị hỏi hươu này / Cổ mày sao dài thế? / Hươu trả lời thật dễ / Lá cỏ ở dưới chân / Trâu bò đã tranh phần ? Có còn chi hươu sống?

Thượng Đế thấy cảm động / Đã nối cổ cho hươu / Nối thêm chân cho cao / Để hươu ăn cành ngọn…

    Nắm bắt được tâm lý trẻ em, ông đã đi sâu tìm hiểu đời sống và hoạt dộng loài vật và khai thác tính cách và vẻ đẹp của chúng. Qua đôi mắt trẻ thơ nhân vật Hươu cao cổ được ông nhắc tới thật ngộ nghĩnh đáng yêu.

   Nhà thơ Nguyễn Quang Huệ quan niệm:  Với những người viết chuyên nghiệp họ đặt nghề nghiệp lên trên hết, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, người ta cũng vẫn sáng tác. Tính đến nay nhà thơ Nguyễn Quang Huệ đã cho ra mắt 12 tập thơ gồm 6 tập cho thiếu nhi, 6 tập viết về tình yêu người lớn và cho người lớn, ba tập văn xuôi gồm: một tập tản văn Ra ngõ mà trông, một tập hồi ký và truyện ngắn Những tháng ngày trên đất vườn treo và tiểu thuyết Cưới nghèo.

    Đặc biệt những tập thơ, văn nói trên đều do các nhà xuất bản Quốc gia gồm: NXB Hội Nhà văn; NXB Văn học; NXB Thanh niên cấp phép xuất bản.

    Cố nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo đã từng viết về ông: Nguyễn Quang Huệ đã làm thơ từ khi còn là sinh viên, nhưng công việc của một kỹ sư xây dựng đã cuốn ông đi, mãi đến khi nghỉ hưu ông mới chợt nhớ tới nàng thơ thời trẻ mình đã từng say đắm. Và tiếng gõ cửa của nàng thơ đã lại đánh thức trái tim nhạy cảm của ông thêm lần nữa. Với vai trò một nhà thơ ông đã gây ấn tượng đặc biệt với độc giả của mình qua những tác phẩm văn học…

    Nhờ  lao động nghệ thuật nghiêm túc ông đã nhận được  nhiều giải thưởng văn học như:

-         1965 giải B về thơ của Đoàn các cơ quan Trung ương

-         2015 giải tập thơ xuất sắc Công chúa Ếch

-         2016 giải khuyến khích thi thơ toàn quốc do hội Người cao tuổi VN tổ chức.

-         2019 giải khuyến khích tổng công ty VINACONEX tổ chức.

Trang thơ Nguyễn Quang Huệ thường xuyên có bạn đọc mở trang theo dõi.

    Bên cạnh những giải thưởng trên Nhà thơ Nguyễn Quang Huệ là một trong những gương mặt tiêu biểu được lựa chọn giới thiệu trong nhiều sách báo như: Chân dung tác giả và tác phẩm văn học, gương sáng chí bền, nhiều thơ văn được in trên báo Người Hà Nội, tạp chí Người Xây Dựng v.v…Ông còn vinh dự là khách mời của nhiều chương trình truyền hình về lĩnh vực thi ca như: năm 2012 tham gia chương trình người yêu thơ của Đài Truyền hình Việt Nam, Năm 2013Đài Truyền hình Hà Nội làm phóng sự với chủ đề Nguyễn Quang Huệ, hai trong một: thơ thiếu nhi và thơ tình. Năm 2014 ông là đại biểu và là nhân vật trong phim truyền hình “Tiếng thơ vọng mãi” do VOV + Viện nghiên cứu nhân tài, nhân lực và thi đàn viêt Nam đồng tổ chức. Năm 2015 ông tham gia chương trình “Người yêu nghệ thuật” của Đài Tiếng nói Việt Nam, giới thiệu về thơ Nguyễn Quang Huệ. Năm 2016 VOV-TV làm phóng sự với chủ đề; Nguyễn Quang Huệ - “Những công trình và những vần thơ”.

    Cuộc sống hiện tại của ông có lẽ đã thực sự viên mãn khi bên cạnh có người bạn đời luôn kề vai sát cánh, chia sẻ bao nỗi buồn, niềm vui với ông. Bà đã cùng ông nuôi dạy hai con khôn lớn, trưởng thành và hiện nay đều thành đạt, các cháu nội ngoại đều ngoan ngoãn và học giỏi…

 

    Nhà thơ nguyễn Quang Huệ là người kỹ sư tâm hồn, người kỹ sư vừa nhiệt huyết vừa giàu lòng thương yêu. Một nhà thơ với đong đầy cảm xúc và tình yêu lãng mạn. Đối với ông xây dựng cuộc sống và làm đẹp cho đất nước luôn là điều tuyệt vời nhất mà ông đã và đang thực hiện. Tưởng rằng những bản vẽ, những con số sẽ làm thơ ông khô khan. Vậy mà những con chữ khi được ghép vào nhau lại uyển chuyển, nhịp nhàng và đong đầy cảm xúc đến lạ kỳ. Bảy mươi chín mùa xuân đã qua, hai mươi năm cày xới trên cánh đồng thơ đầy thách thức để hôm nay ta có nhà thơ Nguyễn Quang Huệ một trong những nhà thơ thuộc nhóm lớn tuổi của Hội Nhà văn Hà Nội. Những đóng góp không hề nhỏ cho thơ văn nước nhà của nhà thơ thật đáng trân trọng.

    Xin chúc ông chân cứng đá mềm, tâm hồn trẻ mãi để có thêm những vần thơ  vượt lên tuổi tác, vượt lên thời gian, cống hiến cho đời những thành tựu mà chúng tôi, lớp đàn em, đàn cháu của ông luôn ngưỡng mộ…

 

 

lăng mộ đá toyota thanh hóa